Theo đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, tài sản hình thành trong tương lai, tài sản được hình thành trong lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, chứng khoán, quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên… được xác định là tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Xác định cụ thể các bên tham gia giao dịch
Ngày 4/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm nêu rõ: Trải qua 13 năm thi hành, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP) ngày 22/2/2012) quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự năm 2005 về giao dịch bảo đảm đã góp phần tích cực trong tạo lập, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, làm tăng cơ hội tiếp cận cho người dân trong tham gia quan hệ nghĩa vụ dân sự, trong tìm kiếm các nguồn vốn và thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ kinh tế - xã hội liên quan.
Tuy nhiên, trong bối cảnh BLDS năm 2015 và hệ thống pháp luật có liên quan có nhiều chính sách, quy định mới trong điều chỉnh quan hệ dân sự, sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, có tính hội nhập ngày càng cao của kinh tế - xã hội và một số quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP còn những điểm chưa thực sự phù hợp dẫn tới yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị định này để bảo đảm hơn nữa về sự đồng bộ, thống nhất, về bảo đảm hiệu lực, tính khả thi trong quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những chính sách được đưa ra tại đề nghị xây dựng Nghị định đó là hoàn thiện cơ chế pháp lý xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm. Theo đó, hướng dẫn cơ chế pháp lý trong thi hành các quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm trong xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm bao gồm cá nhân, pháp nhân…
Theo nhận định của đại diện Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam có nhiều quy định của BLDS năm 2015 chưa được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, vướng mắc nhiều nhất hiện nay là các giao dịch bảo đảm mà chủ thể xác lập, thực hiện là thành viên hộ gia đình, là người chưa thành niên, nhất là các giao dịch liên quan đến khai nhận thừa kế. Do vậy, cần tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan đến chủ thể và cơ chế đăng ký giao dịch bảo đảm là về hình thức hay nội dung để có thể xác định rõ trách nhiệm của cơ quan đăng ký và của công chứng viên.
Còn đại diện Tổng cục THADS đề xuất cần quy định rõ thành viên hộ gia đình, thành viên tổ hợp tác là người xác lập các giao dịch bảo đảm chứ không nên quy định chung là hộ gia đình, tổ hợp tác đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể để xác định được ai là thành viên để tạo thuận lợi cho các giao dịch.
Xác định tài sản dùng để bảo đảm
Cùng với việc xác định chủ thể, đề nghị xây dựng Nghị định còn tập trung vào chính sách hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác định tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo hướng làm rõ hơn quy định BLDS 2015, luật khác có liên quan đến tài sản được dùng, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế là đối tượng của bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Trong đó, xác định tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như: tài sản hình thành trong tương lai; bất động sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được cấp hoặc chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng; tài sản được hình thành trong lĩnh vực đặc thù như tài sản liên quan đến ngân hàng, tài khoản chứng khoán, quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên…
Về nội dung này, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc xây dựng Nghị định này trong việc nhận diện và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt trong thu hồi, xử lý nợ xấu, giúp các giao dịch được được thuận lợi, an toàn. Hiện nay, các vấn đề liên quan tới quyền thu, giữ tài sản bảo đảm đang được giải quyết khá thuận lợi tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, vì vậy mong muốn Nghị định khi được xây dựng sẽ kế thừa các quy định về thu, giữ tài sản bảo đảm của Nghị quyết số 42.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh theo hai khía cạnh là cụ thể hóa một số quy định mà BLDS còn quy định chung và quy định biện pháp thi hành. Về chủ thể, do các quan hệ pháp luật dân sự ngày càng đa dạng, có nhiều thay đổi nên cần lưu ý trong việc xác định chủ thể trong các giao dịch, đặc biệt là thành viên hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân. Về tài sản bảo đảm, nghiên cứu mở rộng phạm vi, nhất là tài sản đặc thù, tài sản hình thành trong tương lai và có thể cân nhắc thêm tài sản số.
Thứ trưởng yêu cầu các chính sách cần bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; bảo đảm tương thích, phù hợp với các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời cần rà soát kỹ các quy định để tránh chồng chéo, đặc biệt là các quy định của BLDS và các luật liên quan đến tài sản, quyền sở hữu như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Chứng khoán… Đặc biệt, các chính sách cần bám sát nguyên tắc tổ chức, cá nhân được làm những gì pháp luật không cấm, cơ quan nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép đồng thời tôn trọng quyền thỏa thuận của các chủ thể.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/tu-phap/mo-rong-pham-vi-tai-san-bao-dam-497821.html