Tạo đột phá trong hoàn thiện thể chế, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Thực tiễn đang đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa, chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo. Cần có sự đột phá về thể chế, khơi thông các nguồn lực trong và ngoài nước, đáp ứng với yêu cầu tình hình mới. Trong đó, hệ thống pháp luật phải đảm bảo đạt được mục tiêu “kép”: “vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển”.
1-1735886355.jpg

Cần giải quyết tận gốc vấn đề thể chế nghẽn

Thuật ngữ thể chế được định nghĩa bởi các học giả trong và ngoài nước. Diễn đạt một cách dễ hiểu, theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thể chế là hệ thống các thiết chế của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội... và các quy tắc, luật lệ (gọi chung là hệ thống pháp luật) điều chỉnh.

Như vậy bản chất của nghẽn thể chế là hiện tượng các thiết chế bị nghẽn, thiếu hiệu quả mà nguyên nhân gây ra có thể do sự ôm đồm, chồng chéo và xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật nói chung. Vô hình trung tạo ra sự không minh bạch, gây khó khăn cản trở phát triển kinh tế xã hội, gây khó cho người dân và doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực của đất nước

Còn nhớ tại Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, (tháng 5/2023), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xác nhận môi trường đầu tư hiện nay “rất kẹt”. Ông Dũng nói, “chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh nhưng bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới. Đây là vấn đề rất lớn, làm cản trở và làm ách tắc tất cả hoạt động của nền kinh tế hiện nay”.

2-1735886365.jpg

Đổi mới tư duy hoàn thiện chế để khơi thông nguồn lực phát triển (ảnh minh họa)

Vậy nên, dù Việt Nam duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, GDP tăng trưởng ở mức khả quan, nhưng điểm xếp hạng về môi trường kinh doanh trong các thước đo toàn cầu vẫn ở mức thiếu hấp dẫn.  Kết quả khảo sát Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quí 4/2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố hồi đầu năm 2024 cho thấy, bên cạnh những điểm sáng thường thấy, chất lượng pháp lý, quy định hành chính và thủ tục tiếp tục là chủ đề làm phiền lòng doanh nghiệp. Trong đó chỉ số về “Gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản lớn nhất, chiếm tới 52% số người được hỏi xác định, nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh. Xếp thứ hai với tỷ lệ 34% về chỉ số “các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau”, cũng là một thách thức lớn, nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.

Thể chế nghẽn không chỉ đặt ra câu hỏi về tính thực chất của cải cách môi trường đầu tư kinh doanh mà còn đòi hỏi phải có một cách tiếp cận khác nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề. Nếu không có thủ tục đơn giản, một môi trường pháp lý tốt - minh bạch, thực thi công bằng thì thật khó kỳ vọng vào sự an toàn thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh. Trong dài hạn, sẽ rất khó có một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển bền vững và đủ sức cạnh tranh với toàn cầu trong một môi trường ngày càng toàn cầu cầu hóa sâu sắc và thách thức hơn.                                   

Vừa qua Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, “trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Phải thẳng thắn nhìn nhận và cần sớm được khắc phục.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với mục tiêu vươn mình mạnh mẽ thì tác động trực diện đầu tiên của thể chế, đó là môi trường kinh doanh. Như vậy, muốn gỡ nghẽn thể chế thì phải cải cách hệ thống pháp luật, trong đó ưu tiên với sửa đổi các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh và tài chính.

3-1735886365.png

Lập pháp kiến tạo phát triển thay thế lập pháp quản lý

Thể chế mà trong đó có hoạt động lập pháp luôn là vấn đề quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ sẽ đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững, ổn định và ngược lại. Trong bốn thập kỷ đổi mới, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả, thiết lập được hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, tạo ra khuôn khổ pháp lý của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng hoàn thiện. Pháp luật đã trở thành bệ đỡ đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng, tiềm lực và quy mô nền kinh tế không ngừng gia tăng qua từng giai đoạn.

Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão, nhiều vấn đề trong tư duy lập pháp đã không còn phù hợp.

Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.

Việc Quốc hội XV, Kỳ họp thứ 8 vừa thông qua 2 “siêu” dự án Luật sửa đổi cùng một lúc 13 luật về đầu tư, kinh doanh và tài chính (một luật sửa 4 luật liên quan lĩnh vực tài chính và một luật sửa 9 luật liên quan lĩnh vực đầu tư ) vì vướng mắc, bất cập là minh chứng cho hoạt động lập pháp cần phải tiếp tục đổi mới, bám sát thực tiễn hơn.

PGS,TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) nhận xét: “Trong xây dựng pháp luật vẫn còn tồn tại đâu đó tư duy làm luật là để quản lý, là để bảo đảm sự an toàn, thậm chí là sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước hơn là tạo dựng một môi trường, một hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển”.

Như vậy, điểm nghẽn thể chế không nằm ở quy trình mà là tư duy thiết kế luật. Nói một cách cụ thể, hoạt động lập pháp còn chịu ảnh hưởng tư tưởng quản lý thuần túy, bị chi phối bởi tư duy coi pháp luật là công cụ để kiểm soát, quản lý xã hội, chứ không phải tạo lập môi trường pháp lý, nhằm kiến tạo sự phát triển của xã hội. Theo đó chưa đáp ứng được yêu cầu kiến tạo hành lang an toàn, môi trường thuận lợi cho quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, thậm chí trở nên kìm hãm sự phát triển. Như vậy muốn đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật phải bắt đầu từ đổi mới tư duy. Bắt đầu từ cơ quan đề xuất dự án luật, đến cơ quan thẩm định, cho ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện và các ĐBQH thảo luận và bấm nút thông qua phải quán triệt sâu sắc yêu cầu của Tổng Bí thư, nói không với tư duy quản lý “không quản được thì cấm”… Tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.

Tổng Bí thư: “Tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua”.

Thứ nữa là khắc phục tình trạng ôm đồm trong công tác xây dựng pháp luật. Khi các thiết chế bị điều chỉnh quá nhiều, sự ràng buộc sẽ gia tăng, sự tuân thủ sẽ trở nên vô cùng khó khăn, tốn kém. Trong không ít trường hợp, sự bế tắc sẽ xảy ra, vì các thể chế không biết phải làm thế nào để có thể tuân thủ cho hết các quy định của pháp luật. Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc “Tuyệt đối không... luật hóa các quy định của nghị định và thông tư” chính là để khắc phục tình trạng ôm đồm đó. Xóa bỏ sự chồng chéo, xung đột của các văn bản quy phạm pháp luật. Bởi đó là “thủ phạm” gây ra sự không rõ ràng cho việc thực thi, khiến các cơ quan quản lý không biết phải tuân theo quy định nào, từ đó dẫn đến sự trì hoãn trong quyết định và hành động.

Nhấn mạnh các yếu tố dân chủ, minh bạch lên hàng đầu trong xây dựng pháp luật, người đứng đầu Đảng ta đề cao vai trò tham gia của nhiều đối tượng, tôn trọng các ý kiến góp ý xây dựng và phản biện trong các dự án luật. Hay đối với yêu cầu kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng… được hiểu là phải đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế những điều luật điều chỉnh có nội dung trừu tượng, chồng chéo, mù mờ dễ bị lạm dụng theo hướng tiêu cực. Trong thiết kế các quy định pháp luật, phải bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp…

Tạo đột phá trong hoàn thiện thể chế, đưa đất nước phát triển toàn diện

Để có được một Việt Nam tự cường (ước tính cuối năm 2024, giá trị tổng sản phẩm quốc nội GDP của nước ta đạt khoảng 460 tỷ USD, trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới về GDP; và có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc….) là kết quả của một quá trình đổi mới tư duy của Đảng, từ quan liêu, bao cấp trong một nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ chuyển qua một cách suy nghĩ mới, tiếp cận mới đối với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Thành quả của quá trình đổi mới tư duy gắn liền với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng thông qua việc thiết lập một hệ thống pháp luật tương thích thay thế các đạo luật giáo điều, duy ý chí, trói buộc sức sáng tạo…

Nếu làm một phép thống kê từ sau thực hiện đường lối đổi mới đến nay (tức từ đầu năm 1987 đến gần cuối năm 2024), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành trên 700 văn bản luật, nghị quyết, pháp lệnh phục vụ cho mục tiêu kiến tạo phát triển, tạo dựng hành lang pháp lý an toàn cho phát triển xã hội và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Trong đó có những văn bản luật để lại dấu ấn đậm nét về thúc đẩy công cuộc cải cách, đổi mới trong thời kỳ đầu, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ , Luật Thương mại 2005, Luật Chứng khoán …

4-1735886365.jpg

Tạo đột phá về thể chế, khơi thông mọi nguồn lực, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới (trong ảnh là Tháp Landmark 81 Tower ở TP.HCM)

Nếu như việc nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật (còn gọi là kỹ thuật lập pháp) là điều kiện cần thì một hệ thống pháp luật có hiệu lực và hiệu quả là điều kiện đủ để có một nền kinh tế tự cường, một xã hội ổn định. Từ kết quả sau 40 năm đổi mới cho thấy, một hệ thống pháp luật đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả là hệ thống pháp luật đó phải đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn đổi mới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Hệ thống pháp luật phải đảm bảo đạt được mục tiêu “kép”: “vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển”.

