Ngày 21/5 vừa qua, Hãng tin AP bất ngờ phát đi bản tin nêu lên việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) do bà Trần Phùng Phú Trân (Margaret Chan, sinh 1947, người Hongkong mang quốc tịch Trung Quốc) đứng đầu đã chi trên 200 triệu USD cho việc đi lại công cán, nhiều hơn cả số tiền mà tổ chức này chi cho việc nghiên cứu và điều trị bệnh dịch.
AP cho biết, văn bản báo cáo nội bộ của WHO nêu rõ tổ chức này mỗi năm chi tới 200 triệu USD cho việc đi lại, những người lãnh đạo WHO bị chỉ trích vì đã không kiểm soát chi phí cho việc đi lại của nhân viên.
AP nói, họ có trong tay bản báo cáo nội bộ tháng 3/2017 của WHO, trong đó ghi rõ: mỗi năm tổ chức này chi cho việc nhân viên đi công tác hết 200 triệu USD, chiếm hơn 10% tổng ngân sách hoạt động; trong khi năm ngoái chi cho đối phó với căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS và chứng Viêm gan là 71 triệu USD và chống dịch sốt rét 61 triệu USD.
Đặc biệt, bài báo nêu rõ việc bà Tổng giám đốc Margaret Chan thường xuyên đi lại bằng máy bay với vé hạng VIP, riêng năm 2014 mình bà đã tiêu xài 370 ngàn USD tiền công cho việc đi lại. Lần mới nhất, khi tới Cộng hòa Guinea ở Tây Phi, bà Margaret Chan đã vào ở phòng President lớn nhất trong khách sạn sang nhất ở địa phương với giá tiền phòng 1.008 USD/đêm. Trước thông tin này, WHO đã từ chối trả lời số tiền phòng này do ai trả, mà chỉ lấp lửng “có khi” do chính phủ sở tại chi.
Bài báo viết, hành xử của bà Tổng giám đốc khiến 7 ngàn nhân viên dưới quyền bắt chước theo. Trong đó ông Bruce Aylward, Phụ tá Tổng giám đốc khi tới châu Phi chỉ đạo đối phó với viruc Ibola đã từ chối đi xe Jeep trên các con đường lầy lội, thường xuyên đáp trực thăng tới các phòng khám.
Tuy WHO có đề ra quy định về hạch toán cho việc đi lại, nhưng chỉ có 2 trong số 7 cơ quan trực thuộc nó thực hiện. Cơ quan tài vụ của WHO năm 2015 thừa nhận, họ không thể xác định được nhân viên có mua vé hạng kinh doanh khi đi máy bay không? Thậm chí họ cũng không thể xác định các chuyến đi lại ấy có được phê chuẩn hay không?.
Những thông tin về chuyện tiêu xài lãng phí của bà Chan đã gây nên phản ứng từ giới nhân sĩ Hongkong – nơi bà từng là Giám đốc Y tế trước khi trở thành Tổng giám đốc WHO. Ông Quách Gia Lân, Ủy viên lập pháp (nghị sĩ), đồng thời là một bác sĩ đã lên tiếng phê phán.
Ông nói: WHO một năm chi tới 200 triệu USD cho việc đi công cán là không cần thiết, việc bà Chan thuê phòng President ở khách sạn để ở càng là sự chi tiêu vô nghĩa, cách làm đó là “đối đầu cả thế giới”.
Ông nói WHO là tổ chức quốc tế giúp các nước đang phát triển đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm, kinh phí hoạt động do nhiều nước quyên góp.
Số tiền đó cần được sử dụng để chống bệnh dịch, giúp các nước không có tiền mua thuốc và vắc-xin. Vụ việc xảy ra đã làm mất mặt WHO, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bà Chan, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, sự tin cậy của WHO, khiến nó cũng trở nên gian lận chi tiêu như một số tổ chức khác.
Ông Quách nói: bà Chan từng là quan chức Hongkong, được chính phủ Trung Quốc ủng hộ ra ứng cử vào chức TGĐ WHO, việc này (hành xử của bà) sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc tế của Ho, thậm chí đến danh dự quốc gia, bà cần cảm thấy xấu hổ.
Nghị sĩ Trịnh Tùng Thái thì phê phán: sự kiện này khiến người ta nghi ngờ WHO đã trở thành câu lạc bộ của các nhân sĩ có đặc quyền. Trong đó việc bà Chan khi đi công cán chọn ở trong phòng President khiến người ta nghĩ người Hongkong đều rất vung tay chi xài, không biết tiết kiệm, thậm chí phô trương lãng phí.
AP cho biết, khác với WHO, các tổ chức y tế công cộng khác như “Thầy thuốc không biên giới” đều có quy định rất rõ ràng: mọi nhân viên bao gồm cả giới lãnh đạo cao nhất khi đi công tác đều chỉ mua vé máy bay hạng kinh doanh chứ không luôn chọn khoang thương gia như bà Chan. Bà Margaret Chan sẽ mãn nhiệm vào tháng 6 tới đây. Khi đó có thể bà sẽ phải đương đầu với những rắc rối về tư pháp về hoạt động chi tiêu trong nhiệm kỳ…
Theo Bao Phapluat