Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản: Thực trạng và một số biện pháp phòng, chống

(Pháp lý). Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có đặc điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi, khó bị phát hiện. Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu, phân tích tội phạm và đề xuất một số biện pháp tăng cường phòng ngừa đối với tội phạm nguy hiểm này trở nên cấp bách nhằm bảo vệ môi trường mạng trực tuyến và trật tự, an ninh xã hội trong thời đại số hóa ngày nay.
1-1722401560.jpg

Ảnh minh hoạ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn được biết đến là Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi to lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội dựa trên sự xuất hiện và phát triển của hàng loạt các công nghệ thông minh tích hợp với nền tảng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất và được ứng dụng trong mọi mặt của đời sống. Trong đó, việc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để kết nối với các nền tảng trực tuyến, không gian số trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Mặc dù sự phát triển của công nghệ đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống, tuy nhiên nó cũng đi kèm với một loạt các rủi ro và thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng và tội phạm trực tuyến. Một trong những hình thức phổ biến của tội phạm trong lĩnh vực này là hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đây là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa sự an toàn và ổn định của an ninh mạng cũng như của xã hội nói chung.

1. Khái niệm và một số đặc điểm của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

1.1. Khái niệm của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có hành vi là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. Tội phạm này không chỉ gây tổn thất về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng đến sự tin cậy và uy tín của hệ thống thanh toán trực tuyến, cũng như gây ra những hậu quả phức tạp cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Để hiểu rõ về hành vi phạm tội đặc biệt này, trước hết cần làm rõ một số khái niệm liên quan đến tội phạm, cụ thể:

Mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua mạng viễn thông và mạng máy tính .

Mạng máy tính là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau . Tức là một hệ thống được tạo ra bằng cách kết nối các máy tính thông qua các phương tiện truyền thông như cáp, sóng radio, hoặc vô tuyến, nhằm chia sẻ tài nguyên và dữ liệu giữa các thiết bị trong mạng.

Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông .

Phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự .

Hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản là hành vi sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; làm tàng trữ mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, giao dịch chứng khoán qua mạng; thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Qua các khái niệm nêu trên, có thể đưa ra khái niệm tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý việc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; làm tàng trữ mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, giao dịch chứng khoán qua mạng; thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

1.2. Một số đặc điểm của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

Để dễ dàng trong việc nhận diện và phân biệt tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và các tội phạm chiếm đoạt tài sản khác, có thể dựa vào các đặc điểm sau:

- Về công cụ, phương tiện phạm tội: Người phạm tội sử dụng các phần mềm, công cụ, thiết bị công nghệ thông tin và phương tiện điện tử thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng thường sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Telegram... để bàn bạc thực hiện tội phạm do công tác quản lý Nhà nước về các mạng xã hội còn hạn chế.

- Về chủ thể của tội phạm: Người phạm tội là những người có chuyên môn, am hiểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực ngân hàng, tài chính, luật và tâm lý con người.

- Về thời gian, không gian phạm tội: Tội phạm xảy ra trên không gian mạng, không bị giới hạn về mặt địa lý, lãnh thổ. Người phạm tội có thể điều khiển, kiểm soát phương tiện, thiết bị điện tử tại bất kỳ đâu, bất cứ khi nào.

- Về thủ đoạn phạm tội: Người phạm tội nhanh chóng chiếm đoạt tiền từ tài khoản của nạn nhân rồi nhanh chóng thực hiện việc chuyển tiền sang nhiều tài khoản khác và thực hiện rút tiền. Các hành vi được thực hiện với thời gian ngắn, tốc độ nhanh khiến nạn nhân không kịp phòng bị và thực hiện các biện pháp ngăn chặn giao dịch.

- Về tính chất của hành vi phạm tội: Hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản mang có tính chất tinh vi, khó phát hiện. Hầu hết các chứng cứ, giao dịch, tài liệu đều tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử nên người phạm tội dễ dàng xóa dấu vết, gây khó khăn trong công tác điều tra, truy vết.

2-1722401595.jpg

Ảnh minh hoạ

2. Dấu hiệu pháp lý của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

2.1. Dấu hiệu định tội

- Dấu hiệu về khách thể: Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản vừa xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng, trật tự xã hội vừa xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Trong đó, xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng, trật tự xã hội là xâm phạm đến sự hoạt động bình thường trong lĩnh vực an ninh mạng, ngân hàng, tài chính.

- Dấu hiệu mặt khách quan: Người phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử như một công cụ để thực hiện một trong các hành vi sau:

+ Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản: Hành vi này được thực hiện thông qua các thủ đoạn như trộm cắp, lừa đảo để có được thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của người khác, rồi dùng chính những thông tin đó để chiếm đoạt tài sản, thanh toán dịch vụ, mua hàng hóa.

Ví dụ: Tội phạm gửi tin nhắn, email giả mạo, gọi điện giả danh cơ quan nhà nước… để có được thông tin, mật khẩu của nạn nhân sau đó chiếm đoạt tài sản.

+ Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ.  Làm thẻ ngân hàng giả là việc cá nhân không có thẩm quyền sản xuất, phát hành thẻ ngân hàng giả giống như thẻ ngân hàng thật (trong đó chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ của ngân hàng phát hành).

Ví dụ: Người phạm tội mua thẻ nhựa trắng, sau đó mua hoặc đánh cắp thông tin thẻ, mật mã giao dịch của nạn nhân, rồi dùng máy ghi thẻ để sản xuất thẻ giả, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ giả để chiếm đoạt tài sản của người khác. Hoặc sử dụng thẻ ngân hàng của nước ngoài đã hết hạn sử dụng vào nước khác để rút tiền…

+ Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc sử dụng mã truy cập vào tài khoản hoặc các phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Ví dụ: Tội phạm gửi tin nhắn có gắn link “độc” hoặc dẫn dụ nạn nhân như giả danh cơ quan chức năng yêu cầu cài đặt các ứng dụng giả mạo để chiếm quyền kiểm soát thiết bị điện tử của nạn nhân sau đó chiếm đoạt tài sản.

+ Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội đưa ra các thông tin gian dối trong các lĩnh vực trên nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản, làm họ tưởng thật và mua, bán hoặc đầu tư vào lĩnh vực đó.

Ví dụ: Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; Lừa đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với lãi suất cao; Người phạm tội đưa nạn nhân có tài khoản Facebook, Zalo, Telegram... vào hội nhóm, dẫn dụ họ đăng nhập vào trang Web chỉ định để tham gia trò chơi dưới nhiều hình thức như hình thức nạp tiền quy đổi ra tiền ảo, tham gia đặt cược theo tỷ lệ tăng, giảm (xanh, đỏ), hoặc tham gia và hoàn thành các nhiệm vụ để được nhận thưởng...

+ Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội thực hiện thiết lập, cung cấp dịch vụ viễn thông, internet nhưng không được phép hoặc không đúng giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: Người phạm tội xây dựng dịch vụ truy cập internet và dịch vụ kết nối internet sau đó cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức để sử dụng khi chưa không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc trái giấy phép được cấp, sau đó chiếm đoạt tài sản của người khác.

3-1722401595.jpg

Ảnh minh hoạ

+ Ngoài ra theo khoản 4 Điều 10 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/9/2022 về hướng dẫn áp dụng quy định của bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, cũng đề cập đến các hành vi khác của tội phạm này như: Gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; quảng cáo bán hàng trên mạng Internet, mạng viễn thông nhưng không giao hàng hoặc giao không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng thấp hơn hàng quảng cáo và các hành vi tương tự.

- Dấu hiệu mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Mục đích của tội phạm là nhằm chiếm đoạt tài sản, đối tượng tác động của tội phạm là tài sản của cá nhân, tổ chức, chứ không nhằm tấn công, cản trở hay phá hoại mạng viễn thông, mạng máy tính hay phương tiện điện tử.

- Dấu hiệu chủ thể: Người phạm tội là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, người phạm tội còn có thể là người từ đủ 14 tuổi trở lên nếu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng trở lên hoặc số lượng thẻ giả từ 200 thẻ trở lên.

2.2. Dấu hiệu định khung

Dấu hiệu định khung của tội sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản, chỉ bao gồm dấu hiệu định khung cơ bản và dấu hiệu định khung tăng nặng:

- Dấu hiệu định khung hình phạt cơ bản  bao gồm các dấu hiệu định tội thuộc cấu thành tội phạm, xác định có hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử nhằm để chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt tương ứng ở cấu thành cơ bản có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất  có mức hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, khung phạt này được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau đây:  + Có tổ chức;  + Phạm tội từ 02 lần trở lên; + Có tính chất chuyên nghiệp;  + Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;  + Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; + Tái phạm nguy hiểm.

- Khung hình phạt tăng nặng thứ hai  có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, khung phạt này được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau đây: + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;  + Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

- Khung hình phạt tăng nặng thứ ba  có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, khung này được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng như sau: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; + Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

- Ngoài ra, bên cạnh các hình phạt chính, người phạm tội có thể phải chịu thêm hình phạt bổ sung  là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3. Thực trạng hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện chiếm đoạt tài sản

Trong bối cảnh hiện nay, sự tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nói chung và công nghệ thông tin, mạng viễn thông nói riêng đã tạo ra một môi trường mới cho tội phạm. Tình hình tội phạm trong lĩnh vực này ngày càng trở nên phức tạp hơn với sự xuất hiện của nhiều phương thức và thủ đoạn hoạt động tinh vi và xảo quyệt hơn.

- Về phương thức thủ đoạn: Trong năm 2023 tại Việt Nam, các đối tượng tội phạm mạng có sự liên kết giữa tội phạm trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt thông qua các phương pháp tấn công vào hệ thống như là Phishing (lừa đảo), Deface (xâm nhập), Malware (phần mềm độc hại) hay sử dụng công nghệ Deepfake để giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng… để tấn công vào người sử dụng.

- Về tình trạng mua bán thẻ ngân hàng trái phép: Công ty an ninh mạng Singapore Group-IB công bố vụ tấn công lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022 đến nay; chợ đen mua bán thông tin thẻ tín dụng Biden Cash đã công khai trực tuyến cơ sở dữ liệu miễn phí gồm trên 2 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng.  

- Về đối tượng nạn nhân: tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện chiếm đoạt tài sản nói riêng và tội phạm công nghệ cao nói chung hướng tới các nạn nhân là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp hoặc ham đầu tư làm giàu, thậm chí cả trẻ em (những người sử dụng điện thoại thông minh có điều kiện tham gia môi trường mạng nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu tội phạm còn thấp, dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham).

- Về thiệt hại: Theo thông tin trên cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống kê năm 2023 ghi nhận khoảng 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; tăng 64,78% so với năm 2022. Bộ Công an đã khởi tố nhiều vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng và xác định tổng số tiền người dân bị chiếm đoạt khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng .

Bên cạnh đó, năm 2023, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao (A05) đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc, tổng số tiền thiệt hại từ 3.500 vụ việc là khoảng hơn 2.487 tỷ đồng . 

- Về tình hình xử lý tội phạm: Trong năm 2023, Bộ Công an đã khởi tố 1.500 vụ án với hơn 500 bị can đối với tội phạm trên không gian mạng. Vừa qua, ngày 11/5/2024, Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố bị can đối với Lò Minh Phương về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Đối tượng đã có hành vi sử dụng phương tiện điện tử thông qua mạng viễn thông để truy cập bất hợp pháp vào tài khoản tiết kiệm online và tài khoản thanh toán của nạn nhân. Sau đó, đối tượng sử dụng quyền quản trị của chủ tài khoản để chuyển số tiền tiết kiệm online của nạn nhân sang tài khoản cá nhân của mình để chiếm đoạt số tiền 60 triệu đồng. Đối tượng đã thực hiện hành vi 2 lần với cùng 1 nạn nhân nhưng không bị phát hiện. Quá trình điều tra xác định, đối tượng đã sử dụng thủ đoạn này với nhiều nạn nhân khác.

Nhìn chung, tình trạng tội phạm ngày càng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn trong thời gian gần đây, đặc biệt là tại Việt Nam. Các đối tượng tội phạm đã không ngừng thay đổi phương thức và thủ đoạn, tận dụng công nghệ mới để thực hiện các hành vi tấn công, xâm nhập vào hệ thống mạng để chiếm đoạt tài sản, gây ra những tổn thất kinh tế lớn và ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội.

4-1722401595.jpg

Ảnh minh hoạ

4. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa và đấu tranh tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản

Mặc dù tranh tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự; tuy nhiên từ thực tiễn công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm này hiện nay còn một số khó khăn, vướng mắc trong lý luận và thực tiễn xử lý tội phạm. đó là:

Thứ nhất, trong Bộ luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan đến tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản còn một số quy định chung chung, chưa bảo đảm rõ ràng, cụ thể, gây vướng mắc trong nhận thức và áp dụng. Ví dụ: d khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định chung về tình tiết “Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán nhằm chiếm đoạt tài sản” khiến các cơ quan, người tiến hành tố tụng gặp khó khăn khi xác định hành vi phạm và thủ đoạn phạm tội để có cơ sở xác định tội danh.

Thứ hai, hiện chưa có những quy định cụ thể về các quy trình xử lý chứng cứ điện tử; về thu giữ, bảo quản, phục hồi, sử dụng dữ liệu điện tử nhằm bảo vệ tính an toàn, toàn vẹn dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ điện tử.  Mặc dù Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về thu thập bí mật dữ liệu điện tử là một biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt liên quan đến quyền con người, quyền công dân nhưng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về vấn đề này để các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất về nhận thức và áp dụng.

Thứ ba, bị hại thường không biết mình bị ai chiếm đoạt tài sản, xâm phạm thông tin cá nhân vào thời điểm nào, thường sau một khoảng thời gian bị chiếm đoạt tài sản thì mới phát hiện... Mặt khác đối tượng nạn nhân, người có liên quan thường ở nhiều địa phương khác nhau, do đó gây khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ (lấy lời khai, cung cấp tài liệu, đối chất…). Đa số các bị hại đều thiếu các kiến thức cần thiết về công nghệ thông tin, cũng như hiểu biết về phương thức, thủ đoạn phạm tội, nên không có biện pháp, công cụ để tự bảo vệ.

Thứ tư, các bằng chứng, chứng cứ dữ liệu điện tử dễ bị thay đổi, bị xóa dấu vết, các thiết bị phương tiện điện tử dễ bị tiêu hủy nên việc thu thập chứng cứ điện tử trong nhiều vụ án hết sức khó khăn, trong khi việc phục hồi dữ liệu và thu thập chứng cứ phải mất nhiều thời gian, có nhiều trường hợp không phục hồi được. Ngoài ra, các dữ liệu điện tử được lưu trữ trong các thiết bị rất đa dạng về hình thức, chủng loại, gây khó khăn trong phát hiện, dễ dẫn đến bỏ qua không thu giữ…

Một số dữ liệu được lưu trữ online như One Drive, Dropbox,... thông qua các máy chủ đặt ở nước ngoài nên để thu thập dữ liệu phải có sự phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ qua kênh hợp tác quốc tế, nên rất khó khăn do sự khác biệt về quy định pháp luật giữa các quốc gia, rào cản về ngôn ngữ, thường bị các nhà dịch vụ từ chối cung cấp với nhiều lý do. Mặt khác, cần phải có các thiết bị, phần mềm chuyên dụng được cập nhật thường xuyên với giá thành cao thì mới có thể thu thập, giải mã, phân tích, giám định dữ liệu điện tử, điều này cũng gây ra những cản trở nhất định.

Thứ năm, trình độ công nghệ thông tin của những người tiến hành tố tụng, còn hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý tội phạm; việc sử dụng chứng cứ điện tử, chưa thuần thục, còn lúng túng...

Thứ sáu, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản là tội phạm phi truyền thống, xuyên quốc gia; tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ mới ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp lĩnh vực hình sự với khoảng 27 quốc gia . Tuy nhiên nhiều quy định của pháp luật Việt Nam chưa tương thích, phù hợp với luật pháp các nước khác, nên gặp khó khăn trong thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế xử lý tội phạm này.

5. Một số biện pháp phòng ngừa và đấu tranh tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản

Trước những hệ lụy mà tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản nói riêng và tội phạm công nghệ cao nói chung đã gây ra thì có thể dự báo trong tương lại loại tội phạm này còn phát triển mạnh mẽ hơn, tinh vi hơn, gây ra nhiều thiệt hại mang tính quy mô hơn. Vì vậy đòi hỏi cần có các biện pháp phòng ngừa và các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm cụ thể.

5.1. Biện pháp phòng ngừa tội phạm

Thứ nhất, không cung cấp thông tin nhân thân (CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng...), hình ảnh cá nhân cho người lạ hoặc đăng tải lên mạng xã hội.

Thứ hai, không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN, mã OTP (One time password – mật khẩu dùng một lần) của các tài khoản ngân hàng, tín dụng, ứng dụng chứa tiền, tài sản khác.

Thứ ba, không truy cập, đăng nhập vào các trang web, ứng dụng/phần mềm lạ, không rõ nguồn gốc. Cẩn trọng với các số điện thoại lạ, đặc biệt là các đầu số từ nước ngoài. Không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ.

Thứ tư, thường xuyên kiểm tra và câp nhật mật khẩu, các tính năng bảo mật và quyền riêng tư khác trên các ứng dụng, phần mềm và tài khoản ngân hàng.

Thứ năm, kiểm tra, xác thực thông tin thật hay giả về cá nhân, cơ quan, tổ chức; Tỉnh táo, không vội vã thực hiện theo yêu cầu. Đồng thời, trình báo tại cơ quan Công an về những trường hợp tình nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

5-1722401595.jpg

Ảnh minh hoạ

5.2. Biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thứ nhất, hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự liên quan đến tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản thông qua việc nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn tội phạm này hoặc tội phạm khác liên quan.

Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp, hợp tác liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) nhằm ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Thứ ba, tăng cường các công tác đào tạo, tập huấn thường xuyên để nâng cao trình độ công nghệ thông tin, năng lực, kỹ năng tác nghiệp của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong hoạt động điều tra, truy tố và xử lý tội phạm chiếm đoạt tài sản bằng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử khác.

Thứ tư, đầu tư, đổi mới trang thiết bị điện tử, phương tiện làm việc để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Thứ năm, nghiên cứu, xây dựng quy định về thanh tra, kiểm soát chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm minh mạng xã hội, ứng dụng, trang web “độc hại” để đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; trong đó tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử; tầng lớp thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên…

Thứ bảy, tăng cường hợp tác, theo dõi và thúc đẩy vấn đề an ninh mạng ở cấp độ khu vực và cấp độ quốc tế. (i) tăng cường hoạt động và hợp tác đa quốc gia trong việc ngăn ngừa và chống lại tội phạm về an ninh mạng; (ii) hợp tác ứng phó với các sự cố an ninh mạng và ngăn chặn hoạt động gây hại trên không gian mạng mang tính quốc tế; (iii) chia sẻ, xây dựng chính sách chung về quy ước quốc tế về an ninh mạng và các biện pháp xử lý/chế tài trừng phạt đối với các hành vi vi phạm.

Tóm lại, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đang là một mối nguy hại lớn, đe dọa đến an ninh quốc gia, an toàn trật tự xã hội. Đòi hỏi phải có sự đồng lòng, thống nhất đấu tranh phòng, chống tội phạm từ trung ương đến địa phương nhằm xây dựng và bảo vệ môi trường mạng an toàn, trong sạch, tin cậy, giảm thiểu các hệ lụy xã hội.

--------------------------------

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lương Thị Thúy Dung, Kinh nghiệm nhận diện các dấu hiệu đặc trưng của tội chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao, phân biệt với một số tội chiếm đoạt tài sản truyền thống, https://vienkiemsathaiphong.gov.vn/kiem-sat-vien-viet/kinh-nghiem-nhan-dien-cac-dau-hieu-dac-trung-cua-toi-chiem-doat-tai-san-co-su-dung-cong-nghe-cao-21076, truy cập ngày 29/5/2024.

2. TS. Nguyễn Việt Lâm, Hợp tác và đấu tranh về an ninh mạng trong quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách đối với Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/816711/view_content, truy cập ngày 29/5/2024.

3. Nguyễn Văn Nghĩa, Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh mạng quốc gia và bảo vệ an ninh mạng quốc gia thời kỳ mới, https://giaoduclyluanhcma.vn/Default.aspx?portalid=33&tabid=19&distid=3443&name=Quan%20diem%20cua%20Dang%20Cong%20san%20Viet%20Nam%20ve%20an%20ninh%20mang%20quoc%20gia%20va%20bao%20ve%20an%20ninh%20mang%20quoc%20gia%20thoi%20ky%20moi, truy cập ngày 31/5/2024

4. Trần Anh Tuấn, Hoàng Duy Hiệp, Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống các tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số chuyên đề 02, 2022, tr. 55 – 61.

Khổng Vũ Hà

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin