(Pháp lý) - “Ví điện tử của Apple đang kìm hãm sự cạnh tranh trong thị trường thanh toán” . Đây là cáo buộc được nêu trong các đơn khiếu nại gửi tới Cao ủy phụ trách cạnh tranh của EU – bà Margrethe Vestager hồi đầu tháng 11 vừa qua.
Trước đó, từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt ông lớn tên tuổi như Facebook, Amazon, Google hay tập đoàn chế tạo máy bay khổng lồ Boeing cũng đã vào tầm ngắm điều tra chống độc quyền, hoặc đã nhận án phạt do vi phạm Luật chống độc quyền của EU.
Ví điện tử Apple Pay rơi vào tầm ngắm điều tra
"Chúng tôi nhận được rất nhiều, rất nhiều mối quan tâm khi nói đến Apple Pay vì lý do cạnh tranh thuần túy", bà Margrethe Vestager (Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu , Phó chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề kỹ thuật số của EU) cho biết trong một cuộc họp báo tại hội nghị công nghệ Web Summit ở Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 6/11 vừa qua. "Mọi người thấy rằng ngày càng khó cạnh tranh trên thị trường để thanh toán".
Apple Pay hiện cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử ở tất cả các quốc gia thành viên EU và công ty đầu tư mạo hiểm Loup Ventures ước tính rằng có tới 88% người dùng dịch vụ thanh toán điện tử này ở bên ngoài Mỹ. Mặc dù đang phải vật lộn để cạnh tranh với WeChat và Samsung Pay, nhưng hiện tại Apple Pay đã có 383 triệu người dùng toàn cầu - nhiều hơn các nền tảng thanh toán di động như Google Pay và Amazon Pay.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cũng đang điều tra một khiếu nại chống độc quyền đối với Apple từ đối thủ phát nhạc trực tuyến Spotify liên quan đến các điều khoản trong App Store. Bà Vestager cho biết EU đang trong quá trình phân tích phản ứng của Apple đối với khiếu nại của Spotify.
Apple trước đây đã nói trong một tuyên bố: "iPhone đã thay đổi hoàn toàn thanh toán di động bằng cách cung cấp cho khách hàng lựa chọn cách thanh toán bao gồm tiền mặt, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, cũng như sử dụng các ứng dụng từ các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn. Chúng tôi tin rằng Apple Pay cung cấp trải nghiệm tốt nhất có thể cho khách hàng và là giải pháp an toàn, bảo mật nhất trên thị trường. Chúng tôi rất vui khi hàng ngàn ngân hàng trên thế giới tham gia".
Một "cuộc điều tra sâu rộng" về những kế hoạch của tập đoàn chế tạo máy bay khổng lồ Boeing
Trước đó, hồi đầu tháng 10 (ngày 4/10), Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ra thông báo mở một "cuộc điều tra sâu rộng" về những kế hoạch của tập đoàn chế tạo máy bay khổng lồ Boeing của Mỹ thiết lập những dự án liên doanh với hãng chế tạo máy bay lớn thứ 3 thế giới là Tập đoàn Embraer của Brazil, viện dẫn những quan ngại về cạnh tranh.
Trong một tuyên bố, cơ quan chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC) cho hay EC quan ngại rằng "giao dịch này có thể loại Embraer khỏi vị trí nhà cạnh tranh toàn cầu lớn thứ 3 thế giới trong nền công nghiệp chế tạo máy bay thương mại".
Giới phân tích cho rằng động thái trên của giới chức châu Âu có nguy cơ làm trầm trọng thêm mối quan hệ thương mại Mỹ - EU vốn đang căng thẳng liên quan phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép Washington áp đặt các mức thuế trừng phạt hàng hóa xuất khẩu của châu Âu do cho rằng khu vực này trợ giá cho hãng hàng không Airbus. Hiện châu Âu đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.
Loạt “ ông lớn” như Apple, Amazon và Facebook đều bị nghi vấn
Hồi tháng 7/ 2019, các giám đốc điều hành từ các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã xuất hiện trước một tiểu ban chống độc quyền của Quốc hội Mỹ và trả lời các câu hỏi về thực tiễn và sức mạnh thị trường của họ.
Các công ty như Facebook, Google, Apple và Amazon gần đây đã bị kiểm tra gắt gao từ các nhà quản lý và thậm chí còn bị đặt ra nghi vấn: liệu quy mô hoặc tác động của các hãng này có làm tổn hại đến cạnh tranh và sự lựa chọn của người tiêu dùng hay không.
Trong số những người đặt ra thách thức lớn nhất đối với những “người khổng lồ” công nghệ này là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2020. Bà đã đề xuất một kế hoạch sâu rộng vào tháng 3, khiến các công ty công nghệ lớn phải điều chỉnh. Kế hoạch của bà xoay quanh hai bước chính: phân loại các công ty công nghệ lớn có doanh thu toàn cầu hàng năm từ 25 tỷ USD trở lên là "nền tảng tiện ích" và đảo ngược một số vụ mua lại công nghệ lớn.
Đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy các cơ quan quản lý Mỹ đang đàn áp các “ông trùm” công nghệ lớn. Theo báo cáo từ The Washington Post và The Wall Street Journal, Bộ Tư pháp Mỹ được cho là đang lên kế hoạch khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google liên quan đến bộ phận tìm kiếm giữa các doanh nghiệp khác. Theo Reuters, Cơ quan này cũng đã được cấp phép điều tra Apple.
Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng xem xét Apple sau khi Spotify đệ đơn khiếu nại vào tháng 3. “Gã khổng lồ” phát nhạc Thụy Điển cáo buộc Apple đã gây khó khăn trong việc cạnh tranh trong App Store bằng cách tính phí 30% cho các giao dịch mua được thực hiện thông qua cửa hàng kỹ thuật số.
Ủy ban Thương mại Liên bang gần đây cũng đã có đủ thẩm quyền xem xét liệu Facebook và Amazon có tham gia vào các hoạt động kinh doanh chống cạnh tranh hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên các công ty công nghệ bị vướng vào các mối quan tâm chống độc quyền.
Hai năm, Google bị 3 án phạt từ EU
Hồi quí 1/2019 (ngày 20/3), cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã ra án phạt Google 1,49 tỷ euro (1,69 tỷ USD) vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi chặn các quảng cáo tìm kiếm trực tuyến của các đối tác.
Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager xác nhận Ủy ban Cạnh tranh EU đã phạt Google vì có hành vi chèn ép, sử dụng sai trái vị thế thống trị trên thị trường để chặn các quảng cáo tìm kiếm trực tuyến của các đối thủ.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Ủy viên EU cho biết khoản phạt được đưa ra sau thời gian dài điều tra hoạt động của trang mạng quảng cáo AdSense do Google phát triển. Brussels kết luận trang quảng cáo này đã hạn chế một cách bất hợp pháp các trang mạng khách hàng trong việc đăng tải các quảng cáo từ các dịch vụ quảng cáo đối thủ.
Như vậy, đây là lần thứ ba trong chưa đầy hai năm qua Google bị EU phạt vì vi phạm luật chống độc quyền với tổng số tiền phạt lên tới 8,2 tỷ euro.
Năm ngoái, EU đã đưa ra mức phạt 4,34 tỷ euro đối với mạng tìm kiếm hàng đầu thế giới này vì sử dụng hệ điều hành điện thoại di động Android do họ phát triển, vốn rất được ưa chuộng, để chặn các đối thủ. Còn khoản phạt đầu tiên được EU đưa ra vào năm 2017 trị giá 2,42 tỷ euro vì hành vi chặn các mạng đối thủ trong lĩnh vực xếp hạng và so sánh mua sắm.
Google đã kháng cáo cả hai quyết định phạt trên lên Tòa Tư pháp châu Âu tại Luxembourg.
Hồng Quân (tổng hợp)