Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông
Ủy ban Độc lập chống tham nhũng Hong Kong (ICAC) hồi đầu năm 2024 đã tổ chức thành lập Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông.
Học viện mới với mục tiêu đi đầu về các sáng kiến đào tạo chống tham nhũng ở đặc khu và toàn cầu cũng như thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời củng cố vị thế quốc tế của Hồng Kông như một trung tâm chống tham nhũng.
Lãnh đạo chính quyền đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee) kỳ vọng Học viện mới sẽ nâng cao vị thế của Hồng Kông như một trung tâm chống tham nhũng, đồng thời thúc đẩy hơn nữa văn hóa trong sạch của đặc khu, ổn định xã hội và giá trị mà Hồng Kông đặt vào sự liêm chính và pháp quyền.
Được biết, học viện sẽ cung cấp chương trình đào tạo có hệ thống và chuyên nghiệp cho những người chống tham nhũng trên toàn thế giới, tập hợp các học giả trong và ngoài nước để cùng nhau nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng.
Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông được thành lập vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ICAC. Ảnh: Jelly Tse/ scmp
Đối với cộng đồng, ICAC cam kết đấu tranh chống tham nhũng thông qua việc thực thi pháp luật, giáo dục và ngăn ngừa hiệu quả nhằm giữ gìn sự công bằng, bình đẳng, ổn định và phồn vinh cho Hồng Kông.
EU nâng cao các tiêu chuẩn chống tham nhũng
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), những năm gần đây ghi nhận hàng loạt vụ bê bối gây chấn động Liên minh Châu Âu (EU) - từ Laundromat của Azerbaijan, Uber Files (Hồ sơ Uber), đến Qatargate - cho thấy tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn khối.
Không ít trường hợp lạm dụng nghiêm trọng cả quỹ nhà nước và quỹ EU đã được đưa ra ánh sáng. Trên thực tế, người ta ước tính rằng EU thiệt hại tới 990 tỷ EUR vì tham nhũng mỗi năm. Đối với các quốc gia EU, tham nhũng chính trị đã làm suy yếu nền pháp quyền.
Cờ của Liên minh Châu Âu bên ngoài Trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussels, Bỉ, Ảnh: REUTERS/Johanna Geron
TI nhận định, hiện các quốc gia thành viên EU chưa giải quyết vấn đề tham nhũng một cách nhất quán. Các quy định chưa đủ toàn diện, mạnh mẽ để ngăn chặn và hình sự hóa tội phạm tham nhũng một cách hiệu quả; cùng với đó là có sự không nhất quán giữa các nước khi liên quan đến việc tội phạm tham nhũng nào bị hình sự hóa và cách thức thực thi.
Trước thực tế này, EU đang thực hiện các bước để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phòng, chống tham nhũng.
Năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất một chỉ thị riêng về chống tham nhũng, tìm cách hài hòa luật chống tham nhũng trên tất cả 27 quốc gia thành viên EU và bắt buộc hình sự hóa các hành vi phạm tội được nêu tại Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) trong luật pháp EU.
Một tiến bộ khác đã được thực hiện vào tháng 2/2024, khi Nghị viện Châu Âu thông qua quy định riêng của mình và đưa ra một số nội dung quan trọng, bao gồm thiết lập quyền của nạn nhân tham nhũng và các tổ chức xã hội dân sự đại diện cho họ trước tòa.
Nghị viện Châu Âu đã quy định các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực công, bao gồm cả việc coi sự tham gia của các quan chức cấp cao là một tình tiết tăng nặng và họ phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn. Các biện pháp này cần được đưa vào chỉ thị mới để đảm bảo quan chức tham nhũng cũng như đồng phạm và những người hỗ trợ họ phải chịu trách nhiệm thống nhất ở các quốc gia thành viên EU.
TI cũng khuyến nghị nhà lập pháp EU đưa ra các biện pháp bổ sung nhằm chấm dứt tình trạng miễn trừ trừng phạt và xác định rõ về tham nhũng lớn. Các nước cần hành động nhiều hơn nữa để giải quyết âm mưu tham nhũng xuyên quốc gia nghiêm trọng liên quan đến quan chức cấp cao, dẫn đến hành vi biển thủ tài sản công hoặc vi phạm nhân quyền.
Cả Ủy ban và Nghị viện Châu Âu đều thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hình sự hóa hành vi tham nhũng, ngăn chặn tham nhũng trên toàn EU một cách hiệu quả hơn. Cũng theo tổ chức chống tham nhũng quốc tế, đây là một cơ hội quan trọng để chứng minh cho công chúng thấy tham vọng thực sự trong việc giải quyết tội phạm tham nhũng, bảo vệ nền dân chủ, mang lại tiến bộ, công bằng xã hội cho người dân.
