Để môi trường kinh doanh minh bạch và tăng cường công tác phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực công, tư : Cần sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng

(Pháp lý). Năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế - tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều vụ án kinh tế - tham nhũng đặc biệt lớn được xử lý nghiêm minh, kịp thời, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục củng cố thêm niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
1-1702457489.jpg

Bộ Công an tổ chức Họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác công an Quý III năm 2023

Điều đáng quan tâm là, qua công tác tố tụng các vụ án kinh tế - tham nhũng đặc biệt lớn vừa qua cho thấy những phương thức thủ đoạn phạm tội của tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ ngày càng tinh vi, liều lĩnh, đặc biệt nhiều vụ có sự móc nối, thông đồng giữa các đối tượng hai khu vực trong và ngoài nhà nước. Đồng thời cũng bộc lộ hàng loạt những bất cập, khoảng trống của cơ chế, chính sách pháp luật liên quan điều chỉnh các hoạt động đầu tư kinh doanh như: pháp luật điều chỉnh hoạt động tổ chức tín dụng, pháp luật đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, đấu thầu, đấu giá, quản lý tài sản công,…

Án kinh tế - tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong nhiều lĩnh vực

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 cho thấy, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%; số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%... Trong đó, về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can.

Đáng chú ý, chỉ tính riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tính từ đầu năm 2023 đến nay đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo…

Trong đó có nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được coi là điển hình của sai phạm trong nhiều lĩnh vực; có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ Nhà nước với các công ty, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, y tế, giáo dục… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh phải kể đến như:

Thứ nhất, đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB -  đây là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp huy động vốn trái phép. Trong đại án này, Cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án, 108 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

Thứ hai, chùm vụ án liên quan đến Công ty AIC - điển hình sai phạm trong đấu thầu, đấu giá. Với vụ án này, cơ quan chức năng đã khởi tố 04 vụ án, 71 bị can, trong đó đã xử lý hình sự 1 nguyên bí thư tỉnh ủy, 1 nguyên chủ tịch tỉnh và nhiều cán bộ diện tỉnh ủy quản lý.

Thứ ba, đại án xảy ra tại Công ty Việt Á - đây là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực y tế, chuyên môn sâu. Đến nay, Cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 33 vụ án, 133 bị can. Trong đó, có 3 Ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy; 1 thứ trưởng, 1 trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều cán bộ cấp vụ, cục, lãnh đạo các tổ chức, cơ sở y tế địa phương.

Thứ tư, vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC - điển hình sai phạm trong lĩnh vực thao túng thị trường chứng khoán, chuyên môn sâu, hoạt động khép kín. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kết luận điều tra giai đoạn I và đề nghị truy tố 21 bị can về các tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản..

Thứ năm, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh - đây là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp. Đến nay, cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bóc trần những chiêu thức, thủ đoạn của tội phạm kinh tế - tham nhũng

Qua những vụ án được phanh phui và xử lý năm 2023 cho thấy tội phạm nói chung, đặc biệt là các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế , tham nhũng, chức vụ đang ngày càng diễn biến phức tạp, hậu quả thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu như trước đây, thiệt hại có thể đến hàng trăm tỉ đồng, thì những vụ án gần đây, con số thiệt hại đã lên đến hàng nghìn thậm chí có vụ hàng trăm nghìn tỉ đồng.

Nghiên cứu các vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy nổi lên một số phương thức, thủ đoạn phổ biến sau đây của tội phạm:

Thứ nhất, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, có thể thấy, các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm như lách quy định sở hữu chéo, núp bóng thâu tóm cổ phần ngân hàng thông qua việc nhờ người thân tín đứng tên sở hữu cổ phần, từ đó thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng; sử dụng các công ty “ma” để đứng tên, lập khống hợp đồng, hồ sơ vay vốn; cố ý làm trái, vi phạm quy định cho vay nâng khống giá trị tài sản đảm bảo;… để hợp thức rút tiền và chiếm đoạt, gây thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp và ngân hàng.

Những thủ đoạn này có thể thấy rõ trong “đại án” Vạn Thịnh Phát – ngân hàng SCB. Theo đó, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng làm "kênh huy động vốn" cho cá nhân, Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân (gồm ngân hàng Sài Gòn (cũ), Việt Nam Tín Nghĩa và ngân hàng Đệ Nhất) sau đó hợp nhất thành ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Mặc dù không trực tiếp giữ chức vụ, tuy nhiên thông qua việc nhờ người thân tín đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan đã lách luật nắm giữ trên 90% cổ phần của SCB, chi phối điều hành, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng.  Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB - vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào.

Đáng chú ý, Trương Mỹ Lan đã thành lập hệ sinh thái Vạn Thnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp, các công ty con, công ty liên kết, nhờ nhiều cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để hợp thức việc rút tiền, chiếm đoạt tiền…

picture2-1702456865.png

Đại án Vạn Thịnh Phát - SCB là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp huy động vốn trái phép để chiếm đoạt

Thứ hai, trong hoạt động đấu thầu, đấu giá,… hành vi vi phạm thường diễn ra tập trung vào khâu thẩm định giá, đấu thầu, chỉ định thầu… Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu; thông đồng, móc ngoặc công tư nhằm thao túng trong đấu thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.

Theo đó, để dễ dàng trúng thầu các đối tượng thường móc nối các cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư và nhiều doanh nghiệp khác nhau, cài cắm các điều khoản có lợi cho doanh nghiệp hoặc để giá các gói thầu cao hơn giá trị thực tế vốn có của nó và từ đó trục lợi từ ngân sách sau đó chia chác nhau, trong đó đặc biệt là các đơn vị thẩm định giá đã câu kết, thông đồng với nhau “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực, bằng các chứng thư thẩm định. Những thủ đoạn này thường thấy trong các vụ án đấu thầu y tế, giáo dục đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công.

Điển hình như, trong các vụ án sai phạm của Công ty AIC dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, các nhân viên dưới quyền của AIC đều trúng thầu bằng các chiêu trò thông thầu, móc ngoặc, điều chỉnh số liệu, cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính nhằm gian lận trong đấu thầu. Đồng thời, cựu Chủ tịch AIC còn chỉ đạo thuộc cấp sử dụng các công ty trong hệ sinh thái của AIC làm "quân xanh" cho Công ty AIC trúng thầu. Bằng các thủ đoạn trên Công ty AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã liên tiếp trúng các gói thầu tại các cơ sở y tế nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước như: Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… gây thiệt hại ngân sách hàng trăm tỉ đồng.

Hay như trong vụ Việt Á, kết quả điều tra cho thấy, quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test Covid-19, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian theo hình thức bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian; hoặc liên hệ các lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước. Sau đó các đối tượng cấu kết, thông đồng để hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á và công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á, công ty trung gian đưa ra. Cơ quan điều tra khẳng định, việc này không đảm bảo nguyên tắc khách quan, minh bạch trong đấu thầu, vi phạm các điều cấm trong đấu thầu.

Đáng nói, các đối tượng còn sử dụng phương thức chia nhỏ gói thầu để đáp ứng điều kiện chỉ định thầu đối với một số gói thầu có giá trị lớn hoặc áp dụng triệt để tiêu chí chỉ có một nhà thầu đăng ký thực hiện, chỉ có một nhà thầu có khả năng thực hiện gói thầu theo quy định pháp luật để lách qua “cửa hẹp” chỉ định thầu… Những chiêu thức, thủ đoạn này có thể thấy rõ trong các vụ đấu thầu bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á tại nhiều CDC địa phương như: Hải Dương, Cần Thơ, Đắk Lắk…

Thứ ba, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng chính là cấu kết, bắt tay công - tư giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, lợi dụng những sơ hở chính sách pháp luật nhằm biến tài sản công thành tài sản tư làm thất thoát tài sản nhà nước.

Phương thức thủ đoạn này có thể thấy rõ nhất trong đại án Việt Á. Trong đó hàng loạt quan chức lãnh đạo từ bộ trưởng, bí thư tỉnh uỷ, đến cán bộ quản lý chuyên môn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á từ quá trình nghiên cứu đến quá trình cấp đăng ký lưu hành và hiệp thương giá bộ kit xét nghiệm…như: Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm Covid-19. Hay như Cựu Phó Phòng Quản lý giá (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) Nguyễn Huỳnh đã lợi dụng vai trò giới thiệu, can thiệp và tác động đến ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế, trình, ký đề xuất Bộ Y tế ban hành Quyết định cấp Số đăng ký lưu hành Kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á trái quy định của pháp luật…Từ đó, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, trái quy định pháp luật.

Thứ tư, trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp: Thủ đoạn thường thấy là các đối tượng cố tình thông tin sai lệch, thiếu minh bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp; tăng khống vốn điều lệ, đánh bóng "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp; đưa ra lãi suất cao, cam kết lợi nhuận hấp dẫn; sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán để thao túng thị trường tạo cung cầu giả... để thu hút nhà đầu tư đổ tiền đầu tư và cổ phiếu, trái phiếu, từ đó chiếm đoạt.

Điển hình như trong vụ lừa đảo trái phiếu Tân Hoàng Minh, để thu hút nhà đầu tư , các thành viên cốt cán của Tân Hoàng minh đã thống nhất lựa chọn các công ty thuộc Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu riêng lẻ, loại hình trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền và lựa chọn hình thức trái phiếu có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút được nhiều người mua trái phiếu.

Đáng chú ý, ông Dũng chỉ đạo thuộc cấp sử dụng pháp nhân 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư. Các bị can còn cấu kết với các công ty kiểm toán để làm đẹp báo cáo tài chính để có đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Với loại tài sản chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, Tân Hoàng Minh thông qua các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư, ghi nhận giá trị tài sản đảm bảo để "tạo niềm tin cho người mua trái phiếu".

Hay như trong vụ FLC, Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) và đồng phạm đã lợi dụng những khoảng trống, kẽ hở của cơ chế, chính sách pháp luật để thực hiện hành vi tăng khống vốn điều lệ công ty, sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán của nhiều cá nhân, tổ chức để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp chéo không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa và đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán, gồm: FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.

Những đạo luật cần cấp bách sửa để bít các kẽ hở, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thượng tôn pháp luật

Từ theo dõi công tác tố tụng các vụ án kinh tế - tham nhũng năm 2023 và qua nghiên cứu phân tích các vụ án nêu trên , chúng tôi nhận thấy hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật ngân hàng, đầu tư, kinh doanh…còn nhiều sơ hở, nhiều qui định thiếu chặt chẽ, chưa lường hết, chưa bao phủ được thực tế, chưa đủ các qui định, chế tài chặt chẽ… Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, khiến cho nhiều DN tư nhân hoạt động kinh doanh chân chính không có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng.

picture3-1702456865.png

Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng” (ngày 12/12/2023)

Do đó, để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, phát triển bền vững, thượng tôn pháp luật, từ nghiên cứu các vụ án trên, chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan điều chỉnh các hoạt động đầu tư kinh doanh như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, đấu thầu, đấu giá, Luật quản lý tài sản công,… đang còn tồn tại nhiều kẽ hở .

Thứ nhất bịt kín những lỗ hổng trong các quy định của Luật Các tổ chức tín dng liên quan đến quản lý hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, cho vay sân sau…

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã có nhiều quy định để ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, cho vay sân sau. Tuy nhiên, thực tế tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay “sân sau” còn phức tạp.

Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có quy định về sở hữu cổ phần, giới hạn tín dụng như: Một cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ một số trường hợp theo quy định pháp luật… (Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung 2017). Tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại (Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung 2017)…

Tưởng chừng những quy định như vậy đã là rất chặt chẽ, đủ để ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, cho vay sân sau… tuy nhiên thực tế cho thấy, rõ ràng tất cả những quy định hiện hành chưa đủ để ngăn sở hữu chéo ngân hàng, chưa thể chặn thao túng.

Bởi thực tế nhìn vào vụ Vạn Thịnh Phát – SCB và nhiều vụ đại án thao túng ngân hàng đã được phanh phui thời gian qua cho thấy, sở hữu chéo, sở hữu ngầm cổ phần ngân hàng rất khó nhận diện. Mặc dù luật có quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần, quy định cho vay đối với cá nhân tổ chức liên quan thì các tập đoàn sân sau vẫn dễ dàng “lách” quy định bằng việc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng nghìn doanh nghiệp để thao túng hoạt động ngân hàng…

Điều này thể hiện rõ trong vụ Vạn Thịnh Phát, khi mà bà Trương Mỹ Lan có thể dễ dàng thao túng, chi phối và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), biến Ngân hàng này trở thành công cụ tài chính để bà tổ chức huy động tiền gửi phục vụ cho những mục đích cá nhân với thủ đoạn nhờ người đứng tên và tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần thực tế tại đây lên hơn 91%. Từ đó, dùng quyền hạn của mình để chỉ đạo các cá nhân ở Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai hoạt động rút tiền ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay khống của "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng để chặn tình trạng lũng đoạn ngân hàng, cần phải kết hợp với các quy định khác để làm sao xác định được cá nhân, tổ chức thực sự nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại. Và quan trọng hơn nữa là cầncơ chế giám sát dòng tiền góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thông qua kiểm soát dữ liệu cá nhân và thanh toán không dùng tiền mặt…

picture4-1702456985.png

Để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cần cấp bách sửa đổi nhiều luật liên quan ở nhiều lĩnh vực

Thứ hai, bịt  lỗ hổng trong các quy định liên quan đến thành lập doanh nghiệp, đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các quy định liên quan đến vốn.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, người đăng ký thành lập doanh nghiệp khi nộp hồ sơ, giấy tờ thì chỉ cần hồ sơ hợp lệ (tự cung cấp thông tin về vốn, điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh…) là được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không buộc cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra tính hợp pháp giấy tờ. Tuy nhiên, đây lại là lỗ hổng rất lớn để một số đối tượng lợi dụng nhờ người thân trong gia đình, thuê người hoặc sử dụng CMND/CCCD của người không quen biết đứng tên đại diện pháp luật thành lập công ty “ma” để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo huy động vốn, buôn lậu, mua bán hóa đơn GTGT...

Minh chứng rõ nét nhất cho điều này chính là vụ Vạn Thịnh Phát, theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Trương Mỹ Lan đã xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp chủ yếu là các công ty “ma” thông qua việc thuê nguời khác hoặc nhờ người có quan hệ họ hàng, cán bộ nhân viên đứng tên đại diện pháp luật để lấy pháp nhân đứng trên các khoản vay tại Ngân hàng SCB và lập các phương án vay vốn khống nhằm hợp thức hóa rút tiền từ SCB.

Đặc biệt, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm bị kẽ hở trong các quy định liên quan đến quản lý vốn, giám sát việc sử dụng vốn tại các doanh nghiệp. Điển hình như, Luật Doanh nghiệp quy định chủ sở hữu, thành viên góp vốn và cổ đông các loại hình công ty có trách nhiệm góp đủ phần vốn đã cam kết trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quá thời hạn này, công ty sẽ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn. Quy định như vậy đã hạn chế được phần nào tình trạng cổ đông sáng lập và thành viên công ty không góp đủ vốn khi thành lập, làm cho vốn ảo quá nhiều và doanh nghiệp hạch toán ghi nợ cho cổ đông, dẫn đến tình trạng bán cổ phần khi chưa góp vốn thực sự, nhiều người thành lập công ty nhưng thiếu khả năng tài chính, có thể đi lừa đảo người khác.

Tuy nhiên, các quy định về góp vốn chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 90 ngày. Trường hợp công ty đang hoạt động và có nhu cầu tăng vốn điều lệ, thì chưa thấy có điều luật nào điều chỉnh thời hạn phải góp đủ phần vốn tăng thêm đối với thành viên hoặc cổ đông công ty. Chính vì thế, các doanh nghiệp vẫn có thể lách luật bằng cách đăng ký số vốn điều lệ thấp nhằm đảm bảo việc góp đủ vốn trong vòng 90 ngày, sau khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp tiến hành đăng ký tăng vốn điều lệ và trong nhiều trường hợp, số vốn điều lệ sau khi tăng là vốn khống, vốn ảo. Đặc biệt có không ít trường hợp công ty cổ phần phát hành tăng vốn ồ ạt trước đại chúng, lên sàn chứng khoán.

Những điều này có thể thấy rõ trong vụ thao túng thị trường chứng khoán FLC, Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) và đồng phạm đã lợi dụng những khoảng trống, kẽ hở của cơ chế, chính sách pháp luật để thực hiện hành vi tăng khống vốn điều lệ công ty nhằm làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút và bán cho nhà đầu tư để thu lợi.

Thứ ba, sớm bịt lỗ hổng trong các quy định Luật Chứng khoán, trong đó đặc biệt là rà soát sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, cần có quy định chặt chẽ hơn đối với việc mở và sử dụng các tài khoản giao dịch chứng khoán. Bởi, thực tế hiện nay, việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng và không kiểm soát dẫn đến bị lợi dụng để thuê, nhờ người khác đứng tên. Các đối tượng thao túng thị trường chứng khoán có thể dễ dàng sử dụng các tài khoản của người để mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao rồi bất ngờ bán. Điều này thấy rõ trong hầu hết các vụ thao túng thị trường chứng khoán bị phát hiện.

Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó đặc biệt là các quy định về trách nhiệm về cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị liên quan như: các tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu; các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên… đảm bảo họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật. Bởi thực tế trong các vụ án trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thấy có tình trạng thông đồng móc ngoặc giẵ các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên với các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu trái phiếu để làm sai lệch hồ sơ kiểm toán, định giá tài sản đảm bảo nhằm mục đích làm đẹp hồ sơ để lừa đảo nhà đầu tư.

Thứ tư, bịt lỗ hổng pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý sử dụng tài sản công, đấu thầu, đấu giá mua sắm công

Có thể thấy, qua hàng loạt các vụ án sai pham liên quan đến đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, đặc biệt là đấu thầu mua sắm thiết bị, sinh phẩm y tế tại các cơ sở y tế, bệnh viện nhà nước… thì hầu hết những bất cập, lỗ hổng của quy định pháp luật đều đã được các cơ quan chức nhận diện và đã kiến nghị khắc phục sửa đổi bổ sung như Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua và tới đây là  nhiều đạo luật liên quan khác… Các luật sửa đổi bổ sung mới kì vọng sẽ tạo lập hành lang pháp lý mới, hiệu quả hơn trong đấu thầu, bịt kín những kẽ hở lớn của pháp luật đang tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng lợi dụng, “lách luật” để trục lợi từ hoạt động đấu thầu, mua sắm công trong thời gian qua, trong đó có đấu thầu mua sắm thiết bị, sinh phẩm y tế tại các cơ sở y tế, bệnh viện nhà nước.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng để ngăn chặn những tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm công trong thời gian tới, không chỉ hoàn thiện chính sách pháp luật đã đủ mà cần phải có những biện pháp song song khác. Cụ thể cần tăng cường các hoạt động giám sát của xã hội, của các tổ chức xã hội.. đặc biệt giám sát của báo chí đối với hoạt động đấu thầu mua sắm chi tiêu công. Bởi dù pháp luật có kín kẽ đến mấy thì cũng rất khó để ngăn chặn hết được những đối tượng liều lĩnh, cố tình vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính.

Đặc biệt, hoàn thiện các quy định về quản lý tài sản công, thực hiện, chuyển giao đề tài, nhiệm vụ khoa học tài trợ bằng ngân sách nhà nước… theo hướng tất cả các đề tài, nhiệm vụ khoa học tài trợ bằng ngân sách nhà nước cần đấu thầu thực hiện triển khai; Việc chuyển giao sử dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài, nhiệm vụ khoa học tài trợ bằng ngân sách nhà nước phải thực hiện theo hướng đấu giá quyền sử dụng… Bởi thực tế hiện nay, những nhiệm vụ này vẫn thực hiện dựa trên cơ chế giao khoán, ký hợp đồng và thỏa thuận chuyển giao… điều này dễ nảy sinh cơ chế "xin -cho", không đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ và môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và công bằng.  

Đinh Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin