Vì sao các đời tổng thống Mỹ không thể ngăn Triều Tiên phát triển hạt nhân?

Không chỉ Tổng thống Donald Trump mà ngay cả những người tiền nhiệm của ông cũng từng nghĩ tới việc sẽ sử dụng các biện pháp quân sự để ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, mọi kế hoạch của Washington nhằm vào Bình Nhưỡng dường như vẫn thất bại dù vị trí chủ nhân Nhà Trắng đã nhiều lần thay tên đổi chủ.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (ngồi, bên trái) gặp cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng vào tháng 8/2009. (Ảnh: AFP)
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (ngồi, bên trái) gặp cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng vào tháng 8/2009. (Ảnh: AFP))

Các tổng thống Mỹ loay hoay với bài toán Triều Tiên

Tổng thống Donald Trump gần đây liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Triều Tiên như dọa trút “hỏa lực và cơn thịnh nộ” hay cảnh báo kết cục chưa từng có đối với Bình Nhưỡng nếu nước này có động thái đe dọa tới an ninh của Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên trở thành một vấn đề nóng trong chương trình nghị sự của Mỹ. Trước đó, nhiều đời tổng thống Mỹ đã từng đau đầu để tìm hướng giải quyết cho bài toán Triều Tiên. Và sau những tuyên bố “sắc lạnh” của Tổng thống Trump gần đây, một câu hỏi được đặt ra đó là: Tại sao các cựu Tổng thống Mỹ chưa từng thực hiện các hành động tương tự như tuyên bố của ông Trump để ngăn Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân?

Khi cựu Tổng thống Bill Clinton phải đương đầu với mối đe dọa từ việc Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, ông đã từng nghĩ tới việc sẽ sử dụng biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ông Clinton rốt cuộc lại chọn cách ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên để ký Thỏa thuận khung chung. Triều Tiên sau đó đã dừng chương trình sản xuất plutonium của nước này để đổi lấy các tàu vận chuyển nhiên liệu và một lò phản ứng nước nhẹ từ Mỹ. Mặc dù vậy, cả Mỹ và Triều Tiên cuối cùng đều không thực hiện đầy đủ các cam kết chung giữa hai nước.

Sau đó, vấn đề Triều Tiên tiếp tục xuất hiện trở lại trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống George W. Bush - một nhà lãnh đạo vốn không ưa Triều Tiên. Ông Bush đã đưa Triều Tiên vào danh sách “Trục ma quỷ”. Chính quyền Bush phát hiện ra rằng Triều Tiên đã bí mật phát triển một chương trình làm giàu uranium và điều này đã vi phạm tinh thần chung giữa hai nước trong thỏa thuận từ thời cựu Tổng thống Clinton.

Năm 2006, Triều Tiên đã tiến hành thử thiết bị hạt nhân lần đầu tiên. Tuy nhiên, tới năm 2007, chính ông Bush đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào chính quyền Triều Tiên và bước vào bàn đàm phán mới với Bình Nhưỡng. Nhưng rốt cuộc, Triều Tiên đã khước từ các đề nghị đàm phán này.

 Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhìn qua ống nhòm khi tới thăm quân nhân Mỹ tại trạm quan sát Ouellette dọc khu phi quân sự ở biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc hồi tháng 3/2012. (Ảnh: Reuters)
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhìn qua ống nhòm khi tới thăm quân nhân Mỹ tại trạm quan sát Ouellette dọc khu phi quân sự ở biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc hồi tháng 3/2012. (Ảnh: Reuters))

Tới khi ông Barack Obama lên nắm quyền, Triều Tiên tiếp tục quay trở lại chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này. Bình Nhưỡng khi đó đã hoàn tất việc chế tạo các tên lửa, đánh chìm một tàu của Hàn Quốc và nã pháo vào đảo của Hàn Quốc.

Cùng thời điểm đó, ông Kim Jong-un chính thức lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên và đẩy mạnh chương trình vũ khí của nước này. Trong suốt quãng thời gian này, chính quyền cựu Tổng thống Obama vẫn kiên trì theo đuổi chính sách “kiên nhẫn chiến lược” và tránh trừng phạt Triều Tiên ngay cả khi Bình Nhưỡng có những động thái khiêu khích.

Cho tới khi Tổng thống Donald Trump chính thức đặt chân tới Nhà Trắng hồi đầu năm nay, ông đã phải thừa hưởng một mớ hỗn độn do các chính quyền tiền nhiệm để lại trong vấn đề Triều Tiên.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng ngày càng cho thấy sự tiến bộ của nước này trong quá trình phát triển vũ khí. Chính quyền của ông Kim Jong-un không chỉ thử tên lửa đạn đạo với tần suất đáng báo động, mà còn được đánh giá là đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa.

Ông Trump có thể thể làm khác so với các chính quyền tiền nhiệm?

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters))

Theo nhà phân tích Eli Lake, Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, chính là lý do khiến 3 đời tổng thống Mỹ trước ông Trump không thể xóa sổ các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên ngay cả khi họ có cơ hội. Triều Tiên có đủ hỏa lực để phóng tới Seoul và cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người dân Hàn Quốc. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ dễ dàng kích động một cuộc chiến tranh thế giới và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng hỗn loạn.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry cho rằng Mỹ không thể phá hủy các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên bằng các cuộc tấn công quân sự vì những công trình này được Triều Tiên mở rộng liên tục trong vòng 20 năm qua. Hơn nữa, cái giá mà người dân Hàn Quốc phải trả sẽ không thể đoán trước được.

Trong khi đó, John Plump, cựu giám đốc phụ trách chính sách quốc phòng và chiến lược thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhận định: “Nếu tôi là chính quyền của ông Trump, tôi sẽ xem xét mối đe dọa từ việc Seoul bị phá hủy và tìm cách tính toán khả năng xảy ra trên thực tế của kịch bản này. Đối với tôi, kịch bản này đã được nhắc tới nhiều lần và nó gần như bắt đầu mất đi tính nghiêm trọng. Tấn công Seoul, một khu vực đông dân cư, sẽ khác với việc tấn công một tiền đồn quân đội ở nơi xa xôi hẻo lánh. Kịch bản này quá mạo hiểm, đó là điều không phải bàn cãi”.

 Một cuộc tập trận của quân đội Mỹ - Hàn (Ảnh: The Sun)
Một cuộc tập trận của quân đội Mỹ - Hàn (Ảnh: The Sun))

Theo nhà phân tích Eli Lake, giới chức tình báo Mỹ trong những tháng gần đây đều nhận định rằng mối đe dọa về việc Triều Tiên tấn công thủ đô của Hàn Quốc là có thật. Trong trường hợp Mỹ đáp trả và tấn công Triều Tiên, thì thiệt hại của lực lượng Mỹ, vốn đồn trú tại Hàn Quốc trong hơn 60 năm qua, là rất lớn. Đó là chưa đề cập tới thiệt hại của các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản.

Liên quan tới những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Trump, chuyên gia Eli Lake cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ nên cẩn trọng hơn trong việc phát ngôn. Ông Trump đã cảnh báo sẽ trút hỏa lực vào Triều Tiên nhưng liệu hỏa lực đó có chấm dứt được chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng hay không? Ông Trump liệu có sẵn sàng ra lệnh tấn công Triều Tiên để lật đổ chế độ hay không? Và nếu ông chủ Nhà Trắng thực sự làm vậy thì liệu ông có đủ nhân lực, vật lực cũng như thời gian để bình ổn đất nước Triều Tiên sau khi chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị lật đổ?

Một loạt các câu hỏi đã được đặt ra sau những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Trump. Theo chuyên gia Eli Lake, giống như các chính quyền tiền nhiệm, những tuyên bố của ông Trump cũng chỉ là những lời vô nghĩa, mặc dù trong những ngày sắp tới, ông chủ Nhà Trắng sẽ còn tiếp tục đưa ra những cảnh báo hoặc những lời đe dọa như vậy.

Theo Dantri

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin