Gần một năm sau cuộc bầu cử năm 2016, người Mỹ vẫn đang mải miết săn lùng bằng chứng để chứng minh rằng những lá phiếu của họ đã bị nước ngoài can thiệp.
Tất cả bằng chứng mà các cơ quan chính phủ lẫn các cơ quan độc lập của Mỹ đưa ra đến thời điểm hiện tại đều chỉ khẳng định được rằng hệ thống bầu cử Mỹ năm 2016 có một lỗ hổng an ninh lớn, chứ không đủ để kết tội bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.
Những gã khổng lồ vào cuộc
Tờ The Washington Post mới đây đưa tin “ông lớn” công nghệ Google đã phát hiện việc các chủ thể tại Nga chi hàng chục ngàn USD để đăng quảng cáo trên các sản phẩm của hãng, bao gồm Google Search, Gmail, YouTube và các quảng cáo DoubleClick. Những quảng cáo này có tác động lan truyền các tin tức giả mạo trong giai đoạn tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Hiện chưa rõ các quảng cáo này được mua bởi những kẻ kiếm chác nhờ tin giả hay bởi các cơ quan thuộc chính phủ của Nga.
Ông Jonathan Albright, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu báo chí kỹ thuật số - ĐH Columbia, nhận định: Những phát hiện của Google cho thấy chiến dịch gây ảnh hưởng trên mạng trực tuyến của Nga có thể đã sử dụng nhiều nền tảng và dịch vụ trực tuyến nổi bật nhất của ngành công nghệ Mỹ. Tuyên bố phát hành hôm 9-10 của Google cho hay: “Chúng tôi có một bộ chính sách quảng cáo nghiêm ngặt, bao gồm việc giới hạn về quảng cáo chính trị cũng như cấm các quảng cáo có nội dung phân biệt chủng tộc và tôn giáo. Cùng với các nhà nghiên cứu và các công ty khác, chúng tôi đang tiến hành điều tra sâu hơn về các hành vi lạm dụng hệ thống này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các cuộc điều tra đang được tiến hành”.
Trong khi đó, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng đang điều tra hãng công nghệ Facebook về nghi vấn các chủ thể Nga đã mua 3.000 quảng cáo của hãng với giá 100.000 USD để lan truyền các nội dung vận động chính trị nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Điều đặc biệt là các quảng cáo này đều khá tinh vi khi nhắm tới các nhóm cử tri chủ chốt ở hai tiểu bang quan trọng là Michigan và Wisconsin. Các gã khổng lồ khác như Microsoft và Twitter cũng đang vào cuộc điều tra những sự vụ tương tự. Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ sẽ mời đại diện của các trang mạng xã hội Facebook, Twitter và Google tham dự phiên điều trần công khai vào ngày 1-11 tới về vấn đề này.
21 bang nhận cảnh báo
Gần một năm sau ngày bầu cử Mỹ, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) hồi cuối tháng 9 bất ngờ ra cảnh báo rằng hệ thống bầu cử tại 21 bang của nước này hồi năm 2016 có thể đã bị tấn công, trong đó một số bang được xem là “chiến trường” quan trọng của cả ông Donald Trump lẫn đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton như Florida, Ohio, Pennsylvania, Virginia và Wisconsin.
Chính phủ liên bang Mỹ mặc dù không tiết lộ cụ thể về nghi án tấn công cũng như nghi phạm đứng sau, tuy nhiên các quan chức của ủy ban bầu cử ở các bang khẳng định vụ việc có liên quan đến “hoạt động không gian mạng của Nga”. Ông Josie Bahnke, thành viên ủy ban bầu cử tiểu bang Alaska, khẳng định hệ thống bầu cử của bang này đã bị các máy tính của Nga thâm nhập để tìm kiếm lỗ hổng.
Đầu năm nay, báo cáo của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho biết các tin tặc đã thu thập được thông tin từ một công ty chuyên cung cấp phần mềm quản lý đăng ký của cử tri ở tám tiểu bang nước Mỹ. Trước đó, báo cáo hồi tháng 5 của cơ quan này cũng cảnh báo các nhóm tin tặc đã gửi các email lừa đảo tới 122 quan chức trong ủy ban bầu cử địa phương ngay trước thềm cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 11-2016 nhằm can thiệp hệ thống bầu cử.
Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, việc một số tiểu bang quan trọng “bị nhắm trúng” cũng chưa thể là bằng chứng khẳng định chắc chắn rằng công tác bầu cử của tiểu bang đó đã bị can thiệp. Ngoài ra, việc Bộ An ninh nội địa Mỹ đến gần một năm sau ngày bầu cử mới ra cảnh báo về vụ tấn công cũng đã làm dấy lên nhiều lo ngại và chỉ trích. “Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc DHS mất hơn một năm để thông báo cho văn phòng của chúng tôi về việc các hệ thống bầu cử đã bị Nga “để ý”, bất chấp việc chúng tôi liên tục yêu cầu cung cấp thông tin sớm nhất có thể. Che giấu các thông tin quan trọng là mối nguy đối với tính an toàn của cuộc bầu cử và của nền dân chủ quốc gia” - ông Alex Padilla, nghị sĩ đảng Dân chủ ở tiểu bang California, chỉ trích.
Ám ảnh chống Nga?
Cho đến nay cả Nga và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều phản đối quan điểm cho rằng Moscow đã tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 để giúp ông Trump đắc cử. Dù chưa xuất hiện những bằng chứng đủ thuyết phục, nỗi ám ảnh “vạch tội” người Nga vẫn tiếp diễn tại Washington.
Trong một nghiên cứu được thực hiện hồi tháng 5-2017, chuyên gia giám sát báo chí cao cấp Rich Noyes đã nhận định truyền thông Mỹ dường như đang bị ám ảnh quá nhiều về nước Nga. Trong năm tuần đầu sau khi cựu Giám đốc FBI Robert Mueller được chỉ định làm công tố viên đặc biệt - giám sát cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ, có tới 55% tin tức mà báo chí đưa tin là nói về Nga. Trong nội dung của 364 tin tức buổi tối trên các kênh truyền hình ABC, CBS và NBC (bao gồm cả tin tức về Tổng thống Donald Trump lẫn các quan chức cao cấp khác trong Nhà Trắng), có tới 171 tin tức tập trung vào cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga đối với bầu cử Mỹ. Trong khi đó những vấn đề quan trọng khác của quốc gia như chính sách kinh tế, thương mại, cải cách thuế, quan hệ với Cuba… lại ít được nhắc đến hơn.
“Cuộc điều tra đã thu hút sự chú ý hơn 20 lần so với dự luật chăm sóc sức khỏe mới, hơn 100 lần so với việc cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia và gấp 450 lần các chính sách thúc đẩy cải cách thuế toàn diện” - ông Noyes cho biết. Nghiên cứu này cũng phát hiện 1/3 số tin tức về Nga là dựa trên các nguồn tin ẩn danh và một số tin tức sau đó đã được đính chính là sai sự thật.
Chính Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng từng lên tiếng chỉ trích nỗi ám ảnh chống Nga của Mỹ sau khi chính quyền Washington hồi tháng 6 tăng cường các biện pháp trừng phạt thương mại chống lại Moscow với cáo buộc đồng lõa trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. “Tôi chỉ có thể lấy làm tiếc vì nỗi ám ảnh chống Nga của các đồng nghiệp Mỹ. Nó đã vượt qua mọi giới hạn” - ông Lavrov nhấn mạnh.
90 phút đủ chiếm máy bầu cử
Những bằng chứng mà các cơ quan Mỹ đưa ra đến hiện tại vẫn chưa đủ để kết tội một cá nhân hay tổ chức nào, mà chỉ càng chứng minh rằng lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong hạ tầng bầu cử của nước này là có thật. Tại hội nghị tin tặc “mũ trắng” lớn nhất thế giới DEFCON 2017 vừa diễn ra ở TP Las Vegas (bang Nevada, Mỹ), các tin tặc chỉ mất từ vài phút đến chưa đầy 90 phút để xâm nhập thành công và can thiệp vào phần mềm chạy trên những chiếc máy bỏ phiếu dùng tại Mỹ hồi năm 2016.
Theo trang The Register, thử thách xâm nhập máy bỏ phiếu này được Jake Braun, Giám đốc điều hành Viện Cố vấn toàn cầu và quản lý thuộc Công ty Đầu tư Cambridge Global Capital, thiết kế. Để mô phỏng một cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, 30 chiếc máy bỏ phiếu thường dùng trong các hoạt động bầu cử tại Mỹ đã được đem đến hội nghị. Chỉ trong vòng vài phút, các tin tặc “mũ trắng” đã phát hiện ra nhiều lỗ hổng bảo mật trong phần cứng và phần mềm trên nhiều chiếc máy bỏ phiếu.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, hệ thống bỏ phiếu của Mỹ có nhiều điểm yếu và dễ bị tấn công. Nhờ công sức của cộng đồng hacker ngày nay, chúng ta đã biết được chính xác hơn về những lỗ hổng này. Đáng sợ hơn, chúng ta đều biết rằng những đối thủ như Nga, Triều Tiên và Iran đều có khả năng tấn công những chiếc máy này nhằm phá hoại các nguyên tắc về dân chủ, đe dọa an ninh quốc gia” - ông Jake Braun cảnh báo.
Theo PLO