Đây là ý kiến được nêu ra tại Hội nghị công bố báo cáo kết quả nghiên cứu “Điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi” do Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp tổ chức ngày 30/8.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc (gọi tắt là công ước CRC) vào tháng 2/1990.
Điều này thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của Việt Nam đối với vấn đề trẻ em.
Theo bà Minh, kể từ đó đến nay, công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng khích lệ.
Ngay sau khi phê chuẩn công ước CRC, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 1991 (được sửa đổi năm 2004) và sau đó được thay thế bằng Luật Trẻ em 2016.
Đạo luật này là cơ sở pháp lý cơ bản cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Việt Nam, bao hàm nhiều quy định quan trọng đảm bảo mọi trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Tuy nhiên, bà Minh cũng cho rằng, bên cạnh những quy định mới rất tiến bộ, Luật Trẻ em 2016 vẫn còn giữ một quy định gây tranh luận đó là về độ tuổi pháp lý của trẻ em.
Cụ thể, Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”, trong khi công ước CRC và các điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em nhà Việt Nam đã ký kết như Công ước số 138 về tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đều quy định trẻ em là dưới 18 tuổi nhằm bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, khỏi sự bóc lột và lạm dụng khi tham gia lao động.
Vì vậy, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và UNICEF tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu về việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam lên mức tương thích với chuẩn mực quốc tế.
Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt báo cáo kết quả nghiên cứu “Điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi” tại hội nghị, TS.Vũ Công Giao chỉ ra rằng, theo quy định hiện hành của Việt Nam, các em ở lứa tuổi 16-17 (ở năm 2018 là khoảng gần 3 triệu em), trong đó có hàng trăm ngàn em có hoàn cảnh đặc biệt, không được hưởng một số chính sách xã hội dành cho việc hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Do đó, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 là hợp lý, cần thiết và chắc chắn sẽ mang tới những tác động tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và hợp tác quốc tế.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương tiến hành xem xét, sửa đổi Điều 1 Luật Trẻ em 2016 để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên mức tương thích với quy định tại Điều 1 của Công ước CRC đồng thời chuẩn bị nguồn ngân sách bổ sung cho việc mở rộng phạm vi của các chính sách, chương trình xã hội với trẻ em để đáp ứng nhu cầu của số trẻ em mới tăng thêm (ở độ tuổi 16-17), đặc biệt là trong các chương trình và chính sách bảo trợ xã hội.
Việc sửa đổi này cũng giúp Việt Nam tạo sự nhất quán về khái niệm trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam - cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ giúp trẻ em từ 16-17 tuổi ở Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ trẻ em theo quy định trong Luật Trẻ em, từ đó giúp bảo vệ các em khỏi tất cả các hình thức bạo lực, đặc biệt là xâm hại tình dục./.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/kien-nghi-dieu-chinh-do-tuoi-phap-ly-cua-tre-em-len-duoi-18-tuoi-468904.html