Một số góp ý xây dựng quy định về trách nhiệm của Trọng tài viên khi sửa Luật Trọng tài thương mại

(Pháp lý). Nghiên cứu Luật Trọng tài Thương mại ( TTTM) hiện hành hiện thiếu vắng quy định cụ thể về trách nhiệm hay giới hạn trách nhiệm cho trọng tài viên. Điều này có thể dẫn tới những hệ quả. Do đó, cần nghiên cứu bổ khuyết, qui định rõ vấn đề này khi sửa Luật TTTM tới đây.
1-1720423976.png

Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành tại Luật Trọng tài thương mại 2010, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, vấn đề miễn trừ trách nhiệm của trọng tài viên gần như chưa được đề cập. Hiện tại, chỉ có một quy định tại Khoản 5 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010 liên quan đến việc người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án đòi bồi thường trong trường hợp hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một trong rất nhiều trường hợp có thể phát sinh mà trách nhiệm của trọng tài viên cần phải xem xét. Ngoài ra, quy tắc tố tụng trọng tài của đa số các trung tâm trọng tài tại Việt Nam như VIAC, TRACENT, STAC, PIAC cũng không có quy định đề cập đến trách nhiệm hay giới hạn trách nhiệm cho trọng tài viên.

Việc chưa có quy định về trách nhiệm hay giới hạn trách nhiệm cho trọng tài viên có thể dẫn tới hai hệ quả:

Thứ nhất, khó đảm bảo tính độc lập, vô tư và khách quan của trọng tài vì sự lo ngại sẽ bị các bên khởi kiện hoặc chịu những tác nhân chi phối khác trong quá trình giải quyết tranh chấp và đưa ra phán quyết.

Thứ hai, gây ra sự không rõ ràng trong xác định trách nhiệm của trọng tài viên vì hiện tại pháp luật dân sự cũng chưa có quy định liên quan điều chỉnh vấn đề này. Thậm chí điều này còn liên quan đến việc bản chất “kép” của trọng tài viên sẽ nghiêng về bên nào hơn, như một hoạt động tư pháp hay tiến hành công việc theo hợp đồng - một vấn đề còn đang tranh cãi. Do đó, cần thiết phải có quy định điều chỉnh về trách nhiệm của trọng tài, trên cơ sở thực trạng và định hướng phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của Việt Nam.

Theo Đề cương dự thảo Luật Trọng tài thương mại cập nhật đến ngày 23/10/2023[1], một trong hai phương án mà ban soạn thảo đề ra là bổ sung quy định về quyền miễn trừ trách nhiệm và phạm vi trách nhiệm của hội đồng Trọng tài và Trọng tài viên, theo hướng tương tự quy định của Luật mẫu UNCITRAL[2] (UNCITRAL Arbitration Rules 2021) (“Luật mẫu”). Theo Điều 16 Luật mẫu, các bên chỉ có quyền yêu cầu trọng tài chịu trách nhiệm trong trường hợp trọng tài có hành vi cố ý làm sai (intentional wrongdoing). Theo đó, mọi khiếu nại đối với trọng tài viên, cơ quan chỉ định và bất kỳ người nào được hội đồng trọng tài chỉ định dựa trên bất kỳ hành động hoặc thiếu sót nào liên quan đến trọng tài đều không được chấp nhận. Theo chúng tôi, phạm vi giới hạn trách nhiệm này khá rộng.

Đa số quy định pháp luật về trọng tài các nước đều đặt ra vấn đề về miễn trừ trách nhiệm của trọng tài viên, đặc biệt là giới hạn cho sự miễn trừ này. Pháp luật Việt Nam thật sự cần thiết hòa vào xu thế chung đó, một mặt giúp tranh thủ được sự tin tưởng của tổ chức, cá nhân khi lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp, một mặt tạo điều kiện để phát triển tố tụng trọng tài, đảm bảo những nguyên tắc cơ bản như tính chung thẩm của phán quyết, tính vô tư và khách quan của trọng tài viên.

Vấn đề cốt lõi trong xây dựng quy định về trách nhiệm trọng tài viên là việc cân bằng trong mức độ chịu trách nhiệm, làm sao để đồng thời đảm bảo việc các trọng tài viên độc lập, vô tư và khách quan trong xét xử và chất lượng xét xử của trọng tài viên: chất lượng trong tiến hành thủ tục tố tụng cũng như nội dung phán quyết.

Theo quan điểm của tác giả, một số vấn đề sau cần được xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng quy định về trách nhiệm của trọng tài viên:

Thứ nhất, cần xác định xây dựng rõ việc quy định theo hướng (i) Trao cho trọng tài viên quyền miễn trừ nhưng có sự giới hạn ở một số trường hợp nhất định hay (ii) Quy định yêu cầu trọng tài viên phải chịu trách nhiệm, chỉ được miễn trừ trong một số trường hợp. Hiện tại, hướng xây dựng của Luật mẫu đang là hướng (i), chỉ giới hạn ở trường hợp trọng tài viên “cố ý làm sai”.   

Thứ hai, cần giải thích khái quát cụm từ “intentional wrongdoing” một cách phù hợp. Nếu tạm dịch cụm từ trên là “hành vi cố ý làm sai” thì cần giải thích như thế nào là “cố ý làm sai” và làm sai ở góc độ nào, về mặt tố tụng hay về mặt nội dung tranh chấp. Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy đa phần quy định các nước sẽ không yêu cầu trọng tài viên chịu trách nhiệm nếu họ có sai sót về mặt nội dung, tức áp dụng quy định pháp luật và giải quyết chưa đúng luật vụ tranh chấp. Theo đó, các nhà lập pháp cần xác định có loại trừ trách nhiệm của trọng tài viên ở góc độ giải quyết chưa thỏa đáng về mặt nội dung tranh chấp hay không, hay nói cách khác là cần hiểu “cố ý làm sai” ở đây bao gồm cả tình huống trọng tài viên cố tình áp dụng sai quy định pháp luật hay không. Việc tách bạch trách nhiệm của trọng tài viên trong các vấn đề liên quan đến mặt tố tụng và mặt nội dung của vụ tranh chấp rất quan trọng. Vì dù sao đi nữa, liên quan đến khả năng giải quyết tranh chấp, trọng tài viên nên được giới hạn trách nhiệm khi họ đưa ra một phán quyết có sự sai sót. Bởi lẽ họ là người được các bên trực tiếp hoặc gián tiếp lựa chọn trên cơ sở tin tưởng về chuyên môn, được trao đầy đủ thẩm quyền để xem xét và giải quyết tranh chấp. Việc gán trách nhiệm cho trọng tài viên về mặt nội dung cũng sẽ khiến họ dè chừng, không đảm bảo tính độc lập, vô tư, khách quan khi xét xử.

Thứ ba, một vấn đề nữa cần xem xét là có nên quy định theo hướng trao cho các trung tâm trọng tài quyền được xây dựng quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm đối với trọng tài viên thuộc trung tâm mình hay không. Vì đây là nội dung quan trọng, tác giả đề xuất cần quy định cụ thể trong luật và không mở rộng quyền quy định khác cho trung tâm trọng tài. Điều này sẽ đảm bảo sự thống nhất, vị thế ngang bằng giữa các trung tâm trọng tài, đồng thời ràng buộc trọng tài viên của bất kỳ trung tâm nào cũng thuộc một phạm vi chịu trách nhiệm nhất định, tránh sự mâu thuẫn, phân biệt giữa trọng tài viên các trung tâm, trong từng vụ việc giải quyết.  

-------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Luật sư Nguyễn Nhật Dương

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin