Chính sách đổi mới sáng tạo, công nghệ: Kinh nghiệm của Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và đề xuất gợi mở cho Việt Nam

Mỹ đã có những chính sách nổi trội giúp duy trì vị thế dẫn đầu trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo toàn cầu. Trong khi đó Thụy Sĩ 13 năm liên tiếp được vinh danh là quốc gia sáng tạo nhất thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những cường quốc về đổi mới sáng tạo (ĐMST) rất đáng để Việt Nam học hỏi.
1-1736129462.jpg

Mỹ và những chính sách đặc biệt giúp duy trì vị thế dẫn đầu trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo toàn cầu

Nói về Hoa Kỳ, Chính phủ nước này từ lâu đã đóng góp vào thành công của Thung lũng Silicon. Hàng tỷ đô la đầu tư của liên bang và tiểu bang - bao gồm cả nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ - có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Thung lũng Silicon ngay từ những năm 1950.

Sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nhân Hoa Kỳ vẫn tiếp tục trong nhiều thập kỷ. Ví dụ: Tesla đã được hưởng lợi đáng kể từ các khoản tín dụng thuế liên bang cung cấp cho người tiêu dùng khi mua ô tô điện. Người ta ước tính rằng công ty đã nhận được gần 3 tỷ USD tiền trợ cấp và ưu đãi của tiểu bang và địa phương kể từ khi ra mắt.

Để củng cố chuỗi cung ứng bán dẫn quan trọng đối với ngành công nghiệp, Mỹ đã ban hành Đạo luật CHIPS năm 2022. Đạo luật Chíp và khoa học hướng tới 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp muốn nhận được hơn 150 triệu USD tài trợ phải nộp kế hoạch chia sẻ cho chính phủ Mỹ về hoạt động sản xuất, một phần của bất kỳ dòng tiền hoặc lợi nhuận nào vượt quá mức họ đăng ký. Để nhận được gói trợ cấp từ đạo luật CHIPS và Khoa học, các công ty đăng ký cần thỏa mãn 2 điều kiện quan trọng.

2-1736129471.jpg

Ảnh minh họa

Đạo luật cũng đã thành lập Quỹ ITSI. Đây là sáng kiến ​​do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ  nhằm mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng lực lượng lao động có tay nghề và tinh chỉnh các khuôn khổ pháp lý để xây dựng chuỗi cung ứng ATP toàn cầu đa dạng và có khả năng phục hồi.

Mỹ cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng một nền kinh tế đổi mới sáng tạo (ĐMST) mạnh mẽ, với các chính sách và chiến lược dài hạn nhằm duy trì và phát triển các lĩnh vực sáng tạo. Các thành tựu trong công nghệ, y tế, khoa học máy tính và nhiều ngành công nghiệp tiên tiến khác của Mỹ không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia mà còn có ảnh hưởng toàn cầu. Để đạt được những thành công này, Mỹ đã đầu tư vào nhiều khía cạnh khác nhau nhằm xây dựng và duy trì một hệ sinh thái ĐMST đầy sức sống, từ đó giúp các doanh nghiệp và cá nhân khai thác tối đa tiềm năng sáng tạo.

Một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược thúc đẩy ĐMST của Mỹ là việc chú trọng đến tính đa dạng trong hệ sinh thái sáng tạo. Việc tạo ra một môi trường ĐMST đa dạng về các nguồn lực, kinh nghiệm và cách tiếp cận không chỉ khuyến khích sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội mà còn giúp phát hiện và phát triển các giải pháp sáng tạo từ nhiều góc độ khác nhau.

Mỹ không chỉ tập trung phát triển ĐMST tại các trung tâm công nghệ lớn mà còn chú trọng việc phát triển hệ sinh thái ĐMST ở các khu vực khác nhau trên toàn quốc. Chính phủ Mỹ đã triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ các khu vực không phải là trung tâm của ĐMST nhưng có tiềm năng lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo.

Ngành sản xuất tiên tiến đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái ĐMST của Mỹ. Một yếu tố quan trọng giúp ngành sản xuất tại Mỹ hồi phục là sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, các công ty lớn và các trung tâm nghiên cứu kỹ thuật. Mô hình “cộng đồng công nghiệp” này giúp kết nối các nhà khoa học, kỹ sư và các nhà sáng tạo với các doanh nghiệp. Sự hợp tác này không chỉ giúp tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp như công nghệ sinh học, dược phẩm, và năng lượng sạch phát triển mạnh mẽ, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân.

Chính sách ĐMST của Mỹ là một mô hình toàn diện, bao gồm các chiến lược phát triển hạ tầng, tăng cường tính đa dạng và hợp tác liên ngành, cùng với việc đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng cho người dân. Những chính sách này đã giúp Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo toàn cầu. Với những kinh nghiệm này, Mỹ không chỉ xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo mà còn tạo ra cơ hội cho mọi nhóm xã hội tham gia vào quá trình đổi mới, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế.

Thụy Sĩ: 13 năm liên tiếp được vinh danh là quốc gia sáng tạo nhất thế giới

Trong nhiều năm, Thụy Sĩ duy trì vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chi tiêu ngân sách R&D của Chính phủ Liên bang rất thấp so với các nước châu Âu khác và hầu như không bỏ tiền cho R&D của khu vực tư nhân.

Để làm điều này, Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ áp dụng bảy nguyên tắc nghiêm ngặt: không đưa ra chính sách đổi mới sáng tạo áp đặt từ trên xuống hoặc chính sách phát triển cụm ngành ưu tiên mà đi theo nhu cầu từ thị trường (bottom-up); trọng tâm ngành khoa học là không tài trợ trực tiếp cho các công ty mà sử dụng hình thức đối ứng (matching fund) giữa các công ty với chính quyền địa phương; duy trì tính trung lập về công nghệ, hay nói cách khác không có chính sách ưu đãi riêng cho các ngành công nghiệp; cho phép mức độ tự chủ lớn của các tác nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đưa ra những khoản tài trợ chung hết sức hào phóng; kích thích cạnh tranh nội bộ để đạt được năng lực cạnh tranh quốc tế; và thủ tục pháp lý cùng các công cụ điều chỉnh đơn giản.

Thụy Sĩ rất tích cực trong việc thúc đẩy tạo ra các công ty khởi nghiệp (startup), một trong những động lực chính của quá trình đổi mới sáng tạo. Chính quyền cung cấp các hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho startup. Một nghiên cứu chỉ nhận được tiền của Chính phủ khi nó gọi được tài trợ đối ứng từ các doanh nghiệp.

Vì đổi mới sáng tạo đòi hỏi tầm nhìn dài hạn nên các chính phủ cần có vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ liên tục này. Chính phủ, đặc biệt là chính quyền địa phương, không chỉ là người khởi xướng mà còn nên là một bên liên quan chính. Ví dụ, công viên đổi mới sáng tạo SIPBB vẫn có 5% cổ phần do chính quyền địa phương nắm giữ.

3-1736129471.jpg

Đất nước hạnh phúc Thụy Sĩ và cũng là đất nước 13 năm liên tiếp là một trong những quốc gia sáng tạo nhất châu Âu

Thụy Sĩ có sáu công viên đổi mới sáng tạo nằm rải rác trên khắp đất nước. Mỗi công viên đều độc lập, tập trung vào những ngành công nghiệp cụ thể dựa trên lợi thế cạnh tranh của địa điểm đặt công viên và nhu cầu thị trường. Nhu cầu thị trường được xác định bởi nhu cầu của các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương. Ví dụ, công viên đổi mới sáng tạo ở Biel tập trung vào nhà máy thông minh trong khi công viên đổi mới sáng tạo tại Zurich chú trọng vào hàng không vũ trụ.


Các công viên đổi mới sáng tạo của Thụy Sĩ cũng nhắm đến các tập đoàn như một nguồn doanh thu bền vững và thịnh vượng. Các công viên đổi mới sáng tạo phải được đặt gần các trường đại học như một nguồn liên tục cung cấp nhân lực tài năng và kiến thức mới. Với Thụy Sĩ, các trường đại học như Đại học Khoa học Ứng dụng Bern, Viện Công nghệ Liên Bang Thụy sĩ ETH Zurich hay Viện Kỹ thuật Liên bang Lausanne EPFL đang đứng trong top đầu thế giới về nhiều ngành kỹ thuật ứng dụng và nghiên cứu cơ bản.

Thụy Sĩ còn là một trong những quốc gia đi đầu về chính sách thành phố thông minh, lấy con người làm trung tâm. Thành phố thông minh bền vững ở Thụy Sĩ thể hiện qua những dự án ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống, khai thác hiệu quả các dịch vụ, tiện ích đi kèm mà vẫn bảo đảm bảo nhu cầu sống hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường của thế hệ hiện tại lẫn tương lai.

Công nghệ được ứng dụng triệt để ngay từ khâu quy hoạch đô thị đến khi vận hành. Yếu tố "xanh" luôn được chú trọng với những giải pháp tối ưu tiêu thụ năng lượng tái tạo, giảm thiểu tác động đến môi trường và duy trì không gian sống bền vững.


Nhật Bản và Hàn Quốc với những chính sách nổi trội của những cường quốc về ĐMST và công nghệ

Nhật Bản và Hàn Quốc là những cường quốc về ĐMST và công nghệ. Đây là nơi đặt trụ sở của các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thường xếp ở những vị trí hàng đầu trong các chỉ số đổi mới.

Để có được vị trí như ngày nay, cả hai quốc gia đã khai thác sức mạnh tổng hợp của khu vực công và tư nhân trong nhiều thập kỷ. Các chiến lược đổi mới mà hai nước sử dụng không giống với mô hình của Thung lũng Silicon.

Chính phủ và các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc tin rằng sự hợp tác giữa các startup mới và các tập đoàn hiện nay rất quan trọng để thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế, đặc biệt là trong các công nghệ tiên tiến, như bán dẫn, robot, năng lượng. Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo ra một hệ sinh thái đổi mới mở, trong đó các cơ quan chính phủ, các công ty lớn và các startup nhỏ hơn đều hỗ trợ lẫn nhau.

4-1736129471.jpg

Nhật Bản và Hàn Quốc là những cường quốc về ĐMST và công nghệ (ảnh minh họa)

K-Startup Grand Challenge là một chương trình của Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ các startup có khả năng cạnh tranh quốc tế. Được chính phủ phát động vào năm 2016, chương trình này đã phát triển mạnh cho đến ngày nay. Đây được xem là phiên bản Thung lũng Silicon của Hàn Quốc tại thủ đô Seoul, quy tụ các startup từ khắp nơi trên thế giới cạnh tranh để có cơ hội tham gia chương trình tăng tốc ở Hàn Quốc. Chương trình này đóng vai trò là bàn đạp để các công ty này mở rộng ở Hàn Quốc và khắp châu Á nhờ sự kết hợp giữa đầu tư, cố vấn, học hỏi ngang hàng, không gian văn phòng và kết nối với các chaebol.

Nhật Bản cũng đã triển khai một chương trình gần như giống hệt vào năm 2018. Năm 2022, Chính phủ Nhật Bản đã công bố mục tiêu nuôi dưỡng 100 kỳ lân mới vào năm 2027 và tạo ra 10.000 startup trong thời gian này.

Chính phủ Hàn Quốc còn triển khai một loạt các chính sách và chiến lược để thúc đẩy ĐMST trong suốt những năm qua. Những chiến lược này tập trung vào việc cải thiện khả năng sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư vào R&D và xây dựng hệ thống ĐMST toàn diện, kết nối nghiên cứu, sản xuất và thị trường.

Một trong những điểm đặc biệt trong chiến lược ĐMST của Hàn Quốc là việc chuyển trọng tâm từ ĐMST do nhà nước lãnh đạo sang ĐMST do tư nhân dẫn dắt. Điểm đáng quan tâm nữa là Chính phủ Hàn Quốc có khá nhiều các quỹ để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thấy rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ cao, có khả năng sáng tạo mạnh mẽ và nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới vào thực tiễn. Vì vậy, chính phủ đã khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời tạo ra một môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp và các tập đoàn lớn triển khai các dự án sáng tạo.

Hàn Quốc còn là một trong những quốc gia có tỷ lệ chi tiêu cho R&D cao nhất thế giới. Chính phủ cũng đã phát triển các chính sách ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư vào R&D, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp và khuyến khích họ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.

Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến việc đáp ứng các thách thức và cơ hội do các công nghệ mới mang lại. Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục cập nhật và điều chỉnh các chính sách ĐMST để bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, blockchain và công nghệ sinh học. Chính phủ cũng đã đầu tư mạnh vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến này, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp trong việc triển khai các công nghệ mới vào các sản phẩm và dịch vụ thực tế.

5-1736129471.jpg

Ảnh minh họa

Đề xuất chính sách cho Việt Nam

1. Cần sớm hoàn thiện các khung khổ pháp lý phù hợp tình hình, hoàn cảnh Việt Nam

Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn, với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Trong đó, điển hình là Samsung có kế hoạch đầu tư 2 nhà máy kiểm định, đóng gói bán dẫn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn, cụ thể như: Đưa hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thành nội hàm then chốt của các khuôn khổ đối tác, hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp với Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Đồng thời, Việt Nam khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác từ việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ đầu tư, công nghệ với các đối tác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ví dụ như hoạt động triển khai các chương trình của Quỹ Đổi mới sáng tạo và an ninh công nghệ (ITSI) thuộc Đạo luật Chip của Mỹ đã và đang hỗ trợ Việt Nam đào tạo 120 giảng viên, 4.000 sinh viên và chuyển giao chương trình đào tạo về đóng gói, kiểm thử chip cho 20 cơ sở đào tạo tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang tích cực phối hợp với Hoa Kỳ trong việc triển khai các sáng kiến về bán dẫn trong khuôn khổ OECD, bao gồm mạng lưới chuyên gia bán dẫn, nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải sớm hoàn thiện các khung khổ pháp lý phù hợp tình hình, hoàn cảnh Việt Nam và phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng để hỗ trợ tối đa những cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp bằng trí tuệ và tài năng khoa học sáng tạo. Theo đó, Việt Nam cũng đang khẩn trương xây dựng bổ sung và sửa đổi một số đạo luật quan trọng như Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Khoa học công nghệ và ĐMST…

Đạo luật Chip và chính sách ĐMST của Mỹ rất đặc biệt, độc đáo, vượt trội mà Việt Nam nên học hỏi khi thiết kế xây dựng, sửa đổi 2 đạo luật quan trọng về công nghệ và ĐMST.

2. Đổi mới sáng tạo: Cần học hỏi những kinh nghiệm quí từ Thụy Sĩ

Từ góc nhìn của Việt Nam, Thụy Sĩ đang sử dụng cả hai cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ví dụ, Chính phủ Liên bang (trung ương) cho phép chính quyền bang (địa phương) tự chủ về những việc cần làm và những ngành công nghiệp cần tập trung, trong khi vẫn đưa ra các khoản tài trợ chung hào phóng cho những nỗ lực thực hiện đổi mới sáng tạo ở địa phương.

Tại Việt Nam, những nỗ lực đầu tiên trong việc phát triển các công viên khoa học công nghệ đang dần được triển khai trong vài năm gần đây. Kinh nghiệm của Thụy Sĩ chỉ ra rằng, các công viên đổi mới sáng tạo nên tự coi mình là doanh nghiệp độc lập, có hoạt động kinh doanh khả thi và theo đuổi sự bền vững tài chính. Để đạt được điều này, các nhà quản lý nên được trao quyền tự chủ cao trong hoạt động của mình.

Như hầu hết các công viên khoa học công nghệ ở Việt Nam, các công viên đổi mới sáng tạo của Thụy Sĩ cũng nhắm đến các tập đoàn như một nguồn doanh thu bền vững và thịnh vượng. Các công viên đổi mới sáng tạo phải được đặt gần các trường đại học như một nguồn liên tục cung cấp nhân lực tài năng và kiến thức mới. Thực tế, cả ba công viên đổi mới sáng tạo ở Biel, Zurich và Lausanne của Thụy Sĩ đều có cổ đông là các trường đại học.

Mặc dù có rất nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam cũng nằm trong các trường đại học, nhưng điều cần làm nổi bật là chất lượng nguồn nhân lực. Điều này không có nghĩa là nguồn nhân lực ở Việt Nam không tốt. Tuy nhiên, so với Thụy Sĩ, các trường đại học như Đại học Khoa học Ứng dụng Bern, Viện Công nghệ Liên Bang Thụy sĩ ETH Zurich hay Viện Kỹ thuật Liên bang Lausanne EPFL đang đứng trong top đầu thế giới về nhiều ngành kỹ thuật ứng dụng và nghiên cứu cơ bản.

Để tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, các trường đại học trọng điểm ở Việt Nam phải đầu tư thêm rất nhiều vào đội ngũ nhân lực (giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh…) của mình theo hướng đổi mới sáng tạo. Đại học đổi mới sáng tạo là một mô hình mới. Nếu mô hình đại học nghiên cứu hiện nay chú trọng vào hai nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học thì giờ đây các trường theo định hướng đổi mới sáng tạo sẽ có thêm vai trò mới là nơi tạo ra các “giá trị” cho sự phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo Bộ KH-ĐT, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính “Nhà nước - Viện trường - Doanh nghiệp” và các chủ thể liên quan, bao gồm: các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính. Những đối tác lớn và quan trọng của NIC gồm các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước như Viettel, FPT, CMC, Google, Meta, Amazon, Hitachi… cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

3. Bài học từ chiến lược hiệu quả, đầu tư mạnh mẽ và coi trọng khối tư nhân nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc

Hàn Quốc đã thành công trong việc xây dựng một hệ sinh thái ĐMST mạnh mẽ thông qua các chiến lược hiệu quả và đầu tư mạnh mẽ vào các yếu tố cơ bản như kiến thức, tài chính và con người. Chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, đồng thời chú trọng phát triển các công nghệ mới và liên kết với các tiêu chuẩn quốc tế. Những kinh nghiệm và chiến lược này không chỉ giúp Hàn Quốc duy trì vị thế tiên tiến trong nền kinh tế toàn cầu mà còn tạo ra những mô hình sáng tạo có thể học hỏi cho các quốc gia khác.

Một trong những điểm đặc biệt trong chiến lược ĐMST của Hàn Quốc mà Việt Nam nên quan tâm học hỏi, đó là việc chuyển trọng tâm từ ĐMST do nhà nước lãnh đạo sang ĐMST do tư nhân dẫn dắt. Điểm đáng quan tâm nữa là Chính phủ Hàn Quốc có khá nhiều các quỹ để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thấy rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ cao, có khả năng sáng tạo mạnh mẽ và nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới vào thực tiễn. Vì vậy, chính phủ đã khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời tạo ra một môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp và các tập đoàn lớn triển khai các dự án sáng tạo. Việt Nam cũng nên quan tâm đến chính sách quan trọng này.

Bảo Bảo

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin