Nhận diện một số rủi ro trong soạn thảo Hợp đồng nhượng quyền thương mại: Doanh nghiệp cần lưu ý

(Pháp lý). Bản chất nhượng quyền thương mại là một phương thức kinh doanh đặc thù, pháp luật điều chỉnh nội dung này cũng chứa đựng nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, quá trình soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu các bên không lưu tâm, chú trọng có thể gặp phải rủi ro khiến mục đích hợp đồng không đạt được trọn vẹn.
1-1713777908.jpg

(Ảnh minh họa)

Dựa vào lợi thế tận dụng nguồn nhân lực, vốn từ đối tác để mở rộng chuỗi kinh doanh, gia tăng tỷ suất lợi nhuận cùng độ nhận diện thương hiệu, nhượng quyền trở thành cánh cửa để doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam đồng thời mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế mang theo những dấu ấn riêng.

Mặc dù vậy, bản chất nhượng quyền thương mại là một phương thức kinh doanh đặc thù, pháp luật điều chỉnh nội dung này cũng chứa đựng nhiều điểm khác biệt. Quá trình soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu các bên không lưu tâm, chú trọng có thể gặp phải rủi ro khiến mục đích hợp đồng không đạt được trọn vẹn.

Rủi ro chủ thể trong hợp đồng

Chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng là một trong những thành tố giữ vai trò quyết định đến hiệu lực và hiệu quả của hợp đồng. Chính vì vậy, soạn thảo phần thông tin các bên phải đảm bảo nhận diện đúng chủ thể, thẩm quyền, xác định đúng, đủ tư cách và điều kiện tham gia giao kết. Bên cạnh năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự (vấn đề cơ bản cần đáp ứng với mọi dạng thức giao dịch), hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng cần chú trọng đặc điểm của bên nhượng quyền, bên được nhượng quyền, người đại diện và thực tế vận hành kinh doanh.

Bên nhượng quyền là chủ sở hữu hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp. Mục đích các bên hướng đến thông qua hợp đồng nhượng quyền là khai thác yếu tố thương mại từ nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo. Trong đó, một số đối tượng quyền sở hữu công nghiệp không bắt buộc đăng ký bảo hộ nhưng với nhãn hiệu (ngoại trừ nhãn hiệu nổi tiếng), việc đăng ký bảo hộ là cơ sở xác lập quyền sở hữu. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 121, Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 nhận diện “chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng”.

2-1713777919.jpg

Ảnh minh hoạ

Từ nền tảng quyền sở hữu, Luật Sở hữu trí tuệ cho phép chủ sở hữu được chuyển quyền cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình (Điều 141, Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022). Tiến hành nhượng quyền khi chưa đăng ký bảo hộ, bên nhượng quyền có nguy cơ đánh mất quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu bởi theo nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”, pháp luật chỉ bảo hộ cho chủ thể đăng ký sớm nhất. Ngược lại, nhãn hiệu chưa cấp văn bằng bảo hộ có thể có dấu hiệu trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn làm mất khả năng phân biệt với nhãn hiệu đã tồn tại trên thị trường, việc nhượng quyền trong trường hợp này buộc phải chấm dứt khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác. Để quá trình nhượng quyền thương mại diễn ra thuận lợi, bên nhượng quyền phải là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu biểu hiện qua văn bằng bảo hộ được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.

Để quá trình nhượng quyền thương mại diễn ra thuận lợi, bên nhượng quyền phải là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu biểu hiện qua văn bằng bảo hộ được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. Tiến hành nhượng quyền khi chưa đăng ký bảo hộ, bên nhượng quyền có nguy cơ đánh mất quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu bởi theo nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”, pháp luật chỉ bảo hộ cho chủ thể đăng ký sớm nhất.

Tuân thủ điều kiện về thực tế vận hành. Tương tự một số quốc gia khác trên thế giới, quan điểm của Việt Nam nhằm chứng minh hiệu quả mô hình dưới “kiểm nghiệm” thị trường và khách hàng, bên nhượng quyền cần có thời gian triển khai, duy trì hoạt động cửa hàng, địa điểm kinh doanh trên thực tế. Điều 8, Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 5 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định “thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”. Thời gian này tính từ ngày cấp Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh cửa hàng đầu tiên thuộc hệ thống kinh doanh.

Người giao kết hợp đồng là người đại diện hợp pháp cho doanh nghiệp, có đủ tư cách tham gia vào quan hệ hợp đồng. Người giao kết hợp đồng có thể người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp. Đối với một số loại hình doanh nghiệp, tùy thuộc quy mô, tình hình kinh doanh cũng như phân bổ điều hành mà số lượng, giới hạn phạm vi quyền và nghĩa vụ của người đại diện không đồng nhất hay phụ thuộc vào chức danh cố định. Điều 12, Luật Doanh nghiệp năm 2020 nêu rõ với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần “nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật”. Rủi ro thẩm quyền người đại diện thường khởi phát từ hai nguyên nhân: [1] Người giao kết hợp đồng không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc [2] Người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp ký kết hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền. Thẩm quyền và tư cách người đại diện không đảm bảo, tranh chấp xảy ra thì việc chứng minh mối liên hệ ràng buộc giữa người kết hợp đồng với nghĩa vụ doanh nghiệp thường rất phức tạp. Vì vậy, ngay từ khâu xây dựng và soạn thảo hợp đồng, tư cách người đại diện là vấn đề quan trọng cần xem xét, kiểm tra.

3-1713777918.jpg

Ảnh minh hoạ

Bên được nhượng quyền trên thực tế phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Trước đây, Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định “thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại”,  nhưng Nghị định 08/2018/NĐ-CP ra đời đã bãi bỏ yêu cầu này. Bên được nhượng quyền tự do tiếp nhận quyền thương mại mà không có ràng buộc ngành nghề. Dù vậy, bản chất nhượng quyền là hoạt động thương mại nên bên được nhượng quyền đòi hỏi phải có tư cách thương nhân, có năng lực hành vi thương mại, không thuộc trường hợp cấm thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật.

Một số đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bị hạn chế chuyển quyền sử dụng như quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó (Khoản 2, Điều 142, Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022). Đồng nghĩa, không phải mọi tình huống các bên có nhu cầu đều có thể tiến hành giao kết và thực hiện hợp đồng.

Khâu soạn thảo hợp đồng luôn tiềm chứa những rủi ro pháp lý, sai nhầm đối tượng hoặc thiếu kiểm duyệt xác thực thông tin, chủ quan không đánh giá, thẩm định điều kiện đối tác trực tiếp sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu lực và tính khả thi của hợp đồng.

4-1713777918.jpg

Ảnh minh hoạ

Rủi ro tên gọi hợp đồng

Tên gọi của hợp đồng không chỉ mang tính hình thức mà còn nhằm mục đích xác định bản chất hợp đồng. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, khai thác thương mại khác với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu hay một số hợp đồng nhượng quyền thương mại phổ biến sử dụng thuật ngữ “nhượng quyền thương hiệu”. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa thừa nhận tên thương hiệu là đối tượng được nhượng quyền và cũng không tồn tại văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến “thương hiệu”. Thực trạng này xuất phát từ việc các bên còn hạn chế kiến thức pháp luật, lý giải dưới phương diện thông hiểu cá nhân. Trong điều kiện lý tưởng, các bên tham gia tích cực, thiện chí và đồng nhất cách hiểu thì việc sai tên gọi không làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, nhưng ở tình huống phát sinh tranh chấp, tên gọi của hợp đồng là yếu tố đầu tiên được xét đến để nhận diện bản chất và đối tượng hợp đồng.

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, khai thác thương mại khác với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu hay một số hợp đồng nhượng quyền thương mại phổ biến sử dụng thuật ngữ “nhượng quyền thương hiệu”. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa thừa nhận tên thương hiệu là đối tượng được nhượng quyền và cũng không tồn tại văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến “thương hiệu”.

Rủi ro trong xác định nguồn luật điều chỉnh

Căn cứ pháp lý ở phần mở đầu nếu được ghi nhận, trình bày đầy đủ, chính xác sẽ giúp các bên áp dụng đúng quy định liên quan đến quan hệ hợp đồng. Bên cạnh đó, đây còn là cơ sở giải quyết một số vấn đề mà các bên chưa thỏa thuận, không đề cập hoặc thỏa thuận không rõ ràng. Ngược lại, việc thiếu hoặc viện dẫn căn cứ pháp lý không phù hợp, văn bản pháp luật hết hiệu lực sẽ định hình cách hiểu cùng hành vi sai lệch. Hệ quả khiến các bên bỏ qua, không tiến hành đầy đủ trình tự thủ tục, hợp đồng đứng trước nguy cơ vô hiệu do vi phạm điều cấm, không đảm bảo yêu cầu luật định.

Rủi ro về hình thức hợp đồng và các yêu cầu thủ tục

Hợp đồng nhượng quyền thương mại là một dạng thức giao dịch dân sự, phát sinh hiệu lực khi hội đủ điều kiện về chủ thể, nguyên tắc tự nguyện, mục đích và nội dung phù hợp quy định pháp luật, đáp ứng về mặt hình thức (trường hợp hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng). Đối với nhượng quyền thương mại, Điều 285, Luật Thương mại năm 2005 quy định “hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương” và tùy thuộc tính chất hoạt động mà có thể phải đăng ký với cơ quan quản lý hoặc không. Trường hợp nhượng quyền trong nước hoặc nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài, các bên phải thực hiện chế độ báo cáo Sở Công thương theo Khoản 2, Điều 3, Nghị định 120/2011/NĐ-CP; Thương nhân nước ngoài dự kiến nhượng quyền thương mại vào Việt Nam trước khi tiến hành phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công thương theo Điều 18, Nghị định 35/2006/NĐ-CP.

Rủi ro về nội dung hợp đồng

Nội dung hợp đồng do các bên thoả thuận trên nguyên tắc ý chí được thể hiện thống nhất một cách tự do, tự nguyện, bình đẳng. Tuy nhiên, pháp luật cũng bắt buộc nội dung hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Đặc biệt hơn, nhượng quyền thương mại còn ở giữa sự đan xen, giao thoa điều chỉnh của pháp luật thương mại, luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ.

Điển hình nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh trong khu vực và chuỗi kinh doanh nội bộ, hợp đồng nhượng quyền thường có điều khoản ràng buộc bên được nhượng quyền chỉ hoạt động một cơ sở duy nhất trong phạm vi nhất định. Điều này tạo ra vị thế độc quyền cho bên được nhượng quyền, hạn chế các bên khác tự do kinh doanh cũng như giới hạn khả năng lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng. Ngoài ra, bên nhượng quyền yêu cầu bên được nhượng quyền phải mua sắm nguyên vật liệu từ nhà cung cấp chỉ định với lý do đảm bảo chất lượng, quy định giá bán tối thiểu hoặc giá bán tối đa các loại hàng hóa, dịch vụ để đồng bộ chuỗi. Thoả thuận phân chia thị trường, ấn định giá, áp đặt mua bán có thể cấu thành thoả thuận hạn chế cạnh tranh và bị cấm nếu gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường theo Điều 12, Luật Cạnh tranh 2018.

5-1713777919.jpg

(Ảnh minh họa)

Soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu không xét đến sự tương thích, mối liên hệ giữa pháp luật thương mại, luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ sẽ hình thành những điều khoản trái luật, không chỉ không đạt được hiệu quả mà các bên tham gia quan hệ hợp đồng có nguy cơ chịu chế tài, trách nhiệm pháp lý.

Bên cạnh đó, rủi ro về nội dung hợp đồng còn đến từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, rõ ràng. Không quy định điều khoản dự liệu, dự phòng như trách nhiệm khi vi phạm nghĩa vụ, cơ sở đơn phương chấm dứt hợp đồng, bồi thường thiệt hại, thoả thuận phạt vi phạm, sự kiện bất khả kháng, điều khoản về giải quyết tranh chấp, bảo mật thông tin, bí mật kinh doanh hay hướng xử lý nếu chuyển đổi hệ thống. Ngoài ra, quy trình đào tạo, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ áp dụng theo hệ thống, đơn vị thẩm định cơ sở vật chất, điều kiện kinh doanh và thời điểm kiểm tra cũng cần cụ thể hóa bằng lịch trình, tiêu chí, tiêu chuẩn và chỉ số.

Soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu không xét đến sự tương thích, mối liên hệ giữa pháp luật thương mại, luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ sẽ hình thành những điều khoản trái luật, không chỉ không đạt được hiệu quả mà các bên tham gia quan hệ hợp đồng có nguy cơ chịu chế tài, trách nhiệm pháp lý.

Thời hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại tương đối dài (05 năm đến 10 năm). Hoàn cảnh kinh tế mỗi thời kỳ thay đổi không tránh khỏi việc các bên gặp phải khó khăn, nếu hợp đồng thiếu toàn diện, tâm lý trông chờ vào thiện chí, chủ quan để rồi thiếu ràng buộc sẽ vô tình đẩy mâu thuẫn nhỏ đến quá trình giải quyết phức tạp, nghiêm trọng hơn nếu tại thời điểm đó các bên không còn tìm thấy tiếng nói chung.

Rủi ro về ngôn ngữ, thuật ngữ chuyên ngành

Rủi ro về ngôn ngữ thường biểu hiện khi hợp đồng soạn thảo không sử dụng từ ngữ phổ thông, chính xác mà sử dụng từ ngữ địa phương, biểu cảm, đa nghĩa gây cách hiểu sai. Hơn nữa, hoạt động nhượng quyền thương mại không bị giới hạn bởi phạm vi lãnh thổ, một số trường hợp được ký kết giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài thì quá trình dịch thuật, chuyển ngữ không thống nhất, sát nghĩa cũng khiến việc tiếp cận nội dung gặp khó khăn. Ngoài ra, rủi ro ngôn ngữ trong hợp đồng còn đến từ những thuật ngữ chuyên ngành hoặc thuật ngữ pháp lý được sử dụng nhưng mang hàm ý đoán định, dựa trên cách hiểu cùng phán đoán chủ quan. Sử dụng cụm từ viết tắt, từ ngữ chuyên môn không giải nghĩa khả năng cao dẫn đến nhận diện sai đối tượng.

Rủi ro do điều chỉnh nhiều quan hệ hợp đồng

Khi giao kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, các bên có xu hướng đưa vào điều chỉnh nhiều quan hệ hợp đồng trong một văn bản duy nhất, hành vi “lợi bất cập hại” dựa trên điểm tương đồng và phụ trợ kinh doanh. Thêm vào các quan hệ một mặt làm tăng dung lượng điều khoản nhưng mặt khác lại khó đầy đủ, chi tiết và trọn vẹn. Bên cạnh mục đích chính là nhượng quyền, các bên thường thỏa thuận thêm quan hệ đại lý thương mại, bên nhận quyền được chọn làm đối tác đồng thời làm đại lý phân phối các sản phẩm. Không cụ thể về hình thức đại lý, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, giá cả, phương thức thanh toán cũng như thời hạn hợp đồng khiến tính khả thi của điều khoản rất thấp, khoảng hở lớn, nhập nhằng khó phân định giải quyết trong trường hợp tranh chấp.

Rủi ro trong soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại bắt nguồn bởi nhiều nguyên nhân, từ tâm lý chủ quan trong khâu kiểm định, xác thực thông tin chủ thể, sự thiếu hiểu biết của các bên trong tiếp cận quy định pháp luật, cũng không loại trừ sai sót, nhầm lẫn. Nguyên nhân nào cũng báo động cho quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, mục tiêu lẫn sự ổn định kinh doanh đang không được bảo vệ toàn diện.

Việt Nam là thị trường tiềm năng cho mô hình kinh doanh nhượng quyền nhưng trước cơ hội, doanh nghiệp cần nhận diện đầy đủ rủi ro để dự phòng các giải pháp phù hợp, hạn chế tranh chấp và những trở ngại không đáng có từ quá trình soạn thảo hợp đồng.

Bùi Sĩ Thành

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin