Dự án đường sắt đô thị TOD
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù giúp thủ đô Hà Nội khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá; có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan với những điều kiện đặc thù.
Các chuyên gia đánh giá, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian qua về nguồn lực, thu hút đầu tư. Để khơi thông nguồn vốn phát triển đường sắt đô thị (ĐSĐT), Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao (hay còn gọi là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa các cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng và chuyển giao công trình đó cho cơ quan sau khi hoàn thành.
Đồng thời, Luật đã đưa ra hàng loạt ưu đãi đặc thù cho nhà đầu tư đối với các dự án được ưu tiên để tăng tính hấp dẫn như: miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; ưu tiên thủ tục hải quan, về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án do nhà đầu tư phát triển chiến lược; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 09 năm tiếp theo. (Khoản 2 Điều 43).
Luật Đất đai 2024 sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư kinh doanh năm 2025
Lẽ ra đến tháng 1 năm 2025 Luật Đất đai mới có hiệu lực thi hành, nhưng để sớm khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho DN , Quốc hội khóa XV đã quyết định đẩy “Luật Đất đai có hiệu lực thi hành sớm hơn kể từ ngày 1.8.2024” thay vì từ ngày 1.1.2025.
Việc quyết định thi hành luật sớm 5 tháng nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Do đó, những chính sách đột phá mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ tiếp tục có những tác động mạnh mẽ tới hoạt động đầu tư kinh doanh của DN trong năm 2025.
Đó là chính sách bỏ quy định về khung giá đất. Đây là điểm mới quan trọng được luật hóa theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương. Chủ trương này được các chuyên gia pháp luật và kinh tế đánh giá là mang tính đột phá quan trọng và kì vọng sẽ bỏ được sự chênh lệch giá trị thực và giá trị ảo, giúp phòng chống tiêu cực tham nhũng và hạn chế giảm mạnh khiếu nại phát sinh từ đất. Trong đó, việc định giá đất phải bảo đảm trung thực khách quan, công khai, minh bạch. Bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất.
Ảnh minh họa
Một điểm đáng lưu ý, Luật đất đai 2024 quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, chỉ áp dụng cho các dự án quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng (có đủ điện, đường, trường, trạm…). Trường hợp còn lại phải đấu giá, đấu thầu khi giao đất, cho thuê đất. Đây là những phương thức cạnh tranh nhằm lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực "thật", từ đó giúp "thanh lọc" thị trường. Các doanh nghiệp nhỏ buộc phải liên kết hình thành các doanh nghiệp lớn theo mô hình tập đoàn để tăng khả năng cạnh tranh; số lượng doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp nhưng quy mô trung bình, vốn lại mở rộng. Ngoài ra, đối với các dự án quy mô nhỏ, chủ đầu tư phải chủ động đàm phán với người dân để xác định mức đền bù hợp lý. Điều này cũng góp phần giảm các tình huống tranh chấp, kiện tụng. Bên cạnh đó khoản 2 Điều 30 Luật Đất đai 2024, qui định doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất như tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư ở nước ngoài,… đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê có thể chuyển sang trả tiền hàng năm. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu.
Đáng chú ý Luật Đất đai 2024 đã quy định rất cởi mở việc "sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển KT-XH thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất" (Điều 127) hoặc "đang có quyền sử dụng đất" đối với hầu hết các dự án phát triển KT-XH bao gồm cả dự án nhà ở xã hội. Điều này sẽ tạo điều kiện sử dụng đất rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh như phát triển các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công viên, khu vui chơi giải trí… Điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển KT - XH thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất bao gồm: Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt và công bố; Chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 122; đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở; Có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án…
Luật sửa đổi 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính: tạo minh bạch, thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững
Kỳ vọng thị trường chứng khoán phát triển minh bạch bền vững trong giai đoạn mới.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc Luật Chứng khooán sửa đổi cụ thể hóa các quy định về công bố thông tin và quản trị công ty. Theo đó, các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn công bố thông tin tài chính, các giao dịch liên quan đến cổ đông lớn và các bên có liên quan. Quy định này không chỉ nhằm bảo vệ nhà đầu tư mà còn tạo ra sự minh bạch cần thiết để ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường hay xung đột lợi ích. Một điểm đáng chú ý khác là các quy định về nâng tiêu chuẩn niêm yết và hỗ trợ niêm yết kép sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường chứng khoán quốc tế, đồng thời thu hút dòng vốn ngoại thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài.
Tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại DN.
Luật Kế toán sửa đổi nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của các DN có quy mô lớn. Đồng thời luật qui định giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; đơn giản nội dung chứng từ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số.
Luật cũng bổ sung Điều 11 cho phép các tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài thì chỉ phải dịch ra tiếng Việt khi công bố ra bên ngoài theo quy định của pháp luật hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Luật Kế toán (sửa đổi) cũng bổ sung thêm quy định chứng từ điện tử có thể được xác nhận bằng các phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật (trong trường hợp không sử dụng chữ ký) để phù hợp với thực tiễn giao dịch hiện nay (Giao dịch thương mại điện tử, ngân hàng số) và phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và quy định pháp luật khác để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại DN.
Lãnh đạo Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật ngày 29/11/2024
Cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của mình để đầu tư xây dựng
Thời gian vừa qua, thực tế nhiều địa phương đã chủ động thực hiện nội dung này để giải phóng mặt bằng, xây dựng đường cao tốc, cầu nối các địa phương, sân bay, bến cảng, các công trình hạ tầng trọng điểm, thiết yếu khác. Hơn nữa, Quốc hội đã luật hóa nội dung này trong Luật Thủ đô, ban hành các Nghị quyết thí điểm cho phép các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa và một số địa phương khác... Thực tiễn chứng minh các cơ chế trên đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường Vành đai 4 của Hà Nội và Vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế đã chứng minh nhiều dự án đã thực hiện có hiệu quả rất tích cực cho vùng và cả nước. Do vậy, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ.
Đảm bảo việc quản lý thuế được hiệu quả, công bằng giữa các quốc gia.
Theo khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số là phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo việc quản lý thuế được hiệu quả, công bằng giữa các quốc gia. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp ở nước ngoài “có cơ sở thường trú” đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài.
Nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường trách nhiệm tổ chức đấu giá tài sản
Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Nội dung Luật có nhiều điểm mới tích cực, được đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó, có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Luật bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm của người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản: (1) Nhận ủy quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản; (2) Tham dự phiên đấu giá trong trường hợp vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó; (3) Tham dự phiên đấu giá trong trường hợp công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó;”, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch của việc trả giá, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá.
Ảnh minh họa
Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản về bán, tiếp nhận hồ sơ, thành phần hồ sơ, thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong việc thẩm tra hồ sơ, xác định năng lực, điều kiện của người tham gia đấu giá; sửa đổi, bổ sung các khoản 1,2,3,4 và 5 Điều 39 về việc nộp tiền đặt trước, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với thời gian bán hồ sơ tham gia đấu giá, cách thức xác định tiền đặt trước đối với các loại tài sản đặc thù.
Và bổ sung mới Điều 43a, 43b về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý hoạt động đấu giá tài sản.
Đáng chú ý, luật sửa đổi, bổ sung Điều 70 về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo đó, Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá vi phạm trường hợp trên.
Với những sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản như trên sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản, đáp ứng bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Thu hẹp nhóm đối không chịu thuế GTGT
Theo đó, Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã chuyển 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT, bao gồm: “Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng”.
Trong đó đáng chú ý là mặt hàng phân bón trước đây thuộc đối tượng không chịu thuế , thì từ 01/07/2025 khi Luật thuế GTGT sửa đổi được áp dụng thì phân bón là mặt hàng phải chịu thuế suất 5%. Việc quy định mức thuế 5% này là hợp lý, đem lại lợi ích cho cả người dân và các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Các doanh nghiệp trong nước sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó cải thiện lợi nhuận.
Ảnh minh họa
Luật Thuế GTGT hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế GTGT là 100 triệu đồng/năm. Để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, Luật GTGT (sửa đổi) quy định mức ngưỡng doanh thu tăng từ 100 triệu đồng/năm lên 200 triệu đồng/năm. Điều này kỳ vọng sẽ hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ giảm áp lực thuế và tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.
Luật sửa đổi mới 05 Luật thuộc lĩnh vực đầu tư: khơi thông nhiều điểm nghẽn cho hoạt động đầu tư kinh doanh
Dự án nhóm B và nhóm C được phép tách riêng biệt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
Theo đó, Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép dự án đầu tư nhóm A, B và C được phép tách riêng biệt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Chính sách này tác động tích cực, tạo sự linh hoạt cho cấp quyết định chủ trương đầu tư trong lựa chọn hình thức giải phóng mặt bằng theo một dự án riêng hoặc thực hiện cùng với dự án tổng thể, phù hợp với yêu cầu triển khai dự án.
Đáng chú ý, Luật sửa đổi 2024 đã phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấc cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B và nhóm C sẽ do địa phương quản lý, chuyển từ Hội đồng nhân dân các cấp sang Ủy ban nhân dân các cấp. Để đảm bảo tính chặt chẽ, Luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.
Ảnh minh họa
Linh hoạt trong thanh toán cho dự án áp dụng loại hợp đồng BT
Nhằm tháo gỡ những bất cập, Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật thuộc lĩnh vực đầu tư đã bổ sung lại phương thức hoạt động đầu tư bằng hợp đồng BT, đồng thời quy định các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 hình thức, gồm thanh toán bằng quỹ đất, thanh toán bằng ngân sách nhà nước và không yêu cầu thanh toán.
Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư
Tại Việt Nam, mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng qua các năm gần đây nhưng số lượng dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn. Trong khi đó, việc áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu đã làm suy giảm sức hấp dẫn trong thu hút dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa. Do vậy, Luật sửa 4 luật thuộc lĩnh vực đầu tư bổ sung quy định Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực quan trọng.
Thủ tục đầu tư đặc biệt
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư và xúc tiến các dự án đầu tư có quy mô lớn tại Việt Nam. Do đó, Luật sửa 4 luật thuộc lĩnh vực đầu tư cho phép nhà đầu tư đăng ký đầu tư đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế trong các lĩnh vực sau đây: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn; Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển
Loại bỏ những ách tắc trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp khai thác khoáng sản
Theo đó, Luật Địa chất khoáng sản 2024 quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Tiền cấp quyền nộp theo năm sẽ giúp doanh nghiệp không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Việc quyết toán tiền cấp quyền theo sản lượng thực tế sẽ giải quyết vấn đề chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò với sản lượng thực tế.
Đáng chú ý, để giải quyết vướng mắc liên quan đến số lượng giấy phép thăm dò đối với khoáng sản năng lượng, tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin-cho, điểm h Khoản 1 Điều 45 Luật Địa chất khoáng sản 2024 đã quy định: “Mỗi tổ chức được cấp không quá 05 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực. Trường hợp cấp quá 05 giấy phép phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.”