
Diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2025 là sự kiện trọng điểm, khép lại chuỗi hoạt động AMS 2025 do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh triển khai.
Diễn đàn tập trung vào các phiên điều trần giải quyết tranh chấp trong và sau phiên điều trần cũng như phân tích những thách thức chính trong hoạt động của các thủ tục trọng tài và xem xét các cơ chế quản lý thời gian đã được triển khai hiệu quả tại nhiều khu vực pháp lý khác nhau. Với hai phiên họp - Phiên toàn thể và Phiên chuyên đề - Hội thảo dự kiến sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận năng động, tổng hợp những hiểu biết có giá trị và đề xuất các khuyến nghị khả thi, mang tính thủ tục để nâng cao hiệu quả, giảm thời gian giải quyết tranh chấp trọng tài.

Mở đầu Diễn đàn PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Thành viên Hội đồng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART), đã có bài phát biểu khai mạc. Ông nhấn mạnh rằng trong một nền kinh tế hiện đại, năng động, các doanh nghiệp không thể tránh khỏi các tranh chấp. Quá trình giải quyết tranh chấp chỉ thực sự hiệu quả khi tiết kiệm được thời gian và chi phí. Tuy nhiên, pháp luật về trọng tài ở Việt Nam hiện nay vẫn còn khá chung chung, điều này vừa tạo ra sự linh hoạt nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo hiệu quả và sự minh bạch của quá trình giải quyết tranh chấp. Ông khẳng định sự cần thiết phải có những quy định cụ thể hơn để chuẩn hóa quy trình và tạo ra một môi trường giải quyết tranh chấp nhanh chóng và công bằng.
PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Trọng tài viên VIAC, đã chia sẻ về vai trò quan trọng của các hoạt động học thuật trong việc cải thiện lĩnh vực trọng tài – hòa giải. Ông cho biết, sự kiện này không chỉ là cơ hội để các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm, mà còn góp phần nâng cao chất lượng khung pháp lý, giúp trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn.
LS. Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, đã phát biểu về tầm quan trọng của quản trị thời gian trong giải quyết tranh chấp. Ông chỉ ra rằng mặc dù trọng tài thương mại đang dần trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, song thực tế có một số vụ việc bị kéo dài không cần thiết do sự thiếu cụ thể trong các quy định pháp luật và thiếu sự hợp tác giữa các bên tranh chấp.

Phiên thứ nhất: Quản trị thời gian trong tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp tại trọng tài
Phiên này được điều phối bởi LS. Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc ADR Vietnam Chambers LLC. Các chuyên gia như LS. Lương Văn Lý và LS. Nguyễn Quốc Vinh đã thảo luận về vấn đề hoãn phiên họp, sự ảnh hưởng của việc kéo dài thời gian và các yếu tố tác động đến sự hiệu quả của phiên họp trong trọng tài. Các chuyên gia nhận định rằng quy định pháp luật của nhiều quốc gia hiện nay chưa đặt ra giới hạn cụ thể về thời gian và số lượng phiên họp, điều này đôi khi dẫn đến việc kéo dài tranh chấp không cần thiết.

Phiên 2: Kiểm soát các vấn đề phát sinh sau phiên họp giải quyết tranh chấp
Phiên này tập trung vào những phát sinh có thể xảy ra sau khi kết thúc phiên họp cuối cùng của trọng tài, đặc biệt là vấn đề bổ sung tài liệu, chứng cứ sau thời điểm này. Các chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù các quy định pháp luật và quy tắc của các trung tâm trọng tài không yêu cầu xem xét tài liệu bổ sung sau phiên họp cuối cùng, nhưng thực tế nhiều vụ tranh chấp vẫn tiếp tục phát sinh những tài liệu này, gây cản trở và kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp và từ những phân tích, thảo luận về thực tiễn tại Việt Nam kết hợp cùng việc đối chiếu quy định của một số quốc gia và quy tắc tại một số trung tâm trọng tài quốc tế, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị có giá trị ứng dụng cao. Theo đó, các chuyên gia đề nghị làm rõ hơn khái niệm về phiên họp cuối cùng cũng như quyền, nghĩa vụ của các bên khi phiên họp kết thúc. Cùng với đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh về việc gia tăng thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong việc cân nhắc, xử lý các chứng cứ sau phiên họp cuối, đảm bảo các tài liệu, chứng cứ được xem xét đầy đủ, phán quyết trọng tài công bằng, đảm bảo quyền lợi cho các bên tranh chấp


Mở đầu Phiên Chuyên môn về chủ đề: Các công cụ kiểm soát thời gian trong giải quyết tranh chấp.
Diễn đàn tiếp tục với các phiên chuyên môn, trong đó Phiên A và Phiên B thảo luận về các công cụ kiểm soát thời gian trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài quốc tế, đặc biệt là việc áp dụng thủ tục phân nhánh tố tụng và thủ tục rút gọn. Các chuyên gia đều cho rằng, những thủ tục này có thể giúp rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, nhưng cũng cần phải được áp dụng cẩn thận để tránh việc kéo dài tranh chấp không cần thiết. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên và Hội đồng Trọng tài trong việc quyết định áp dụng các thủ tục này để đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch của toàn bộ quá trình.

Dưới sự điều phối của LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, các chuyên gia đã phân tích ưu nhược điểm của việc áp dụng thủ tục phân nhánh tố tụng. Họ đồng tình rằng, khi vụ tranh chấp có diễn biến phức tạp, việc phân chia thành các vấn đề cụ thể để giải quyết từng phần có thể giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, cũng tồn tại rủi ro nếu không kiểm soát tốt, có thể dẫn đến vượt quá thẩm quyền và gây nguy cơ hủy phán quyết trọng tài.
Để áp dụng thủ tục này hiệu quả, các chuyên gia nhấn mạnh rằng Hội đồng Trọng tài cần đánh giá tình hình hiện tại và phản ứng của các bên. Đồng thời, các bên tranh chấp cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh gây kéo dài thêm quá trình.

Tiếp nối Phiên A, Phiên B do PGS.TS. Trần Việt Dũng điều phối đã bàn luận về thủ tục rút gọn. Các chuyên gia nhất trí rằng, thủ tục này là tối ưu cho những tranh chấp đơn giản, không phức tạp. Tuy nhiên, việc áp dụng cần phải xem xét mức độ phức tạp của vụ việc và đồng thuận của các bên để tránh bỏ sót chi tiết quan trọng.
Lưu ý rằng hiện nay chưa có quy chuẩn thống nhất về thủ tục rút gọn trên toàn cầu, do đó các bên cần xem xét kỹ các quy định cụ thể của từng trung tâm trọng tài. Việc giải quyết theo thủ tục rút gọn thường được giao cho một trọng tài viên duy nhất, điều này vừa giúp nhanh chóng có được kết quả, nhưng cũng đòi hỏi trọng tài viên phải xử lý linh hoạt và khách quan.
Như vậy, khi chúng ta chọn giải quyết bằng việc thủ tục rút gọn thì cần phải tìm hiểu và xem xét kỹ lưỡng các quy định về việc này để có thể phát huy tối đa tính hiệu quả của việc áp dụng thủ tục rút gọn cùng với đó ở phía tổ chức trọng tại bởi vì chỉ có một trọng tài viên duy nhất giải quyết nên cũng đặt ra nhiều trọng trách hơn cho trọng tài viên, khi họ phải quyết định linh hoạt các vấn đề thủ tục trong khi vẫn đảm bảo rằng quá trình tố tụng tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc cơ bản của sự khách quan, công bằng và hiệu quả.
Diễn đàn Khoa học AMS 2025 không chỉ là dịp để chia sẻ kiến thức mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các kiến nghị thiết thực nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động trọng tài tại Việt Nam. Các chuyên gia đã đề xuất cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến thủ tục phân nhánh và thủ tục rút gọn, từ đó nâng cao tính hiệu quả và minh bạch của trọng tài thương mại trong bối cảnh đổi mới hiện nay. Sự kiện này cũng đánh dấu năm thứ ba liên tiếp chuỗi Hội thảo chuyên đề và Diễn đàn khoa học về Trọng tài – Hòa giải được triển khai, tạo ra một không gian trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu cho cộng đồng pháp lý và doanh nghiệp.
Một số hình ảnh của buổi hội thảo:




Ngọc Phụng - Hoàng Yến