Tội “ Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” và "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước": Cấu thành tội phạm và những dấu hiệu pháp lý cơ bản

(Pháp lý). Vừa qua, một số cán bộ có chức vụ bị cơ quan điều tra khởi tố tội “ Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” và tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" . Cả 2 tội danh này đều được quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự. Sau đây chúng tôi thông tin về cấu thành tội phạm và những dấu hiệu pháp lý cơ bản của 2 tội danh đặc biệt này.
1-1719394128.jpg

Điều 337 Bộ luật hình sự quy định 02 loại tội phạm riêng biệt. Đó là tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước và tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tư liệu bí mật nhà nước (Ảnh minh hoạ)

Về cấu thành tội phạm

- Về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố. Đối tượng tác động của tội phạm này là Bí mật Nhà nước bao gồm: những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế,  khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

- Mặt khách quan của tội phạm

Điều 337 Bộ luật hình sự quy định 02 loại tội phạm riêng biệt. Đó là tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước và tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tư liệu bí mật nhà nước.

+ Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước

Hành vi làm bộ bí mật Nhà nước được biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói,  chữ viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp bí mật Nhà nước,...Làm lộ bí mật bằng lời nói là trường hợp nói hoặc kể cho người khác nghe những tin tức thuộc bí mật Nhà nước mà mình biết; Làm lộ bí mật bằng  chữ viết là trường hợp nói hoặc kể cho người khác bí mật Nhà nước mà mình biết để người khác đọc; Cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp là trường hợp, người có trách nhiệm quản lý, cất giữ, bảo quản các tin tức bí mật Nhà nước, đã để người khác xem, nghe, đọc, sao chụp hoặc để người khác chiếm đoạt các tin tức đó; Để cho người khác nghe được tin tức bí mật Nhà nước trong trường hợp này là để người khác nghe băng ghi âm chứ không phải kể cho người khác nghe.

Bí mật nhà nước là những tin về vụ việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho nhà nước. 

Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác. Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, được hiểu là hành vi làm cho người (khác) không có trách nhiệm biết được nội dung xác định là bí mật Nhà nước.

+ Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước

Ngay trong tên gọi của điều luật đã cho thấy hành vi khách quan của tội này gồm 03 hành vi là chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật, tài liệu bí mật nhà nước.

Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng các thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để lấy các tài liệu đó hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để lấy các tài liệu đó.

Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng tiền hoặc tài sản để mua tài liệu bí mật Nhà nước để cất giữ, để bán lại cho người khác hoặc bán tài liệu Nhà nước mà mình quản lý, cất giữ cho người khác để lấy tiền hoặc tài sản.

Tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước là làm cho tài liệu bí mật Nhà nước không còn giá trị sử dụng được nữa. Hành vi tiêu hủy được thể hiện bằng nhiều cách như: đốt cháy, xét, nát, nghiền nát, đập phá, dùng các hóa chất để hủy hoại... hành vi tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước cũng giống như hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản, nhưng đối với tài liệu bí mật Nhà nước nhà làm luật không dùng thuật ngữ hủy hoại hoặc cố ý hư hỏng mà thuật ngữ "tiêu hủy" là phù hợp hơn.

Hậu quả của cả hai tội phạm trên đều là những thiệt hại vật chất, ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách, kế hoạch của cơ quan, Nhà nước. Trong một số trường hợp hậu quả của nó có thể là vật chất. Tuy nhiên, hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của cả hai tội phạm trên, tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi khách quan xảy ra.

Ngoài quy định về hành vi khách quan của tội phạm, Điều 337 Bộ luật Hình sự quy định thêm rằng, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này trong trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 - Tội gián điệp.

- Về Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều kiện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12, Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tai một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

- Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ ràng hậu quả nghiêm trọng khi bí mật nhà nước bị tiết lộ hoặc tài liệu bí mật Nhà nước và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Điều luật không quy định về động cơ, mục đích của hành vi làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Tuy nhiên, cần phải xác định động cơ, mục đích phạm tội không nhằm để người nước ngoài sử dụng chống lại Nhà nước Việt Nam. Nếu động cơ, mục đích của người thực hiện tội phạm là để cung cấp thông tin cho nước ngoài nhằm chống phá nhà nước Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội gián điệp - Điều 110. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước với tội gián điệp.

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước

1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, khi xác định hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt tài liệu nhà nước, phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về bí mật nhà nước như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15/11/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020, Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan là tài liệu không thể thiếu khu xác định hành vi phạm tội...

Những dấu hiệu pháp lý cơ bản của tội “ Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”

Tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” là tội phạm được quy định chung trong cùng một điều luật với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau trong cùng một điều luật là căn cứ vào hành vi xâm phạm cùng một khách thể, tác động đến cùng một đối tượng, đó là bí mật nhà nước. Mặt khác, các hành vi phạm tội đều có tính chất nghiêm trọng tương tự như nhau. Vì vậy, khi xác định hành vi phạm tội cũng như khi định tội danh, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng hành vi phạm tội cụ thể để định tội cho chính xác:

Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi cố ý xâm phạm đến bí mật nhà nước thì định tội theo nhiều hành vi mà người phạm tội thực hiện; hành vi phạm tội nào thì định tội đó;  Nếu người phạm tội vừa có hành vi chiếm đoạt bí mật nhà nước, vừa có hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, thì phải định tội là “chiếm đoạt bí mật nhà nước và cố ý làm lộ bí mật nhà nước”; Nếu người phạm tội thực hiện tất cả các hành vi phạm tội quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự, thì phải định tội danh đầy đủ là: “cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy vật, tài liệu bí mật Nhà nước”; Nếu người phạm tội chỉ có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thì định tội danh là “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

2-1719394134.jpg

Ảnh minh hoạ

Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt cóc, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên, lén lút, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Về cơ bản, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản quy định ở chương các tội xâm phạm sở hữu nên có thể hiểu một cách khái quát là: chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là hành vi cướp, cưỡng đoạt, công nhiên, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tham ô tài liệu bí mật nhà nước.

Chủ thể của tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người không thuộc trường hợp quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự[1] và  đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm tội này cũng thường là những người có trách nhiệm giữ tài liệu bí mật nhà nước.

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Bởi lẽ, theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 337).

Đây là quy định mới có lợi cho người phạm tội so với Bộ luật Hình sự năm 1999, vì khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, do đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 263 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Nay khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã liệt kê các điều luật về các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó không có Điều 337. Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm này thường là những người có chức vụ, quyền hạn nắm giữ các tài liệu bí mật nhà nước và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, còn đối với người khác, nếu có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thì họ có thể là đồng phạm.

Tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” là tội xâm phạm hoạt động quản lý hành chính nhà nước về việc bảo đảm sự an toàn của những tin tức mà nhà nước chưa công bố hoặc không công bố. Đối tượng tác động của tội phạm này là những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà nhà nước chưa công bố hoặc không công bố. Việc xác định đối tượng tác động của tội phạm này phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này cần lưu ý: Trong số những tài liệu bí mật nhà nước, thì có những tài liệu khi đã được công bố, nó không còn là bí mật nữa nhưng văn thư vẫn đóng dấu “MẬT”, làm cho nhiều người ngộ nhận đó là tài liệu mật. Ví dụ: Đề án, phương án, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo, thông báo ý kiến chỉ đạo, kết luận của các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương; hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nội dung đánh giá về thực trạng hoạt động của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có hoạt động gây ảnh hưởng đến chính trị, an ninh quốc gia; về xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ cấp chiến lược khi chưa công bố thì đó là bí mật nhà nước, nhưng khi đã công bố thì không còn là bí mật nhà nước nữa[2].

Người phạm tội chiếm đoạt là chiếm đoạt thông tin bí mật trong tài liệu bí mật nhà nước, chứ không phải bản thân tài liệu, vì vậy có trường hợp tài liệu không bị mất nhưng thông tin bí mật trong tài liệu đó đã bị người phạm tội chiếm đoạt thì người phạm tội vẫn bị coi là đã chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Tuy nhiên, muốn chiếm đoạt được thông tin bí mật nhà nước thì trước hết người phạm tội phải chiếm đoạt tài liệu có thông tin bí mật nhà nước. Trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay, rất ít trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài liệu mà chỉ chụp, sao chép nội dung của tài liệu bí mật nhà nước, mà không chiếm đoạt tài liệu có nội dung bí mật nhà nước.

Trường hợp người phạm tội không chiếm đoạt tài liệu hoặc cũng không sao chép tài liệu có nội dung bí mật nhà nước, mà chỉ cố ý hoặc vô ý “kể lại cho người khác” nghe về thông tin bí mật nhà nước thì cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội phạm tội này, mà tùy trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước.

Nếu các tài liệu bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực công tác quân sự đã được quy định riêng thành các tội phạm thuộc Chương XXV- Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu thì không phải là đối tượng của tội phạm này nữa.  Các tài liệu bí mật nhà nước là đối tượng điều chỉnh của tội “gián điệp” cũng không phải là đối tượng của tội phạm này.  Các tài liệu bí mật khác, như bí mật công tác, bí mật đời sống riêng tư, bí mật gia đình… không phải là đối tượng của tội chiếm đoạt bí mật nhà nước.

Hành vi khách quan của tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi khách quan, đó là “chiếm đoạt” nhưng với nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý tài liệu bí mật nhà nước, hoặc dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo người giữ tài liệu bí mật nhà nước; lạm dụng tín nhiệm hoặc lén lút chiếm đoạt các tài liệu bí mật nhà nước, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật nhà nước để chiếm đoạt các tài liệu đó.

Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn, cũng như đối với một số trường hợp chiếm đoạt khác như: chiếm đoạt vũ khí quân dụng, chiếm đoạt ma túy…, nên nhà làm luật quy định thành một tội độc lập. Nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản, nhưng trong tài sản có tài liệu bí mật nhà nước mà người phạm tội không có mục đích chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thì họ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tài sản.

Nếu người phạm tội không có mục đích rõ ràng, miễn là chiếm đoạt tài sản còn tài sản đó là cái gì thì không quan tâm và trong tài sản đã chiếm đoạt có tài liệu bí mật nhà nước nhưng vẫn cất giữ hoặc tiêu hủy thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.  Hậu quả của tội phạm này không phải là yếu tố định tội. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là rất cần thiết vì nó là dấu hiệu định khung hình phạt.

Nếu người phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước mà bí mật đó thuộc loại tối mật thì người phạm tội bị áp dụng điểm a khoản 2; nếu gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa thì bị áp dụng điểm c khoản 2 của điều luật; nếu người phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước mà bí mật đó thuộc loại tuyệt mật thì người phạm tội bị áp dụng điểm b khoản 3 của điều luật; nếu gây tổn hại về chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thì bị áp dụng điểm đ khoản 3 của điều luật.

Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là do cố ý, tức là khi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, vì bản chất của hành vi chiếm đoạt đã chứa đựng sự cố ý phạm tội.

Người phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước có thể với nhiều động cơ khác nhau nhưng chủ yếu là vì động cơ cá nhân. Tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng việc xác định động cơ đối với người phạm tội là rất quan trọng. Nếu vì động cơ vụ lợi, sau khi chiếm đoạt được đã đem bán lấy tiền hoặc lợi ích vật chất, thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội mua bán tài liệu bí mật nhà nước; nếu chiếm đoạt rồi tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước mà mình đã chiếm đoạt thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu hủytài liệu bí mật nhà nước; nếu chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước rồi cung cấp cho các cá nhân, tổ chức để chống lại Nhà nước Việt Nam thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp, còn hành vi chiếm đoạt tài liệu chỉ là hành vi thực hiện tội gián điệp.

Tuy nhiên, nếu trước và trong khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, người phạm tội chưa có ý định cung cấp cho cá nhân, tổ chức để chống lại Nhà nước Việt Nam, nhưng sau khi đã chiếm đoạt được tài liệu bí mật nhà nước mới cung cấp cho cá nhân, tổ chức để chống lại Nhà nước Việt Nam, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” và tội gián điệp.

Người phạm tội chiếm đoạt là chiếm đoạt thông tin bí mật trong tài liệu bí mật nhà nước, chứ không phải bản thân tài liệu, vì vậy có trường hợp tài liệu không bị mất nhưng thông tin bí mật trong tài liệu đó đã bị người phạm tội chiếm đoạt thì người phạm tội vẫn bị coi là đã chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Tuy nhiên, muốn chiếm đoạt được thông tin bí mật nhà nước thì trước hết người phạm tội phải chiếm đoạt tài liệu có thông tin bí mật nhà nước. Trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay, rất ít trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài liệu mà chỉ chụp, sao chép nội dung của tài liệu bí mật nhà nước, mà không chiếm đoạt tài liệu có nội dung bí mật nhà nước. Trường hợp người phạm tội không chiếm đoạt tài liệu hoặc cũng không sao chép tài liệu có nội dung bí mật nhà nước, mà chỉ cố ý hoặc vô ý “kể lại cho người khác” nghe về thông tin bí mật nhà nước thì cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội phạm tội này, mà tùy trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước.

Xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với cán bộ viên chức đang làm trong các cơ quan nhà nước, việc bảo vệ bí mật nhà nước là hết sức quan trọng. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy xảy ra khá nhiều trường hợp vô ý hoặc cố ý đã làm lộ bí mật nhà nước. Bài viết xin cung cấp thêm thông tin kiến thức pháp luật để độc giả nắm rõ những trường hợp nếu vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính với các mức sau đây:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Không ban hành quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan, tổ chức, địa phương theo quy định của pháp luật;

+ Sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;

+ Không thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền;

+ Không bàn giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước;

+ Sử dụng bí mật nhà nước không đúng mục đích;

+ Xác định bí mật nhà nước đối với tài liệu không chứa nội dung bí mật nhà nước, đóng dấu chỉ độ mật lên tài liệu không chứa nội dung bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;

+ Xác định sai độ mật theo quy định của pháp luật;

+ Không xác định, đóng dấu chỉ độ mật bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Thu thập bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;

+ Không thực hiện biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả khi để xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước;

+ Không thông báo với cơ quan, người có thẩm quyền khi xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước;

+ Không loại bỏ bí mật nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước;

+ Tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật;

+ Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình hoặc hình thức khác trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước mà không được phép của người có thẩm quyền;

+ Làm sai lệch, hư hỏng tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước;

+ Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;

+ Vào địa điểm lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước hoặc quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước mà không được phép của người có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Làm lộ bí mật nhà nước; làm mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật;

+ Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông không đúng quy định của pháp luật.

(Trích Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Minh Anh – Nam Kiên (t/h)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin