(Pháp lý) - Từ khi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi năm 2017) có hiệu lực thi hành, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định, đặc biệt là việc xử lý các pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội. Chuyên gia pháp luật hình sự cho rằng trước mắt phải hướng dẫn cụ thề, về lâu dài cần có bộ phận chuyên trách để xử lý trách nhiệm hình sự (TNHS) pháp nhân.
Mới chỉ khởi tố được vài doanh nghiệp buôn lậu
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, chủ yếu mới chỉ khởi tố được một số pháp nhân thương mại về hành vi buôn lậu.
Theo đó, ngày 17/8, Cục Hải quan TP.HCM đã ra quyết định khởi tố hình sự về tội “buôn lậu” đối với Công ty TNHH Giao nhận Vận tải Sun Flower vì doanh nghiệp này đã nhập khẩu trái phép phụ tùng ô tô cũ. Đây là những loại hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
Trước đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cũng đã ra quyết định khởi tố hình sự về hành vi buôn lậu đối với Công ty TNHH XNK Trần Vượng (TP.HCM).
Ngoài một số trường hợp nói trên, thực tế có dấu hiệu tội phạm hình sự của nhiều doanh nghiệp đã được chuyển đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét xử lý hình sự.
Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các hồ sơ đều đang bị “treo” chưa thể xử lý.
Điển hình như trong lĩnh vực BHXH, ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết đã chuyển hồ sơ đối với 10 doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, có dấu hiệu vi phạm Điều 216 của Bộ luật Hình sự đến Công an Thành phố đề nghị xử lý hình sự theo quy định pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay, những vụ việc này vẫn chưa được giải quyết.
Tại tỉnh Tây Ninh, cuối năm 2018, ông Nguyễn Văn Huấn - Giám đốc BHXH tỉnh cũng đã ký văn bản và chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra hình sự đối với 6 doanh nghiệp trốn đóng BHXH nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị khởi tố.
Bất cập trong quy định
BLHS 2015 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau: Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, trong thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh đầy đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đơn cử như việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS.
Thời hiệu truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 27 là: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, để xác định được hành vi phạm tội của pháp nhân có còn thời hiệu truy cứu TNHS hay không thì phải xác định được tội phạm mà pháp nhân thực hiện đó thuộc loại tội gì: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng…
Theo phân loại tội phạm tại Điều 9 thì tội phạm được phân loại thành 04 loại gồm: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù; Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Chế tài xử lý đối với pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 33 thì hình phạt chính gồm: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Theo đó, trong tất cả các hình phạt đối với pháp nhân thương mại, không có hình phạt tù.
Đối chiếu với các quy định tại Điều 9 nêu trên, nhận thấy: Nếu pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội thuộc khung hình phạt có mức cao nhất của khung đối với tội ấy là phạt tiền, tức là pháp nhân này đã phạm vào tội ít nghiêm trọng. Nếu pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội thuộc khung hình phạt có mức cao nhất của khung đối với tội ấy là đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì trong trường hợp này tội phạm do pháp nhân thực hiện được phân loại là tội phạm gì (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Khoản 2, Điều 9 quy định: “tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76”.
Tuy nhiên, chưa có quy định nào “quy đổi” tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà PNTM thực hiện tương ứng với mức cao nhất của khung hình phạt mà PNTM phải chịu trong BLHS. Hơn nữa, hình phạt chính đối với PNTM phạm tội chỉ có hình phạt tiền là có thể quy đổi, nhưng chỉ tương ứng với tội phạm ít nghiêm trọng.
Pháp nhân có thể là đồng phạm trong vụ án hình sự ?
Kể từ khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành, đã có nhiều nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý đặt ra câu hỏi liệu pháp nhân thương mại có thể là đồng phạm trong vụ án hình sự hay không? Nếu có, thì có trường hợp pháp nhân thương mại là đồng phạm với pháp nhân thương mại không và có thể xảy ra đồng phạm giữa pháp nhân thương mại và cá nhân hay không?
Quy định về đồng phạm tại Điều 17 BLHS 2015 như sau: đồng phạm phải là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm có thể bao gồm người thực hành, người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục.
Như vậy, với khái niệm đồng phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 BLHS 2015 thì nhà làm luật đã xác định người đồng phạm ở đây chỉ phù hợp cho việc giải thích người đồng phạm là cá nhân, không phù hợp để giải thích cho khái niệm pháp nhân thương mại.
Điều 8 BLHS 2015 thì: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…”. Như vậy, trong khái niệm tội phạm, BLHS 2015 đã quy định rõ có hai chủ thể chính thực hiện hành vi phạm tội gồm “người có năng lực trách nhiệm hình sự” và “pháp nhân thương mại”.
Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 85 BLHS 2015 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại, có tình tiết “Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”. Điều này được hiểu là phạm tội có tổ chức.
Chính vì sự quy định thiếu thống nhất trong nội dung của các điều luật nên đã dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định đồng phạm pháp nhân trong BLHS.
Nhận định của chuyên gia pháp luật
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí – nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, truy cứu TNHS đối với pháp nhân phạm tội ở các nước trên thế giới, thì pháp nhân công quyền cũng bị truy cứu TNHS đối với bất kỳ một tội phạm nào.
Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên BLHS quy định về TNHS đối với pháp nhân. Do đó, các nhà làm luật mới chỉ đặt ra đối với TNHS pháp nhân thương mại đối với một số tội.
Hiện nay, mới chỉ khởi tố một số vụ án hình sự đối với doanh nghiệp có dấu hiệu của hành vi buôn lậu. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường, bảo hiểm… thì chưa thể khởi tố, nguyên nhân chính là do cơ quan chức năng chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến TNHS pháp nhân thương mại. Mãi đến tháng 8 vừa qua, TANDTC mới ban hành NQ hướng dẫn áp dụng Điều 214, 215, 216 của BLHS.
Bên cạnh đó, việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại còn liên quan đến các hoạt động tố tụng: quá trình khởi tố, điều tra, thu thập chứng cứ, truy tố…được quy định tại BLTTHS, tuy nhiên, ngay cả BLTTHS hiện nay cũng chưa có các hướng dẫn cụ thể.
Đối với vấn đề đồng phạm pháp nhân thương mại thì theo nhận định của PGS Nguyễn Ngọc chí, hiện nay pháp luật chưa quy định rõ ràng. Giữa pháp nhân với pháp nhân có đồng phạm với nhau hay không?; giữa pháp nhân với cá nhân có đồng phạm với nhau hay không? thế nhưng về mặt khoa học thì mỗi người lại dựa trên một học thuyết khác nhau nên có quan điểm khác nhau:
Có quan điểm cho rằng: Pháp nhân không phải là chủ thể của tội phạm mà pháp nhân chỉ là chủ thể của TNHS, theo đó pháp nhân không phải là đồng phạm.
Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Chí: pháp nhân là chủ thể của tội phạm, do đó là chủ thể của TNHS, theo đó giữa pháp nhân với pháp nhân cũng có đồng phạm; giữa pháp nhân với cá nhân cũng có đồng phạm, cá nhân ở đây có thể là cá nhân trong hoặc ngoài pháp nhân … nếu hành vi được thực hiện do cố ý.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án TAQS Trung ương cho rằng, thực tế có thể truy cứu TNHS một pháp nhân với vai trò là đồng phạm trong một vụ án hình sự với điều kiện các pháp nhân đó cùng cố ý thực hiện một tội phạm các pháp nhân đều đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Độ lấy ví dụ đối với hành vi buôn lậu có nhiều pháp nhân tham gia, giám đốc công ty A thực hiện các nhiệm vụ của công ty A về thủ tục giấy tờ, giám đốc công ty B thực hiện nhiệm vụ của công ty B về hàng hóa, đầu mối hàng hóa, hay tiêu thụ… các pháp nhân này có bàn bạc với nhau, có tổ chức, có phân công… để thực hiện hành vi buôn lậu đó thì những pháp nhân đó sẽ cùng chịu TNHS về đồng phạm.
Cần bộ phận chuyên trách về xử lý TNHS pháp nhân
Để có thể khắc phục được những khó khăn, bất cập, nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, đặc biệt đối với tội phạm mà chủ thể là pháp nhân thương mại, các chuyên gia cho rằng:
Trước nhất phải hướng dẫn, phải quán triệt, phải tập huấn. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền đặc biệt là Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, các Bộ ngành liên quan… phải có hướng dẫn cụ thể để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng thống nhất các quy định của BLHS trong thực tiễn việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân phạm tội.
Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn riêng về thời hiệu truy cứu TNHS cho pháp nhân. Và cần xác định rõ trường hợp nào là tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện là các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Về lâu dài, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án cần thành lập bộ phận chuyên trách về xử lý TNHS đối với pháp nhân. Việc này sẽ tạo điều kiện trong việc hướng dẫn, quán triệt, tổ chức tập huấn cho người tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất pháp luật hình sự.
V.Chiến