Singapore là quốc gia nổi tiếng với sự minh bạch, trong sạch. Đây cũng là quốc gia châu Á duy nhất lọt vào top 10 chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu năm 1995. Theo bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu 2024 gồm 67 quốc gia khảo sát, đứng sau Singapore là Thụy Sỹ và Đan Mạch. Mỹ đứng ở vị trí thứ 12 trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 14.
Trung Quốc thành lập cơ quan chống tham nhũng mới tập trung vào lĩnh vực tài chính và sửa luật tăng nặng hình phạt đối với tội đưa hối lộ
Thông báo về việc thành lập cơ quan giám sát chống tham nhũng mới được đưa ra vài ngày sau khi Bắc Kinh kết thúc Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX.
Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, diễn ra từ ngày 15 - 18/7/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã/Wang Ye
Theo đó, Hội nghị đã công bố hàng trăm mục tiêu chính sách trong 5 năm tới, bao gồm cả việc “đưa tất cả các hoạt động tài chính vào dưới sự giám sát”. Hội nghị cũng cam kết nỗ lực hơn nữa để trấn áp tham nhũng ở những khu vực có “quyền lực tập trung, nguồn vốn dồi dào và nguồn lực phong phú”.
Thời gian qua, việc giải quyết nạn tham nhũng trong lĩnh vực tài chính được chính quyền Trung Quốc chú trọng, đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của CCDI 2 năm gần đây. Kết quả, CCDI đã bắt giữ hơn 100 giám đốc điều hành tài chính cấp cao vào năm ngoái và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này trong năm nay để thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm làm trong sạch khu vực tài chính của Trung Quốc, biến quốc gia này thành một “siêu cường tài chính”.
Theo thống kê của SCMP, tổng cộng có 32 nhà quản lý tài chính, chủ ngân hàng và giám đốc tài chính cấp cao của Trung Quốc đã bị bắt giữ trong 6 tháng đầu năm 2024.
Trước đó, hồi đầu tháng 3/2024, Luật Hình sự sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực. Theo đó những người đưa hối lộ hoặc làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân sẽ phải đối mặt với hình phạt hà khắc hơn theo Luật Hình sự sửa đổi. Đây là bước đi mới nhất của Trung Quốc nhằm tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự có hiệu lực vào ngày 1/3/2024 qui định việc đưa hối lộ nhiều lần, hối lộ nhiều quan chức nhà nước hoặc đưa hối lộ để thăng chức, được coi là một "tình tiết nghiêm trọng" cần phải bị phạt nặng hơn.
Trong khi đó, những người hối lộ quan chức ở các cơ quan giám sát, hành chính, tư pháp hoặc trong các lĩnh vực môi trường, tài chính, an toàn sản xuất, thực phẩm, dược phẩm, cứu trợ thiên tai, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế cũng phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc.
Ủy ban Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đề nghị các cơ quan giám sát và tư pháp tăng cường điều tra những người đưa hối lộ và trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật, đồng thời kêu gọi duy trì sức ép cao đối với các quan chức tham nhũng.
Ngoài ra, khi xem xét các công ty tư nhân đại diện cho khoảng 93% doanh nghiệp ở Trung Quốc, Ủy ban cho biết một số cáo buộc hình sự chỉ áp dụng với nhân viên công ty thuộc sở hữu nhà nước sẽ được mở rộng đối với những người làm việc cho công ty tư nhân, theo luật sửa đổi. Các tội danh này bao gồm tìm kiếm lợi ích bất hợp pháp cho bạn bè, người thân, chiết khấu cổ phiếu ở mức giá thấp và bán tài sản của doanh nghiệp.
"Việc mở rộng nhằm mục đích chống tham nhũng trong các công ty tư nhân, để quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp có thể được bảo vệ tốt hơn", Ủy ban cho biết thêm, đồng thời nhấn mạnh: "Động thái này cũng nhằm đảm bảo sự đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật".
Síp có thể trở thành quốc gia kiểu mẫu về chống tham nhũng
Đó là tuyên bố của Tổng thống Síp Nikos Christodoulides vào hồi tháng 9.2024, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng. Một gói ngân sách được lên kế hoạch sẽ hướng tới việc đổi mới hình ảnh của đảo quốc này ở nước ngoài.
Tổng thống Síp nhấn mạnh, tham nhũng và giá điện là hai vấn đề nghiêm trọng nhất mà Chính phủ phải giải quyết. Trong đó, “tham nhũng là căn bệnh ung thư thảm khốc của xã hội”.
Tổng thống Síp bày tỏ sự chắc chắn về quan điểm Síp có thể trở thành hình mẫu trong chống tham nhũng, đồng thời cho biết, đây là lý do ông mời một nhóm quan chức của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đến Síp để hỗ trợ các cuộc điều tra liên quan đến tham nhũng.
Hồi tháng 7, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo rằng Síp có số lượng bản án “hạn chế” liên quan đến các vụ tham nhũng. EC xác định “những thách thức nghiêm trọng” vẫn tồn tại liên quan đến thực thi công lý. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng từng nhận định Síp là một trong nhiều quốc gia EU không thể điều tra và truy tố hiệu quả các vụ án tham nhũng. Hệ thống tư pháp phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài. Và, việc vận hành đầy đủ cơ quan chống tham nhũng vẫn còn là một thách thức.
Trong suốt một thập kỷ (2012-2022), vấn nạn tham nhũng ở Cộng hòa Síp được đánh giá là có chiều hướng gia tăng, làm cản trở tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực.
Ông Nikos Christodoulides - Tổng thống thứ tám của Cộng hòa Síp chính thức đảm nhận chức vụ ngày 1/3 năm ngoái, đã cam kết cải thiện cuộc sống của người dân, giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp và đặc biệt là chống tham nhũng.
OLAF và Hungary tăng cường hợp tác để chống gian lận, tham nhũng
Theo thông cáo báo chí của OLAF, ngày 13/11/2024, lãnh đạo hai cơ quan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung nguồn lực và chuyên môn để giải quyết các âm mưu gian lận xuyên biên giới phức tạp, gây nguy hiểm cho tiền thuế của người dân EU.
Cả hai bên đều bày tỏ cam kết chung về việc tăng cường quyền hạn và năng lực của các cơ quan chức năng quốc gia, đồng thời cải thiện việc phát hiện, điều tra và truy tố gian lận quốc tế.
Ông Ville Itälä, Chủ tịch OLAF (ảnh phải) và ông Ferenc Pál Biró, Chủ tịch Cơ quan Liêm chính Hungary thảo luận về việc tăng cường hợp tác nhằm chống gian lận, tham nhũng xuyên biên giới EU. Ảnh: OLAF
Cơ quan Chống gian lận châu Âu cho hay, sứ mệnh của OLAF là phát hiện, điều tra và ngăn chặn gian lận với các quỹ của EU. OLAF hoàn thành sứ mệnh của mình bằng cách tiến hành các cuộc điều tra độc lập về gian lận và tham nhũng liên quan đến các quỹ của EU, để đảm bảo rằng tất cả tiền của người nộp thuế EU đều đến được những dự án có thể tạo ra việc làm và tăng trưởng ở châu Âu.
Trong chức năng điều tra độc lập của mình, OLAF có thể điều tra các vấn đề liên quan đến gian lận, tham nhũng và các hành vi phạm tội khác ảnh hưởng đến lợi ích tài chính của EU liên quan đến tất cả các khoản chi tiêu của EU; một số lĩnh vực doanh thu của EU, chủ yếu là thuế hải quan; nghi ngờ có hành vi sai trái nghiêm trọng của nhân viên EU và các thành viên của các tổ chức EU.
Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 20: Tăng cường hợp tác thông qua đổi mới công nghệ trong cuộc chiến chống tham nhũng
Hồi đầu tháng 12/2024, Hội nghị Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC) lần thứ 20 diễn ra tại Bali, quy tụ các nhà lãnh đạo khu vực để tăng cường hợp tác chống tham nhũng.
Đây là sự kiện thường niên của những người đứng đầu các cơ quan thành viên ASEAN-PAC nhằm thảo luận về các hoạt động hợp tác, chia sẻ, trao đổi về kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phòng, chống tham nhũng và thông qua các kế hoạch, văn kiện quan trọng của Nhóm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia Alexander Marwata khai mạc Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 20 tại Sanur, Denpasar, Bali, ngày 2/12/2024. Ảnh: ANTARA/Rolandus Nampu
Chủ đề của hội nghị năm nay là: “Tăng cường hợp tác thông qua đổi mới công nghệ trong cuộc chiến chống tham nhũng”. Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác khu vực và đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp chống tham nhũng. Trọng tâm của hội nghị lần này là thảo luận về việc sử dụng công nghệ để xóa bỏ tham nhũng trong khu vực ASEAN.
Đại diện Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia bày tỏ hy vọng, việc sử dụng công nghệ sẽ giúp giải quyết những trở ngại hiện tại và đóng vai trò là sức mạnh chuyển đổi để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Việc triển khai công nghệ cần có khuôn khổ rõ ràng, hệ thống pháp lý mạnh mẽ và ý chí chính trị nhất quán từ các quốc gia thành viên ASEAN-PAC.
Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 20 đánh dấu một bước quan trọng trong việc tăng cường khuôn khổ chống tham nhũng của ASEAN và xây dựng quan hệ đối tác xuyên biên giới để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn, với kỳ vọng, sự kiện sẽ mang tới những sáng kiến và thỏa thuận tiếp theo nhằm thúc đẩy các nỗ lực chống tham nhũng trong khu vực.