Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP.Hà Nội

04/04/2024 17:50

(Pháp lý). Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ra hậu quả rất lớn đối với người bị hại nói riêng và trật tự an toàn xã hội, niềm tin của người dân vào hệ thống chính quyền nói riêng.

Bài viết sau, tác giả nghiên cứu và chỉ ra tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP. Hà nội cũng như hoạt động điều tra, khám phá của Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp của Công an Thành phố Hà Nội.

1-1708939890.jpg

Chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm như chứng khoán, hải quan, thuế...( Ảnh minh hoạ)

Trong những năm gần đây tình hình tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Tp. Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ năm 2020 đến 2023, trên địa bàn toàn thành phố đã xảy ra 4.045 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm 9,5% tổng số vụ án hình sự và 6.472 đối tượng, chiếm khoảng 12,8% tổng số đối tượng phạm tội hình sự đã xảy ra; thiệt hại tài sản do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, lợi dụng những khó khăn phát sinh trong nắm tình hình quản lý địa bàn mới và nhất là sự tác động ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu trong điều kiện mở rộng giao lưu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng trên địa bàn Thủ đô, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã diễn ra hết sức phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Nhận diện một số lĩnh vực và thủ đoạn điển hình thường được các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản áp dụng.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ lợi dụng cơ chế mở cửa, ký kết hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; sơ hở, thiếu sót trong quản lý doanh nghiệp, quản lý xuất khẩu lao động để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sự phát triển của công nghệ thông tin... mà chúng còn đặc biệt quan tâm đến việc lợi dụng những sơ hở thiếu sót trong quản lý đất đai, quản lý tín dụng ngân hàng, quản lý tuyển sinh, tuyển dụng, thi công chức và sự nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dân để đưa ra chiêu bài "lãi suất cao" nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng và của nhiều người dân... gây ra nhiều hệ lụy, làm mất an ninh trật tự của thành phố ….

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo thường rất đa dạng, biến chuyển theo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, luôn tìm những kẽ hở của pháp luật, của đường lối, chính sách quy định của nhà nước và sự nhẹ dạ cả tin của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có thể khái quát một số lĩnh vực và thủ đoạn điển hình thường được các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản áp dụng trong quá trình thực hiện tội phạm:

- Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn tập trung chủ yếu ở các lãnh vực thương mại, bất động sản, xây dựng, mua bán nhà, đất dự án, tài chính ngân hàng, tuyển sinh, tuyển dụng... bằng các thủ đoạn tín chấp, thế chấp sai quy định, hồ sơ giả, khai khống tài sản để được vay tiền sau đó chiếm đoạt tiền của ngân hàng; lừa đảo chạy việc làm; thành lập nhiều doanh nghiệp, công ty ma, dựng các phương án kinh doanh giả... để huy động vốn với lãi suát cao sau đó chiếm đoạt hoặc sử dụng các giất tờ có giá giả như sổ đỏ giả, đăng ký ô tô, xe máy giả, chứng minh thư giả, làm thẻ tín dụng giả, séc giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc làm giả giấy tờ sở hữu để tiêu thụ tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp.

2-1708939897.jpg

Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Nhật Nam bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

- Thông qua mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp hoặc thông qua các trang web để mua bán trực tuyến, dịch vụ dự thưởng ảo... Bằng các hình thức trên, hoạt động buôn bán hàng hóa nhập lậu, trốn thuế, lừa đảo diễn ra phổ biến và rất khó kiềm soát (vì loại hình này có tính toàn cầu). Điển hình như vụ lừa đảo xảy ra tại công ty Diamond Holiday, trang web muaban24 với thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, báo động tính rủi ro và khó kiểm soát của loại hình kinh doanh này. Tội phạm làm giây tờ, séc giả hoặc thẻ tín dụng giả rút tiền hoặc mua hàng có giá trị bằng thẻ để chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp, cá nhân. Đây là hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng...

- Đặc biệt thời gian qua tình trạng hoạt động "tín dụng đen" diễn ra rất phức tạp, hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng lớn xảy ra trên địa bàn thành phố, có vụ lên tới hàng trăm tỷ đồng, các đối tượng sử dụng thủ đoạn huy động vốn với với lãi suất cao đánh vào lòng tham của người dân. Bọn chúng đã huy động được lượng tiền, vàng, ngoại tệ rất lớn sau đó bỏ trốn hoặc do không có khả năng thanh toán với lãi suất cao, dẫn đến vỡ nợ... gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các ngân hàng, cơ sở tín dụng và người dân, gây đổ vỡ tín dụng hàng loạt cho các công ty cơ sở kinh rế, ảnh hường nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Đáng chú ý khi nghiên cứu sâu cho thấy địa bàn mà bọn tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng được mở rộng. Lúc đầu tội phạm chỉ diễn ra ở một số tuyến phố lớn trong nội thành ở các sàn chứng khoán, sàn vàng, sàn giao dịch bất động sản hoặc các chỗ cà phê cá độ bóng đá, nơi thuê xe, các công ty tài chính hoạt động tín dụng, hoạt động xuất khẩu lao động... nhưng dần dần tội phạm này đã lan rộng về cả các vùng nông thôn, nhất là các vùng có dư luận được mở rộng đầu tư, nằm trong quy hoạch, dự án lấy đất ... dân cư ở nhiều nơi đã bỏ cả ruộng vườn tìm vốn ôm đất.. lợi dụng tình hình đó tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoành hành nhiều địa phương tín dụng đen đổ bể hàng loạt trở thành một vấn đề hết sức nóng bỏng trong đời sống kinh tế xã hội và an ninh trật tự ở Thủ đô Hà Nội.

Hậu quả mà tội phạm này gây ra vô cùng lớn đặc biệt đối với những người dân lao động nghèo mong muốn được đổi đời mắc bẫy "lãi suất cao" gom góp tài sản của cả cuộc đời; của gia đình, bạn bè người thân; thế chấp nhà cửa ruộng vườn... dẫn đến cảnh lầm than, cùng quẫn vi phạm pháp luật, lừa dối chém giết lẫn nhau, bỏ chạy tự kết liễu cuộc đời để trốn nợ. Quá trình thực hiện tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường có liên quan đến nhiều tội phạm khác, như: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội chiếm giữ trái phép tài sản hay tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; tội cưỡng đoạt tài sản; tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật; tội mua bán người…

Những kết quả đạt được

Nhận thức và đánh giá đúng tình hình trên, trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an Thành phố, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp của Công an Thành phố Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ có liên quan tiến hành nhiều biện pháp phát hiện, điều tra thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh làm rõ nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt giữ và xử lý hình sự nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; thu hồi được tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước và nhân dân.

Hoạt động điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Cơ quan CSĐT các cấp của Công an thành phố Hà Nội về cơ bản đã được tiến hành khẩn trương, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp chiến thuật điều tra và các hoạt động nghiệp vụ trinh sát hỗ trợ điều tra. Chính vì vậy, đã thu được những kết quả điều tra nhất định. Từ năm 2019 đến hết năm 2023, Cơ quan CSĐT các cấp của Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra, xử lý 15.547 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 24.721 đối tượng gây thiệt hại 1.102.464 tỷ đồng Việt Nam, góp phần giữ vững ổn định chính trị và đem lại niềm tin cho nhân dân.

3-1708939897.jpg

Cơ quan công an đã khám phá nhiều vụ mua bán dữ liệu cá nhân, chặn "nguồn tài nguyên" để các đối tượng lừa đảo lợi dụng

Cơ quan CSĐT các cấp của Công an thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, các đơn vị nghiệp vụ trong ngành, Công an các cấp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng nâng cao cảnh giác với các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời tổ chức hướng dẫn quần chúng phát hiện các đầu mối, đối tượng nghi vấn, cung cấp thông tin tài liệu giúp đỡ Cơ quan CSĐT tiến hành đấu tranh khám phá tội phạm này một cách hiệu quả.

Thông qua công tác điều tra khám phá, Cơ quan CSĐT tìm ra các sơ hở, thiếu sót đề xuất những giải pháp góp phần quản lý chặt chẽ các hoạt động tín dụng, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, doanh nghiệp mua bán bất động sản và các tổ chức tín dụng... phục vụ tốt yêu cầu đầu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố

Thủ trưởng Cơ quan CSĐT các cấp đã quan tâm, chi đạo sát sao công tác điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, những năm gần đây đã có nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra truy tố, xét xử một cách kịp thời, nghiêm minh, phần nào đó đã lấy lại được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật thành phố.

Một số hạn chế, thiếu sót

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, quá trình điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội vẫn còn bộc lộ một số hạn chế thiếu sót sau đây:

Thứ nhất: Việc nắm tình hình phát hiện đầu mối đối tượng nghi vấn và diễn biến của tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để phục vụ yêu cầu điều tra chứng minh làm rõ tội phạm còn chưa kịp thời thiếu chủ động. Việc phát hiện tội phạm và các đầu mối đối tượng nghi vấn về lừa đảo chiếm đoạt tài sản chủ yếu là công tắc nắm tình hình, tin báo của quần chúng. Nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản phát triển lan rộng trên nhiều địa bàn, lừa đảo nhiều người gây hậu quả nghiêm trọng mà cơ quan điều tra không phát hiện, ngăn chặn kịp thời; số vụ việc phát hiện thông qua sưu tra, xác minh hiềm nghi hoặc thông qua mạng lưới cộng tác viên bí mật, chuyên án trinh sát còn rất ít chỉ chiếm khoảng trên 15% số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được nghiên cứu.

Thứ hai: Hoạt động điều tra còn bị chia cắt, thiếu sự phối hợp hỗ trợ của các lực lượng, biện pháp, phương tiện có liên quan trong phát hiện thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh làm rõ vụ án theo quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp hoạt động trinh sát chưa thật sự có ý nghĩa trong việc hỗ trợ để triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp điều tra theo trình tự tố tngj hình sự để mở rộng vụ án, như: Áp dụng các biện pháp bắt, khám xét thu giữ tài liệu, kê biên tài sản; hỏi cung bị can, kiểm tra xác minh đánh giá các lời khai; truy tìm vật chứng, tiền vàng tài sản bị chiếm đoạt; đối chất nhận dạng; thực nghiệm điều tra; trưng cầu giám đinh... làm cho các hoạt động điều tra bị chia cắt, thiếu tính đồng bộ... Việc chứng minh làm rõ tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội thiếu các tài liệu, chứng cứ cần thiết theo quy định của pháp luật..

Thứ ba: Quá trình điều tra còn lạm dụng các hình thức gọi hỏi, triệu tập đối tượng nghi vấn theo quy định của tố tụng hình sự mà thiếu các biện pháp "bí mật" kiểm tra, xác minh đi sâu làm rõ tổ chức, đường dây tội phạm. Cán bộ điều tra, trong nhiều trường hợp chưa khai thác hết các thông tin, tài liệu làm cơ sở để xác lập kiểm tra, xác minh hiềm nghi, xác lập chuyên án đấu tranh chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc khai thác sử dụng các phương pháp chiến thuật trinh sát trong hỗ trợ điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Kiểm tra xác minh làm rõ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kiềm tra đánh giá lời khai, kiềm tra giám sát các đầu mối, đối tượng nghi vấn hoặc sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động bắt khám xét, kê biên tài sản, hỏi cung bị can... cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Thứ tư: Việc thu thập tài liệu, chứng cứ, nhất là các tài liệu từ nguồn vật chứng như: Hóa đơn chứng từ, tiền vàng, tài sản, vật có giá để chứng minh và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế…

Đề xuất một số giải pháp

Cũng giống như điều tra các tội phạm hình sự khác, điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa có những đặc điểm chung của điều tra tội phạm, vừa có những đặc điểm riêng mang tính đặc thù xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của chủ thể điều tra và đặc điểm hình sự của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường được tiến hành dưới hình thức truy xét để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh làm rõ đồng thời hàng loạt các vụ lừa đảo cụ thể mà đối tượng đã gây ra trước đó.

Trong quá trình điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn đòi hỏi có sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều biện pháp, phương tiện nghiệp vụ, nhất là biện pháp trinh sát của ngành Công an trong quá trình điều tra. Điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường mang tính tình huống, đòi hỏi sự linh hoạt sáng tạo trong áp dụng biện pháp, phương pháp, chiến thuật điều tra của Điều tra viên trong các Cơ quan Cảnh sát điều tra. Do đó đòi hỏi Điều tra viên và Cơ quan Cảnh sát điều tra phải làm rõ có hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra không? thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội? ai là người thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; có lỗi hay không có lối, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không? mục đích, động cơ phạm tội? những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can và những đặc điểm về nhân thân của bị can? tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra.

Căn cứ thực tiễn tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thực trạng công tác điều tra khám phá của Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội; cũng như những yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... sẽ có tác động ảnh hưởng đến hoạt động điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới... Để góp phần nâng cao hiệu quả điều tra loại tội phạm này trong thời gian tới, Cơ quan CSĐT các cấp của Công an thành phố Hà Nội cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp của Công an thành phố Hà Nội cần thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để phục vụ yêu cầu điều tra mở rộng vụ án.

Nó không chỉ đòi hỏi việc tổ chức hệ thống trực ban 24/24 giờ mỗi ngày để kịp thời ghi nhận, lập biên bản thu giữ các tài liệu mà công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiệp vụ Công an, Quân đội hoặc của chính các đối tượng phạm tội tự thú, đầu thú, tố giác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà nó còn đòi hỏi khả năng gọi hỏi, động viên người báo tin cộng tác giúp đỡ, cũng cấp tài liệu... và việc triển khai khẩn trương, đồng bộ có hiệu quả các biện pháp kiểm tra xác minh làm rõ nội dung tố giác, tin báo về tội phạm.

Hai là, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng kết quả các công tác lấy lời khai người bị hại và người làm chứng trong điều tra, mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ba là, tổ chức tốt các biện pháp bắt, khám xét thu hồi tài sản phục vụ yêu cầu điều tra giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Bốn là, cần coi trọng việc khai thác sử dụng có hiệu quả các công tác nghiệp vụ cơ bản và hoạt động trình sát trong nắm tình hình, phát hiện đối tượng nghi vấn và hỗ trợ điều tra thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh làm rõ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật như: Khai thác, sử dụng kết quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản để điều tra nắm tình hình, kiểm tra xác minh làm rõ tố giác tin báo đồng thời phát hiện các đầu mối đối tượng nghi vấn theo yêu cầu điều tra; Đối với công tác xây dựng, sử dụng cộng tác viên bí mật Cần đặc biệt quan tâm đến việc bổ sung củng cố, bố trí hợp lý các cộng tác viên bí mật theo yêu cầu nhiệm vụ nắm tình hình hoạt động của đổi tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo tuyền, địa bàn, đối tượng trọng điểm; Tổ chức tiến hành các phương pháp, chiến thuật trinh sát hỗ trợ cho các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ chứng minh làm rõ tội phạm.

Năm là, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là những cơ  quan trong và ngoài ngành Công an.

Sáu là, cần đặc biệt coi trọng việc mở lớp tập huấn, bối dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tài chính kế toán... nhằm nâng cao năng lực điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Điều tra viên./.

ThS. Nguyễn Duy Huy - Học viện Cảnh sát nhân dân
Bạn đang đọc bài viết "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP.Hà Nội" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin