Đại biểu kiến nghị Quốc hội giám sát gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ và 26 nghìn tỉ

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu đề nghị, Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỉ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng trong năm 2021.

Kiến nghị giám sát 2 gói hỗ trợ

Sáng nay (21.7), tiếp theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Là đại biểu phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho các đoàn giám sát. Chính vì vậy phải có kịch bản cho việc đi lại, giám sát, bố trí nhân sự đối với các đoàn giám sát.

Theo đó, danh sách đoàn giám sát phải mở để khi có dịch thì phân công cho đồng chí ở địa phương đó đại diện cho đoàn thực hiện việc giám sát.

31-1626850187.jpg

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh Quốc hội

Ngoài ra, vị đại biểu Đoàn TPHCM cũng kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng quy trình cho đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu Quốc hội thực hiện việc tự giám sát.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020-2021 hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến năm 2022, bên cạnh với công tác tiêm chủng vaccine thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Vì vậy, Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỉ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng trong năm 2021.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng Quốc hội cần thực Chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng thời gian qua lại ít kiểm tra, ít giám sát”, ông Vân nhấn đề xuất.

Không có hậu giám sát thì như "lưỡi dao chặt xuống nước"

Thảo luận thêm về các chuyên đề giám sát, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng vấn đề giám sát, nhất là nội dung giám sát tối cao của Quốc hội là rất cần thiết.

Cơ bản tán thành với tinh thần tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó sẽ lựa chọn danh sách chuyên đề cụ thể, đại biểu Vũ Trọng Kim, khi đưa chương trình cụ thể từng chuyên đề, chúng ta thường có kế hoạch chặt chẽ, có thời gian, có nội dung, có yêu cầu và khi thực hiện báo cáo giám sát nêu rất cụ thể về những kết quả đạt được, những ưu điểm, tồn tại kể cả những vấn đề kiến nghị.

32-1626850220.jpeg
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định). Ảnh Quốc hội.

Nhưng vấn đề tồn tại chưa được quan tâm thoả đáng trong chủ trương thực hiện giám sát này từ trước tới nay đó là vấn đề “hậu giám sát”. Do vậy, đại biểu Kim đề nghị khi lập chương trình thì cần đặt ra việc “hậu giám sát” để giao cho cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc theo dõi, báo cáo Quốc hội.

“Trong những kiến nghị đó, các địa phương, các đối tượng được giám sát có những kết quả gì, đã thực hiện như thế nào chứ không phải như “lưỡi dao chặt xuống nước” sau khi “lưỡi dao rút lên rồi thì nước lại như cũ””- đại biểu Kim nhấn mạnh.

Theo ông Kim, cần có chương trình giám sát công phu nhưng sau đó đạt kết quả như thế nào để thực hiện những kiến nghị cần hết sức lưu ý. Kể cả những kiến nghị của các đoàn giám sát với các ngành và Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị này cần báo cáo kết quả đã thực hiện hay trả lời những kiến nghị đó cụ thể.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc "hậu giám sát" còn quá thấp, quá chậm, thậm chí có nơi không có đi để hậu giám sát.

Sắp tới cần có chương trình hậu giám sát để xem những kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát ở địa phương, đơn vị ngành đã tổ chức thực hiện đến đâu, kết quả. như thế nào.

Theo laodong.vn

Nguồn bài viết: https://laodong.vn/thoi-su/dai-bieu-kien-nghi-quoc-hoi-giam-sat-goi-ho-tro-62-nghin-ti-va-26-nghin-ti-932798.ldo

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin