Khung pháp lý về ESG của EU và một số nước: Gợi mở hoàn thiện chính sách về ESG cho Việt Nam

Trong vòng 5 năm qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành khoảng 8000 đạo luật, trong đó có rất nhiều đạo luật liên quan đến bảo vệ môi trường và nhiều Chỉ thị nhằm thúc đẩy giới doanh nghiệp tuân thủ tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Khung pháp lý đồ sộ về ESG của EU sẽ gợi mở nhiều kinh nghiệm chính sách hay cho Việt Nam.
1-1736127853.png

EU và hàng loạt đạo luật thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ ESG

Đáng chú ý, EU đã đưa ra Luật Kế toán Bền vững của Doanh nghiệp trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải có báo cáo chi tiết về ESG.  Hay với Luật Phân loại bền vững (EU Taxonomy) của EU, Luật này cũng định nghĩa các hoạt động bền vững, giúp thúc đẩy đầu tư xanh; Luật về nghĩa vụ thẩm định trách nhiệm xã hội và môi trường (CSDDD) yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng.

Gần đây nhất, hồi tháng 5/2024, EU đã thông qua đạo luật mới về thẩm định chuỗi cung ứng, được gọi là Chỉ thị Thẩm định Tính bền vững của Doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu của Luật chuỗi cung ứng mới là buộc các công ty lớn phải chịu trách nhiệm trước Tòa án châu Âu trong tương lai nếu họ thu lợi từ những vi phạm nhân quyền trong chuỗi cung ứng của mình, chẳng hạn như sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức.

Nghiên cứu các kinh nghiệm triển khai của EU, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, quy định pháp lý về ESG của EU rất đầy đủ và có tính bắt buộc. Ví như, chỉ thị Báo cáo Phi tài chính (Non Financial Reporting Directive - NFRD) đề ra các quy tắc cụ thể cho quá trình công bố thông tin liên quan đến các khía cạnh và lĩnh vực phi tài chính đối với các công ty có quy mô lớn và có sức ảnh hưởng đến công chúng.

Chỉ thị thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) yêu cầu kế hoạch chuyển đổi xanh chi tiết, khiến doanh nghiệp có nguy cơ bị kiện nếu chuỗi cung ứng không tuân thủ chính sách ESG. Đối với những công ty có hàng trăm nhà cung cấp toàn cầu thì việc tuân thủ chỉ thị này sẽ “rất phức tạp”, theo Sophie Tuson, người đứng đầu bộ phận môi trường tại hãng RPC (Anh).

Cùng với đó, quy định về công bố thông tin tài chính bền vững (Sustainable Finance Disclosure Regulation - SFDR) của EU cũng quy định về các rủi ro liên quan đến yếu tố phát triển bền vững một cách thống nhất, chi tiết và minh bạch.

Ngoài ra, tiêu chí phân loại hoạt động bền vững từ Liên minh châu Âu (EU Taxonomy), bao gồm các tiêu chí thống nhất trên toàn Liên minh châu Âu để xác định xem một hoạt động kinh tế bất kì có tính bền vững hay không.

Cùng với quy định pháp lý, quy trình tích hợp ESG của EU cũng rất bài bản với 4 bước gồm: Thiết lập các mục tiêu xoay quanh phát triển bền vững; Xây dựng bộ máy quản trị gắn liền với các yếu tố bền vững sẽ là yếu tố nền tảng cho các ngân hàng hiện thực hóa các chiến lược và mục tiêu phát triển bền vững; Xây dựng khuôn khổ bền vững và tích hợp ESG. Khung phát triển bền vững của EU đóng vai trò như “kim chỉ nam” cho toàn bộ hoạt động của ngân hàng theo hướng tích hợp ESG và là cơ sở để ngân hàng đưa ra các quyết định kinh doanh sau khi cân nhắc các rủi ro ESG trong quy trình cho vay, đầu tư. Và công bố thông tin ESG.

Mỹ cũng ban hành rất nhiều quy định bảo vệ môi trường nhưng khung pháp lý ESG tổng thể của nước này vẫn lỏng lẻo nếu so với chiều rộng và chiều sâu của các quy định ESG ở EU, đặc biệt là về khía cạnh công bố thông tin.

Chi phí tuân thủ chính sách ESG đang tăng cao ở châu Âu. Các quan chức châu Âu thừa nhận vấn đề khi hàng loạt quy định phức tạp về ESG được ban hành nhanh chóng từ năm 2019. Tuy nhiên, đây là biện pháp cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và đa dạng sinh học. Một số lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ chính sách ESG nghiêm ngặt của EU. Một số ngân hàng lớn nhất châu Âu đang loại bỏ rủi ro ESG trong sổ sách cho vay. BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất EU, đang hạn chế cho vay đối với mảng nhiên liệu hóa thạch.

2-1736127862.png

Hồi tháng 5/2024, EU đã thông qua đạo luật mới về thẩm định chuỗi cung ứng, được gọi là Chỉ thị Thẩm định Tính bền vững của Doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu của Luật chuỗi cung ứng mới là buộc các công ty lớn phải chịu trách nhiệm trước Tòa án châu Âu trong tương lai nếu họ thu lợi từ những vi phạm nhân quyền trong chuỗi cung ứng của mình, chẳng hạn như sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức.

Thực thi chính sách về ESG nhìn từ kinh nghiệm của một số nước châu Á

Trong các quốc gia khu vực châu Á, Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu trong công tác phát triển và thực thi chiến lược ESG. Bộ Môi trường Hàn Quốc đã phát triển bộ tiêu chí Phân loại xanh Hàn Quốc (K-Taxonomy) để ngăn chặn rửa xanh và thúc đẩy các hoạt động kinh tế xanh thực sự, thiết lập các nguyên tắc và tiêu chí rõ ràng cho các hoạt động kinh tế xanh.

K-Taxonomy quy định cụ thể thành phần gồm 6 mục tiêu chính về môi trường gồm: giảm khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước, kinh tế tuần hoàn, ô nhiễm, đa dạng sinh học. 74 hoạt động kinh tế xanh của Hàn Quốc sẽ cùng góp phần thực hiện các mục tiêu này.

Về nguyên tắc, K-Taxonomy nêu rõ, phải góp phần đạt được một hoặc nhiều hơn trong số 6 mục tiêu môi trường(Substantial Contribution, SC; không được gây tổn hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác trong quá trình đạt được các mục tiêu môi trường (Do No SignificantHarm, DNSH); không được vi phạm pháp luật liên quan đến nhân quyền, lao động, an toàn, chống tham nhũng, di sản văn hóa, v.v. (Minimum Safeguards, MS).

Cùng với Phân loại xanh, Hàn Quốc cũng xác định tập trung phát hành trái phiếu xanh để sử dụng cho các dự án đạt chuẩn phân loại xanh. Bộ Môi trường Hàn Quốc đang xúc tiến chương trình hỗ trợ lãi suất để kích hoạt Trái phiếu xanh Hàn Quốc.

Singapore cũng được đánh giá là quốc gia có cách tiếp cận toàn diện trong việc tích hợp ESG vào hoạt động tín dụng. Cụ thể, Singapore thực hành tích hợp ESG trong hoạt động cấp tín dụng theo 3 hướng tiếp cận gồm: giảm hoặc dừng tài trợ cho dự án vi phạm tiêu chuẩn bền vững; đẩy mạnh các khoản cho vay thỏa mãn các tiêu chí bền vững; tích hợp quản trị rủi ro ESG trong việc thẩm định dự án, như một bước tất yếu trong quy trình phê duyệt cấp tín dụng.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã có những bước phát triển trong thực hiện ESG. Cụ thể, ngoài các quy định pháp lý chung, Trung Quốc còn ban hành “Hướng dẫn Tài chính Xanh cho Ngành Ngân hàng và Bảo hiểm”, nâng tầm quan trọng của việc phát triển ESG trong ngành ngân hàng lên cấp độ chiến lược, yêu cầu các ngân hàng phải tích hợp ESG vào các quy trình quản lý và hệ thống quản lý rủi ro toàn diện.

Một cơ cấu tổ chức ESG hoàn chỉnh tại Trung Quốc phải gồm 3 cấp độ là: Quản trị - Quản lý - Thực thi (GME). 3 cấp độ cùng làm rõ trách nhiệm trong kinh doanh và quản lý ESG. Một số ngân hàng tại Trung Quốc cũng đã bắt đầu thành lập bộ phận quản lý ESG ở cấp chi nhánh.

Các ngân hàng Trung Quốc cũng đã bắt đầu xếp hạng tín nhiệm ESG bằng cách tích hợp ESG và rủi ro khí hậu vào các mẫu báo cáo và thẩm định tín dụng khách hàng doanh nghiệp, đồng thời đưa các chỉ số rủi ro liên quan đến ESG vào các yếu tố xếp hạng nội bộ. Mặt khác, các ngân hàng Trung Quốc cũng đang bắt đầu phát triển các sản phẩm liên quan đến đầu tư khí hậu; có kế hoạch hỗ trợ các ngành công nghiệp carbon thấp, thúc đẩy chuyển đổi danh mục đầu tư và tài trợ giảm thiểu carbon, tăng cường quản lý rủi ro khí hậu và củng cố nền tảng đầu tư và tài trợ cho các công cụ đo lường phát thải carbon.

Quản trị theo ESG: Doanh nghiệp Việt đang thực hiện thế nào?

Câu chuyện quản trị với doanh nghiệp là yếu tố sống còn, đặc biệt trong định hướng phát triển bền vững.

Vinamilk nằm trong số ít doanh nghiệp đang theo đuổi phát triển bền vững mạnh mẽ nhất tại Việt Nam hiện nay. Doanh nghiệp này đã thực hiện công bố báo cáo phát triển bền vững hàng năm trong hơn 1 thập kỷ (từ năm 2012) theo chuẩn mực Sáng kiến Báo cáo toàn cầu về lập báo cáo Phát triển bền vững (GRI Standards). Bên cạnh đó, Vinamilk cũng đang trong nhóm dẫn đầu về mức độ trưởng thành ESG tại Việt Nam theo các chuẩn mực được nêu trong báo cáo của PwC. Cụ thể, doanh nghiệp này xác định ESG là cốt lõi trong mục đích, chiến lược và các dịch vụ, sản phẩm; ra báo cáo phát triển bền vững hàng năm; ESG được tích hợp trên toàn doanh nghiệp.

3-1736127861.jpg

 Mô hình Vinamilk Green Farm

Theo báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk, nhờ các giải pháp, sáng kiến cải tiến hàng năm về tiết kiệm tài nguyên nước, năng lượng, giảm thiểu – tái chế - tái sử dụng trong sản xuất và chăn nuôi, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, Vinamilk đã tiết kiệm được 237 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 – 2021 (năm 2014 là năm đầu tiên báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk đo lường chỉ số này). 

Với việc coi quản trị doanh nghiệp là kim chỉ nam, đại diện Vingroup cho biết, việc xây dựng các nguyên tắc bền vững giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho tổ chức và nâng cao khả năng cạnh tranh trong những tình huống biến động. Đồng thời, việc này cải thiện đời sống, bình đẳng của con người, cũng như duy trì tính toàn vẹn của môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Mô hình quản trị doanh nghiệp của Vingroup xoay quanh 4 nhân tố chính là công bằng, hiệu quả, trách nhiệm và minh bạch. Đây là các nhân tố đảm bảo một mô hình quản trị tốt giúp giữ vững các giá trị cốt lõi, điều hành các hoạt động kinh doanh hiệu quả và phân tầng hợp lý hoạt động giữa các cấp trực thuộc, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các tầng hoạt động và giữa các bộ phận chức năng để thực hiện các mục tiêu kinh doanh.

Trong đó, tính minh bạch được Vingroup đặc biệt coi trọng. Tập đoàn này ban hành quy chế nội bộ áp dụng cho tất cả nhân viên, nhà cung cấp và các bên liên quan, bao gồm chống rửa tiền, phòng chống hối lộ và tham nhũng; kiểm soát giao dịch nội bộ và lưu ý về luật trừng phạt của nước ngoài.

4-1736127861.jpg

Mô hình quản trị DN của Vingroup xoay quanh 4 nhân tố chính, trong đó tính minh bạch được Vingroup đặc biệt coi trọng (Trong ảnh là trụ sở nhà máy Vinfast ở Hải Phòng)

Đó là 2 trong số câu chuyện về thực thi ESG ở các tập đoàn lớn của Việt Nam. Còn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn đối mặt với khó khăn về nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực để thực hiện các yêu cầu về ESG. Hơn nữa, dữ liệu về ESG chưa được chuẩn hóa và thiếu minh bạch, điều này tạo ra những rào cản trong việc tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, vốn yêu cầu cao về tiêu chuẩn ESG. Việc chi phí ban đầu để tuân thủ ESG cũng là một yếu tố mà nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại.

Để vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc cải thiện quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin và xây dựng một lộ trình cụ thể để chuyển đổi theo các tiêu chuẩn ESG. Sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng là rất quan trọng trong việc giảm thiểu các rào cản này, chẳng hạn như qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho các dự án bền vững và thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm tài chính xanh.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp lý hoặc các cơ chế hỗ trợ để giúp thúc đẩy nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng như giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ESG hiệu quả

Đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về ESG của Việt Nam

Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ rất sớm, NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN (năm 2015) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng;  Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG trong hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu và gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

5-1736127861.jpg

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các chủ trương nhằm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG); đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý liên quan đến thúc đẩy và thực hành ESG, đặc biệt là liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hiện đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh nhưng còn nhiều điều cần phải làm để cụ thể hóa thực hiện mục tiêu đề ra để đạt được Net Zero 2050. Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ hệ thống phân ngành kinh tế xanh; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi; nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp trách nhiệm xã hội và các doanh nghiệp tư nhân có thực hành ESG tốt.

EU với quy định pháp lý về ESG đầy đủ, có tính bắt buộc và quy trình tích hợp ESG bài bản với 4 bước cụ thể hay Hàn Quốc với bộ tiêu chí Phân loại xanh Hàn Quốc (K-Taxonomy) thiết lập các nguyên tắc và tiêu chí rõ ràng cho các hoạt động kinh tế xanh,… là những kinh nghiệm triển khai ESG thực tiễn mà Việt Nam nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng có thể áp dụng.

Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng các khung pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đây là bước quan trọng để thu hút dòng vốn ESG. Kinh nghiệm chính sách pháp luật về ESG từ các nước EU và các quốc gia khu vực châu Á sẽ là những góc nhìn mới về cách thức triển khai thực hiện ESG trong thực tiễn của Việt Nam.

EU đã đưa ra Luật Kế toán Bền vững của Doanh nghiệp trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải có báo cáo chi tiết về ESG,  nên Việt Nam có thể phát triển hệ thống tương tự để tăng tính minh bạch. Trong đó cần tăng cường kiểm toán và giám sát các báo cáo ESG, đưa ESG vào chiến lược xây dựng nền kinh tế cạnh tranh, yêu cầu doanh nghiệp lớn công khai về ESG…

Hay với Luật Phân loại bền vững (EU Taxonomy) của EU, Luật này cũng định nghĩa các hoạt động bền vững, giúp thúc đẩy đầu tư xanh, thì Việt Nam nên xây dựng hệ thống phân loại ESG tương tự. Luật về nghĩa vụ thẩm định trách nhiệm xã hội và môi trường (CSDDD) yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng, điều mà Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng như thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, xử lý vi phạm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thẩm định ESG…

Việt Nam nên có ưu đãi tương tự bằng cách xây dựng các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư xanh, tài chính xanh cũng như tăng cường nhận thức và đào tạo về ESG…“Khung pháp lý ESG của EU là bài học quý giá giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, thúc đẩy tính cạnh tranh và phát triển bền vững”.

 Đồng thời cần sửa đổi, cập nhật các quy định pháp luật, nhất là liên quan đến ESG để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đưa hàng hoá xuất khẩu.

Ngoài ra, những phát triển pháp lý gần đây như Đạo luật chuỗi cung ứng của Đức và Chỉ thị về tính bền vững của doanh nghiệp EU, Việt Nam cũng cần cập nhật để tham khảo kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý về ESG.

Ngọc Uyên

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin