Từ 5 đại án: Nhận diện thủ đoạn “rút ruột” tài sản công và kiến nghị giải pháp ngăn chặn các đại án tham nhũng, kinh tế

02/11/2021 10:00

(Pháp Lý) – Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng họp ngày 5/8/2021 đã yêu cầu các cơ quan chức năng trong 6 tháng cuối năm cần khẩn trương xét xử 5 đại án.  Quá trình điều tra, cơ quan bảo vệ pháp luật đã vạch rõ và phơi bày những thủ đoạn “rút ruột” tài sản nhà nước được các bị can sử dụng trong 5 đại án. Đặc biệt có những vụ án, tội phạm mua chuộc cán bộ có chức quyền, xé rào pháp luật để cùng nhau “ rút ruột” tài sản công. Giải pháp quan trọng nào ngăn chặn không để xảy ra các đại án tham nhũng, kinh tế … là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay .

401-1628825781.jpg
Vụ án “Tham ô tài sản”; “ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) – 1 trong 5 đại án chuẩn bị xét xử, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bán “ non” dự án và phớt lờ các qui định thẩm định giá, đấu giá tài sản

Trong  vụ án “Tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và các đơn vị liên quan, Viện KSND Tối cao đã truy tố hàng chục bị can, trong đó có bị can Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị can còn lại bị truy tố về một trong bốn tội danh: “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Che giấu tội phạm” hoặc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo quy định tại Điều 41, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải; ngoài ra còn phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có)… 

Theo cáo trạng của VKS, trong giai đoạn giữ chức Tổng Giám đốc Sagri, bị can Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B (quận 9, TP Hồ Chí Minh) chỉ xây dựng được 80% công trình kỹ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, có nghĩa chưa đủ điều kiện pháp lý để chuyển nhượng DA. Thế nhưng, Lê Tấn Hùng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đồng thời đề nghị Trần Vĩnh Tuyến (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế - tài chính và năm 2017 và phụ trách thêm lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị (không phụ trách Sagri) ký ban hành quyết định về chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Phong Phú.

Đặc biệt hành vi cấu thành tội phạm của các bị can có thêm tình tiết tăng nặng, vì đã bỏ qua quy định của pháp luật, không tổ chức bán đấu giá tài sản (theo quy định tại Điều 31 Luật QLSDVNN đầu tư vào SXKD tại DN), việc chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì thực hiện đấu giá công khai; trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh; trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận).

Tương tự như vậy, trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (có 100% vốn Thành ủy), khiến Tất Thành Cang – nguyên Phó BT thường trực Thành ủy TP.HCM “ngã ngựa”. Các bị can nguyên là lãnh đạo của Công ty Tân Thuận đã sai trong việc liên doanh góp vốn (30%) với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai để thực hiện đầu tư dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè), khi cố tình bỏ qua các bước thẩm định giá xác định giá trị và đưa ra đấu giá công khai tài sản… trước khi sử dụng phương thức thỏa thuận. Đây là khu đất rộng 32ha, có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn có giá thị trường tại thời điểm hơn 2.000 tỷ đồng nhưng Công ty Tân Thuận chỉ bán với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng.

Tương tự, trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) trong việc bán nền đất thuộc dự án KĐC An Phú Tây. Theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 28 Luật QLSDVNN đầu tư vào SXKD tại DN, theo đó qui định DNNN không được “góp vốn cùng công ty con để… thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh”, nhưng Tề Trí Dũng - nguyên Tổng giám đốc IPC, đã thỏa thuận góp vốn với Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn – Sadeco (công ty con của IPC), để nhận lại 187 nền đất với Sadeco. 

Hành vi nói trên là bước khởi động để sau đó (2016 và 2018) Tề Trí Dũng và Trần Đăng Linh (Phó Tổng giám đốc IPC) hợp thức hóa thủ đoạn làm bốc hơi tài sản nhà nước 127 tỷ đồng, thông qua việc chuyển nhượng 149 nền đất thuộc dự án KĐC An Phú Tây, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Đây là dự án được BQL đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Nam TP HCM chuyển giao cho IPC (cuối 9/2006). Kết luận của Cơ quan điều tra xác định, mặc dù có 2 chứng thư thẩm định giá nhưng bị can Dũng không lấy giá của chứng thư định giá giá trị cao hơn mà lấy giá trung bình của hai chứng thư là 7 triệu đồng/m2 (áp dụng đồng giá cho tất cả nền, diện tích, vị trí) để làm giá bán sỉ cho khách hàng. Trong khi đó vào thời điểm này, Sadeco chuyển nhượng các dự án KĐC An Phú Tây có giá từ 8,1 - 14,8 triệu đồng/m2. 

5 đại án chuẩn bị  xét xử trong năm 2021 
+ Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
+ Vụ án “Tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và các đơn vị liên quan.
+ Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý , sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.
+ Vụ án “Đưa hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.
+ Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Bỏ qua 9 bước trình tự quản lý chất lượng công trình 

Dư luận quan tâm nhiều đến vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (bị khởi tố vào giữa 11/2019). Liên quan đến đại án này, đến thời điểm này, Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 36 bị can trong vụ “rút ruột” đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi với tội danh vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015. Hồ sơ vụ án này được chuyển tới TAND TP Hà Nội để nghiên cứu và xét xử sơ thẩm trong thời gian tới.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng kinh phí đầu tư được duyệt là 34.516 tỷ đồng với tổng chiều dài 139,2 km, chia làm 2 giai đoạn, sử dụng vốn vay của các tổ chức tài chính nước ngoài, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Theo Viện KSND TC, đến nay có đủ căn cứ xác định 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án này không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án như: Chiều dày lớp bêtông nhựa VTO/Novachip không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định; lớp bêtông nhựa hạt mịn, bêtông nhựa hạt trung C19 thiếu chiều dày bình quan, độ rộng dư giao động rất lớn; các lớp bêtông nhựa và đá dăm gia cổ nhựa có hiện tượng bong tróc cốt liệu, lớp cấp phối đá dăm loại 1 và loại 2 tai thầu có độ mài mòn, chỉ số dẻo không đạt yêu cầu; cường độ chịu tải trọng, mặt đường không đảm bảo quy định, nhiều vị trí đo trên tuyến có hệ số có không đạt yêu cầu quy định...

402-1628825847.jpg

Không phải ngẫu nhiên mà các bị can ký vào biên bản nghiệm thu để đoạn đường cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng thi công kém chất lượng được đưa vào khai thác. Cần điều tra làm rõ có hay không tội phạm tham ô, tham nhũng…

Để xảy ra hậu quả trên là do các bị can (Chủ đầu tư, BQL thuộc Tổng Công ty VEC; Liên danh nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật Nippon Koei - Nippon Engineering Consultant - Thai Engineering Consultant; Liên danh tư vấn giám sát OC-KEI-SMEC (Nhật Bản) và CDM Smith (Mỹ) được thuê để giám sát thi công) sử dụng là cố ý làm qua loa, không tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng công trình được quy định tại Điều 23 – Điều 34 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình và khoản 1 Điều 120 Luật Xây dựng, đặc biệt là bỏ qua 09 bước về trình tự công tác kiểm soát chất lượng công trình, “từ công đoạn mua sắm, sản xuất, chế tạo các sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị được sử dụng vào công trình cho tới công đoạn thi công xây dựng, chạy thử và nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình hoàn thành vào sử dụng”.

Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án. Theo đó, mặc dù mới khánh thành đưa vào khai thác (2/9/2018), nhưng đoạn đường 65km từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ đã xảy ra rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Vô hiệu hóa, qua mặt cán bộ có chức quyền

Ngày 16.7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án “Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada (giai đoạn 2); thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, TP khác và Cục Quản lý dược – Bộ Y tế”, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 13 bị can có liên quan.

Trong số này, bị can Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Việt Nam Pharma ; Võ Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C và 7 người khác bị đề nghị truy tố về tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Trước đó, vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma giai đoạn 1 đã được xét xử tại TAND TPHCM, Võ Mạnh Cường bị phạt 20 năm tù, Nguyễn Minh Hùng 17 năm; các bị cáo khác nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù với cáo buộc buôn bán thuốc giả là H-Capita 500mg.

Từ kết luận điều tra cho thấy, để đưa được 838.000 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 54 tỉ đồng nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ, hưởng lợi 31,5 tỷ đồng, các bị can Nguyễn Lê Xuân Khang (CQĐT xác định là đối tượng cầm đầu nhưng đã bỏ trốn khỏi Việt Nam), Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường đã làm “tê liệt” và điều khiển vai trò của hàng loạt cán bộ có chức năng. Đầu tiên là Lê Đình Thanh, công chức Cục Hải quan TP.HCM, thực hiện thủ tục thông quan qua quýt; tiếp theo là sự “tận tâm, tận lực” của Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế); Phạm Hồng Châu, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc (Cục Quản lý dược), Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý giá thuốc (Cục Quản lý dược)…

403-1628825877.jpg
Để đưa được 838.000 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 54 tỉ đồng nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ, hưởng lợi 31,5 tỷ đồng, các bị can đã làm “tê liệt” , vô hiệu hóa vai trò của không ít cán bộ thuộc Bộ Y tế

Theo quy định tại Điều 29 và 35 Thông tư số 44/2014/TT-BYT ngày 25/11/2014 của Bộ Y tế, trước khi đăng ký thuốc lưu hành phải thông qua Hội đồng tư vấn (HĐTV) cấp số đăng ký thuốc do Bộ Y tế thành lập.  HĐTV cấp số đăng ký thuốc có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc cấp số đăng ký cho thuốc lưu hành tại Việt Nam. Việc cấp số đăng ký thuốc hoạt động của HĐTV thực hiện theo nguyên tắc, phải bảo đảm căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học và phải được thể hiện trong Biên bản cuộc họp HĐTV cấp số đăng ký thuốc. HĐTV cấp số đăng ký thuốc chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế về các ý kiến tham mưu, tư vấn liên quan đến đăng ký thuốc...

Tuy nhiên, bất chấp vi phạm quy chế hoạt động của HĐTV, bị can Nguyễn Thị Thu Thủy đã tự ý thẩm định lại hồ sơ đối với 2 loại thuốc, tự ý tẩy xóa, thay đổi kết quả đánh giá đề xuất của tiểu ban pháp chế. Tiếp sức cho bị can Thủy, bị can Nguyễn Việt Hùng đồng thời phụ trách Phòng Đăng ký thuốc và là Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt (tức HĐTV) cấp số đăng ký thuốc của Bộ Y tế, cố ý bỏ qua thủ tục kiểm tra, rà soát biên bản thẩm định, đưa ra 2 loại thuốc để Hội đồng xét duyệt (do ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng) xét duyệt và cấp đăng ký thuốc.

Cựu Thứ trưởng Quang không thể ngờ ông là người chốt hạ cuối cùng của “màn kịch”, giữ vai trò tiếp sức bất đắc dĩ để giúp VN Pharma hoàn tất việc nhập khẩu thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ đưa vào Việt Nam tiêu thụ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Để ngăn chặn các đại án “rút ruột” tài sản công ?

Phân tích hành vi vi phạm pháp luật của các bị can từ các đại án trên cho thấy, tài sản của nhà nước đã bị thất thoát, lãng phí được che đậy dưới nhiều chiêu thức, thủ đoạn “rút ruột” khác nhau. Nếu như vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng các bị can cố ý bỏ qua 09 bước về trình tự công tác kiểm soát chất lượng công trình; thì đến vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan… các bị can giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu đã sử dụng thủ đoạn làm vô hiệu hóa vai trò cán bộ  có chức năng.

Đặc biệt trong nhóm vụ án “Tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại IPC, Sadeco và các đơn vị liên quan; và đại án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận có sự tương đồng về thủ đoạn “rút ruột”, đó là đầu tư kinh doanh và chuyển nhượng vốn nhà nước ra ngoài doanh nghiệp nhưng không đấu giá công khai xác định giá trị tài sản công, trước khi thực hiện thỏa thuận về giá theo luật định… 

Theo chúng tôi, để ngăn chặn các chiêu thức, thủ đoạn “rút ruột” tài sản công, trước hết bắt đầu từ việc khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng không để tội phạm có cơ hội, hay nói cách khác không thể thực hiện được hành vi phạm tội. Để tránh sự độc quyền và ngăn chặn mặt trái trong việc sản xuất, kinh doanh và lưu hành thuốc tân dược, nên chăng trước khi Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc phải thông qua sự giám sát bởi một cơ quan thứ ba nằm ngoài Bộ Y tế (chẳng hạn như một đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Khoa học và công nghệ ) ?

Trong vụ án cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng, mặc dù tại điểm 2, khoản 2 Điều 121 Luật Xây dựng 2014, có quy định: “Chủ đầu tư có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi lựa chọn tư vấn giám sát không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng công trình, nghiệm thu khối lượng không đúng, sai thiết kế và các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do mình gây ra”.  Tuy nhiên trên thực tế quy định này không khả thi, bởi không chủ đầu tư nào tự “vạch áo cho người khác xem lưng” (vì lý do chủ đầu tư lựa chọn tư vấn giám sát không đủ điều kiện năng lực, rồi lại tự thừa nhận mình chọn sai); 

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về sai phạm xảy ra tại DA cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bộ Công an đã chỉ ra những bất cập, sơ hở trong hoạt động giám sát thi công công trình, đó là năng lực của tư vấn giám sát không phát huy được tính độc lập, tự chủ về chuyên môn khi thực hiện công tác này nhưng vẫn tham gia ký xác nhận chất lượng các hạng mục thi công, công trình xây dựng… Vì vậy có thể nói việc hoàn thiện điều luật trên là một trong những giải pháp để khắc phục những công trình kém chất lượng. Bởi tư vấn giám sát thi công là một công đoạn vô cùng quan trọng trong đầu tư xây dựng công trình. Một khi chủ đầu tư bị chế tài nghiêm khắc, thì việc lựa chọn tư vấn giám sát sẽ thận trọng, chặt chẽ hơn, khi đó những tổ chức tư vấn giám sát kém năng lực sẽ không còn đất để “dụng võ”…

Tài sản công bị “rút ruột” bằng nhiều thủ đoạn khác nhau là thấy rõ nhưng cho đến nay nhìn từ các đại án (trừ vụ án “Tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại IPC); còn lại các vụ án khác, kể cả vụ án “Đưa hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (mặc dù nguồn tiền để các bị can đưa hối lộ, môi giới hối lộ đều hình thành từ hành vi “rút ruột” tài sản công), phần lớn cơ quan chức năng đều chưa chứng minh được hành vi tham ô của các bị can. Điều đó có nghĩa không có cơ sở để áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất (chung thân hoặc tử hình) các bị can, tương thích với số tài sản nhà nước bị thất thoát lớn.

image004-1628825916.jpg
Truy đến cùng tội phạm tham nhũng và chế tài nghiêm khắc – giải pháp quan trọng giúp ngăn chặn các đại án tham nhũng

Không phải tự nhiên mà các bị can ký vào biên bản nghiệm thu để đoạn đường cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng thi công kém chất lượng được đưa vào khai thác; không phải ngẫu nhiên, bị can Tề Trí Dũng - nguyên Tổng giám đốc IPC, không lấy giá của chứng thư định giá giá trị cao hơn mà lấy giá trung bình của hai chứng thư là 7 triệu đồng/m2, thấp hơn một nửa giá thị trường (áp dụng đồng giá cho tất cả nền, diện tích, vị trí) để làm giá bán sỉ cho khách hàng đối với 149 nền đất thuộc dự án KĐC An Phú Tây;

 Hay bị can Lê Tấn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc Sagri, bán non dự án nhà ở tại phường Phước Long B khi chưa đủ điều kiện; hay các bị can nguyên là lãnh đạo của Công ty Tân Thuận đã bỏ qua các quy định của pháp luật về xác định giá trị tài sản đối với khu đất vàng rộng 32ha tại Phước Kiển (huyện Nhà Bè), trước khi liên doanh với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai thực hiện đầu tư dự án, làm thất thoát khủng tài sản nhà nước. Tương tự như vậy, cũng không phải dễ dàng để cho bị can Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường làm “tê liệt”, vô hiệu hóa vai trò và chức năng của hàng loạt cán bộ có chức năng thuộc các cơ quan có chức năng của Bộ Y tế… Những hành vi đó dư luận cho rằng chắc chắn xuất phát từ động cơ vụ lợi của các bị can (!?)

Do đó, cùng với việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công không để cho tội phạm có cơ hội hoặc không thể tham nhũng; giải pháp căn cơ và lâu dài để ngăn chặn vấn nạn rút ruột tài sản nhà nước, cần phải hoàn thiện pháp luật về chế tài (chủ yếu là BLHS và BLTTHS) theo hướng minh định hoá yếu tố cấu thành tội tham ô, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng dễ nhận diện và xác định tội danh tham ô trong quá trình điều tra, truy cứu và xét xử. Chỉ có tăng mạnh biện pháp chế tài mới khiến cho tội phạm tham ô tham nhũng run sợ, không dám cố ý làm trái pháp luật./.

VŨ LÊ MINH

Bạn đang đọc bài viết "Từ 5 đại án: Nhận diện thủ đoạn “rút ruột” tài sản công và kiến nghị giải pháp ngăn chặn các đại án tham nhũng, kinh tế" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin