Góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên về chế định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật

23/04/2024 08:45

(Pháp lý). Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm tạo lập khung pháp lý thống nhất dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên (NCTN); hướng đến bảo đảm tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát NCTN vi phạm pháp luật, cải thiện hiệu quả các biện pháp xử lý đối với NCTN.

Bài viết sau, tác giả nghiên cứu và góp ý về chế định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

1-1712735970.png

Ảnh minh hoạ

1. Vai trò của xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên.

Tình trạng NCTN phạm tội ngày càng tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt nam, là một trong những vấn đề nóng bỏng và là một trong những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam tình trạng tội phạm NCTN có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao. Số lượng các vụ án tăng nhanh, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cùng với tính chất phức tạp của từng vụ án là những thủ đoạn tinh vi, do đó tính nguy hiểm ngày càng cao để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm xôn xao dư luận xã hội.

Việc gia tăng các vụ án có bị cáo là NCTN phạm tội không chỉ tăng về số lượng các bị cáo, mà tuổi đời phạm tội của các bị cáo là người chưa thành niên cũng trẻ hoá, có nhiều vụ án các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình như tội: “Cố ý gây thương tích”, “Giết người”, “Cướp tài sản”, “Trộm cắp tài sản”.

2-1712735976.jpg

Các đối tượng tham gia đánh nhau vì mâu thuẩn trên facebook tại huyện Tân Phước

Do đó, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đưa ra biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN vi phạm pháp luật là rất cần thiết và phù hợp với xu thế của thế giới và thực tiễn cải cách tư pháp của Việt Nam.

Xử lý chuyển hướng là biện pháp xử lý đối với NCTN vi phạm pháp luật, biện pháp này giúp họ loại bỏ việc phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên vẫn phải chịu một biện pháp xử lý khác. Việc quy định chuyển hướng như trên thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với NCTN. Bởi ở độ tuổi dưới 18 tuổi thì về cả thể chất, nhận thức, kiến thức, tâm lý chưa phát triển toàn diện luôn bị thay đổi, tác động do môi trường giáo dục gia đình, những tác động ngoài xã hội từ bạn bè, mạng xã hội… nên chưa nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân.

Xử lý chuyển hướng tạo cơ hội cho NCTN vi phạm pháp luật nhìn nhận lại và chịu trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm mà mình đã thực hiện mà không để lại án tích cho các em. Và vì thế giúp ngăn ngừa sự miệt thị của xã hội đối với NCTN vi phạm pháp luật cũng như các hậu quả bất lợi của việc bị đưa ra xử lý theo hệ thống tư pháp hình sự. Đồng thời cho phép các cán bộ tư pháp xử lý vụ việc một cách nhanh chóng và buộc NCTN vi phạm pháp luật phải chịu những hình thức kỷ luật tức thì đối với hành vi phạm pháp của mình. Điều này làm giảm số lượng các vi phạm nhỏ và ít nghiêm trọng hiện đang gây ra tình trạng tồn đọng, tắc nghẽn trong hệ thống tư pháp chính thống và cho phép tập trung nguồn lực vào những người vi phạm nhiều lần và có nguy cơ cao. 

Việc xử lý chuyển hướng không nhằm đến việc áp dụng các chế tài có tính chất trừng phạt người vi phạm pháp luật mà chú trọng việc hoà giải và khắc phục thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên gây ra, qua đó, khuyến khích NCTN vi phạm pháp luật tự ý thức được và tự chịu trách nhiệm giải thích về những thiệt hại đã gây ra.

Với các mục tiêu và cách thức như vậy, xử lý chuyển hướng thúc đẩy một cách tích cực việc tái hoà nhập của NCTN vi phạm pháp luật vào gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, các chương trình xử lý chuyển hướng tạo ra cơ hội cho người bị hại và cộng đồng tham gia vào lựa chọn một biện pháp xử lý thích hợp đối với hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên để giảm thiểu nguyên nhân và nguy cơ vi phạm pháp luật, vì thế sẽ mang tính hiệu quả cao hơn so với việc xử lý bằng hệ thống tư pháp chính thức. 

2. Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và nội dung xử lý chuyển hướng

Dự thảo Luật Tư pháp NCTN hiện nay gồm 175 điều, bố cục thành 5 phần, 11 chương, gồm 11 nguyên tắc cơ bản đối với hoạt động tư pháp NCTN, đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng trong đó kế thừa các biện pháp của Bộ luật Hình sự hiện hành và phát triển thêm 18 biện pháp, thể hiện tính ưu việt và nhân văn của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trong 11 biện pháp xử lý chuyển hướng có 10 biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng, 1 biện pháp duy nhất là giáo dục tại trường giáo dưỡng, trong đó giữ nguyên 2 biện pháp đang quy định trong Bộ luật Hình sự là khiển trách và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Biện pháp hòa giải tại cộng đồng đang quy định trong Bộ luật Hình sự sẽ được tách thành 2 biện pháp, gồm xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại.

Cùng với đó là bổ sung 6 biện pháp xử lý chuyển hướng mới: tham gia các chương trình học tập, dạy nghề; tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại. Dự thảo cũng chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trở thành biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng.

3-1712735976.jpg

Giáo dục tại trường giáo dưỡng là một trong những biện pháp xử lý chuyển hướng. Nguồn: ITN

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, tác giả cho rằng Dự thảo luật cần quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị áp dụng biện pháp chuyển hướng gồm:

(1) Đã 1 lần gia hạn thời gian áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật; (2) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do cố ý và có đủ điều kiện quy định tại Điều 28 của luật này; (3) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 168, 169, 248, 249, 250, 251, 252, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có đủ điều kiện quy định tại Điều 28 của luật này; (4) Các trường hợp khác, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của NCTN phạm tội, cần thiết phải đưa NCTN vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

Thứ hai, các hình thức xử lý chuyển hướng đối với NCTN được quy định tại khoản 1 Điều 27 Dự thảo gồm có 11 hình thức: khiển trách; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; xin lỗi người bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; giáo dục tại trường giáo dưỡng.

So sánh với các quy định tại Điều 32, 46, 93, 94, 95, 96, 98 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Dự thảo quy định thêm 5 biện pháp xử lý mới.

Việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp này phải thỏa mãn điều kiện tại Điều 28, 29 Dự thảo, Tòa án quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội thuộc các trường hợp sau:

Điều 28: Đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng

Người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng:

1. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự;

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự;

3. Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Đối chiếu theo Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì về tổng quan Dự thảo đã nới rộng phạm vi áp dụng miễn trách nhiệm hình sự cho NCTN phạm tội. Quy định trong Dự thảo đã phi tội phạm hóa rất nhiều đối với NCTN phạm tội. Hay nói cách khác, chúng ta chuyển một số lớn các hành vi của NCTN quy định trong BLHS là tội phạm trở thành không còn là tội phạm trong Luật TPNCTN. Chẳng hạn, một người 15 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng như tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội mua bán người (Điều 150); tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); tội cướp tài sản Điều (168); tội cướp giật tài sản (Điều 171); tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) …nếu áp dụng hình thức xử lý chuyển hướng như Dư thảo Luật Tư pháp NCTN thì đều có thể được miễn trách nhiệm hình sự, việc này theo quan điểm của cá nhân tác giả là không phù hợp với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, không phù hợp với mục đích phòng ngừa tội phạm.

Từ những phân tích về hình thức xử phạt, điều kiện áp dụng cho thấy quy định về hình phạt còn chưa thống nhất, điều kiện áp dụng mang tính tùy nghi, việc chồng chéo về quy định khi cả hai văn bản cùng điều chỉnh một hành vi của một chủ thể sẽ dẫn đến lúng túng , bất cập trong việc truy tố, xét xử. Nếu áp dụng BLHS 2015 ( sửa năm 2017) thì đề cao tính răn đe, nghiêm khắc còn nếu áp dụng Luật Tư pháp NCTN thì lại nới lỏng, chưa thích đáng đối với hành vi phạm tội.

Nếu song song cùng có hiệu lực trên thực tiễn thì việc mâu thuẫn giữa các quy định về trách nhiệm hình sự NCTN trong BLHS hiện hành với các quy định của Luật Tư pháp NCTN là hoàn toàn có thể xảy ra ở nhiều trường hợp. Việc quy định tại nhiều luật, bộ luật sẽ dẫn đến không thuận tiện trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự của người áp dụng pháp luật hình sự. Bởi lẽ, không thể tra cứu cùng một lúc vừa quy định tội danh, thời hiệu, các tình tiết giảm nhẹ của BLHS, vừa tra cứu quy định của Luật Tư pháp NCTN. Sự rắc rối trong việc quy định quy phạm pháp luật hình sự ở nhiều văn bản là không thuận lợi cho người dân trong việc tìm hiểu quy định của luật hình sự và người áp dụng pháp luật trên thực tế. Đứng về góc độ bảo đảm quyền con người thì quy định pháp luật hình sự ở nhiều văn bản là không ổn.

Do đó, để đồng bộ, thống nhất trong áp dụng thì cần quy định các hình thức xử lý chuyển hướng, điều kiện áp dụng các hình thức này theo hướng đồng bộ, cụ thể hóa các quy định tại Chương X Những quy định đối với NCTN phạm tội của BLHS, cũng như Chương I Quy định chung về xử lý vi phạm hành chính NCTN trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời đề xuất xây dựng thêm trong Dự thảo những quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng, cũng như xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp NCTN được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.

Thứ ba, Luật Tư pháp NCTN cần quy định hậu quả pháp lý của việc không tuân thủ, tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Thực tế qua tổng kết, khảo sát thời gian qua cho thấy, việc áp dụng các biện pháp này đối với người chưa thành niên là rất ít và hãn hữu. Từ năm 2019 đến năm tháng 6/2023, chưa có trường hợp nào được áp dụng biện pháp Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; chỉ có 16 trường hợp được áp dụng biện pháp Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thực tế này, xuất phát từ việc hoài nghi của các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng chế tài này thấy cơ chế thi hành không hiệu quả, nên thường áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo.

Mục đích của quy định này sẽ tạo điều kiện, động lực cho người chưa thành niên hoàn thiện, cải tạo ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội. Các hậu quả có thể xảy ra nếu không tuân thủ: (1) Bị áp dụng biện pháp thi hành án tạm thời; (2) Tăng thời hạn xử lý chuyển hướng; (3) Tiếp tục bị truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp.

Trường hợp tuân thủ biện pháp xử lý chuyển hướng thì được xem xét giảm thời hạn xử lý chuyển hướng; cấp chứng chỉ chấp hành xong biện pháp xử lý chuyển hướng và miễn trách nhiệm hình sự, không bị tiếp tục bị truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp.

Ngoài các biện pháp xử lý chuyển hướng hiện hành là: Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Dự thảo Luật  nghiên cứu, bổ sung các biện pháp mới như: Bắt buộc đi học; Đặt dưới sự giám sát và có hướng dẫn; Cấm đến hoặc xuất hiện thường xuyên tại một địa điểm; Lao động công ích.

Thứ tư, Dự thảo luật quy định giao cho Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở đề nghị của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân hoặc tự mình xem xét. Thay vì hiện tại thẩm quyền này được giao cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và hội đồng xét xử. Việc thay đổi thẩm quyền bảo đảm việc áp dụng thống nhất, hiệu quả các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN và bảo đảm quyền con người, quyền công dân của NCTN, sự cẩn trọng trong việc xem xét, quyết định áp dụng./.

ThS. Nguyễn Duy Huy (Học viện Cảnh sát nhân dân)
Bạn đang đọc bài viết "Góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên về chế định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin