Hội nhập EVFTA: Giải pháp pháp luật nào để hàng hóa Việt vào thị trường EU giảm rủi ro và giảm nguy cơ tranh chấp thương mại (?!)

(Pháp lý) - Việt Nam đã chính thức trở thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU - một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, sau khi Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định EVFTA hôm 12/2. “ Cửa” đã mở nhưng hàng hóa vào và “ lưu thông” không dễ. Vậy những giải pháp pháp luật nào cần đặt ra để giúp hàng hóa Việt xâm nhập vào thị trường EU giảm rủi ro và giảm nguy cơ tranh chấp thương mại (?!)

Nhận định về sự kiện trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, là một dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Đây là một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị, nhất là giữa lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu. Song ở chiều ngược lại, các Doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết EVFTA vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội

Về lý thuyết khi thuế quan được giảm thì chắc chắn kim ngạch XNK sẽ tăng và nguy cơ áp dụng các biện pháp tự vệ cũng lớn lên, ví dụ như các biện pháp về hạn ngạch, tăng thuế… Song nỗi lo lớn nhất, khi EVFTA chính thức được thực thi với nhiều ưu đãi về thuế quan như vậy sẽ có nhiều nhà sản xuất mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu, khi ấy gian lận thương mại sẽ trở thành nguy cơ. Đặc biệt là các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA đã mang lại những thách thức về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát như kiểm soát tại biên giới, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng…

Thách thức càng lớn hơn khi mà hiện nay tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư. Đây có thể nói là một trong những điểm yếu chí tử, thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nếu kiểm soát không tốt khi đó lượng hàng hóa tăng đột biến thì các biện pháp tự vệ thương mại hay chống lẩn tránh thuế sẽ được các nước của EU áp dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất của Việt Nam.

Để tận dụng cơ hội vàng và khắc phục các thách thức nói trên, theo các chuyên gia pháp lý, Việt Nam không chỉ thúc đẩy nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường; mà còn phải tái cấu trúc về thể chế, tạo môi trường, cơ chế thông thoáng để tận dụng các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, gia tăng xuất khẩu. Thể chế nào thì doanh nghiệp đó, chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công, suy cho cùng phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Với tầm nhìn chiến lược, ngay sau khi EVFTA được ký kết hồi cuối tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” - nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba. Đây là một việc làm rất kịp thời của Việt Nam để từ đó có hành lang tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, Chính phủ cũng tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Chu Thắng Trung: “Gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. Hành vi này làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng… Do đó, các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia”

Song chừng ấy chưa đủ, theo Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cần phải khẩn trương sửa đổi Luật Thương mại 2005 cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là các điều khoản cam kết trong Hiệp định EVFTA. Sau hơn 15 năm thi hành và thực tiễn trong quá trình hội nhập cho thấy, chính sách thương mại của Việt Nam đã xuất hiện nhiều bất cập, trở thành rào cản trong việc tham gia các FTA thế hệ mới. Góp ý cụ thể hơn, Luật sư Tuyên cho rằng khái niệm thương nhân (quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại 2005) không bao quát được nhiều hoạt động ở khu vực “phi chính thức” cũng nhằm mục đích sinh lợi nhưng hoạt động thường xuyên. Yêu cầu thương nhân phải “có đăng ký” kinh doanh cũng không hợp lý, bởi quy định này đang bỏ sót các chủ thể hoạt động thương mại nhưng không đăng ký.

Tương tự, đối với quy định cho phép thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về sự hiện diện của thương nhân tại Việt Nam (được quy định ở Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam) cũng không còn phù hợp.

Việc dẫn chiếu quyền thành lập hiện diện thương mại sang điều ước quốc tế là không khả thi, bởi theo Luật Điều ước quốc tế, cam kết quốc tế lại không có giá trị áp dụng trực tiếp. Hoặc, tại Điều 62 Luật Thương mại, quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao. Quy định như vậy cũng có thể hiểu rằng khi hàng xuống cảng thì mặc nhiên coi là chuyển quyền sở hữu cho người mua hàng, đây là điều cực kỳ bất lợi cho bên mua và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Thông lệ quốc tế quy định chuyển quyền sở hữu cho người mua kể từ khi người này nhận được các chứng từ định đoạt về hàng hóa…

Đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, với mức độ cam kết trong Hiệp định EVFTA khá cao, Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng, sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Tại Điều 72 Luật này quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ: “Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác”. Như vậy, phạm vi dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hóa vẫn rất hẹp, trong khi đó các văn bản pháp luật quốc tế các dấu hiệu có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa được quy định rất rộng.

Cũng như vậy, tại Điều 75 Luật SHTT quy định 8 tiêu chí được xem xét khi đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng (NHNT) nhưng lại không quy định rõ để một nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng thì phải thoả mãn tất cả các tiêu chí này hay chỉ một hoặc một số tiêu chí, dẫn tới rất khó áp dụng trong thực tiễn. Thực tế cho thấy một số vụ việc, mặc dù một nhãn hiệu cụ thể đã được hầu hết các nước công nhận là nổi tiếng nhưng bên yêu cầu xử lý vi phạm phải chứng minh nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam để vụ việc được giải quyết nhanh chóng hơn. Tuy nhiên trong trường hợp này, hành vi vi phạm được xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh (hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn và hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền) chứ không phải là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (như bản chất của nó).

Nhu cầu được công nhận và bảo vệ quyền đối với NHNT là cần thiết ở nước ta, tuy nhiên còn không ít hạn chế, vướng mắc pháp lý và thực tiễn. Các chủ sở hữu nhãn hiệu có chất lượng, uy tín, được đông đảo công chúng biết đến vẫn chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng mà pháp luật quy định cho chủ sở hữu NHNT, để bảo vệ nhãn hiệu của mình chống lại các hành vi xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong nước.

Từ sự phân tích trên, theo Luật sư Lê Hoài Sơn, việc nhận diện những bất cập trong Luật SHTT đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA để có sự điều chỉnh phù hợp về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro đối với hàng hóa Việt khi xâm nhập vào thị trường EU trong dài hạn.

Về sử dụng lao động, khi tham gia các FTA thế hệ mới (trong đó có EVFTA) sẽ mang lạị cho các DN Việt Nam những cơ hội mới trong mở rộng thị trường lao động, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, kéo theo đó là những khó khăn, thách thức trong thực thi các quy định về lao động cũng không hề nhỏ. Đến nay, cơ bản pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… nhưng trên thực tế những chuẩn mực này đang bị vi phạm ở không ít DN. Thực tế cho thấy, các vi phạm của DN về lao động vẫn diễn ra thường xuyên, ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; thời gian làm việc, đặc biệt là vấn đề tăng ca quá mức tại các DN vẫn diễn ra. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nhiều DN chưa được thực hiện tốt; trang thiết bị, công cụ bảo hộ an toàn còn thiếu, vi phạm về môi trường; các chế tài xử phạt đối với các DN vi phạm về lao động, môi trường của Nhà nước chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Cùng với các giải pháp trên, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là khi chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng. Đồng hành với Chính phủ, các DN Việt cần quán triệt sâu sắc về tiềm năng và thách thức của Hiệp định EVFTA, kiên quyết nói không với tiếp tay cho các nhà đầu tư gian lận làm ảnh hưởng đến nền sản xuất và uy tín của đất nước. Hay nói cách khác, cộng đồng DN cần chuẩn bị tâm thế và nguồn lực để sát cánh cùng với các cơ quan có chức năng nhà nước, từng bước biến tiềm năng và lợi thế từ EVFTA trở thành hiện thực.

Trả lời phỏng vấn tờ VnEconomy mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cảnh báo: “Xu hướng về tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với những quy định về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, nhất là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng”.

---------------------------------------------------------

Trong khi đó theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO, các cam kết của EVFTA cao hơn WTO ở khía cạnh tăng quyền của Tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan…

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin