Thực trạng pháp luật về trách nhiệm pháp lý của kiểm toán độc lập từ góc độ một số đại án và kiến nghị

(Pháp lý) – Kiểm toán độc lập (KTĐL) giữ vai trò quyết định để một báo cáo tài chính của doanh nghiệp trung thực và có chất lượng. Nếu một báo cáo tài chính không trung thực được doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động đầu tư kinh doanh sẽ làm phát sinh hậu quả không lường được. Điều đó đã được chứng minh qua hàng loạt đại án xảy ra gần đây từ Tân Hoàng Minh, FLC đến Vạn Thịnh Phát. Qua nghiên cứu các đại án này cho thấy qui định pháp luật về trách nhiệm pháp lý của kiểm toán độc lập còn bất cập, hạn chế.
image001-1715918015.jpg
Ảnh minh họa

Hậu quả của báo cáo tài chính gian dối nhờ giúp sức của kiểm toán

Nếu như trong vụ án Vạn Thịnh Phát, hơn 10 năm qua, các kiểm toán viên thuộc 3 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (KPMG, Deloitte và Ernst & Young) kiểm toán cho ngân hàng này dường như không phát hiện điều gì bất thường, các kỳ báo cáo“không thấy có vấn đề gì”, “phản ánh trung thực”, phù hợp với chuẩn mực kế toán... ; thì trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cơ quan tố tụng cũng cáo buộc các công ty kiểm toán (Kiểm toán Nam Việt - Chi nhánh phía Bắc, CPA Hà Nội) ban hành báo cáo kiểm toán với nội dung không đúng thực tế. Đến vụ án cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán, CO1 (Bộ Công an) đã làm rõ sai phạm của một số lãnh đạo, nhân viên thuộc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội, Công ty TNHH Kiểm toán ASC (sau đổi tên thành Công ty TNHH Kiểm toán TTP) đã giúp sức “làm đẹp” báo cáo tài chính cho Công ty Faros ( Cty thành viên của FLC) …

Hậu quả của các báo cáo tài chính “bẩn” lọt lưới trong vụ Vạn Thịnh Phát là Ngân hàng SCB bị rút ruột lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng, số lỗ lũy kế khổng lồ và khoản âm vốn chủ sở hữu đến gần nửa triệu tỉ đồng từ tháng 10/2022. Còn trong vụ FLC, từ các báo cáo kiểm toán sai phạm, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm sử dụng để làm hồ sơ đề nghị và được niêm yết cổ phiếu của Faros trên HOSE, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Còn với vụ Tân Hoàng Minh, nhờ sự “giúp sức”của 2 công ty kiểm toán “đánh bóng” báo cáo tài chính (từ thua lỗ, nợ ngân hàng gần 20.000 tỷ đồng sang lãi khống) mà 3 cha con ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã thực hiện thành công các phương án gian dối trong phát hành trái phiếu và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư lên đến hơn 8.600 tỉ đồng. 

Chế tài không đủ sức răn đe và những bất cập, khuyết thiếu của pháp luật trong xử lý hành vi vi phạm quy định về Kiểm toán độc lập

Đươc biết thời gian qua Bộ Tài chính đã nỗ lực trong thiết lập trật tự kiểm toán nhưng thực trạng vi phạm kiểm toán chuyển biến không đáng kể. Tính riêng năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện xử phạt VPHC đối với 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề. Trước đó vào năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 doanh nghiệp kiểm toán và 5 kiểm toán viên hành nghề; đình chỉ có thời hạn 20 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực và có công văn nhắc nhở 27 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập đã được quy định cụ thể trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán độc lập (trước đây là Nghị định số 105/2013/NĐ-CP nay được thay thế bằng Nghị định 41/2018/NĐ-CP).  

Riêng về chế tài xử lý vi phạm về chất lượng kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư 157/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính. Theo đó, doanh nghiệp kiểm toán có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Tuy nhiên, đối với kiểm toán viên có sai phạm về chất lượng dịch vụ kiểm toán thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Đây là vấn đề bất cập cần sớm được cơ quan chức năng xem xét, rà soát để có những quy định sửa đổi, bổ sung Thông tư 157/2014 cho phù hợp. Nếu xử lý vi phạm về chất lượng kiểm toán theo quy định về xử lý vi phạm hành chính sẽ bị hạn chế do thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập chỉ là 1 năm (theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính), trong khi kết quả kiểm toán có thể ảnh hưởng sau nhiều năm.

Theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập, Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) năm 2011, quy định: Nếu doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên có các hành vi vi phạm, gây thiệt hại thì ngoài việc bồi thường theo quy định pháp luật, còn bị xử lý theo các hình thức sau: (i) Cảnh cáo; (ii) Phạt tiền; (iii) Có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ đăng ký hành nghề hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập; (iiii) Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có nghĩa, hành vi vi phạm pháp luật của cả pháp nhân kiểm toán và cá nhân hành nghề kiểm toán bị chế tài hành chính và hình sự.

Mặc dù Bộ luật Hình sự đã dành nguyên Mục 2, Chương XVIII với 16 Điều quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.  Tuy nhiên liên quan đến lĩnh vực kiểm toán đến nay Bộ luật Hình sự năm 2015 và kể cả Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đều không có điều khoản điều chỉnh độc lập. Vì vậy mà cho đến nay chưa có một vụ án hình sự nào, chưa có đối tượng nào bị xét xử tội vi phạm quy định về kiểm toán độc lập, cho dù hậu quả mà tổ chức và cá nhân có liên quan gây ra vô cùng lớn.

Trong vụ án Tân Hoàng Minh, mặc dù Đoàn kiểm tra do Bộ Tài chính chủ trì về việc tuân thủ pháp luật kiểm toán độc lập tại Công ty CPA Hà Nội và Công ty Kiểm toán Nam Việt đã kết luận: Kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil; và Báo cáo tài chính năm 2020 và 2021 của Cung Điện Mùa Đông, nhưng tội danh mà 4 bị cáo (là cựu giám đốc, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc) của 2 công ty kiểm toán bị truy cứu là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS 2015. Hay trong vụ FLC, các sai phạm của các bị cáo nguyên là cựu giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội, Công ty TNHH Kiểm toán ASC cũng bị truy tố về tội danh này…

Một số kiến nghị 

Có thể nói hậu quả từ hành vi vi phạm của các công ty KTĐL và kiểm toán viên qua các đại án (Vạn Thinh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC…) cho thấy vô cùng nghiêm trọng, đòi hỏi cần phải hoàn thiện kẽ hở của pháp luật để các tổ chức và cá nhân có liên quan không còn cơ hội và không dám vi phạm. Cụ thể là:

image002-1715918015.jpg
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản dưới luật để xử lý các vướng mắc, bất cập, cụ thể một số nội dung như bổ sung các chế tài xử lý vi phạm…

1. Sớm sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán độc lập, trong đó quan tâm hoàn thiện các qui định sau:

+ Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán cũng như của kiểm toán viên với cuộc kiểm toán, theo đó qui định gắn trách nhiệm  đủ dài với báo cáo kiểm toán. Bất cứ khi nào bị phát hiện sai phạm trong hạn định đó, họ đều phải chịu trách nhiệm, tất nhiên phải có cơ sở để kết luận lỗi đó thuộc về kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán.

Kinh nghiệm từ các nước phát triển, nhiều trường hợp đơn vị được kiểm toán có gian lận về báo cáo tài chính, sau 7- 8 năm điều tra, xem xét, kết luận thì cả đơn vị được kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán lẫn kiểm toán viên đều bị xử phạt. Vì vậy, để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán cũng như của kiểm toán viên với cuộc kiểm toán, Luật KTĐL cũng nên có quy định đủ dài với báo cáo kiểm toán để họ gắn trách nhiệm. Nghĩa là không phải bàn giao sản phẩm là xong mà trong hạn định thời gian quy định (có thể là 6 tháng hoặc 1 năm) bị phát hiện sai phạm, họ đều phải chịu trách nhiệm, nếu lỗi đó thuộc về kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán. Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử đã kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm các công ty kiểm toán cho SCB hơn 10 năm.

+ Yêu cầu cao hơn về năng lực của tổ chức và cá nhân KTĐL: Qua các vụ án cho thấy bên cạnh việc không loại trừ trường hợp cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật để làm sai, cho thấy năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp chưa đáp ứng yêu cầu. Có những trường hợp báo cáo tài chính sai có thể từ phía đơn vị được kiểm toán (do họ lập ra các bộ hồ sơ chứng từ khống, nhưng hoàn thiện vì có sự thông đồng từ trên xuống dưới), thì kiểm toán viên không biết hết được. Một cựu lãnh đạo Deloitte xác nhận với báo chí: “sau các cuộc thanh tra, điều tra mới phát hiện hồ sơ ma, hồ sơ khống, còn kiểm toán trên hồ sơ có đầy đủ các tính pháp lý do đơn vị cung cấp”. Vì vậy nếu các công ty kiểm toán không có những kiểm toán viên độc lập có năng lực giỏi thì không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

+ Áp dụng kiểm tra chéo và bắt buộc trong kiểm soát dịch vụ KTĐL: Các công ty kiểm toán về bản chất cũng là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, nên đâu đó vẫn có trường hợp cố tình làm sai để trục lợi. Để ngăn chặn, đòi hỏi sự vào cuộc giám sát của nhiều bên, cả phía cơ quan quản lý lẫn người sử dụng báo cáo tài chính. Hay nói cách khác, hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ KTĐL nên kết hợp cả 2 hình thức kiểm tra chéo và kiểm tra bắt buộc. Kiểm tra chéo là hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ KTĐL, trong đó một doanh nghiệp kiểm toán này được kiểm tra bởi một doanh nghiệp kiểm toán khác. Kiểm tra bắt buộc là hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ KTĐL do các tổ chức khác nhau thực hiện. Kinh nghiệm thành công từ Trung Quốc cho thấy, để mô hình này vận hành tốt và phát huy hiệu quả thì việc huy động nguồn tài chính phải đảm bảo tính độc lập của kiểm tra viên, kinh phí không do doanh nghiệp được kiểm toán chi trả trực tiếp.

2. Sớm bổ sung tội danh vi phạm về KTĐL vào pháp luật hình sự: Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, họ xử lý rất nặng đối với doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên có vi phạm, số tiền phạt có thể lên tới hàng triệu USD.  Qua các vụ án đã xảy ra, cho thấy sự cần thiết đặt trách nhiệm của các công ty kiểm toán trước pháp luật ở mức cao hơn, để loại trừ sự thông đồng trục lợi. Đó không chỉ là sửa đổi bổ sung quy định về xử phạt VPHC theo hướng tăng cường mức phạt thật nặng (mức phạt tiền tối đa không phải là 50 triệu đồng mà là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTĐL; mà cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng bổ sung, luật hoá tội danh Vi phạm về kiểm toán độc lập gây hậu quả nghiêm trọng, ngoài việc bồi thường thiệt hại còn phải bị phạt tù có khung tối đa lên tới 20 năm (đối với cá nhân); và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

VŨ LÊ MINH


 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin