Huyền thoại trăm tuổi của tình báo Liên Xô

16/02/2017 09:54

Ngày 10/2/2017, Tổng thống Nga V.Putin đã gửi điện mừng đến cựu sỹ quan tình báo huyền thoại Xô Viết Aleksey Nhikolaievich Bochian nhân dịp ông tròn 100 tuổi.

Trong bức điện có đoạn viết: “ Những người như đồng chí thực sự là niềm tự hào của nước Nga”. Dĩ nhiên, phải có cơ sở để V.Putin viết như vậy, đặc biệt nếu biết rằng V.Putin cũng từng là người trong ngành.

Nhưng rất tiếc, chúng ta gần như (không thể) biết gì về những chiến công của ông. Trong nhiều năm liền, cuộc đời A.Bochian là bí mật quốc gia. Mãi đến đầu thế kỷ này, một số thông tin rất ít ỏi về A. Bochian mới được hé lộ.

Phần quan trọng nhất trong cuộc đời hoạt động tình báo của ông vẫn nằm trong hồ sơ đóng dấu tuyệt mật. Sau đây là những gì đã được giải mật về một người đã từng là cựu sỹ quan Quân đội Ba Lan, chiến sỹ biệt kích Liên Xô, nhà tình báo bất hợp pháp Xô Viết – một con người đã từng làm rất nhiều nghề: nhân viên khách sạn, thầy giáo, kỹ sư v.v , xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 Tròn 100 tuổi, tay cầm súng vẫn không run
Tròn 100 tuổi, tay cầm súng vẫn không run)

Aleksey Nhicolaievich Bochian sinh ngày 10/2/1917 tại làng Chertovichi, cách Minsk (thủ đô Belarus) 78 km. Khi đó khu vực này là lãnh thổ của Ba Lan.

1. Sỹ quan phòng không Ba Lan

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Aleksey (Bochian) gia nhập Quân đội Ba Lan. Tháng 9/1939, chỉ huy khẩu đội pháo phòng không chiến đấu chống Quân xâm lược Đức. Trong các trận đánh ở ngoại ô Warszawa đã cùng khẩu đội bắn hạ 3 máy bay Phát xít Đức.

2. Chiến sỹ trinh sát - biệt kích Xô Viết

Năm 1940, sau khi Quân đội Xô Viết chiếm đóng khu vực này, viên sỹ quan trẻ của Quân đội Ba Lan đã trở thành công dân Liên Xô. Bắt đầu công việc dạy học trong trường phổ thông, - nhưng cũng trong năm 1940 được cử đi học tại Matxcova. Vì sử dụng thành thạo tiếng Ba Lan, tiếng Belarus (ông người gốc Belarus), tiếng Nga, tiếng Đức nên được chọn đi học Trường tình báo của Bộ nội vụ Liên Xô (như Bộ công an ở ta).

Trong chiến tranh Vệ quốc, A.N. Bochian hoạt động sâu trong hậu phương Quân Đức ở khu vực phía Tây Ucraine, Belarus, Ba Lan và Tiệp Khắc – chỉ huy một nhóm trinh sát – đặc nhiệm.

Tháng 11/1943, đã chỉ huy chiến dịch cài mìn làm nổ tung Sở tham mưu SS tại Zitomir (Ucraine), tiêu diệt gần 100 sỹ quan Đức đang họp - để bàn các biện pháp chống du kích.

Sau đó, nhóm của ông được cử đến thành phố Krakov của Ba Lan. Tại đây, ông cùng đồng đội đã lấy được kế hoạch tuyệt mật của Bộ Tư lệnh Đức – kế hoạch phá hủy thành phố, đánh sập cầu qua sông để cản bước tiến của Quân Xô Viết.

Nhóm của A. Bochian đã bắt được một kỹ sư bản đồ bản người Ba Lan tên là Zigmund Ogarek làm việc cho Quân Đức và thu được các bản đồ công trình phòng thủ NoVa – Sonca, trong đó có cả bản đồ ghi vị trí kho chất nổ, đạn dược cực lớn mà Quân Đức sẽ sử dụng để phá hủy trung tâm lịch sử thành phố, đập nước và đánh sập cầu trước khi rút. A. Bochian đã thuyết phục được Ogarek hợp tác với Tình báo Xô Viết.

Một người bạn Ba Lan khác của Ogarek cũng đang làm việc cho Quân Đức đã đồng ý thực hiện kế hoạch đem mìn hẹn giờ do Anh sản xuất cài vào kho thuốc nổ và vào đúng 5h30 phút sáng ngày 18/1/1945, kho này đã nổ tung làm 400 lính Đức đang bốc dỡ chất nổ và đạn dược vào kho lúc đó thiệt mạng. Nhờ chiến công này của nhóm A. Bochian mà Quân Xô Viết tiến vào thành phố gần như không gặp một trở ngại nào. Thành phố Krakov của Ba Lan được giữ nguyên vẹn.

(V.Putin đã có đánh giá về chiến công này của A.Bochian, xin xem ở phần sau).

Có một điều rất lạ là trong suốt Cuộc chiến tranh Vệ quốc ông không bị thương một lần nào. Theo chính A. Bochian kể lại thì hình như có một ngôi sao chiếu mệnh nào đó luôn theo sát, phù hộ che chở ông và cũng còn nhờ ông có thể lực rất dẻo dai – có thể đi bộ vượt núi 40km/ ngày, hết ngày này qua ngày khác. Ông cũng chỉ chọn những người có thể lực như vậy vào nhóm của mình.

 Sỹ quan tình báo Xô Viết A.Bochian, tháng 10 /1941. Ảnh :Albumgia đình
Sỹ quan tình báo Xô Viết A.Bochian, tháng 10 /1941. Ảnh :Albumgia đình)

Chiến dịch này và nhiều chiến dịch khác của A. Bochian đã được đưa vào giáo trình của các trường đặc nhiệm, tình báo. Trong kho lưu trữ của Cơ quan tình báo đối ngoại còn giữ nhiều tài liệu về các chiến dịch biệt kích khác của Aleksey Bochian.

3. Sỹ quan tình báo Liên Xô

Sau Chiến thắng, “Trung tâm” (Lãnh đạo Cơ quan tình báo Liên Xô) cho rẳng A. Bochian có thể trở thành một sỹ quan tình báo bất hợp pháp xuất sắc (sỹ quan tình báo bất hợp pháp – cán bộ tình báo hoạt động trên lãnh thổ nước ngoài sử dụng giấy tờ của nhân vật hư cấu hoặc của người khác).

Ông được giao nhiệm vụ trong vai một người Tiệp Khắc hồi hương từ Tây Ucraine đến vùng Xudets mới được trao trả cho Tiệp Khắc. Học tập tại đây, lập nghiệp và tìm cách thâm nhập các cơ quan tình báo Phương Tây quan tâm đến các địa điểm có mỏ Uranium. Với cái tên giả Leo Dvorjak, Bochian đến thành phố Ash. Học tại trường trung cấp nghề, sau đó làm việc tại mỏ Uranium.

Tại đây, Aleksey Bochian làm quen với một người đẹp địa phương là Helena Vinzel .Họ yêu và cưới nhau. Nhờ có các mối quan hệ với những người Tiệp Khắc đang làm việc trong ngành Uranium, ông đã được cơ quan tình báo Phương Tây tuyển mộ và bắt đầu cung cấp thông tin cho “Trung tâm”.

Nhưng con đường sự nghiệp của viên sỹ quan tình báo bất hợp pháp này cũng suýt bị cắt ngang vào năm 1953 – A. Bochian bất ngờ bị triệu về Matxcova. Lúc này Phòng 9 (gián điệp – biệt kích) của Bộ Nội vụ Liên Xô đang bị thanh lọc, trưởng phòng là Sudoplatov bị cách chức và những người dưới quyền ông cũng bị đuổi việc. A. Bochian cũng chịu chung số phận vì có vợ là người nước ngoài.

Nhờ có các người chiến hữu cùng hoạt động trong ngành, ông đã bí mật đưa được vợ và con gái Irina từ Tiệp Khắc về Liên Xô. Tại Matxcova, Helena Vinzel có tên mới là Galina Vladimirovna Bochian. Sau khi “thất nghiệp”, Aleksey (Bochian) được nhận vào làm việc tại khách sạn “Praha” vì khả năng nói tiếng nước ngoài như tiếng mẹ đẻ của ông.

Một năm rưỡi sau, khi làn sóng thanh trừng lắng xuống, giới lãnh đạo Tình báo Xô Viết lại gọi ông quay trở lại cơ quan. Vợ ông cũng được đưa vào học tại trường tình báo Xô Viết. Sau đấy cả gia đình quay lại Tiệp Khắc. Chiến dịch lại tiếp tục. Sau đó nữa lại là cácchuyến công tác ở nước ngoài.

Nhưng giai đoạn này trong cuộc đời ông vẫn còn bị đóng dấu “tuyệt mât”: ông đã hoạt động tại những nước nào, dưới cái tên gì? hiện vẫn chưa ai có quyền được tiết lộ. Chỉ biết rằng, Đại tá A. Bochian quay về Liên Xô năm 1985. Sau đó tham gia vào việc thành lập phân đội đặc nhiệm “Vympel” huyền thoại, giảng dạy, truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ.

Chính ông là người huấn luyện các chiến sỹ đánh chiếm cung điện của Amin tại Cabul (Afganistan) năm 1979 (đã có nhiều bài báo về chiến dịch này). Đã nhiều lần tự đề nghị được đi công tác tại Afganistan nhưng đều bị từ chối. A.Bochian nghỉ hưu năm 1989, khi tròn 72 tuổi).

4. Anh hùng

Công lao của người sỹ quan tình báo này đã từng không được đánh giá một cách xứng đáng. Ông đã hai lần được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, nhưng cả hai lần đều chỉ được nhận Huân chương Sao đỏ.

Có lẽ lãnh đạo cấp trên bực mình vì cái lý lịch từng là sỹ quan Quân đội Ba Lan và bà vợ nước ngoài của ông. Sự công bằng đã được lập lại vào ngày 10/5/2007: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh phong tặng Danh hiệu Anh hùng Nga cho Đại tá tình báo nghỉ hưu Aleksey Nhikolaievich Bochian. Khi gắn Ngôi sao anh hùng lên ngực áo ông, V.Putin nói:

“Thành phố đẹp nhất Châu Âu – thành phố cổ Krakov còn được giữ nguyên vẹn như hiện nay cho Ba Lan và cho toàn bộ nền văn hóa nhân loại là nhờ một phần rất lớn vào sự dũng cảm của cá nhân đồng chí”.

 Tổng thống Nga V.Putin tại Lễ trao Danh hiệu Anh hùng Nga cho Aleksey Nhikolaievich Bochian, 10/5/2007. Ảnh : Cơ quan tình báo đối ngoại Nga
Tổng thống Nga V.Putin tại Lễ trao Danh hiệu Anh hùng Nga cho Aleksey Nhikolaievich Bochian, 10/5/2007. Ảnh : Cơ quan tình báo đối ngoại Nga)

Còn đây là những lời tâm sự của ông nhân sinh nhật lần thứ 100 của mình:

“Cách đây mấy năm, khi chân cẳng còn cho phép, tôi đi gặp gỡ các đồng nghiệp ít tuổi hơn ít nhất một tuần một lần. Chúng tôi chơi bóng chuyền và bóng bàn. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn rất thích chơi cờ”.

Quả là A. Bochian không đầu hàng năm tháng: năm ông 95 tuổi, trong một lần gặp các chiến sỹ phân đội đổ bộ đường không tại phòng tập bắn, ông đã bắn 3 phát súng ngắn với số điểm là 29/30 – tức 2 viên vòng 10 và 1 viên vòng 9! Còn ở tuổi 100, ông vẫn như thế này đây (xem ảnh dưới).

 Các cựu chiến binh tình báo đang chơi cờ .Ảnh : Cơ quan tình báo đối ngoại Nga
Các cựu chiến binh tình báo đang chơi cờ .Ảnh : Cơ quan tình báo đối ngoại Nga)

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Huyền thoại trăm tuổi của tình báo Liên Xô" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin