Năm 2012, hãng dược nổi tiếng của Anh GlaxoSmithKline đã phải thừa nhận các cáo buộc hình sự và chấp nhận trả khoản tiền phạt 3 tỉ USD để dàn xếp vụ kiện về gian lận y tế lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ, cũng là khoản tiền lớn nhất mà một công ty dược phải trả vì những hành vi kinh doanh không lành mạnh của mình.
Việc dàn xếp này liên quan đến việc công ty đã quảng cáo bất hợp pháp các loại thuốc kê đơn, che giấu dữ liệu liên quan đến mức độ an toàn của các sản phẩm thuốc của công ty và quảng cáo cả những công dụng chưa được cấp phép của thuốc.
Đặt lợi nhuận lên trên bệnh nhân
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Chính phủ Mỹ cáo buộc GlaxoSmithKline (GSK) đã quảng cáo các loại thuốc có chức năng điều trị một số loại bệnh mà không được cấp phép khiến người tiêu dùng hiểu lầm.
Cụ thể, Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng, từ tháng 4/1998 đến tháng 8/2003, GSK đã quảng bá một cách bất hợp pháp thuốc chống trầm cảm Paxil cho bệnh nhân dưới 18 tuổi dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ cấp phép cho hãng bán thuốc này cho người trưởng thành.
Theo giới chức Mỹ, GSK đã có nhiều động thái khác nhau để quảng bá loại thuốc trên cho trẻ em, trong đó có việc tham gia chuẩn bị, xuất bản và phân phối một bài báo trên tạp chí y khoa gây hiểu lầm rằng một thử nghiệm lâm sàng về Paxil đã chứng minh hiệu quả trong điều trị trầm cảm ở bệnh nhân dưới 18 tuổi trong khi trên thực tế nghiên cứu không chứng minh được hiệu quả.
Đồng thời, GSK cũng bị cáo buộc không cung cấp dữ liệu từ 2 nghiên cứu khác, trong đó Paxil cũng không chứng minh được hiệu quả trong điều trị trầm cảm ở bệnh nhân dưới 18. Nhà chức trách Mỹ cáo buộc thêm rằng hãng này đã tài trợ các bữa ăn, spa và cùng nhiều hoạt động khác cho các bác sỹ, diễn giả… để thúc đẩy việc sử dụng Paxil ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong khi đó, một số nghiên cứu đã cảnh báo về hiện tượng một số trẻ em và thanh niên đã có xu hướng muốn tự sát sau khi dùng Paxil.
Với loại thuốc này, GSK đồng ý thừa nhận việc ghi thông tin trên bao bì của hãng đối với thuốc Paxil là sai và hãng đã gây hiểu nhầm về việc sử dụng Paxil cho bệnh nhân dưới 18 tuổi. Từ năm 2004, tương tự các thuốc chống trầm cảm khác, Paxil được gắn cảnh báo trên bao bì rằng các nghiên cứu ngắn hạn cho thấy thuốc này có thể làm tăng nguy cơ suy nghĩ và có hành động tự tử ở bệnh nhân dưới 18 tuổi.
Cùng với đó, giới chức Mỹ cũng cáo buộc GSK từ tháng 1/1999 đến tháng 12/2003 đã quảng bá Wellbutrin – loại thuốc mà ở thời điểm đó chỉ dùng để điều trị chứng rối loạn trầm cảm nặng - là thuốc giúp giảm cân, điều trị rối loạn chức năng tình dục, nghiện chất gây nghiện và rối loạn tăng động giảm chú ý.
Theo cáo buộc, GSK đã trả hàng triệu USD cho các bác sĩ để tham dự các cuộc họp và các buổi diễn thuyết, đôi khi là tại các khu nghỉ dưỡng xa hoa, để họ nói về những công năng không hề được công nhận của thuốc Wellbutrin cùng nhiều hình thức quảng bá khác.
GSK cũng nhận tội không báo cáo cho Chính phủ Mỹ những vấn đề liên quan đến thuốc tiểu đường Avandia. Loại thuốc này đã bị hạn chế sử dụng ở Mỹ và bị cấm lưu hành ở châu Âu sau khi bị phát hiện làm gia tăng đáng kể nguy cơ đau tim và đột quỵ vào năm 2007.
Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài từ cuối những năm 1990 đến năm 2007, GSK đã không báo cáo cho giới chức Mỹ về những vấn đề liên quan đến sự an toàn của loại thuốc này. Kể từ năm 2007, FDA đã bổ sung 2 cảnh báo trên bao bì thuốc Avandia để cảnh báo các bác sĩ về nguy cơ tăng suy tim xung huyết và nhồi máu cơ tim (tức đau tim).
Theo các công tố viên, GSK còn bị cáo buộc đã bán thuốc với giá quá cao cho chương trình Medicaid…
Theo giới chức Mỹ, trong số tiền 3 tỉ USD mà GSK đồng ý chi trả để dàn xếp những cáo buộc sai phạm của công ty này có 1 tỉ USD tiền phạt hình sự và 2 tỉ USD chi phí trách nhiệm dân sự. Ngoài ra, hãng này còn phải chịu sự giám sát của Chính phủ Mỹ trong 5 năm nhằm bảo đảm rằng công ty này tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về tiếp thị và những quy định khác.
Vụ kiện nhằm vào GSK được tiến hành sau khi 2 nhân viên bán hàng của công ty là Greg Thorpe và Blair Hamrick đứng ra tố cáo công ty vào năm 2003. Truyền thông Mỹ cho biết, việc tố cáo diễn ra sau khi Thorpe và Hamrick đã báo cáo cấp trên về những hành vi tiếp thị sản phẩm trái phép của công ty.
GSK sau đó đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ và xác nhận những tố cáo này là đúng sự thật. Tuy nhiên, ban lãnh đạo GSK đã không những không làm gì để ngăn chặn những hành vi sai trái nói trên mà còn buộc Thorpe nghỉ việc và sa thải Hamrick với cáo buộc không hợp tác với cuộc điều tra nội bộ của công ty.
Trong phát biểu về việc dàn xếp với số tiền kỷ lục, Thứ trưởng Bộ tư pháp Mỹ lúc bấy giờ là ông James Cole cho rằng thỏa thuận dàn xếp các cáo buộc chống lại GSK là “chưa từng có tiền lệ cả về quy mô và mức độ”. Ông Cole cũng cho rằng đây là động thái “lịch sử” và là một lời cảnh báo rõ ràng với bất cứ công ty nào chọn vi phạm luật pháp trong kinh doanh.
Ông John Walsh – chưởng lý bang Colorado – cũng cho rằng, các bệnh nhân chỉ có thể dựa vào kê đơn của các bác sỹ để biết được loại thuốc mà họ cần khi có vấn đề về sức khỏe. Trong khi đó, có những công ty trong ngành công nghiệp dược phẩm vì lợi nhuận có thể làm sai lệch những thông tin cung cấp cho các bác sĩ liên quan đến các sản phẩm thuốc do họ cung cấp.
Do vậy, khoản tiền phạt với GSK sẽ là lời cảnh báo mạnh mẽ, giúp đảm bảo rằng bác sĩ sẽ đưa ra quyết định kê đơn dựa trên những thông tin đúng đắn, khoa học tốt chứ không phải những thông tin đã bị tiền bạc hoặc ưu đãi mà ngành công nghiệp dược phẩm cung cấp làm sai lệch.
Chi phí kinh doanh hợp lý?
GSK là một trong những công ty chuyên về chăm sóc sức khỏe toàn cầu có trụ sở tại London, Anh. Công ty này xếp thứ 194 trong danh sách 2.000 công ty lớn nhất thế giới theo thống kê của Forbes. Năm 2017, tổng doanh thu hàng năm của công ty đạt 30,2 tỉ bảng Anh (tương đương khoảng 40,4 tỉ USD).
Các dữ liệu thu thập được cho thấy, công ty có gần 100.000 nhân viên ở 150 quốc gia trên thế giới. Dù có nhiều sản phẩm nổi tiếng, được người tiêu dùng quen mặt nhưng GSK cũng đối mặt không ít những cáo buộc về hành vi kinh doanh phi đạo đức hoặc có các sản phẩm không an toàn.
Trong vụ dàn xếp ở Mỹ, các nhà phê bình cho rằng, dù số tiền lớn, 3 tỉ USD là số tiền phạt lịch sử nhưng đây thực chất chỉ bằng 1 phần của những gì GSK thu được từ việc bán các loại thuốc có liên quan.
Ví dụ, theo IMS Health - một trang web thu thập dữ liệu liên quan đến các nhà sản xuất thuốc, công ty này đã thu về tới 10,6 tỉ USD từ việc bán thuốc Avandia. Với sản phẩm Paxil, số tiền thu được là 11,6 tỉ USD còn doanh thu của thuốc Wellbutrin cũng lên đến 5,9 tỉ USD. Vì vậy, một khoản thanh toán trị giá 3 tỉ USD cho những vi phạm liên quan đến các loại thuốc nổi bật của hãng này trong vòng 10 năm có thể được xem như khoản chi phí kinh doanh hợp lý.
Ông Andrew Witty - Giám đốc điều hành GSK – sau đó đã lên tiếng bày tỏ sự hối tiếc về những sai lầm này mà công ty đã mắc phải đồng thời khẳng định những sai phạm này chỉ xảy ra trong hoạt động của công ty thời kỳ trước đó và sẽ không lặp lại.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi đạt thỏa thuận nói trên, GSK khẳng định đã thay đổi nhiều chính sách kinh doanh, trong đó có việc không thưởng cho đại lý bán hàng vì doanh số bán thuốc kê đơn.
Song, các nhà phê bình cho rằng những khoản tiền phạt lớn cũng không đủ để ngăn cản các công ty dược có những hành vi trái pháp luật. Những ý kiến này cho rằng phải buộc các giám đốc điều hành của những công ty dược có hành vi sai phạm chịu trách nhiệm cá nhân thì những thực tiễn kinh doanh không đúng chuẩn mực mới có thể chấm dứt.
Thêm những lùm xùm ở khắp nơi
Trên thực tế, 2 năm sau vụ bê bối nói trên, năm 2014, GSK tiếp tục bị một tòa án tại Trung Quốc phạt tới 489 triệu USD vì cáo buộc đã hối lộ các bác sĩ và quan chức tại các bệnh viện ở địa phương thông qua một mạng lưới các công ty du lịch nhằm khuyến khích các bác sỹ, các cơ sở y tế sử dụng những loại thuốc do tập đoàn này sản xuất.
Đây cũng là mức phạt lớn nhất mà một tòa án tại Trung Quốc đưa ra với một thực thể vì sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Cựu Giám đốc điều hành chi nhánh GSK tại Trung Quốc Mark Reilly và 4 nhân viên của công ty đã bị tòa án tuyên phạt 4 năm tù nhưng được hưởng án treo. Ông Reilly sau đó đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc. Có điều, mức phạt 489 triệu USD này cũng chỉ tương đương một phần lợi nhuận của công ty trong năm 2013.
GSK lên tiếng khẳng định các sai phạm của chi nhánh tại Trung Quốc là “sự vi phạm trắng trợn” các quy định của hãng đồng lời lên tiếng xin lỗi các bệnh nhân, bác sĩ, bệnh viện và người dân Trung Quốc. 1 năm sau khi chấp nhận nộp khoản phạt nói trên, GSK cho biết đã hoàn tất cuộc điều tra nội bộ và sa thải khoảng 110 trong tổng số 7.000 nhân viên tại chi nhánh ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau vụ việc này, GSK còn tiếp tục bị tố đã chi rất nhiều tiền để hối lộ cho các bác sỹ tại Iraq, Ba Lan, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Lebanon, Iraq, Syria và Jordan, Romania. Trong đó, tại Romania, công ty này bị tố đã chi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn euro cho các bác sỹ họ kê đơn thuốc như các thuốc điều trị tuyến tiền liệt Avodart và Duodart, thuốc điều trị Parkinson Requip. Việc này được cho là xảy ra từ năm 2009 đến 2012.
Theo một cựu nhân viên kinh doanh của GSK tên Jarek Wisniewski, công ty này thường đưa tiền cho những người làm trong ngành y để họ khuyến khích bệnh nhân dùng thuốc của hãng. “Công thức rất đơn giản: chúng tôi trả tiền cho bác sĩ, họ kê thuốc của GSK vào đơn. Nếu không trả, thuốc sẽ không được nhắc tới”, người này nói.
Hình thức thanh toán thường là bằng các chuyến đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài hay các khoản thanh toán dưới danh nghĩa tiền trả cho các thành viên hội đồng tư vấn… Jarek thừa nhận đây là hành vi hối lộ bởi các bác sĩ vẫn ngầm hiểu họ phải viết một lượng đơn thuốc nhất định để đền đáp doanh nghiệp dù trên giấy giờ những khoản tiền hay các dịch vụ mà họ nhận được được đưa ra với nhiều danh nghĩa khác nhau.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2010, chi tiêu của người dân Mỹ cho các loại thuốc kê đơn đã tăng từ 40 tỉ USD lên thành 233 tỉ USD trong năm 2008. Ở thời kỳ mà chi phí của người dân cho thuốc men tăng cao như vậy, nhiều công ty đã bất chấp tất cả, đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe của bệnh nhân và có các hoạt động bất hợp pháp nhằm đẩy nhanh doanh số.
Theo nghiên cứu này, trong số 165 vụ dàn xếp với tổng số tiền phạt là 19,8 tỉ USD được giới chức Mỹ đưa ra từ năm 1990 đến năm 2010, 4 công ty dược lớn là GlaxoSmithKline, Pfizer, Eli Lilly và Schering-Plough chịu phạt tới hơn một nửa (10,5 tỉ USD tiền phạt). Vẫn theo nghiên cứu này, ngành công nghiệp dược phẩm là ngành có nhiều sai phạm liên quan đến việc quảng bá, ghi nhãn mác nhất.
Theo một cuộc khảo sát trên Tạp chí Y học Nội tổng quát, trên thực tế, mối quan hệ tài chính giữa ngành công nghiệp dược phẩm và các bác sĩ đã giảm trong 15 năm qua nhưng phần lớn các bác sĩ vẫn báo cáo tình trạng này vẫn xảy ra trong năm 2017. Với GSK, bẵng đi vài năm, đến năm ngoái, một số dư luận cho rằng việc trả tiền cho các bác sỹ để họ kê đơn thuốc của công ty này đang lại có xu hướng quay lại.
GlaxoSmithKline plc (GSK) là công ty dược phẩm của Anh Quốc, có trụ sở tại Brentford, London. Thành lập vào năm 2000 qua sự sáp nhập giữa Glaxo Wellcome và SmithKline Beecham. Theo Wikipedia, GSK là doanh nghiệp phân phối các sản phẩm y dược lớn thứ sáu trên thế giới vào năm 2015, sau Pfizer, Novartis, Merck, Hoffmann-La Roche và Sanofi.
GSK đã có mặt tại Việt Nam từ 1995 (từ 2 công ty tiền thân là Glaxo Wellcome và SmithKline Beecham), là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Dược phẩm, Vắc Xin và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhóm kháng sinh, hô hấp, vắc xin và các sản phẩm chăm sóc răng miệng và chăm sóc da.
Vừa qua, văn phòng đại diện GSK phối hợp cùng 9 Hiệp hội y khoa tổ chức Diễn đàn Y tế đa chiều tại TPHCM, Hà Nội. Sự kiện đánh dấu kỷ niệm 25 năm GSK đồng hành cùng ngành Y tế Việt Nam, hành trình mang đến giải pháp từ phòng ngừa đến điều trị trong lĩnh vực dược phẩm, vắcxin.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Neil James - Phó tổng lãnh sự Anh tại TP HCM cho rằng: "Không chỉ cung cấp thông tin khoa học, các chương trình hỗ trợ cộng đồng, góp phần giảm thiểu đề kháng kháng sinh tại Việt Nam, GSK còn mong ước xây dựng một nền y tế bền vững, có tính đáp ứng cao để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiện nay".
Với mục tiêu liên tục đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam, ông Dan Millard, trưởng VPĐD GSK Pte tại Việt Nam cho biết, công ty đặt sức khỏe của bệnh nhân là trọng tâm để nghiên cứu, phát triển thuốc và vắcxin.
Cùng với đối tác chiến lược, GSK nỗ lực tìm kiếm giải pháp giải quyết các thách thức y tế như giảm thiểu đề kháng kháng sinh, mở rộng độ phủ chủng ngừa, quản lý các bệnh lý về hô hấp, giúp người dân tiếp cận y học hiện đại.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/ong-trum-duoc-pham-bi-phat-3-ti-usd-466900.html