Làm căn cước công dân gắn chíp thì những giấy tờ thông tin liên quan đến nhà đất, bảo hiểm, ngân hàng, thuế…, sẽ thế nào?

(Pháp lý) - Đổi thẻ CCCD có gắn chip thì có giữ được số CMND hay CCCD cũ? Nếu thay đổi rồi thì những giấy tờ liên quan đến ngân hàng, nhà đất, bảo hiểm… có ghi thông tin CMND cũ sẽ như thế nào? Vì đó là những vấn đề lớn gắn sát sườn tới quyền lợi của mỗi người dân và cũng là những vấn đề người dân quan tâm trước khi “ chốt” việc đi làm thẻ CCCD gắn chíp, rất cần được các cơ quan chức năng liên thông giải quyết để không gây khó khăn phiền phức cho dân.

3 vấn đề lớn người dân quan tâm hỏi

Có bắt buộc phải đổi qua làm CCCD ? Chắc chắn phải đổi lại CCCD có gắn chíp trong thời gian tới. Vì sắp tới, thẻ CCCD sẽ thay toàn bộ cho CMND (cũ). Tuy nhiên, trong thời gian này, CMND vẫn còn hiệu lực sử dụng, nếu chưa có nhu cầu cấp thiết để đổi vẫn có thể dùng CMND cho các thủ tục hành chính.

Đổi thẻ CCCD thì có giữ được số CMND cũ? Nếu thay đổi rồi thì những giấy tờ liên quan đến ngân hàng, nhà đất, bảo hiểm… có ghi thông tin CMND cũ sẽ như thế nào?
CMND chỉ có 9 số, còn CCCD 12 số. Vì vậy đổi thẻ CCCD sẽ phải thay đổi dãy số, không như CMND nữa. Như vậy, thủ tục cấp CCCD là cấp mới, không phải là cấp đổi. Ngoài ra, khi nhận thẻ CCCD gắn chíp mới sẽ được cơ quan công an cấp thêm tờ giấy xác nhận thay đổi số CMND 9 số qua CCCD 12 số. Trong tương lai, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ có máy quét thẻ chíp có thể cập nhật được sự thay đổi về số.

- Khi đi làm CCCD cần mang theo những giấy tờ gì? Mang theo hộ khẩu và CMND cũ để tra cứu thông tin. Cơ bản thông tin cá nhân đã được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo hộ khẩu và CNMD cũ phục vụ cho việc tra cứu những trường hợp chưa cập nhật thông tin lên dữ liệu. Nhưng cứ mang theo cho chắc. Đến làm CCCD trải qua các thủ tục tra cứu thông tin, lăn tay, chụp ảnh tại chỗ. Quy trình mất khoảng 15 phút cho mỗi người.

Để được cấp căn cước công dân hợp lệ, người dân phải bổ sung đầy đủ các trường thông tin bắt buộc trong sổ hộ khẩu nhất là thông tin về ngày, tháng, năm sinh, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch… Vì vậy, người dân cần kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ hộ khẩu, nếu chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cần liên hệ cơ quan Công an nơi làm thủ tục đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm căn cước công dân.

Hiện nay, đa số người dân ở tuổi trung niên và lớn tuổi trong sổ hộ khẩu thường không có thông tin ngày, tháng, năm sinh. Đối với các trường hợp này, người dân phải đem theo bản sao giấy khai sinh có ngày, tháng, năm sinh đến cơ quan Công an để bổ sung.

Công dân có giấy khai sinh nhưng không có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh hoặc từ trước đến nay không có giấy khai sinh, không xác định được ngày, tháng, năm sinh thì phải liên hệ Ủy ban nhân dân nơi đăng ký thường trú để được tư pháp hộ tịch hướng dẫn thủ tục bổ sung ngày, tháng, năm sinh vào giấy khai sinh hoặc cấp giấy khai sinh. Sau đó, bổ sung đầy đủ vào sổ hộ khẩu để phục vụ việc cấp căn cước công dân.

Và sau đây chúng tôi xin giải đáp cụ thể hơn việc làm căn cước công dân gắn chíp thì những giấy tờ thông tin liên quan đến nhà đất, bảo hiểm, ngân hàng, thuế…, sẽ thế nào?

Phải thay đổi thông tin đăng ký thuế

Theo quy định khoản 2, 3 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Do đó, khi thay đổi từ CMTND sang thẻ CCCD gắn chíp, người nộp thuế cần thay đổi thông tin đăng ký thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 theo 1 trong 2 hình thức được hướng dẫn tại Thông tư 105/2020/TT-BTC sau đây.

Ảnh minh họa

Trường hợp cá nhân có ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cá nhân và người phụ thuộc thì phải thông báo cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi; tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý thuế chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ủy quyền của cá nhân.

Theo hướng dẫn khoản 3 Điều 10 Thông tư 105/2020/TT-BTC, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế trong trường hợp người nộp thuế thay đổi từ chứng minh nhân dân 9 số sang căn cước công dân gắn chíp như sau:

Đối với trường hợp nộp qua cơ quan chi trả thu nhập: Người nộp thuế cần có giấy ủy quyền (đối với trường hợp chưa có văn bản ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập trước đó); Bản sao các giấy tờ có thay đổi thông tin liên quan đến đăng ký thuế của cá nhân hoặc người phụ thuộc. Theo đó, cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp thông tin thay đổi của cá nhân hoặc người phụ thuộc vào Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TH-TCT hoặc mẫu số 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.

Đối với trường hợp nộp trực tiếp tại cơ quan thuế: Người nộp thuế phải có Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC; Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch Việt Nam; Bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài trong trường hợp thông tin đăng ký thuế trên các Giấy tờ này có thay đổi.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người nộp thuế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm cập nhật các thông tin thay đổi vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

Không bắt buộc phải sửa thông tin trong giấy tờ nhà đất ?

Ảnh minh họa

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) nêu rõ, thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được thể hiện tại trang 1 của Giấy chứng nhận.

Cá nhân trong nước thì ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi "CMND số:…"; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi "CMQĐ số:…"; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi "CCCD số:…"; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi "Giấy khai sinh số…".

Khi có thay đổi về thông tin số CMND sang CCCD gắn chíp, người sử dụng đất có quyền thay đổi thông tin trên sổ đỏ theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT).

Cụ thể, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp đồng thời với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Tuy nhiên, những trường hợp đổi từ CCCD mã vạch sang căn cước công dân gắn chip không làm thay đổi số CCCD nên không cần phải sửa thông tin trên sổ đỏ.

Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, khi số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân có thay đổi mà người sử dụng đất không thay đổi thông tin trong Giấy chứng nhận thì cũng không bị hạn chế quyền chuyển nhượng, tặng cho nhà đất.

Trên thực tế, nhiều trường hợp khi số căn cước công dân đang sử dụng khác với số ghi trong Giấy chứng nhận vẫn bị làm khó khi chuyển nhượng, tặng cho. Khi đó, người sử dụng đất có quyền yêu cầu cơ quan thực hiện trả lời bằng văn bản về lý do từ chối thực hiện, nếu không sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện.

Có ảnh hưởng tới thủ tục hưởng bảo hiểm không?

Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định các trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội như sau:

Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng; Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch.

Với quy định này, có thể thấy, không ghi nhận trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội khi đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 3835/BHXH-CST nêu:

Nếu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Như vậy, khi người lao động thay đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân hoặc thay đổi thông tin trên các loại thẻ này đều không phải thực hiện thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội và việc thay đổi số chứng minh thư nhân dân của bạn không ảnh hưởng đến việc nhận trợ cấp thai sản cũng như các chế độ bảo hiểm xã hội sau này.

Tuy nhiên, số chứng minh nhân dân hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quản lý đối tượng của cơ quan bảo hiểm xã hội. Do đó, người lao động nên lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS) để cơ quan cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.

Đối với quyền lợi của người dân tại các Ngân hàng thì sao?

Theo tìm hiểu tại một số ngân hàng và các phòng giao dịch, việc xử lý giao dịch của khách hàng liên quan đến thay đổi số CMT rất đơn giản. Khi khách hàng đổi CMT từ 9 số sang CMT mới 12 số, hoặc sang CCCD, họ chỉ cần mang CMT hoặc CCCD mới đến ngân hàng để cập nhật thay đổi thông tin khách hàng lên hệ thống, ngân hàng sẽ phô tô lại 1 bản CMT để lưu lại trên hồ sơ. Sau đó, khách hàng hoàn toàn có thể giao dịch với số CMT mới một cách bình thường.

Được biết, khi nhận thẻ CCCD gắn chíp mới , người dân sẽ được cơ quan công an cấp thêm tờ giấy xác nhận thay đổi số CMND 9 số qua CCCD 12 số. Trong tương lai, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ có máy quét thẻ chíp có thể cập nhật được sự thay đổi về số.
Vậy nên khách hàng cần lưu ý, khi làm CCCD mới, cần đến ngân hàng để thông báo với ngân hàng cập nhật thông tin thay đổi.

NHNN cho biết, khi Luật Căn cước công dân được triển khai, NHNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc chỉ đạo, xử lý vướng mắc của tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác (nếu có) để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như bảo đảm an toàn trong các giao dịch ngân hàng.

Hồng Quân

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin