(Pháp lý) - Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye giống nhau ở điểm họ là hai nữ nguyên thủ đầu tiên của đất nước họ; đều xuất thân danh gia vọng tộc, nhưng đều bị phế truất và truy tố. Câu chuyện của họ ở hai quốc gia Đông Á này có thể mang lại những bài học đắt giá.
Hậu quả của bất cẩn trong chính sách lấy lòng dân
Phó Tư lệnh cảnh sát Thái Lan Wittaya Prayongphan mới đây cho biết, cảnh sát nước này đã gửi thư đề nghị tới 190 quốc gia trên thế giới để truy lùng cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Tuy nhiên đến nay, Thái Lan vẫn chưa nhận được phản hồi nào. Người ta cũng không loại trừ khả năng bà Yingluck sẽ xin tị nạn chính trị ở một quốc gia nào đó.
Bà Yingluck là một doanh nhân và chính trị gia, trở thành thủ tướng thứ 28 của Thái Lan sau tổng tuyển cử năm 2011. Yingluck cũng là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, và là thủ tướng trẻ tuổi nhất trong hơn 60 năm. Ngày 7/5/2014, sau khi nắm chính phủ Thái Lan trong 2 năm 9 tháng 2 ngày, bà Yingluck bị phế truất bởi một phán quyết của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia về tội thiếu trách nhiệm trong điều hành chính sách trợ giá gạo, dẫn đến thất thoát lớn cho ngân sách quốc gia. Không lâu sau đó, chính phủ của bà bị quân đội lật đổ và quân đội đang kiểm soát hoàn toàn Thái Lan.
Năm 2011, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bắt đầu thực hiện chương trình nhằm hỗ trợ thu nhập cho khu vực nông thôn bằng cách thu mua thóc gạo từ nông dân với giá 18.000 Baht, tương đương 550 USD, mỗi tấn, cao gấp rưỡi so với giá thị trường. Ở thời điểm đó, bà Yingluck cùng các cố vấn của bà tin rằng, họ có thể đẩy giá gạo toàn cầu gia tăng bằng cách găm lúa gạo của Thái Lan trong những nhà kho khổng lồ. Trên thực tế, vào năm 2008, khi một số nước như Việt Nam và Ấn Độ lo ngại về tình trạng giá lương thực trong nước tăng và tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo, giá gạo toàn cầu đã tăng vọt từ mức 300 USD/tấn lên 1.200 USD/tấn.
Theo quan điểm của bà Yingluck, đây là một cách để bơm tiền vào nông thôn Thái, nơi thu nhập của người dân vẫn kém xa so với các khu vực đô thị. Ý tưởng của Chính phủ Thái Lan mang đầy tham vọng. Họ muốn sử dụng vị trí truyền thống của nước này với tư cách là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhằm gây ảnh hưởng lên thị trường ngũ cốc toàn cầu thông qua găm giữ nguồn cung gạo thay vì xuất khẩu. Cách làm này được cho là sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng cao, đảm bảo mức sống cao hơn cho nông dân Thái trong những năm tới, trong khi Chính phủ Thái sẽ từ từ rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, kế hoạch của Thái Lan đã hoàn toàn phản tác dụng vì các quốc gia khác đều tăng sản lượng gạo. Ngay khi nước này bắt đầu găm hàng lúa gạo, Ấn Độ nối lại xuất khẩu mặt hàng này sau một thời gian dài tạm ngưng. Các nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines do lo ngại về biến động giá gạo đã bắt đầu sản xuất nhiều gạo hơn. Kết quả là, giá gạo thế giới giảm từ mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn vào năm 2008 xuống ngưỡng hiện nay vào khoảng 390 USD/tấn.
Tích trữ một kho gạo tạm trữ khổng lồ, Chính phủ Thái Lan không thể bán được với mức giá nào gần sát với mức giá mua vào. Mức thua lỗ trên giấy tờ trong hai năm đầu tiên áp dụng chính sách này 2011 và 2012 lên tới 4 tỷ USD. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Pridiyathorn Devakula ước tính, tổng mức thua lỗ của chương trình có thể lên tới 12 tỷ USD. Các nhà phân tích thuộc công ty CIMB Securities tính toán, chính sách tạm trữ lúa gạo tiêu tốn của Bangkok mỗi năm 9,2 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP của nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng dài hạn của chương trình đối với nền kinh tế Thái.
Lâm vào tình trạng cạn tiền, chương trình tạm trữ lúa gạo của Thái Lan phải trì hoãn việc thanh toán tiền mua lúa gạo từ nông dân. Thực trạng này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ của bà Yingluck ngay trên các đường phố ở Bangkok. Những người biểu tình cho rằng, chương trình trợ giá lúa gạo là một bằng chứng cho thấy sự bất cẩn trong chính sách lấy lòng dân của nhà Shinawatra.
Cơ quan chống tham nhũng của Thái Lan thúc đẩy một cuộc điều tra tham nhũng trong đó bà Yingluck bị buộc tội phớt lờ mức độ thua lỗ mà chương trình trợ giá lúa gạo gây ra. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, việc điều tra tham nhũng đối với bà Yingluck đã dẫn tới việc Trung Quốc hủy kế hoạch mua 1,2 triệu tấn gạo của nước này.
Nhiều nông dân Thái Lan thậm chí đòi lại gạo đã bán cho Chính phủ để có thể bán trên thị trường tự do và nhận tiền ngay. Một số khác chặn đường đòi tiền Chính phủ. Đã xảy ra những vụ tự tử vì nợ nần liên quan tới chương trình tạm trữ lúa gạo.
Bà Yingluck bị cáo buộc sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây ra thất thoát hàng tỷ USD cho chính phủ. Nếu bị tuyên có tội, bà sẽ phải đối diện với án 10 năm tù và bị cấm tham gia chính trị trọn đời theo hiến pháp mới do quân đội soạn thảo. Bà Yingluck nhiều lần phủ nhận cáo buộc của ủy ban chống tham nhũng cũng như của cơ quan công tố Thái Lan, khẳng định mình vô tội và chính phủ của bà không tham nhũng.
Bà đã đóng tiền để tại ngoại. Bà Yingluck đã không trình diện tại phiên tòa luận tội sáng 25/8 với lý do sức khỏe. Tuy nhiên, truyền thông Thái Lan dẫn nhiều nguồn tin cho biết, bà Yingluck có thể đã rời khỏi đất nước, qua Campuchia, sang Singapore và bắt chuyến bay tới Dubai.
Truy tố Tổng thống vì bê bối tham nhũng
Ngày 25/8/2017, ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, bị Tòa án Hàn Quốc kết án 5 năm tù giam vì các tội danh hối lộ và khai man. Hành vi bị kết án của Thái tử Samsung là hối lộ có liên quan vụ bê bối tham nhũng làm chấn động ở Hàn Quốc khiến Tổng thống tiền nhiệm Park Geun Hye bị phế truất và bắt tạm giam.
Hồi tháng 1/ 2017, ông Lee bị truy tố cùng với 4 bị cáo khác với nhiều cáo buộc như tội đưa hối lộ 43,3 tỉ won (38 triệu USD) để đổi lấy việc Chính phủ Hàn Quốc hậu thuẫn vụ sáp nhập 2 chi nhánh của Tập đoàn Samsung năm 2015, tham nhũng, khai man và một số vi phạm khác có liên quan tới vụ bê bối chính trị làm rúng động Hàn Quốc hồi năm 2016.
Vụ việc xoay quanh bà Choi Soon Sil - một bạn gái thân cận của tổng thống Park Geun Hye. Bà Choi bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ thân thiết với tổng thống Park khi đó để ép buộc các công ty trong nước "quyên góp" gần 70 triệu USD vào 2 quỹ mờ ám do bà này thành lập, sử dụng một phần quỹ vào mục đích cá nhân. Vụ bê bối này chính là lý do khiến bà Park Geun Hye bị phế truất.
Cùng ngày 25/8 vừa qua, bà Park cũng bị triệu tập đến Tòa án quận Trung tâm Seoul để điều trần về cáo buộc tham nhũng. Dự kiến, phán quyết cuối cùng đối với cựu Tổng thống Hàn Quốc sẽ được đưa ra vào tháng 10. Việc kết tội “thái tử” Samsung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết luận vụ bê bối của bà Park trong thời gian tới. Kết quả này nhận được sự ủng hộ từ đa số người dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ ủng hộ bà Park đã tổ chức biểu tình bên ngoài tòa án để phản đối phán quyết trên.
Bà Park và bà Choi bị kết tội nhận hoặc yêu cầu hối lộ 43,3 tỷ won từ Tập đoàn Samsung và 8,9 tỷ won từ SK và 7 tỷ won từ nhà bán lẻ Lotte. Bà Choi bị truy tố trước tiên và bị xét xử trong nhiều tháng, trong khi bà Park được bảo vệ nhờ quyền miễn trừ hình sự đối với tổng thống trước khi Tòa án Tối cao và Quốc hội Hàn Quốc quyết định dỡ bỏ “kim bài miễn tử”.
Các kiểm sát viên cuối cùng kết tội bà Park vào tháng 4 và cho biết thêm có đủ bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống và người bạn Choi Soon- sil thường xuyên liên lạc với nhau.
Tòa án Tối cao Khu vực Seoul trước đó cho biết sẽ kết hợp 2 vụ án vì có nhiều nhân chứng và hồ sơ tạo thành bằng chứng là như nhau. Bà Park lập luận rằng bà không đồng lõa với bà Choi và cần được xét xử riêng.
Bà Choi Soon-sil bị bắt giữ và đang chịu xét xử liên quan đến các cáo buộc lợi dụng quan hệ thân thiết với Tổng thống để tham nhũng, nhận hối lộ và can dự vào các công việc đất nước. Các công tố viên đề nghị mức án 7 năm tù cho bà Choi Soon-sil vì tội lạm dụng quyền lực để con gái bà này nhận được các học bổng và ưu đãi trái pháp luật tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul. Con gái bà Choi Soon-sil là Chung Yoo-ra đã bị dẫn độ từ Đan Mạch về Seoul. Chung Yoo-ra bị nghi ngờ đã nhận các khoản hỗ trợ tài chính bất hợp pháp từ tập đoàn Samsung cho các khóa huấn luyện và đội tuyển cưỡi ngựa của mình.
Tòa án trung tâm quận Seoul đang tiến hành các phiên xét xử cựu Tổng thống Park Geun-hye và bà Choi Soon-sil. Các công tố viên hiện chưa đề nghị mức án cho các tội danh khác của bà Park và bà Choi. Nếu bị kết tội tham nhũng, Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye và người bạn thân sẽ phải đối mặt với ít nhất 10 năm tù giam.
Những bài học đắt giá
Hai vụ án trên đây xảy ra ở hai quốc gia vùng Đông Á với bị cáo là cựu nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng và Tổng thống cho thấy, dường như nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt địa vị, xuất thân cũng như những cống hiến của họ và gia đình họ đang được thực hiện.
Tổng thống Park Geun-hye (sinh 1952) là con gái cố Tổng thống Park Chung-hee. Park Chung Hee là Tổng thống thứ ba của Đại Hàn Dân Quốc, tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ: từ ngày 17 /12 /1963 đến ngày 26 /10 /1979. Ông là người thành lập nền Cộng hòa thứ ba trong lịch sử Hàn Quốc. Mặc dù bị bị chỉ trích và lên án như một nhà độc tài trong quá trình điều hành đất nước, nhưng không ai có thể phủ nhận ông là người đã dẫn dắt Hàn Quốc tạo ra "Điều kỳ diệu trên sông Hàn", một thời đại chứng kiến sự phát triển thần tốc về kinh tế cho tới năm 1979, làm thay đổi cơ bản Hàn Quốc, biến Quốc gia này trở thành một trong những con hổ về kinh tế của châu Á cũng như thế giới.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra (sinh năm 1967) là một doanh nhân và chính trị gia, trở thành thủ tướng thứ 28 của Thái Lan sau tổng tuyển cử năm 2011. Yingluck cũng là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, và là thủ tướng trẻ tuổi nhất trong hơn 60 năm, cũng xuất thân từ danh gia vọng tộc. Yingluck Shinawatra là con út trong chín con của Loet và Yindi. Cha của bà từng là một nghị sĩ Quốc hội Thái Lan đại diện cho Chiang Mai. Bà mang huyết thống của vương thất Chiang Mai cũ thông qua bà nội là Quận chúa Chanthip na Chiangmai (hậu duệ của Quốc vương Thammalangka ở Chiang Mai). Yingluck tốt nghiệp với một bằng cử nhân của Khoa Khoa học Chính trị và Quản trị công thuộc Đại học Chiang Mai vào năm 1988 và nhận một bằng thạc sĩ (chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý) của Đại học Bang Kentucky vào năm 1991. Đặc biệt, Yingluck là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Xuất thân như thế nhưng bà Tổng thống Park Geun-hye và Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn không có được sự ưu ái nào, vẫn phải đối diện với pháp luật như mọi công dân khác. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể chính vì xuất thân như thế mà hai nữ nguyên thủ này bị các phe nhóm chính trị khác mượn tay pháp luật để loại khỏi vũ đài chính trị, nhưng những suy luận kiểu “thuyết âm mưu” không có cơ sở chắc chắn bởi vì họ đều được xét xử công khai tại Tòa án.
Thứ hai, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật còn thể hiện rõ ở Hàn Quốc khi nhân vật thứ hai của Tập đoàn Samsung bị truy tố và kết án, dù Samsung là một tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc. Tập đoàn có nhiều công ty con, hầu hết hoạt động dưới thương hiệu Samsung, là tập đoàn thương mại (chaebol) lớn nhất Hàn Quốc. Những chi nhánh quan trọng của Samsung bao gồm Samsung Electronics (công ty điện tử lớn nhất thế giới theo doanh thu, và lớn thứ 4 thế giới theo giá trị thị trường năm 2012), Samsung Heavy Industries (công ty đóng tàu lớn thứ 2 thế giới theo doanh thu năm 2010), Samsung Engineering và Samsung C&T (lần lượt là công ty xây dựng lớn thứ 13 và 36 thế giới). Những chi nhánh chú ý khác bao gồm Samsung Life Insurance (công ty bảo hiểm lớn thứ 14 thế giới), Samsung Everland (quản lý Everland Resort, công viên chủ đề lâu đời nhất Hàn Quốc), Samsung Techwin (công ty không gian vũ trụ, thiết bị giám sát, bảo vệ) và Cheil Worldwide (công ty quảng cáo lớn thứ 16 thế giới theo doanh thu năm 2011).
Samsung có tầm ảnh hưởng lớn trong phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa ở Hàn Quốc, và là động lực thúc đẩy chính đằng sau "Kì tích sông Hàn". Đóng góp 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Doanh thu chiếm 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) $1,082 tỷ đô la Mỹ của Hàn Quốc.
Mặc dù có đóng góp to lớn cho đất nước như vậy nhưng lãnh đạo Tập đoàn này vẫn không tránh được kết cục bị truy tố và kết án của Tòa án do những hành động trái pháp luật.
Thứ ba, bài học bất cẩn trong chính sách hỗ trợ lúa gạo của cựu Thủ tướng Yingluck cũng rất đáng suy ngẫm. Xuất phát từ một ý tưởng tốt, có lợi cho nông dân, nâng cao giá gạo trên thị trường thế giới để có lợi cho người trồng lúa, nhưng kế hoạch không thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó có những sai lầm trong dự báo... Dù đến nay, cơ quan pháp luật Thái Lan chưa hề đưa ra cáo buộc Thủ tướng Yingluck tư lợi, tham nhũng trong chương trình này, nhưng do bất cẩn, do thiếu sâu sát, do chủ quan trong quản lý, điều hành dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước, cho nông dân thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Với một thông điệp như thế thì chắc chắn những người nắm trọng trách ở các quốc gia có được bài học về tinh thần trách nhiệm, lường trước hậu quả của những sai lầm mà họ sẽ phải gánh chịu, đất nước sẽ tránh được những công trình, những dự án, những chính sách gây thất thoát ngân sách quốc gia hay phương hại đến đời sống nhân dân...
Vũ Đăng Khôi