Các giải pháp đẩy mạnh công tác phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam

(Pháp lý). Hiện nay, rửa tiền đã và đang trở thành một vấn nạn đối với nhiều quốc gia trên thế giới và là vấn đề được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Cùng với sự phát triển của hoạt động kinh doanh, tự do hóa, toàn cầu hóa và khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phương thức, thủ đoạn rửa tiền ngày càng đa dạng, tinh vi, phức tạp và hoạt động rửa tiền được mở rộng ở quy mô toàn cầu.
 
 
capture-1722398744.PNG

1. Hiểu thế nào là hoạt động rửa tiền

Rửa tiền (tiếng Anhmoney laundering) là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội hoặc tham nhũng trở thành các tài sản được coi là "hợp pháp". Tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền đã nêu định nghĩa về hành vi rửa tiền. Theo đó, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Trong đó, tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội.

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền đã nêu định nghĩa về hành vi rửa tiền. Theo đó “rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có”. Trong đó, tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội.Như vậy, rửa tiền là gì có thể hiểu là quá trình biến đổi tiền lậu, tiền từ việc làm trái pháp luật thành tiền hợp pháp. Nó là hoạt động phi pháp nhằm che đậy nguồn gốc của tiền lậu và xóa chứng cứ phạm tội. Quá trình này được hình thành từ việc đưa tiền từ hoạt động phi pháp vào hệ thống tài chính hợp pháp để tạo ra sự “hợp pháp hóa” cho số tiền đó.

Trong một số hệ thống và quy phạm pháp luật, thuật ngữ "rửa tiền" đã được kết hợp với các hình thức tội phạm tài chính và kinh doanh khác và đôi khi được sử dụng theo nghĩa rộng rãi hơn bao gồm việc lạm dụng hệ thống tài chính (bao gồm các công cụ như chứng khoántiền mã hóathẻ tín dụng, và tiền giấy truyền thống), bao gồm cả tài trợ khủng bố và trốn tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế. Hầu hết các luật chống rửa tiền đều kết hợp chống rửa tiền (tập trung vào nguồn của tiền) với việc chống tài trợ khủng bố (tập trung vào đích đến của tiền) khi quản lý hệ thống tài chính.

2. Tác hại của hành vi rửa tiền

Hoạt động rửa tiền có ảnh hưởng tiêu cực bao trùm lên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng... của tất cả các quốc gia. Là hành vi tội phạm về tài chính, hoạt động rửa tiền làm tăng tội phạm buôn lậu và trốn thuế, tham nhũng, tài trợ cho các hoạt động khủng bố, làm méo mó các hoạt động thương mại quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, làm hệ thống tài chính và nền kinh tế quốc gia hoạt động thiếu lành mạnh, nhất là những quốc gia đang phát triển có sức đề kháng yếu, dễ bị tổn thương trước những tác động của hoạt động rửa tiền.

Đặc biệt, hoạt động rửa tiền gây thiệt hại và rủi ro cho các định chế tài chính về uy tín, nghiệp vụ, pháp lý, mất khách hàng và mất hoạt động kinh doanh sinh lời, ảnh hưởng xấu tới khả năng thanh khoản, bị cắt đứt các cơ sở ngân hàng đại lý, phát sinh các chi phí điều tra và tiền phạt, bị thu giữ tài sản và giảm giá trị cổ phiếu của các tổ chức tài chính này, do đó dẫn tới suy yếu cả một hệ thống tài chính. Nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế và cũng đối diện với các nguy cơ và thách thức ngày càng cao của hoạt động rửa tiền.

Rửa tiền làm suy yếu khu vực kinh tế tư nhân. Tội phạm rửa tiền thường sử dụng những công ty ngụy trang để trộn lẫn những khoản tiền bất hợp pháp với những khoản tiền hợp pháp. Với những khoản tiền bất hợp pháp, công ty ngụy trang có thể đưa ra những sản phẩm với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Điều này làm cho những doanh nghiệp hợp pháp rất khó khăn trong việc cạnh tranh với công ty ngụy trang, và có thể dẫn đến phá sản.

Rửa tiền làm lũng đoạn hệ thống tài chính, gây nên những hậu quả tai hại cho các định chế tài chính, như phải gánh chịu các rủi ro về uy tín, nghiệp vụ, pháp lý… Do đó, rửa tiền có thể làm suy yếu cả một hệ thống tài chính. Một ngân hàng bị tai tiếng vì liên quan đến hoạt động rửa tiền sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của ngân hàng, phải gánh chịu những chi phí phát sinh, làm giảm doanh thu và vốn của ngân hàng. Người gửi tiền do không tin tưởng vào sự minh bạch và an toàn của ngân hàng sẽ đến ngân hàng rút tiền, làm ngân hàng phải tăng chi phí (lãi suất) để xử lý việc thiếu thanh khoản. Hơn nữa, rửa tiền làm mất đi cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh sinh lời, do khách hàng đang vay vốn và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng có thể rời bỏ ngân hàng này sang ngân hàng khác, vì họ không muốn liên lụy đến ngân hàng có tai tiếng về rửa tiền; hoặc các hợp đồng, thương vụ làm ăn có thể phải dừng lại để phục vụ điều tra và tài sản, tiền có thể bị kê biên, phong tỏa; bị phạt tiền và cán bộ, nhân viên ngân hàng có thể bị bắt vì thực hiện hoặc liên quan đến hoạt động rửa tiền. Ngoài ra, ngân hàng tham gia hay bị nghi vấn chuyển tiền sẽ bị cắt đứt quan hệ ngân hàng đại lý, làm giảm khả năng phục vụ khách hàng như chuyển tiền thanh toán, mở, thông báo và thanh toán L/C, bảo lãnh có liên quan đến các ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, rửa tiền còn làm giảm giá trị cổ phiếu của ngân hàng và thậm chí bị thu hồi giấy phép, phá sản.

2-1722398442.jpg

Giang Văn Hiển và Giang Kim Đạt tại toà

3. Các phương thức, thủ đoạn rửa tiền qua hệ thống ngân hàng ở Việt Nam

Qua theo dõi các vụ án điển hình liên quan đến hành vi rửa tiền như: vụ án Giang Kim Đạt (2016), vụ án Phan Sào Nam (2018), vụ án Nhật Cường (2019), vụ Alibaba (2021), vụ án Nguyễn Minh Thành (2021), vụ án Chuyến bay giải cứu (2022), vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)… ta có thể rút ra các phương thức, thủ đoạn rửa tiền qua hệ thống ngân hàng. Tiền có thể được rửa theo một số cách thức khác nhau:

 - Rửa tiền qua các giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt: Đây là phương thức rửa tiền truyền thống và chủ yếu của bọn tội phạm. Tiền được gửi vào các tài khoản ngân hàng của chính đối tượng, người thân quen hoặc các tài khoản do đối tượng làm giả hoặc mượn giấy tờ để lập ra, sau đó các đối tượng sẽ rút tiền từ các tài khoản này ra.

Rửa tiền thông qua việc mua vàng, bạc, kim cương ... là những tài sản gọn nhẹ, có giá trị cao, có thể mua đi bán lại ở mọi nơi, mọi thời điểm trên thế giới. Đây là phương thức rửa tiền được bọn tội phạm sử dụng nhiều nhất do cách thức đơn giản, dễ thực hiện, nhưng lại dễ bị cơ quan điều tra phát hiện.

Rửa tiền thông qua đầu tư vào bất động sản, gửi tiết kiệm, mua tín phiếu, trái phiếu, mua siêu xe: Bọn tội phạm sẽ gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc mua tín phiếu, trái phiếu... làm cho đồng tiền nằm im trong một thời gian phù hợp với quy định của mỗi nước. Sau đó, người gửi tiền có thể rút ra toàn bộ gốc và lãi hoặc rút một phần, biến số tiền đó thành tiền hợp pháp.

Rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng “ngầm”: Tại một số nước, hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, đắt đỏ mà lại quan liêu. Do đó, trong cộng đồng những người nước ngoài tại các quốc gia này tồn tại hệ thống ngân hàng không chính thức gọi là ngân hàng “ngầm”. Hệ thống ngân hàng ngầm này hoạt động và luân chuyển tài chính như các ngân hàng chính thức, nhưng với chi phí dịch vụ rẻ hơn, bí mật hơn các ngân hàng hợp pháp. Các ngân hàng ngầm có đại diện ở nhiều nước khác nhau để thực hiện dịch vụ chuyển tiền từ nước này sang nước khác, hoặc từ thành phố này sang thành phố khác trong cùng một quốc gia. Sự hoạt động của ngân hàng này chủ yếu dựa trên niềm tin giữa ngân hàng và bạn hàng, nên thủ tục giấy tờ gọn nhẹ. Bọn tội phạm lợi dụng nguyên tắc giữ bí mật của những ngân hàng này đã đem tiền đến gửi và yêu cầu nhận lại ở một thành phố khác. Những địa chỉ cần nhận tiền tẩy rửa thông thường là những quốc gia khao khát đầu tư tài chính, nhưng ít quan tâm đến nguồn gốc đồng tiền, việc thanh toán qua ngân hàng chưa phải là yêu cầu bắt buộc và phổ biến, hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền chưa nghiêm...

3-1722398442.jpg

Ảnh minh hoạ

4. Những tồn tại trong công tác chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng ở Việt Nam

Một là, Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định 19/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022; Thông tư 09/2023/TT-NHNN, ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022; Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; Quyết định 941/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025; Công văn 2685/TTGSNH5 ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng về việc hướng dẫn báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2022; Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 5 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật hình sự về tội rửa tiền, tuy nhiên các tổ chức tài chính còn gặp nhiều khó khăn trong việc thi hành một số quy định mới về phòng, chống rửa tiền như nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng đối với chủ sở hữu hưởng lợi, người thân của cá nhân có ảnh hưởng chính trị, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và cách xử lý việc từ chối khách hàng ... Nhiều quy định theo hướng tiếp nhận các khuyến nghị theo so với chuẩn mực quốc tế về khủng bố và chống tài trợ khủng bố, do vậy chưa phù hợp với Việt Nam. Ngược lại, nhiều quy định lại chặt chẽ hơn nhiều chuẩn mực quốc tế và các quy định tại các quốc gia tuân thủ Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Hai là, nhận thức về vai trò, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền của các đối tượng báo cáo còn hạn chế dẫn tới việc triển khai công tác phòng, chống rửa tiền chưa đồng đều; nhiều báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các tổ chức tín dụng chưa đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định vì khách hàng không cung cấp; việc thẩm định tính bất thường trong giao dịch của bộ phận chuyên trách phòng, chống rửa tiền tại các tổ chức tín dụng còn bất cập dẫn đến việc xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ chậm và khó đưa ra nhận định.

Ba là, hệ thống công nghệ thông tin tại các ngân hàng hiện chưa đáp ứng tối ưu cho công tác phòng, chống rửa tiền. Việc rà soát khách hàng còn thủ công, chưa được tự động hóa. Việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin cần nhiều chi phí và thời gian. Việc thực hiện các yêu cầu tra soát và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng từ các cơ quan công an còn nhiều bất cập về khía cạnh pháp lý và việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bốn là, lực lượng cán bộ làm công tác thu thập, phân tích và xử lý thông tin quá mỏng, trong khi báo cáo giao dịch đáng ngờ đang xử lý ngày càng nhiều và phức tạp hơn. Số lượng cán bộ làm công tác thu thập và xử lý thông tin thuộc Cục Phòng, chống rửa tiền còn ít và phần lớn là cán bộ trẻ nên ngoài việc xử lý công việc còn phải thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong ngành ngân hàng. Hơn nữa, Cục Phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng nhà nước đã tham mưu xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền, Nghị định hướng dẫn thi hành và Thông tư hướng dẫn nên ngoài việc xử lý thông tin, cán bộ làm công tác phòng, chống rửa tiền còn phải dành nhiều thời gian cho việc xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.

Năm là, nhiều vụ việc được yêu cầu ngoài chức năng, nhiệm vụ của Cục Phòng, chống rửa tiền: Trợ giúp rà soát, cung cấp thông tin theo yêu cầu của các đơn vị công an trong quá trình điều tra các vụ án riêng biệt hoặc thông tin, phục vụ công tác nghiệp vụ về kinh tế, hình sự hoặc phục vụ an ninh, chính trị quốc gia. Công việc này đòi hỏi bộ phận thu thập, xử lý thông tin phải đầu tư thời gian, nhân lực quá nhiều nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ xử lý báo cáo giao dịch đáng ngờ, đến việc thực thi nhiệm vụ chính của Cục Phòng, chống rửa tiền.

5. Các giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng ở Việt Nam

Thứ nhất:  nhóm giải pháp thuộc về Nhà nước

Hoàn thiện cơ sở pháp luật và xử lý các vi phạm liên quan phòng, chống rửa tiền. Nhà nước cần quan tâm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống rửa tiền để đưa các quy định của Luật vào thực tiễn cuộc sống và dần đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền; Bên cạnh đó, trong các văn bản pháp luật về đầu tư, thương mại, hải quan … cần bổ sung các điều khoản về phòng, chống rửa tiền để đảm bảo công tác phòng, chống rửa tiền được triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả.

Ở khía cạnh khác, Pháp lệnh ngoại hối được ban hành năm 2005, Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 với các quy định về giao dịch ngoại tệ thông thoáng hơn trước giúp các doanh nghiệp dễ dàng trong việc thanh toán, giao dịch với các đối tác nước ngoài. Nhưng đồng thời cũng tạo ra rất nhiều kẽ hở cho tội phạm rửa tiền lợi dụng chuyển “ngoại tệ bẩn” vào trong nước hoặc chuyển ra nước ngoài. Vì vậy, trong thời gian tới cần bổ sung thêm các quy định trong Pháp lệnh ngoại hối hướng tới các mục tiêu về phòng, chống rửa tiền để hạn chế khả năng rửa tiền của bọn tội phạm.

Mặt khác, cần coi cả phòng và chống rửa tiền là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước, cũng như của toàn ngành và từng đơn vị ngân hàng bảo đảm ổn định và lành mạnh nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính - tiền tệ nói riêng. Sử dụng đồng bộ và linh hoạt các công cụ, giải pháp chống rửa tiền; không ngừng hoàn thiện cơ sở pháp lý, phát triển các thể chế và công nghệ, nhân lực trong hoạt động chống rửa tiền. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả công tác chống rửa tiền; bảo đảm việc tuân thủ các quy định phòng, chống rửa tiền của các Ngân hàng thương mại. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác PCRT và cương quyết xử phạt vi phạm hành chính trong việc không tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với các tổ chức tín dụng. Tiến tới hạn chế giao dịch bằng tiền mặt; Hướng các ngân hàng tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền...

4-1722398442.jpg

Những thông tin giao dịch đáng ngờ đã góp phần quan trọng vào công tác điều tra các vụ án, đặc biệt liên quan đến các tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Ảnh: Internet

Thứ hai: nhóm giải pháp thuộc về Ngân hàng Nhà nước

Một là, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rửa tiền. Luật phòng, chống rửa tiền mới được ban hành, người dân chưa hiểu về phòng, chống rửa tiền đã tạo một tâm lý lo lắng cho người dân, đã ảnh hưởng rất lớn đối với các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền. Do đó, ngân hàng Nhà nước cần tuyên truyền để người dân hiểu việc báo cáo của ngân hàng thương mại cũng như việc thực hiện nghiệp vụ của ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng mở các lớp đào tạo về kỹ năng phòng, chống rửa tiền cho các cán bộ ngân hàng thương mại làm công tác giao dịch với khách hàng để có những giải thích kịp thời cho khách hàng về công tác phòng, chống rửa tiền mà ngân hàng đang thực hiện, nhằm tránh những hiểu nhầm không đáng có từ khách hàng.

Tiếp tục đầu tư hệ thống công nghệ thông tin về phòng, chống rửa tiền cho Cục Phòng, chống rửa tiền. Điều này nhằm kết nối chia sẻ thông tin với các bộ, ngành; tăng cường an toàn và bảo mật thông tin; phối hợp với đơn vị bảo trì triển khai nâng cấp phần mềm tiếp nhận dữ liệu và hệ thống phần mềm tích hợp dữ liệu; tăng cường năng lực xử lý của hệ thống; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ xử lý thông tin nội bộ và đối với các tổ chức cung cấp và chia sẻ thông tin.

Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Ngoài ra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cần ban hành quy chế giám sát và đưa tiêu chí tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền vào trong bộ tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng các ngân hàng thương mại. Việc ban hành quy chế giám sát sẽ giúp cho Cơ quan Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nói chung và Cục phòng, chống rửa tiền nói riêng chủ động trong việc thanh tra, giám sát các ngân hàng thương mại. Qua đó đưa ra những biện pháp hữu hiệu yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng, chống rửa tiền.

Ba là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong phòng, chống rửa tiền. Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với vai trò là đầu mối quốc gia về phòng, chống rửa tiền cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và luật pháp quốc tế về phòng, chống rửa tiền; cập nhật, trao đổi các phương thức, thủ đoạn mới về rửa tiền trong nước và quốc tế.

Thứ ba: nhóm giải pháp thuộc về các ngân hàng thương mại

Một là, đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ về công tác phòng, chống rửa tiền. Các ngân hàng cần có chương trình, kế hoạch đào tạo về phòng, chống rửa tiền hiệu quả đảm bảo mọi nhân viên trong tổ chức đều được trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống rửa tiền và đối với nhân viên một số bộ phận cụ thể có liên quan phải được trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu về phòng, chống rửa tiền.

Đồng thời tiến hành thành lập bộ phận chuyên trách về phòng, chống rửa tiền là thực sự cần thiết. Bộ phận chuyên trách này sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng, giám sát thực hiện quy trình nội bộ, thực hiện công tác thu nhập, tổng hợp mọi thông tin về những giao dịch đáng ngờ báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền và đề xuất các biện pháp khác liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và bảo vệ được đơn vị của mình khỏi những rủi ro đáng tiếc.

Hai là, xây dựng và thực hiện nghiêm chỉnh quy trình nội bộ phòng, chống rửa tiền. Ngân hàng thương mại cần thực hiện nghiêm chỉnh quy trình nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Cần có chính sách quy định đảm bảo tất cả cán bộ, nhân viên đều được biết và nhận thức đúng về các chính sách, quy trình nội của đơn vị. Ngân hàng thương mại cần nỗ lực trong việc nhận dạng khách hàng bao gồm cả khách hàng cũ và khách hàng mới và cả những khách hàng tiềm năng có nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ của tổ chức mình.

Ba là, hiện đại hóa công nghệ tin học trong ngân hàng. Đầu tư các phần mềm phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền có khả năng cảnh báo đối với các khách hàng nằm trong “danh sách đen”, lọc tách dữ liệu nằm trong mức giao dịch phải báo cáo, phân loại tài khoản theo mức độ rủi ro … là hoàn toàn phù hợp. Qua đó, hạn chế rủi ro cho ngân hàng.

Kết luận

Việt Nam đã, đang và sẽ ngày càng coi trọng công tác chống rửa tiền qua các ngân hàng. Trên thực tế Việt Nam đã có nhiều động thái và thành công bước đầu đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống rửa tiền. Thách thức và bất cập trong hoạt động chống rửa tiền cũng còn nhiều và nhiệm vụ ngày càng nặng nề cùng với bối cảnh hội nhập mới.

Để ngăn chặn những tác hại to lớn của việc lợi dụng hệ thống ngân hàng để tiến hành rửa tiền, các quốc gia thường thực hiện phương thức phòng, chống rửa tiền thông qua ban hành luật và các quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền; thành lập cơ quan chuyên trách về phòng, chống rửa tiền; thiết lập quy trình phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại; coi trọng đánh giá khách hàng, phân loại rủi ro; kiểm soát các giao dịch đáng ngờ; lưu giữ hồ sơ về khách hàng…

-----------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2023), Nghị định 19/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, Hà Nội.

2. Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao (2019), Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 5 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật hình sự về tội rửa tiền, Hà Nội.

3. Ngân hàng nhà nước (2023), Thông tư 09/2023/TT-NHNN ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, Hà Nội.

4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (215), Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Hà Nội.

5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2022), Luật Phòng, chống rửa tiền , Hà Nội.

6. Trần Quang Hiệp (2009), Công tác đấu tranh phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, Tạp chí Công An nhân dân, số 07, trang 15-19, Hà Nội.

7. Nguyễn Minh Hiền (2011), Phòng ngừa tội phạm rửa tiền ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Học Viện cảnh sát nhân dân, Hà Nội.

8. Nguyễn Đắc Hoan (2007), Hoạt động rửa tiền ở Việt Nam - Giải pháp phòng ngừa, Đề tài cấp bộ, Hà Nội.

9. Nguyễn Hải Giang (2015), Phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng tại việt nam, Luận văn thạc sỹ, Trường đại học kinh tế thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

ThS Nguyễn Duy Huy (Học viện Cảnh sát nhân dân)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin