
Ảnh minh họa
Ưu đãi thuế suất dựa trên đầu vào: Chưa công bằng với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ưu đãi thuế, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là chính sách thuế được áp dụng phổ biến trên thế giới. Có nhiều hình thức khác nhau về ưu đãi thuế TNDN và có thể phân loại theo nhiều cách thức khác nhau. Luật Thuế TNDN được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2009 và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần đang áp dụng dựa theo các yếu tố đầu vào (dựa vào chi phí) và đầu ra (dựa vào lợi nhuận).
Luật Thuế TNDN (sửa đổi) gồm 4 Chương, 20 Điều, tập trung vào những cải cách chủ chốt nhằm tăng cường khả năng quản lý thuế, thúc đẩy đầu tư và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó dự Luật sửa đổi đã dành một chương quy định về chính sách ưu đãi thuế TNDN (Chương 3, từ Điều 12 đến Điều 18) và có những quy định mới về thuế suất đối với DN thuộc nhóm doanh nghiệp (DN) có quy mô nhỏ và tiêu chí áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của các loại hình DN này.
Cụ thể, quy định mức thuế suất bình quân là 20%, nhưng riêng đối với DN có tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng/ năm thì được áp dụng mức thuế suất 15%; từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng/ năm thì được áp dụng mức thuế suất 17%. Về ưu đãi thuế, dự thảo bổ sung các lĩnh vực như sản xuất và lắp ráp ô tô, trung tâm R&D, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; loại bỏ ưu đãi với các dự án đầu tư mới có vốn trên 6.000 tỷ đồng… Để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, dự thảo còn bổ sung quy định về việc áp dụng miễn thuế 2 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Như vậy thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm (theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi tại điểm e, khoản 1 Điều 11 Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định thuế suất ưu đãi) vẫn còn được duy trì đối với thu nhập của DN thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất (ngoại trừ sản xuất hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khai thác khoáng sản) có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 05 năm từ ngày được phép đầu tư.
Điều đó có nghĩa, dự Luật sửa đổi vẫn còn duy trì chính sách ưu đãi thuế dựa trên các yếu tố đầu vào theo quy định tại Điều 15 Nghị định 218/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNDN. Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng, cách tiếp cận này, không những không khuyến khích DN nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ, cũng như tạo ra giá trị gia tăng thực sự cho nền kinh tế mà có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn.
Đặc biệt là, cách tính thuế ưu đãi dựa trên các yếu tố đầu vào, sẽ tạo ra sự không bình đẳng giữa các DN, khi mà nhiều công ty có quy mô nhỏ, hoạt động có hiệu quả nhưng lại không được hưởng ưu đãi chỉ vì không đáp ứng các tiêu chí đầu vào. Trong khi đó, một DN lớn nhưng có hiệu quả kinh doanh thấp, đóng góp cho ngân sách không đáng kể nhưng lại được hưởng thuế suất ưu đãi (vì có vốn đầu tư lớn hoặc hoạt động trong một ngành được ưu tiên…).
Mức thuế suất ưu đãi chưa đủ hấp dẫn hộ gia đình, cá nhân.
Trước đây, kể từ năm 2016, khi thuế suất phổ thông hạ xuống còn 20%, thì doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ không còn được ưu đãi thuế.
Vì vậy dự thảo sửa đổi với việc bổ sung 2 mức thuế suất 15% và 17% (áp dụng riêng cho DN có doanh thu dưới 03 tỷ đồng, doanh nghiệp có doanh thu từ 03 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) cho thấy, dự Luật sửa đổi có sự ưu ái đáng kể đối với DNVVN. Có thể nói, quy định này đã góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng hàng hóa, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Mức thuế ưu đãi của dự Luật sửa đổi chưa thực sự hấp dẫn hộ gia đình, cá nhân
Việc điều chỉnh mức thuế suất cũng phù hợp với Luật Hỗ trợ DNVVN (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018) quy định, doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường. Tuy nhiên theo một số chuyên gia thì mức thuế suất như đề xuất của Bộ Tài chính chưa thực sự tạo cú hích hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn ra kinh doanh. Bởi trong số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có khoảng 94% quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó chủ yếu là siêu nhỏ, vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Trong số doanh nghiệp này, chỉ có khoảng 20% hoạt động có lãi, phải nộp thuế TNDN.
Nhìn ra thế giới thì mức thuế ưu đãi của Việt Nam nên có sự đột phá để thực sự hấp dẫn DNVVN. Cụ thể, so với mức thuế phổ thông là 20% thì với mức thuế suất 17%, doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam chỉ được hưởng thấp hơn các DN lớn là 3 điểm phần trăm. Trong khi đó tại Trung Quốc mức thuế suất phổ thông áp dụng chung cho các DN là 25%, thì DN nhỏ được hưởng thuế suất 20%, tức là thấp hơn 5 điểm phần trăm…
Để thuế TNDN thực sự tạo cú hích đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Việc ưu đãi thuế là mong mỏi của cả cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Trên thực tế, trong ngắn hạn khu vực này đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước không lớn như các khoản thu khác, nhưng là khu vực tạo việc làm, nhất là lao động phi chính thức rất lớn; tạo thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động không qua đào tạo, không có bằng cấp, chứng chỉ; góp phần quan trọng trong giải quyết an sinh xã hội. Vì vậy, cần mạnh dạn hỗ trợ, ưu đãi bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó ưu đãi thuế, để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nhanh chóng vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Từ những phân tích nêu ở phần trên cho thấy, việc thiết kế điều kiện ưu đãi thuế và mức thuế suất ưu đãi cần hướng đến mục tiêu kép vừa tạo ra giá trị gia tăng thực sự cho nền kinh tế, vừa thúc đẩy DNVVN lớn mạnh và đủ sự hấp dẫn để hộ gia đình và cá nhân bỏ vốn ra kinh doanh. Đó là:
+ Ưu đãi thuế suất cần gắn với cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động thực tế
Việc ưu đãi thuế dựa trên vốn đầu tư có nguy cơ dẫn đến lạm dụng chính sách. Thực tế cho thấy, một số DN có thể đăng ký đầu tư số vốn lớn để đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế nhưng sau đó không thực hiện đầy đủ các cam kết về hiệu quả kinh doanh, tạo việc làm hoặc đóng góp vào ngân sách nhà nước. Để việc ưu đãi thuế suất nhằm đảm bảo rằng chỉ những DN thực sự tạo ra giá trị cho nền kinh tế mới được hưởng lợi từ chính sách, Luật sư Lê Hoài Sơn cho rằng, Luật Thuế TNDN sửa đổi nên thiết kế theo hướng chuyển từ ưu đãi thuế dựa trên đầu vào sang ưu đãi dựa trên kết quả đầu ra.
Có nghĩa, ưu đãi thuế cần được gắn với những tiêu chí đo lường cụ thể về hiệu quả hoạt động, thay vì còn dựa vào các yếu tố đầu vào. Nói cách khác, chính sách ưu đãi thuế suất cần nói không với những DN không chú trọng kiến tạo việc làm hoặc tạo ra việc làm có mức lương thấp, không mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế…
Tuy nhiên nếu thực hiện ưu đãi thuế dựa trên kết quả đầu ra mà không đi kèm với những cam kết cụ thể về hiệu quả đầu ra, cũng có thể trở thành một công cụ để doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí thuế, thay vì là động lực thực sự để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Như vậy, giải pháp để chính sách ưu đãi thuế được thiết kế gắn với hiệu quả đầu ra là cần phải có cơ chế giám sát và điều kiện ràng buộc.

Luật Thuế TNDN sửa đổi nên thiết kế ưu đãi thuế dựa trên kết quả đầu ra
Chẳng hạn, gắn với cam kết về giải quyết việc làm; gắn với tỉ lệ nội địa hóa hoặc giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng, giúp khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều nguyên vật liệu, linh kiện sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ và tăng cường năng lực sản xuất trong nước. Hoặc là gắn với cam kết về mức độ giảm phát thải carbon và cam kết phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải mà còn khuyến khích doanh nghiệp hướng tới phát triển lâu dài thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn…
Theo đó, nếu doanh nghiệp đạt được cam kết về số lượng việc làm, tỉ lệ nội địa hóa hoặc đầu tư vào R&D, họ sẽ được hưởng ưu đãi thuế tương ứng. Ngược lại, nếu không đạt các cam kết, ưu đãi thuế sẽ bị cắt giảm hoặc thu hồi. Đây là cách tiếp cận mà nhiều quốc gia như Singapore, Canada và Đức đã áp dụng thành công để đảm bảo rằng ưu đãi thuế không bị lạm dụng và thực sự mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
+ Điều chỉnh mức thuế suất đủ sức hấp dẫn và căn cứ vào thu nhập chịu thuế
Một trong những mục tiêu của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thành lập doanh nghiệp, nhưng gần 7 năm thực thi, đến nay, có thể nói, mục tiêu này không thực tế. Lý do khiến hàng vạn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu rất lớn, thậm chí còn hơn cả doanh nghiệp có quy mô vừa, vẫn không muốn thành lập doanh nghiệp là kinh doanh theo hộ được nộp thuế khoán tính trên doanh thu hấp dẫn hơn.
Cụ thể, hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa nộp thuế tương đương 1,5% doanh thu; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu nộp 7%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu nộp 4,5%; hoạt động dịch vụ khác nộp 3%.
Luật sư Lê Hoài Sơn cho rằng, nếu đưa ra mức thuế suất ưu đãi thực sự hấp dẫn, sẽ có hàng loạt hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thành lập doanh nghiệp vì mức thuế ưu đãi thấp hơn thuế khoán. Theo Luật sư, doanh thu cao không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có lợi nhuận lớn. Hay nói cách khác, doanh thu không phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, trong bối cảnh “trăm người mua vạn người bán”, để bán được hàng, cung cấp được dịch vụ, DN phải giảm giá, ưu đãi, hậu mãi, khuyến mại... cho khách hàng.
Vì vậy, theo Luật sư Sơn, bên cạnh việc điều chỉnh mức thế suất ưu đãi đảm bảo không thấp hơn 5 điểm phần trăm đủ sức hấp dẫn; để khuyến khích DNVVN, hộ gia đình và cá nhân bung vốn ra đầu tư kinh doanh, thay vì áp dụng thuế dựa vào doanh thu, dự Luật sửa đổi nên chăng cần có điều khoản áp thuế căn cứ vào thu nhập thực tế (doanh thu trừ chi phí hợp lý, hợp lệ). Được biết cách áp thuế ưu đãi dựa vào thu nhập chịu thuế đang được nhiều quốc gia vận dụng, đồng thời có thể áp một mức thuế suất hoặc áp thuế lũy tiến.
------------------------------------
Tư liệu tham khảo :
https://easyinvoice.vn/chinh-sach-uu-dai-thue-cho-doanh-nghiep-fdi/
file:///C:/Users/Dell/Desktop/%E1%BA%A2nh/104747-Article%20Text-215041-1-10-20241114.pdf
https://baodautu.vn/muc-uu-dai-thue-cho-doanh-nghiep-nho-sieu-nho-chua-hap-dan-d228428.html