Những dấu hiệu pháp lý hình sự của tội phạm liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai

( Pháp lý). Việc nghiên cứu, phân tích, làm sáng tỏ các dấu hiệu cấu thành của các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai sẽ giúp cho quá trình đánh giá của cơ quan chức năng được đúng đắn và kết luận đúng bản chất hành vi nào là vi phạm hành chính, hành vi vi phạm nào là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
1-1724125729.PNG

Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế thị trường đã dần định hình ở nước ta, bên cạnh những mặt tích cực là kinh tế nước nhà ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, thì mặt trái của kinh tế thị trường cũng để lại những hệ lụy không hề nhỏ, đặc biệt là tình hình tội phạm vẫn đang diễn biến rất phức tạp, gây ra những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Trong đó, nổi lên loại tội phạm liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, cần được nhận diện, đánh giá, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc kịp thời.

Thực tế cho thấy, vì chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, các chủ thể thực thi công vụ trong lĩnh vực trên đã bất chấp pháp luật để làm những việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự quản lý của Nhà nước về đất đai, gây ra thất thoát, thiệt hại rất lớn đối với nguồn tài nguyên quí giá của quốc gia, làm chậm quá trình phát triển của nền kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức được sự nghiêm trọng của thực trạng trên, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định và đưa ra nhiều chính sách, biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn và làm giảm số lượng tội phạm xảy ra trong lĩnh vực này. Đồng thời các cơ quan tư pháp cũng tăng cường xử lý nghiêm minh những hành vi phạm tội trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai nhằm răn  đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Nhưng tình hình tội phạm trong lĩnh vực đất đai vẫn không thuyên giảm và có chiều hướng ngày càng phức tạp hơn.

Qua nghiên cứu thực tiễn xử lý hình sự đối với tội phạm liên quan đến quản lý Nhà nước về đất đai trong những năm qua, nhận thấy hiệu quả của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm trên ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực cho quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, thì hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bộc lộ những bất cập, thiếu sót, làm ảnh hưởng đến chất lượng của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung. Những hạn chế, thiết sót xảy ra ở nhiều giai đoạn trong quá trình xử lý tội phạm như: Việc điều tra, làm rõ hành vi phạm tội đôi khi còn chưa toàn diện và chưa làm rõ được bản chất của hành vi; việc truy tố, xét xử và áp dụng pháp luật hình sự để xử lý hành vi phạm tội liên quan công tác quản lý đất đai còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật…

Để góp phần làm cho quá trình xử lý đối với hành vi vi phạm những quy định của Nhà nước về quản lý đất đai đúng pháp luật, chúng tôi nhận thấy việc phân tích  “Những dấu hiệu pháp lý hình sự của tội phạm liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai” là rất cần thiết trong việc nâng cao nhận thức về lý luận và quy định trong Bộ luật hình sự về các tội phạm nói trên của người có thẩm quyền, từ đó giúp cho quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Thông qua các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS), chúng tôi thấy các hành vi phạm tội xảy ra lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai có thể cấu thành một trong các tội phạm như sau: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngây thất thoát, lãng phí;  Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng;  Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai và Tội vi phạm quy định về quản lý rừng (các điều 219, 220, 222, 224, 229, 233 BLHS). Việc phân tích, làm sáng tỏ các dấu hiệu cấu thành của các tội phạm nói trên sẽ giúp cho quá trình đánh giá được đúng đắn hành vi vi phạm xảy ra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai nào là vi phạm hành chính, hành vi vi phạm nào là tội phạm theo quy định của BLHS.

1. Dấu hiệu pháp lý của Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngây thất thoát, lãng phí

Căn cứ quy định của BLHS về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí[1] cho thấy những yếu tố chung và đặc trưng trong cấu thành tội phạm như sau:

- Về khách thể của tội phạm. Hành vi phạm tội xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị). Đối tượng bị tội phạm xâm hại là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng; tài sản công tại doanh nghiệp; tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển[2]… Đối tượng mà hành vi phạm tội xảy ra trong lĩnh vực quản lý về đất đai quy định tại Điều 219 BLHS xâm phạm đến là các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng[3] đang được cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật.

- Về chủ thể của tội phạm. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định chủ thể là những người có chức vụ, quyền hạn và được giao quản lý, khai thác, sử dụng đất đai (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, khai thác và sử dụng đất đai thuộc phạm vi tài sản nhà nước).

- Thứ ba: về mặt khách quan của tội phạm.

Hành vi khách quan của tội phạm quy định tại Điều 219 BLHS là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (đất đai) biểu hiện thông qua những hành vi cụ thể như: Giao đất công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng; sử dụng hoặc không sử dụng đất công được giao gây lãng phí; sử dụng đất công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng đất, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng đất công vào việc kinh doanh trái pháp luật; xử lý đất công trái quy định của pháp luật; chiếm giữ, sử dụng trái phép đất công; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật…

Hậu quả của tội phạm: hành vi vi phạm phải gây thiệt hại hoặc thất thoát quỹ đất công có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi trên mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội phạm.

- Thứ tư: mặt chủ quan của tội phạm. Trong cấu thành tội tại Điều 219 BLHS quy định dấu hiệu lỗi là cố ý, luật không đề cập đến động cơ, mục đích phạm tội. Tuy nhiên, khi hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng đất xảy ra trên thực tế, nếu người phạm tội có động cơ, mục đích vụ lợi thì hành vi sẽ phạm vào một trong các tội phạm về tham nhũng.

2-1724125737.jpg

Khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn nhìn từ trên cao. ( Đây là khu đất khiến cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài bị bắt)

Ví dụ vụ án như sau: căn cứ quy định của pháp luật thì khu đất 8 - 12 đường Lê Duẩn có tổng diện tích hơn 4.800 m2, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà, quản lý và cho thuê. Ngày 20.11.2007, UBND thành phố HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chủ trương, xử lý khu đất trên, Lê Thị Thanh Thúy (Giám đốc Công ty TNHH MTV) đã dùng quan hệ tình cảm cá nhân nhằm tác động đến Nguyễn Thành Tài khi đó là Phó CT thành phố để ký nhiều văn bản sai quy định. Cụ thể, ông Nguyễn Thành Tài chỉ đạo Nguyễn Thị Thu Thủy, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam và Trương Văn Út cùng thực hiện việc chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tham gia góp vốn thực hiện dự án; quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá quyền sử dụng đất; quyết định áp dụng 2 hình thức giao đất, cho thuê đất đối với cùng dự án và cho thanh lý nhà số 8 - 12 Lê Duẩn không bán đấu giá tài sản, tạo điều kiện cho Lê Thị Thanh Thúy được tham gia thực hiện dự án, dẫn đến thay đổi quyền sở hữu khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu DNTN trái pháp luật, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước hơn 1.927 tỉ đồng. Theo quy định của Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, khi thực hiện chủ trương sắp xếp lại việc quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước dẫn đến tình huống pháp lý là tài sản đó được tiến hành bán thu tiền cho ngân sách, thì cơ quan, người có thẩm quyền phải tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Việc người có thẩm quyền quản lý tài sản đã không thực hiện bán đấu giá tài sản và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước nếu vì động cơ hoặc mục đích vụ lợi thì hành vi sẽ phạm vào nhóm tội phạm về tham nhũng, trường hợp không chứng minh được họ có động cơ hoặc mục đích như trên thì hành vi mới phạm vào Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219 BLHS).

2. Nhóm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Từ các yếu tố cấu thành tội phạm của Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng[4], Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng[5] nhận thấy giữa hai tội phạm này có những dấu hiệu giống, vì vậy bên cạnh làm rõ dấu hiệu đặc trưng của từng tội phạm, cần tiến hành so sánh những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai loại tội phạm trên nhằm góp phần tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, nắm bắt rõ hơn về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai có dấu hiệu cấu thành một trong hai loại tội phạm này.

- Thứ nhất, về khách thể. Hai loại tội phạm trên đều xâm phạm đến trật tự quản lý, sử dụng của Nhà nước về đất đai. Cụ thể, Tội vi phạm về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công xâm phạm trật tự quản lý về đầu tư chương trình, dự án, quyết định đầu tư, lập, thẩm định chương trình đầu tư, dự án về đất đai; Tội vi phạm quy định về đấu thầu xâm phạm quy định về lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

- Thứ hai, về chủ thể của các tội phạm quy định tại Điều 220 và Điều 222 BLHS là người có chức vụ, quyền hạn. Đối với Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng phải là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai; đối với Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là những người thực hiện các giai đoạn, công việc trong quá trình đấu thầu liên quan đến đất đai gồm những người làm việc thuộc bên chủ đầu tư, bên mời thầu, bên dự thầu.

- Thứ ba, mặt chủ quan của tội phạm. Trong cấu thành tội phạm tại Điều 220, 222 BLHS quy định dấu hiệu lỗi là cố ý, luật không đề cập đến động cơ, mục đích phạm tội. Tuy nhiên, nếu quá trình thực hiện một trong các loại hành vi phạm tội, chủ thể có động cơ vụ lợi thì được xem là tình tiết định khung tăng nặng của các tội phạm tương ứng.

- Thứ tư, mặt khách quan của tội phạm.

+ Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành hai loại tội phạm trên đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được thể hiện bằng việc thực hiện hành động không đúng theo yêu cầu của pháp luật hoặc không thực hiện hành động mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện.

1. Đối với hành vi khách quan mô tả trong cấu thành của Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng:  Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật; tài sản nhà nước được sử dụng như là phần vốn trong đầu tư là quỹ đất công do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo quy định của pháp luật[6]. Nguyên tắc quản lý đầu tư công được quy định một cách phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế và tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất. Việc đầu tư công phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, quỹ đất đưa vào đầu tư được giao cho người có chức vụ, quyền hạn quản lý và sử dụng theo các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, hành vi khách quan của Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư; vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư; vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án do người có trách nhiệm thực hiện với lỗi cố ý. Cụ thể người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a- Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:

Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án không phù hợp với với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan đến nguồn đất đai đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, không bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững[7].

Không tuân thủ đúng quy trình quyết định chủ trương đầu tư trong việc giao đơn vị trực thuộc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; quy trình thành lập Hội đồng để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia[8].

b- Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư thể hiện qua hành vi như:

Không gửi hoặc gửi không đầy đủ hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia đến cơ quan chủ trì thẩm tra đúng quy định của pháp luật.

Việc thẩm tra không đảm bảo các nội dung về tiêu chí xác định chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết đầu tư chương trình, dự án; không tuân thủ các quy định của pháp luật, sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch khai thác, sử dụng đất; không đảm bảo những thông số cơ bản của chương trình, dự án, bao gồm mục tiêu, quy mô, hình thức đầu tư, phạm vi, địa điểm, diện tích đất cần sử dụng, thời gian, tiến độ thực hiện, phương án, giải pháp bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch có liên quan, quy hoạch khác có liên quan đến tài nguyên, phương án di dân, tái định canh, định cư đối với dự án quan trọng quốc gia[9]

c- Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án như:

Quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án không đúng thẩm quyền theo luật định; lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án không phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể có liên quan theo quy định của pháp luật và không đúng trình tự theo quy định dẫn đến gây thất thoát, lãng phí [10]

2. Đối với hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành của Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222 BLHS):

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Những sai phạm trong hoạt động đấu thầu liên quan đến tài sản là đất đai bị xem là tội phạm được hiểu là hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; chuyển nhượng thầu trái phép với lỗi cố ý.

Trong các hành vi khách quan của tội vi phạm các quy định về đấu thầu do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện thể hiện thông qua hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; tiết lộ, tiếp nhận nội dung tài liệu, thông tin về hồ sơ quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, các loại sổ tay ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu trái pháp luật; tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi thông thầu, chuyển nhượng thầu trái pháp luật. Các hành vi phạm tội vi phạm các quy định về đấu thầu liên quan đến đất đai do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện bao gồm các hành vi sau:

a- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu: đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Việc can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu có thể nhằm làm thay đổi kết quả đấu thầu, thay đổi các hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu… Việc can thiệp có thể là trực tiếp hoặc thông qua việc gây áp lực cho những người có trách nhiệm trong việc thực hiện các hoạt động đấu thầu, các bên tham gia dự thầu.

b- Tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi thông thầu trái pháp luật bao gồm các hành vi sau: tạo điều kiện, dàn xếp thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu; dàn xếp thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu; không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên tham gia.

c- Gian lận trong đấu thầu thể hiện qua hành vi của những người tham gia dự thầu và những người có trách nhiệm trong thẩm định các hồ sơ, nhà thầu, nhà đầu tư cụ thể như sau: Người có thẩm quyền trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đã cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

d- Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu bao gồm các hành vi sau: Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư; tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án; tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án.

Người phạm tội là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hoặc người phạm tội người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của bên tham dự thầu; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi không đủ điều kiện theo quy định; tiết lộ, tiếp nhận nội dung tài liệu, thông tin về hồ sơ quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, các loại sổ tay ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu trái pháp luật.

+ Về hậu quả: Hai loại tội phạm quy định tại Điều 220, 222 BLHS đều quy định thiệt hại về tài sản trong cấu thành cơ bản là từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi tương ứng mà còn vi phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

3-1724125737.jpg

Năm 2022, qua thanh tra, vụ sai phạm tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV đã được Thanh tra TPHCM chuyển sang cơ quan công an.

3. Nhóm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý rừng

Đối với hành vi vi phạm xảy ra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai nhận thấy, khi hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội, thì hành vi đó cũng có thể phạm vào Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai và Tội vi phạm quy định về quản lý rừng (Điều 229 và 233 BLHS). Qua nghiên cứu dấu hiệu cấu thành cơ bản của hai tội phạm trên cho thấy có những điểm tương đồng và khác biệt như sau:

- Về khách thể của tội phạm: hai loại tội phạm trên đều xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước đối với tài nguyên quốc gia, nhưng tội phạm quy định tại Điều 229 BLHS xâm phạm trật tự quản lý về đất đai, còn tội phạm quy định Điều 233 BLHS xâm phạm đến trật tự quản lý về rừng.

- Về chủ thể của tội phạm: chủ thể của Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai là người có chức vụ, quyền hạn trong việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp; Tội vi phạm quy định về quản lý rừng quy định chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn thực hiện việc giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản.

- Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai là hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật đối với các loại đất tương ứng với diện tích nhất định như: đất trồng lúa có diện tích từ 5.000m2, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000m2, đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000m2 trở lên; hoặc đối với đất nông nghiệp có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng, đất phi nông nghiệp có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Để xác định hành vi vi phạm quy định về giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất có thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại Điều 229 BLHS hay không, trước hết phải làm rõ, đối chiếu từng trường hợp cụ thể với quy định của Luật đất đai, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ ngành có liên quan, quy định của UBND cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại địa phương có hành vi vi phạm trong việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó đặt hành vi vi phạm trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội tương ứng để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đã được thực hiện, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự mới đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Cụ thể như:

+ Đối với hành vi giao đất hay cho thuê các loại đất, phải xem xét có đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục và phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay không;

+ Đối với việc giao đất, cho thuê đất để phát triển khu kinh tế, ngoài việc phải xem xét có đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục và kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì còn phải đánh giá tính phù hợp của hành vi với định hướng, chủ trương phát triển kinh tế vùng, địa phương cụ thể;

+ Đối với việc thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư phải xem xét về đối tượng, diện tích hỗ trợ tái định cư có đúng người, đúng diện tích và đúng pháp luật hay không;

+ Đối với hành vi chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp; chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp; chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ… cũng phải tùy từng trường hợp cụ thể để xác định hành vi là vi phạm hành chính hay là tội phạm.

Hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai trong thực tiễn rất phức tạp, trong khi đó quy định của pháp luật về đất đai thay đổi liên tục, thường xuất hiện sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của Bộ, ngành trung ương và địa phương; đồng thời, quy hoạch sử dụng đất thay đổi hàng năm, nhiều vụ việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư kéo dài, từ khi ban hành kế hoạch, chủ trương đến khi thực hiện thì quy định của pháp luật, của cơ quan cấp trên đã thay đổi, vì vậy quá trình đánh giá hành vi vi phạm có phạm tội hay không đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải thận trọng, cân nhắc kỹ càng và phải trên tinh thần áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho người phạm tội thì việc xử lý mới bảo đảm tính chính xác, thuyết phục và nghiêm minh theo quy định của pháp luật hình sự.

Hành vi khách quan của Tội vi phạm quy định về quản lý rừng cũng là lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng trái pháp luật đối với rừng sản xuất từ 20.000m2 trở lên, đối với rừng phòng hộ từ 15.000m2 trở lên hoặc từ 10.000m2 trở lên đối với rừng đặc dụng; cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật từ 10.000m2 đối với rừng sản xuất; từ 7.500m2 đối với rừng phòng hộ hoặc từ 5.000m2 trở lên đối với rừng đặc dụng; hoặc cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 232 của BLHS. Tương tự xác định hành vi phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quá trình xem xét hành vi vi phạm quy định về quản lý rừng đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào Luật Lâm nghiệp, quy định của Nhà nước về phát triển và bảo vệ rừng và quy hoạch liên quan đến hoạt động bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng của cấp có thẩm quyền để xác định hành vi là vi phạm hành chính hay là tội phạm.

- Mặt chủ quan của tội phạm: trong cấu thành tội tại Điều 229, 233 BLHS quy định dấu hiệu lỗi là cố ý, luật không đề cập đến động cơ, mục đích phạm tội, khi hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế, nếu người phạm tội có động cơ, mục đích vụ lợi thì hành vi sẽ phạm vào một trong các tội phạm về tham nhũng.

Kết mở

Việc phân tích, làm rõ hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai có phải là tội phạm hay không là việc làm rất khó khăn trong thực tế. Bởi vì, người thực hiện hành vi vi phạm có trình độ chuyên môn cao, có chức vụ, quyền hạn nên đa số họ biết vận dụng cácc quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai và tình hình thực tiễn của địa phương để lý giải về sự hợp lý của quyết định, hành vi mà họ đã thực hiện. Đồng thời, các quy định của pháp luật về đất đai còn phức tạp, dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; và quy định của Luật hình sự có liên quan đến hành vi phạm tội trong lĩnh vực này còn nhiều nội dung có tính trừu tượng, phổ quát cao, việc phân tích, giải thích nội hàm quy định về các tội phạm liên quan có sự khác nhau là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, trong phạm vi khả năng của mình, chúng tôi chỉ có thể phân tích, làm rõ những dấu hiệu cơ bản nhất về cấu thành của các tội phạm trong BLHS có liên quan hoạt động quản lý nhà nước về đất đai để giới thiệu cho cơ quan, người có thẩm quyền trong thực tiễn tham khảo trong quá trình xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực đất đai, sao cho đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội cũng như bỏ lọt tội phạm, từ đó góp phần cho quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực phức tạp nói trên đạt được hiệu quả như đã đề ra./.

--------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Khoản 1 Điều 219 BLHS năm 2015 (sửa đổi).

[2] Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

[3] Điều 9 Luật Đất đai năm 2024.

[4] Khoản 1 Điều 220 BLHS năm 2015 (sửa đổi).

[5] Khoản 1 Điều 222 BLHS năm 2015 (sửa đổi).

[6] Khoản 15, 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019.

[7] Điều 18 Luật Đầu tư công năm 2019.

[8] Điều 19 Luật Đầu tư công năm 2019.

[9] Điều 21 Luật Đầu tư công năm 2019.

[10] Điều 36, 40 Luật Đầu tư công năm 2019.

Thạc sỹ. Võ Văn Tài (Trưởng khoa KSHS, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh )

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin