Cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả hơn đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ
Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng ở nước ta tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, toàn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phát hiện 456 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ khởi tố 1.150 bị can
Đáng chú ý, trong đó có nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ Nhà nước với các công ty, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đất đai, chứng khoán, trái phiếu, y tế, giáo dục và đăng kiểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình như: vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; Hay như mới đây nhất là vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai…
Nghiên cứu từ 4 vụ án gần đây
Nghiên cứu 4 trong số các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây, chúng ta sẽ thấy rõ những thủ đoạn phạm tội tinh vi, thậm chí trắng trợn, bất chấp pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức tha hoá biến chất.
1. Trong vụ án đưa nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan
Thủ đoạn phạm tội chính của các đối tượng cán bộ, công chức trong đại án này là lợi dụng chức vụ quyền hạn gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; tạo ra cơ chế "xin - cho" buộc doanh nghiệp và người dân phải chi tiền theo “luật bất thành văn”, thậm chí cán bộ công chức thoái hóa biến chất công khai đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải “bôi trơn”, đưa tiền hối lộ…
Kết quả điều tra vụ án cho thấy, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, trước nhu cầu hồi hương của đồng bào, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp và trong nước đang kiểm soát tốt dịch, song song với những “chuyến bay giải cứu,” cơ quan chức năng và DN được tiếp tục cho phép tổ chức các "chuyến bay combo.” Các "chuyến bay combo” được các doanh nghiệp tổ chức thực hiện cho những công dân có nhu cầu tự nguyện trả chi phí trọn gói về nước.
Lợi dụng chủ trương này, nhiều cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế “xin - cho” buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ...
Kết quả điều tra xác định bị can Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, nhận hối lộ 4,2 tỉ đồng; Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, nhận 3,6 tỉ đồng.
Phiên toà xét xử vụ án đưa nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan
Trong khi đó, tại các bộ ngành, địa phương khác khác như Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông - Vận tải, Hà Nội, Quảng Nam... là các đầu mối xin duyệt cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp nhưng một số cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn không chỉ nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp để chấp thuận cấp phép chuyến bay, phê duyệt chủ trương cách ly công dân về nước... mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp chưa chi tiền hối lộ khi triển khai các chuyến bay.
Khai tại phiên tòa, nhiều bị cáo là các chủ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp bị ép phải đưa tiền bôi trơn khi xin cấp phép chuyến bay, nếu không sẽ bị gây khó dễ như sát ngày bay mới thông báo, hoặc thay đổi kế hoạch bay, thay đổi số công dân trên chuyến bay. Thậm chí, một số doanh nghiệp nộp hồ sơ cấp phép hàng chục lần đều không được duyệt hoặc không hồi âm, chỉ khi doanh nghiệp phải chi tiền bôi trơn thì các thủ tục mới được giải quyết.
Tại Bộ ngoại giao, Cơ quan điều tra xác định, cựu Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và một số bị cáo tại Cục Lãnh sự đã "tạo thành nhóm lợi ích" và đưa ra nhiều yêu cầu, gây khó khăn nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Nhóm bà Lan buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết thủ tục, với doanh nghiệp "chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ sẽ gây khó dễ dưới nhiều hình thức".
Kiểu "khó dễ" phổ biến mà các đối tượng tạo ra với doanh nghiệp là không sắp xếp tổ chức bay theo lộ trình đã được duyệt mà chỉ cho bay duy nhất chuyến đầu, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản của Cục Lãnh sự; tự ý ra văn bản yêu cầu dừng triển khai chuyến bay trong khi doanh nghiệp đã bán hết vé máy bay cho khách và thuê tàu bay để đưa công dân về Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế là cơ quan được giao nhiệm vụ tham gia kiểm soát dịch bệnh và Cục Quản lý xuất - nhập cảnh, Bộ Công an là cơ quan giải quyết thủ tục cho công dân Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về nước, tuy nhiên một số cán bộ cũng lợi dụng vai trò, chức năng, nhiệm vụ được phân công, cố ý tạo khó khăn, nhũng nhiễu để đòi hỏi. Đáng chú ý, một số đối tượng còn thẳng thừng ra giá, ép buộc các doanh nghiệp phải chi tiền mới chấp thuận giải quyết chuyến bay. Điển hình, bị cáo Phạm Trung Kiên (thư ký của cựu Thứ trưởng) yêu cầu doanh nghiệp chi 50-200 triệu đồng một chuyến bay combo hoặc 500.000 đến 2 triệu đồng một hành khách. Với khách lẻ xin về nước, thư ký Kiên ra giá 7-15 triệu đồng một người, tùy từng thời điểm.
Tại Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an Cục phó Xuất nhập cảnh Trần Văn Dự được phân công duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về kế hoạch tổ chức chuyến bay combo. Hai người giúp việc cho ông Dự trong việc này là Vũ Anh Tuấn (Phó Phòng Tham mưu) và Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Phòng Tham mưu). Cơ quan điều tra phát hiện ba người đã tạo thành "một nhóm lợi ích", trong đó ông Tuấn được giao liên hệ với doanh nghiệp, yêu cầu chi 50-200 triệu đồng trên một chuyến bay hoặc 500.000-1.500.000 đồng một hành khách, tùy thời điểm. Doanh nghiệp nào không chấp nhận "chung chi", ông Tuấn sẽ gây khó dễ bằng cách không cho tổ chức chuyến bay hoặc trả lời vào sát ngày, cơ quan điều tra chỉ ra và cho rằng đây là hành vi nhũng nhiễu, ép doanh nghiệp chi tiền hối lộ.
Tại các địa phương như Hà Nội, Quảng Nam..., một số lãnh đạo có thẩm quyền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền “ bôi trơn” từ các doanh nghiệp khi phê duyệt chủ trương cách ly công dân về nước...
2. Trong vụ đại án Việt Á
Đây được cho là một vụ án hình sự điển hình, đặc biệt nghiêm trọng của tội phạm tham nhũng, chức vụ. Các bị can trong vụ đại án này bị khởi tố điều tra về các tội: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Tính đến nay, đã có 30 vụ án liên quan với 107 bị can tại 25 địa phương, đơn vị, trong đó có 3 ủy viên T.Ư Đảng vướng lao lý, gồm: cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Mặc dù vụ án đang trong quá trình điều tra, tuy nhiên theo dõi tiến trình tố tụng vụ án có thể thấy rõ sự cấu kết tinh vi giữa những tổ chức, cá nhân làm ăn bất minh ở khu vực tư đối với những cán bộ thoái hóa ở khu vực công. Đồng thời thấy rõ được những chiêu thức thủ đoạn tinh vi của các đối tượng quan chức, cán bộ.
Trong đó hàng loạt quan chức lãnh đạo từ bộ trưởng đến cán bộ quản lý chuyên môn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á từ quá trình nghiên cứu đến quá trình cấp đăng ký lưu hành và hiệp thương giá bộ kit xét nghiệm… Điển hình như, Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm Covid-19. Hay như Cựu Phó Phòng Quản lý giá (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) Nguyễn Huỳnh đã lợi dụng vai trò giới thiệu, can thiệp và tác động đến ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế, trình, ký đề xuất Bộ Y tế ban hành Quyết định cấp Số đăng ký lưu hành Kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á trái quy định của pháp luật…
Thậm chí nhiều lãnh đạo, cán bộ CDC, Sở Y tế một số tỉnh thành còn lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao, lợi dụng kẽ hở pháp luật, thông đồng, cấu kết với doanh nghiệp đưa bộ kit xét nghiệm của công ty Việt Á vào các cơ sở y tế 62 tỉnh thành để nhận hối lộ, “hoa hồng”, “lại quả” của doanh nghiệp.
Thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng chính là lợi dụng tình hình dịch bệnh cấp bách, nguy hiểm cần gấp phương tiện vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch đề tự đề ra chủ chương mượn trước thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế của doanh nghiệp, nhà cung cấp để sử dụng sau đó thông đồng cấu kết hợp thực hoá hồ sơ chỉ định thầu rút gọn đối với các doanh nghiệp này để hoàn tất thủ tục đấu thầu thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Đáng nói, các đối tượng còn sử dụng phương thức chia nhỏ gói thầu để đáp ứng điều kiện chỉ định thầu đối với một số gói thầu có giá trị lớn hoặc áp dụng triệt để tiêu chí chỉ có một nhà thầu đăng ký thực hiện, chỉ có một nhà thầu có khả năng thực hiện gói thầu theo quy định pháp luật để lách qua “cửa hẹp” chỉ định thầu…
Những chiêu thức, thủ đoạn này có thể thấy rõ trong các vụ đấu thầu bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á tại nhiều CDC địa phương như: Hải Dương, Cần Thơ, Đắk Lắk… Đồng thời, trong tổng số trên 100 bị can bị khởi tố có đến gần 70 bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý CDC, Sở Y tế nhiều tỉnh thành như: Phạm Duy Tuyến - cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Lâm Văn Tuấn - cựu Giám đốc CDC Bắc Giang; Nguyễn Văn Định - cựu Giám đốc CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh - cựu Giám đốc CDC Bình Dương; Hoàng Văn Đức - cựu Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế cùng hàng loạt lãnh đạo CDC Nam Định; Hậu Giang, Hà Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh; Đắk Lắk;…. bị khởi tố về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ là minh chứng cho điều này.
3. Trong vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm.
Với hơn 500 bị can khởi tố trong hơn 60 vụ án tại 32 địa phương, có thể thấy đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, có hệ thống xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo phòng đăng kiểm đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm. Đáng chú ý, trong số các bị can bị khởi tố có 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354, Bộ luật hình sự.
Thủ đoạn chính của các đối tượng trong đại án này chính là nhận hối lộ để bỏ qua những sai phạm. Trong đó ở Cục Đăng kiểm và phòng đăng kiểm nhận hối lộ số tiền hàng trăm triệu đồng để ký duyệt mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, dù biết rõ các Trung tâm đăng kiểm này chưa đủ điều kiện theo quy định.
Đáng chú ý, theo cơ quan điều tra, các lãnh đạo Cục Đăng kiểm và phòng đăng kiểm còn định kỳ hàng tháng, hàng quý nhận hối lộ của các Trung tâm đăng kiểm ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước để bỏ qua lỗi vi phạm trong kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất…
Tại các trung tâm đăng kiểm, các lãnh đạo chỉ đạo nhân viên, đăng kiểm viên tại các trung tâm nhận tiền của các chủ xe, từ đó bỏ qua các lỗi vi phạm bằng các thủ đoạn như làm ngơ các lỗi vi phạm khi kiểm tra thủ công; cho thuê phụ tùng đảm bảo tiêu chuẩn để thay tạm khi kiểm định xe; dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải… Hình thành “luật ngầm”, các chủ phương tiện đưa xe đi đăng kiểm đều cố tình “bỏ quên” tiền ở vị trí cố định trên xe cho các nhân viên, đăng kiểm viên nhận lấy.
4. Trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai liên quan đến vụ khai thác “chui” hàng triệu tấn quặng apatit.
Trong vụ án này, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng chính là lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, ký các văn bản trái pháp luật , giúp sức cho doanh nghiệp tận thu khoáng sản. Kết quả điều tra bước đầu cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Văn Vịnh (bên phải) cựu Bí thư Tỉnh uỷ và ông Doãn Văn Hưởng cựu Chủ tịch UBND tỉnh là đồng phạm, giúp sức doanh nghiệp khai thác quặng trái phép.
Cụ thể, kết luận điều tra cho thấy, năm 2009, Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng tại thôn 2 (xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai) trên phần diện tích đất rộng 3,77 ha.
Quá trình san gạt, cơ quan chức năng xác định một phần diện tích của dự án trùng với khai trường số 18 thuộc quy hoạch quặng apatit. Vì vậy, UBND tỉnh Lào Cai quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty Lilama, giao diện tích đất 3,77 ha cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý, sử dụng vào dự án nhà hàng, khách sạn.
Năm 2012, UBND tỉnh Lào Cai ban hành văn bản yêu cầu Công ty Apatit Việt Nam bàn giao lại khu đất cho Công ty Lilama để lập dự án, quá trình thực hiện nếu còn khoáng sản thì Công ty Lilama được tận thu. Đến tháng 5.2013, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục có văn bản thể hiện "nếu kết quả phân tích có phát hiện quặng (kể cả quặng nghèo), giao cho Công ty Lilama thu gom, thỏa thuận, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam để tập kết, quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật".
Ông Nguyễn Văn Vịnh (bên phải) cựu Bí thư Tỉnh uỷ và ông Doãn Văn Hưởng cựu Chủ tịch UBND tỉnh bị xác định là đồng phạm, giúp sức doanh nghiệp khai thác quặng trái phép
Lợi dụng điều này, ông Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama đã chỉ đạo nhân viên thuê các đơn vị khác đưa máy móc vào khu đất để khai thác quặng trái phép. Số quặng này sau đó được bán lại cho Công ty Apatit Việt Nam và một số công ty hóa chất.
Với phương thức như trên, trong 2 năm, số quặng apatit mà Công ty Lilama khai thác thuê cho Công ty Apatit Việt Nam và trực tiếp khai thác lên tới hơn 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 610 tỉ đồng. Công ty Lilama thu về hơn 484 tỉ đồng, Công ty Apatit Việt Nam cũng hưởng lợi hơn 184 tỉ đồng.
Điều đáng nói là, để khai thác “chui” hàng triệu tấn quặng, các doanh nghiệp này đã được sự giúp sức của hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai như: Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Dương, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hưng, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh…
Thời điểm đó, bản thân các bị can này biết việc cho phép Công ty Lilama thu gom quặng apatit trong quá trình thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng là sai nhưng vẫn ký giấy chứng nhận đầu tư cùng nhiều văn bản và tài liệu khác có liên quan không đúng thẩm quyền, trái quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi các sở, ngành tham mưu, soạn thảo, trình các văn bản không đúng quy định pháp luật, các bị can này không ngăn chặn, không chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản đã dẫn tới Công ty Lilama và Công ty Apatit Việt Nam khai thác và tiêu thụ trái phép số lượng quặng apatit cực lớn.
Kiến nghị
Công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều vụ án lớn đã bị phát hiện, xử lý nghiêm các quan chức về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tham ô và nhận hối lộ… Tuy nhiên, sẽ là chưa thể toàn diện nếu như công tác phòng ngừa và ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ xảy ra loại tội phạm này không được thực hiện hiệu quả.
Qua nghiên cứu, phân tích một số đại án tham nhũng chức vụ nêu trên, chúng tôi nhận thấy, ở mỗi vụ án khác nhau hành vi sai phạm có thể được biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại, chiêu thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội đều chủ yếu xoay quanh những thủ đoạn chính: lợi dụng chức vụ quyền hạn gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; tạo ra cơ chế "xin - cho"; thậm chí trắng trợn đòi hối lộ, bất chấp pháp luật; lợi dụng kẽ hở pháp luật, thông đồng, cấu kết những tổ chức, cá nhân làm ăn bất minh ở khu vực tư để trục lợi…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa đối với loại tội phạm chức vụ thời gian tới, chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần tập trung các giải pháp sau:
1. Cần sớm xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế về kiểm soát quyền lực. Mọi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn đều phải được kiểm soát chặt chẽ từ bên trong và kiểm soát từ bên ngoài bằng các cơ chế và quy định rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt, trong công tác cán bộ phải đánh giá đúng khả năng công tác , phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác, ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm với quyền hạn…
2. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ cơ chế "xin -cho" trong quản lý kinh tế - xã hội, hoàn thiện các quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu các dự án, đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản công theo hướng minh bạch, công khai, chặt chẽ và đồng bộ, bảo đảm môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và công bằng, lường trước và “bịt kín” tất cả các “lỗ hổng”, khắc phục những hạn chế, phòng ngừa "tham nhũng vặt", “sách nhiễu”, “vòi vĩnh” trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
3. Xử lý nghiêm mọi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, như: quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu, mua bán tài sản công….
4. Đặc biệt, cần điều tra làm rõ có hay không hành vi nhận hối lộ trong các vụ án lợi dụng chức vụ hoặc thiếu trách nhiệm.... Nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội phải quyết liệt, kiên trì điều tra, chứng minh tội phạm và xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tránh bỏ lọt tội phạm.
5. Song song với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh. Trong đó, hoàn thiện các quy định về kê khai tài sản cán bộ công chức, tăng cường cơ chế giám sát của xã hội; bổ sung quy định về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc hoặc không giải trình hợp lý; sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng: xử lý, thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhận quà biếu; tăng nặng các chế tài pháp lý, từ xử lý kỷ luật, xử lý hành chính cho đến xử lý hình sự, bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn nữa đối với các hành vi vi phạm…