Tại sao các quốc gia giàu lại muốn chuyển giao công nghệ vaccine cho các quốc gia khác, trong khi độc quyền có thể giúp họ kiếm bộn tiền từ khủng hoảng dịch bệnh?
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang rất quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ vaccine. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, hợp đồng chuyển giao công nghệ với phía Nga đã thực hiện xong giai đoạn 1 của gia công, đóng ống và đang được kiểm định chất lượng tại Nga trong tháng 7. Dự kiến đến giữa tháng 8, công đoạn đóng ống sẽ được triển khai tại Việt Nam. Việc chuyển giao công nghệ với vaccine của Nga sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.
Tập đoàn Vingroup hiện đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Arcturus, Hoa Kỳ. Dự kiến tháng 8/2021 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 - 200 triệu liều/năm có thể sẽ đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022.
Công ty AIC và Công ty Vabiotech cũng đã ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine do Nhật Bản nghiên cứu. Dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.
Không chỉ ở Việt Nam, việc chuyển giao công nghệ vaccine đang diễn ra sôi động trên khắp thế giới. Mới đây, Tổng thống Joe Biden cho biết, Hoa Kỳ đang nỗ lực giúp Ấn Độ và các quốc gia khác có thể tự sản xuất vaccine.
Với nhu cầu lên đến hàng tỷ liều vaccine trên khắp thế giới, Mỹ đã cam kết cung cấp 500 triệu liều, ông Biden cho biết trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng: "Chúng tôi đã cam kết sản xuất hơn nửa tỷ liều. Và chúng tôi cũng đang cố gắng hỗ trợ các quốc gia khác như Ấn Độ có thể tự sản xuất vaccine. Và chúng tôi đang cố gắng ... nhân tiện, nó hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi không tính phí bất kỳ ai".
Tại sao các quốc gia giàu lại muốn chuyển giao công nghệ vaccine cho các quốc gia khác, trong khi độc quyền có thể giúp họ kiếm bộn tiền từ khủng hoảng dịch bệnh?
Các nước giàu sẽ thiệt hại nếu "bỏ mặc" các nước đang phát triển
IMF đã cảnh báo về mối nguy hiểm đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới, kể cả các nước phát triển, chừng nào các biến thể virus Covid-19 mới còn tiếp tục phát triển. IMF nhận định: "Quá trình phục hồi của các nền kinh tế sẽ không được đảm bảo, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, chừng nào Covid-19 vẫn còn tồn tại ở đâu đó".
IMF nhấn mạnh rằng "ưu tiên trước mắt là triển khai vaccine một cách công bằng trên toàn thế giới, cho rằng 50 tỷ USD sẽ là mức chi phí khả thi để chấm dứt đại dịch.
Nếu thế giới thất bại trong mục tiêu miễn dịch cộng đồng toàn cầu, các biến thể Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao sẽ tiếp tục tồn tại, như biến thể Delta. Quỹ này ước tính, các biến thể mới của Covid-19 tại các quốc gia đang phát triển có thể làm chệch hướng sự phục hồi, làm thiệt hại tổng cộng 4,5 nghìn tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025, và hơn một nửa trong số đó đánh vào các nước giàu.
Lợi ích của việc chuyển giao công nghệ vaccine
Chuyên gia y tế tại trường Y Havard, Parsa Erfani và các cộng sự cho rằng, việc chuyển giao công nghệ sản xuất Covid-19 là rất quan trọng để tăng nguồn cung, đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng cho toàn cầu.
Theo nghiên cứu của Parsa Erfani và các cộng sự, đến cuối tháng 6/2021, 46% người dân ở các nước thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với 20% ở các nước thu nhập trung bình và chỉ 0,9% ở các nước thu nhập thấp. Một số quốc gia giàu sẽ mua nhiều vaccine hơn mức cần thiết, trong khi nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế.
Việc phân phối vắc xin công bằng cho các nhóm dân số có nguy cơ cao nhất trên thế giới đòi hỏi một cách tiếp cận đa hướng, bao gồm phát triển và phê duyệt vaccine; mở rộng phạm vi sản xuất; hợp lý hóa việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối; và xây dựng niềm tin về vaccine.
Rào cản đối với việc cung cấp đủ vaccine hiện nay không phải là thiếu các lựa chọn về vaccine, mà liên quan đến tình trạng độc quyền về công nghệ sản xuất. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn này, sẽ không có đủ lượng vaccine trong tương lai gần để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể.
Việc loại bỏ các rào cản về công nghệ sản xuất vaccine sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực đáp ứng nhu cầu, thu hút nhiều nhà sản xuất hơn và cuối cùng mang lại nhiều vaccine hơn trong thời gian ngắn hơn. Hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất vaccine cũng gián tiếp làm tăng nhu cầu về nguyên liệu và hoạt chất. Nếu lập kế hoạch trước để dự đoán và mở rộng sản xuất nguyên liệu thô, có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sản xuất vaccine.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/my-nga-va-cac-nuoc-phat-trien-duoc-loi-gi-khi-chuyen-giao-cong-nghe-vaccine-cho-cac-quoc-gia-nhu-viet-nam.html