Qua nghiên cứu một số vụ án cụ thể, chúng tôi phân tích một số dấu hiệu pháp lý đặc trưng để nhận diện một số tội danh tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế khi có chủ thể là doanh nghiệp ngoài nhà nước
Chủ thể ở khu vực ngoài nhà nước có hành vi thông đồng với tội phạm ở khu vực công
Vừa qua, mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ TN&MT và các đơn vị liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan, TGĐ Công ty CP Quốc Cường Gia Lai về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đặc điểm cơ bản của cấu thành tội danh này phải là người được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản dẫn đến sự thất thoát và lãng phí. Vậy bà Nguyễn Thị Như Loan, là chủ một doanh nghiệp tư nhân vì sao bị khởi tố về tội danh này ?
+ Về mặt khách thể: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là một hành vi phạm tội được xác định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Nếu như trước đây theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, tội phạm chỉ xảy ra trong các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, và tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp; thì kể từ ngày 01/01/2018 (khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực), loại tội phạm này còn xảy ra trong các “doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công”.
Trong tội phạm này, đối tượng bị xâm hại là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (được quy định tại khoản 1 Điều 3 và Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017), bao gồm: (i) Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; (ii) Tài sản tại doanh nghiệp; (iii) Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; (iiii) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; (iiiii) Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước; (iiiiii) Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.
Tội phạm xảy ra khi người vi phạm vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao. Có nhiều hành vi vi phạm có thể xảy ra, chẳng hạn như: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công; giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng; sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật; chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công… (Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017)
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Quốc Cường (Gia Lai), CQĐT xác định: hành vi vi phạm của bị can Nguyễn Thị Như Loan đã xâm hại đến vốn góp tại khu đất thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Có nghĩa bị can đã xâm hại đến tài sản công tại doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
+ Về mặt khách quan của tội phạm: Cũng trong vụ án xảy ra tại TĐ Cao su VN, CQĐT xác định, hành vi vi phạm của bị can Nguyễn Thị Như Loan có dấu hiệu thông đồng với Lê Y Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Retro Harvest Finance; Đặng Phước Dừa - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư thương mại Việt Tín và một số người thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa ký kết các văn bản thỏa thuận, hợp tác đầu tư, chuyển nhượng vốn góp để thâu tóm 100% vốn góp tại khu đất từ Tập đoàn Cao su Việt Nam không qua đấu giá, trái với quy định của pháp luật để bán cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng. Hành vi vi phạm của bị can Loan đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan là có căn cứ
+ Về mặt chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm thường là những người được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công. Điều này thường áp dụng cho những quan chức, lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên trong trường hợp vụ án trên, bị can Nguyễn Thị Như Loan bị quy kết có dấu thông đồng (tức là đồng phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 17 BLHS 2015) với các chủ thể là đại diện pháp luật các doanh nghiệp Nhà nước (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa) . Do đó có thể thấy chủ thể của tội phạm không nhất thiết phải là người được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công.
+ Về mặt chủ quan của tội phạm: Đó chỉ có thể là kết quả của ý định cố ý từ phía những người có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản này. Theo đó, hành vi thông đồng vi phạm quy định về quản lý tài sản công tại các doanh nghiệp của bị can Nguyễn Thị Như Loan, chắc chắn được thực hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp.
Như vậy việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan, TGĐ Công ty CP Quốc Cường Gia Lai về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là hoàn toàn có căn cứ pháp luật.
Chủ thể chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý
Cũng giống như tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tội Tham ô tài sản là tội danh mới được bổ sung vào Điều 353 BLHS năm 2015. Đặc điểm cơ bản của CTTP đối với tội danh này, chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; có hành vi chiếm đoạt tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên trong đại án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy cứu TNHS về tội Tham ô tài sản với số tiền khủng, nhưng là chủ một tập đoàn tư nhân và không phải là người có chức vụ, quyền hạn. Vậy có gì đặc biệt trong yếu tố CTTP tội danh này (?)
Xét về mặt khách thể: Đối với tội Tham ô tài sản, hành vi của tội phạm đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị suy yếu, mất uy tín. Hành vi tham ô tài sản đã tác động đến tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Tài sản này bao gồm tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức trong nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Có thể thấy hành vi tham ô của bị cáo Lan và đồng phạm đã xâm hại đến tài sản của Ngân hàng SCB mà bị cáo có trách nhiệm quản lý.
Mặt khách quan của tội phạm: Là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng. Nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Ngược lại, nếu hành vi chiếm đoạt tài sản do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là tham ô tài sản. Trong đại án VTP mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ, quyền hạn trong SCB nhưng các cơ quan tố tụng xác định, bị cáo là người tổ chức, cầm đầu có hành vi chi phối (HĐQT và Tổng Giám đốc là những người có quyền hạn tại SCB) để chiếm đoạt tiền của SCB. Như vậy hành vi của bị cáo Lan thỏa mãn yếu tố khách quan của tội Tham ô tài sản. Có thể nói đây là dấu hiệu đặc trưng mang tính phát hiện mới của các cơ quan tố tụng.
Chủ thể của tội phạm: Là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015). Đối với Tội tham ô tài sản các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội. Theo Viện Kiểm sát, mặc dù Điều 353 BLHS 2015 quy định người phạm tội tham ô là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Cơ quan tố tụng đã chứng minh bà Lan tuy không giữ chức vụ, nhưng có quyền hạn cao nhất tại SCB và đã dùng quyền hạn này để chi phối hoàn toàn hoạt động của SCB, nên không có lý do nào để nói bà Lan không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản.
Trong bài viết: “Bình luận về Tội tham ô tài sản”, Tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, phân tích: “Chủ thể của Tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới tham ô tài sản được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án tham ô tài sản không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng người thực hành trong vụ án đồng phạm tham ô tài sản nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn”.
Mặt chủ quan: Tội tham ô tài sản cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là, “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra” (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015); không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Kết luận và nhận diện
Từ những phân tích trên có thể rút ra các dấu hiệu đặc trưng để nhận diện tội danh: Tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS; và tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS trong trường hợp chủ thể là doanh nghiệp ngoài nhà nước, như sau:
+ Đối với tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí: Ngoài các yếu tố CTTP (khách thể, khách quan, chủ quan) thì chủ thể của tội phạm không nhất thiết là người trực tiếp được giao quản lý tài sản công, nhưng nếu có căn cứ xác định có hành vi thông đồng với tội phạm (tức thỏa mãn yếu tố đồng phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 17 BLHS 2015); thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 219 BLHS, theo đó phải chịu sự chế tài của pháp luật. Bị can Trần Thị Như Lan, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường – Gia Lai vừa bị CQĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giam là một ví dụ.
+ Đối với tội Tham ô tài sản: Từ đại án VTP cho thấy, chủ thể của tội phạm không nhất thiết phải là người giữ chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân) nhưng nếu đó là người tổ chức, cầm đầu có hành vi chi phối các chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý mà thỏa mãn các yếu tố CTTP còn lại, thì sẽ bị truy cứu TNHS tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 BLHS, theo đó phải chịu sự chế tài của pháp luật. Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là một ví dụ điển hình về tội danh này.
----------------------------------------
Bài viết có tham khảo:
https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/binh-luan-toi-tham-o-tai-san-d10-t1339.html
https://tuoitre.vn/bo-cong-an-thong-tin-them-ve-viec-bat-tong-giam-doc-quoc-cuong-gia-lai-nguyen-thi-nhu-loan-2024080517042226.htm