Thực tế cho thấy những vấn đề mang tính quy luật, tất yếu khách quan; hay nói cách khác những gì tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống sẽ luôn có xu hướng phát triển. Nếu dùng mệnh lệnh hành chính để cấm sẽ không thể cấm được mà còn sẽ làm méo mó thị trường, tạo môi trường hoạt động “chui”, cản trở sự phát triển của xã hội. Cuối cùng là, cả người dân, doanh nghiệp, Nhà nước đều chịu thiệt.

Đơn cử như mới đây, dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có quy định không cho phép mua bán điện dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, ý kiến của đông đảo chuyên gia và người dân, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị định đã sửa nội dung cấm này, tạo cơ chế mạnh mẽ khuyến khích phát triển năng lượng sạch. Hay câu chuyện xe công nghệ như Uber, Grab xuất hiện tại Việt Nam cách đây nhiều năm, nhận được sự đón nhận của người dân bởi sự tiện lợi và giá cả minh bạch mà nó mang lại nhưng vì không quản được một số địa phương đã ban hành lệnh cấm tạm thời…

5-1735886365.jpg

Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là cơ hội và cũng là thách thức cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách, hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư

Quan điểm của Tổng Bí thư về khơi thông mọi nguồn lực, khiến chúng ta nhớ lại năm 1986, khi đó Việt Nam vẫn là một nước mỗi một năm phải nhập khẩu từ nửa triệu đến 1 triệu tấn lương thực, nhưng chỉ đến năm 1988 (chỉ hơn 1 năm sau đổi mới) thì Việt Nam chúng ta xuất khẩu 1 triệu tấn gạo đầu tiên ra nước ngoài, trở thành quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Một sự thay đổi rất đáng nể phục. Câu trả lời chỉ có thể là giải phóng sức dân, mà ở đây là giải phóng sức của nông dân, của những người liên quan đến nông nghiệp để họ chung tay cùng nhau vực dậy nền nông nghiệp Việt Nam là ngay lập tức thay đổi.

Cũng như vậy những thay đổi từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, mà theo Tổng Bí thư là cơ hội (thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh) nhưng đồng thời cũng là thách thức, nếu như không huy động, khơi thông mọi nguồn lực trong dân thì không thể tận dụng được cơ hội, và sẽ không hoàn thành được sứ mệnh đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Và gỡ nút thắt thể chế để thể chế chính là bệ đỡ để thúc đẩy, khơi thông các nguồn lực.

Tổng Bí thư: “Đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…”

* * *

Đổi mới không bao giờ là dễ dàng nhưng sẽ làm được với động lực, với mục tiêu tối thượng là “phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Từ cách đặt vấn đề của Tổng Bí thư về đổi mới thể chế sẽ là nền tảng cho những quyết tâm chính trị to lớn để cả hệ thống chính trị bắt tay vào giải quyết.

Đặc biệt, thực tiễn đòi hỏi hoạt động lập pháp của Quốc hội phải đổi mới hơn nữa, chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo, mới mong có sự đột phá về thể chế, khơi thông các nguồn lực trong và ngoài nước, đáp ứng với yêu cầu tình hình mới.

* * *

Đến mùa Xuân này, dân tộc Việt Nam có tròn 50 năm chứng kiến non sông thu về một mối, được sống trong hòa bình, độc lập. Nửa thế kỷ đi qua, dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng, “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những ngày cuối năm 2024, chúng ta nhận được tin không thể vui hơn khi Thủ tướng cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới… Đất nước đã hội tụ đủ các yếu tố về thế và lực để viết tiếp những trang sử mới. Đường lớn đã rộng mở, nhưng phía trước còn nhiều chông gai. Đó là quy luật muôn đời của cuộc sống, nhưng cũng là cơ hội cho cả dân tộc vươn lên thử sức mình. Xuân Ất Tỵ đã đến. Mùa xuân cho chúng ta niềm tin về một Việt Nam hùng cường tươi đẹp sánh bước hội nhập cùng thế giới …

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin