Sau khi lọt vào căn nhà đổ nát, Le Ray chui xuống tầng hầm rồi đợi nhóm tù nhân đi hết mới trèo tường rào vượt khỏi nhà tù. Cuộc đào tẩu trên khiến các tù nhân khác ngạc nhiên.
Colditz Castle là pháo đài đen nằm sát bờ vực của vách đá thẳng đứng cao 75 m ở trung tâm nước Đức. Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Đức Quốc xã tin rằng đây là nơi lý tưởng để xây dựng nhà tù ở mức an ninh nghiêm ngặt, cẩn mật nhất thế giới.
Nơi đây giam giữ binh lính, sỹ quan quân đồng minh như Anh, Pháp, Bỉ… Đó là những tù binh cấp bậc sĩ quan đặc biệt nguy hiểm, thậm chí có những người từng đào tẩu thành công vài lần. Cuộc sống của các tù binh ở nhà tù Colditz tương đối dễ chịu. Theo trang Yesterday, họ được đối xử khá tử tế.
Trùm mật vụ Đức Quốc xã Hermann Goering từng khẳng định nhà tù Colditz là nơi mà “một con kiến cũng không thể chui lọt”.
Tuy nhiên, 174 cuộc đào tẩu được thực hiện thành công tại đây, con số này nhiều hơn bất cứ trại giam tù nhân chiến tranh khác trong suốt cuộc chiến.
Từ tù binh chính trị
“Cai ngục điểm danh các tù nhân cả ngày lẫn đêm và được trang bị súng tiểu liên và súng máy. Tuy nhiên, chúng tôi không hiểu vì sao họ vẫn vượt ngục thành công”, đại úy Reinhold Eggers nhiều năm làm việc tại Colditz, chia sẻ.
Tướng Alain Le Ray là tù nhân chiến tranh đầu tiên thoát khỏi Colditz Castle để tiếp tục tham gia Thế chiến 2 và có sự nghiệp lẫy lừng trong quân đội Pháp.
Khi bị bắt làm tù binh vào tháng 6/1940, Le Ray là tướng chỉ huy lực lượng Chasseurs Alpins, đơn vị bộ binh ưu tú hoạt động trên núi thuộc Lục quân Pháp. Ông có kinh nghiệm đào tẩu khỏi nhà tù Đức nhưng từng bị bắt lại.
Tháng 3/1941, Le Ray được gửi tới Colditz, nhà tù được mệnh danh là “chống vượt ngục” của Đức Quốc xã.
Bất chấp sự thất bại trong lần đào tẩu đầu tiên và sự kiên cố, nghiêm ngặt của Colditz, tháng 5/1941, Le Ray tham gia vào nhóm tù binh Pháp đào đường hầm trong nhà tù.
“Hàng đêm, chúng tôi thay phiên nhau đào hầm. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tham gia, để tăng tình đoàn kết với đồng đội. Nhưng đó quả là công việc vất vả, khó khăn bởi tiến độ diễn ra rất chậm. Nhiều người còn lo rằng điều này sẽ bị phát hiện. Dần dần, tôi nhận ra việc đào hầm không phù hợp với mình và bắt đầu cảm thấy thiếu kiên nhẫn. Cái mà tôi muốn là cách thức nhanh hơn và tôi có thể tự làm một mình”, Le Ray chia sẻ.
Từ bỏ việc đào hầm, ông luôn tìm kiếm các cơ hội khác để bỏ trốn khỏi đây. Theo Công ước Geneva, tù nhân ở Colditz có quyền tham gia một số hoạt động thể dục thể thao trong khu vực “công viên” gần toà lâu đài và không bị bao bọc bởi dây thép gai.
Trên đường trở về sau buổi tập thể dục, Le Ray phát hiện ngôi nhà lụp xụp, không người ở nằm trên khúc cua quanh co. Ông nhận thấy đó có thể là nơi trú ẩn an toàn. Le Ray bắt đầu lên kế hoạch đào tẩu, thoát khỏi lớp bảo vệ nghiêm ngặt của 10 lính gác, vượt biên sang Thụy Sĩ tại thung lũng Engadine và tìm hiểu hệ thống đường sắt Đức.
“Trước và sau khi hành quân đến sân tập, lính gác đếm chúng tôi 2 lần, một lần nữa khi đến công viên, và trên đường trở về. Điều này được thực hiện thường xuyên mặc dù việc đi bộ chỉ tốn 15 phút. Dù vậy, tôi vẫn phát hiện ra những lỗ hổng trong mạng lưới phòng thủ của nhà giam rồi lên kế hoạch phù hợp”, Le Ray cho biết.
Vào ngày thứ 6 Tuần Thánh (ngày kỷ niệm Chúa Jesus bị đóng đinh vào cây thánh giá) năm 1941, La Ray thực hiện kế hoạch vượt ngục liều lĩnh. Ông luyện tập thể dục ở công viên như thường lệ, nhưng mặc kèm thường phục bên trong quần áo tù nhân. Lợi dụng việc các tù nhân đang mải chơi bóng đá và lính gác không để ý, Le Ray bắt đầu đi ngược lên ngọn đồi.
“Chắc chắn họ nhìn thấy tôi tách khỏi nhóm nhưng tôi vẫn không dừng lại. Tôi đứng dậy, leo lên đỉnh ngọn đồi và trượt người qua cánh cửa nhỏ. Không có tiếng la hét, không ai đuổi theo, không có chó săn, tôi đoán mình đã an toàn”, cựu tù binh Le Ray nhớ lại.
Le Ray nhanh chóng biến mất qua cánh cửa để trống của căn nhà đổ nát, chui xuống tầng hầm. Đợi nhóm tù nhân đi hết, ông bí mật lần theo lối mòn xuống dưới rồi trèo qua tường rào vượt khỏi nhà tù.
Một giờ sau, Le Ray trốn thoát thành công. Cuộc đào tẩu trên khiến các tù nhân khác rất ngạc nhiên. Nhiều người cố gắng bắt chước cách này nhưng đều thất bại.
Ngay tối hôm đó, lính cai ngục phát hiện sự vắng mặt của Le Ray. Họ cho rằng Le Ray chắc chắn đi lên mái nhà của sân tập rồi leo xuống bằng dây dẫn sét.
Trở thành vị tướng lẫy lừng trong quân đội Pháp
Tay trắng bỏ trốn khỏi Đức, Le Ray buộc phải cướp ví tiền và áo khoác của dân thường khi thành phố Nuremberg lên đèn.
“Tôi không ngủ trong 3 ngày. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy mình không nên lẩn trốn ở vùng núi Endagine. Do vậy, tôi quyết định tới Schaffhausen ở Thụy Sĩ”, người lính Pháp chia sẻ.
Le Ray bắt tàu đi Sigen rồi tiếp tục đi bộ tới vùng biên giới. Hiểu rằng việc trốn trại của mình đã bị phát hiện, ông chọn con đường vòng xuyên qua rừng. Khi găp đội tuần tra biên giới, Le Ray trèo lên cây ẩn náu.
Thay vì mua vé vì có thể để lộ danh tính, Le Ray trốn trong bụi rậm phía sau nhà ga. Khi chuyến tàu cuối cùng chuyển bánh lúc nửa đêm, ông nhảy lên phía trước đầu máy và nép mình vào khe giữa các ngọn đèn.
Le Ray tính toán khéo léo góc phản chiếu của những ngọn đèn pha ở đầu tàu, để không ai phát hiện ra mình. Người lính Pháp kể lại rằng lúc đó ông cảm thấy “tự do, tràn đầy hy vọng xen lẫn với niềm tự hào”.
Trở về Pháp, Le Ray tiếp tục tham gia Thế chiến thứ 2 và hỗ trợ điều hành hoạt động quân sự trong vùng Alpine. Ông trở thành người đứng đầu của mạng lưới quân sự Vercors vào tháng 5/1943.
Ông còn tham chiến ở Việt Nam trong giai đoạn 1953-1954. Ngày 4/7/2007, Le Ray qua đời ở tuổi 96.
Theo Zing