
Đề xuất hình phạt mới tù chung thân không xét giảm án
Một trong 6 điều mới được Bộ Công an đề xuất bổ sung trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đó là áp dụng mức phạt tù chung thân không xét giảm án vào danh mục các hình phạt với tội phạm, tại 14 tội danh.
Theo đó, tù chung thân không xét giảm án được hiểu " là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình”. Án phạt này được đề xuất áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị tuyên tử hình. Thời hiệu thi hành bằng thời hiệu của án tù chung thân và tử hình, tức 20 năm.
Hình phạt tù chung thân không xét giảm án sẽ không áp dụng với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Người bị kết án tù chung thân không xét giảm án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân.
Trong 14 tội danh được Bộ Công an đề xuất bổ sung án tù chung thân không xét giảm án, có 7 tội sẽ dùng hình phạt này là mức án cao nhất, thay cho tử hình, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Gián điệp (Điều 110); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tham ô tài sản (Điều 353) và Nhận hối lộ (Điều 354).

Nhóm bị cáo hầu tòa trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Với người phạm tội Tham ô tài sản hoặc Nhận hối lộ bị phạt tù chung thân không xét giảm án, dự thảo đề xuất nếu trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân (mức án nhẹ hơn liền kề).
7 tội danh dự kiến có khung hình phạt chung thân không xét giảm, song vẫn giữ nguyên án tử hình là mức phạt nặng nhất gồm: Phản bội Tổ quốc (Điều 108); Bạo loạn (Điều 112); Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Giết người (Điều 123); Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và tội Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).
Bộ luật Hình sự hiện nay của Việt Nam quy định (tại Điều 32) 8 hình phạt chính với người phạm tội gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân và tử hình.
7 hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính và trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Đáng chú ý, trong dự thảo lần này, Bộ Công an cũng đề xuất thêm 2 hình phạt bổ sung là cấm nhập cảnh và giám sát điện tử.
Đối với mỗi hành vi phạm tội, bị cáo chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị một hoặc một số hình phạt bổ sung. Theo điều 31, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh và thay bằng hình phạt "tù chung thân không xét giảm án". Theo đó, các tội này, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Trọng Đạt, nguyên cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, bày tỏ đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về bỏ án tử hình với 8 tội danh, trong đó có nhóm tội tham nhũng là tham ô tài sản, nhận hối lộ.
Ông Đạt chỉ rõ các tội danh tham ô tài sản, nhận hối lộ đều có liên quan đến vấn đề về kinh tế nên yếu tố kinh tế phải được đặt lên đầu tiên. Nên nếu chỉ tập trung "phạt cho thật nặng" không phải giải pháp tốt nhằm thực hiện mục tiêu này. Xu thế chung của thế giới hiện nay cũng theo hướng giảm hoặc bỏ hình phạt tử hình, nhất là tội phạm về kinh tế. Vì vậy, đề xuất trên là phù hợp với xu thế chung.
Ông Đạt phân tích thêm "Thực tế, ai cũng muốn sống cả. Có thể lúc tham ô, tham nhũng không nghĩ đến sống chết nhưng khi bị phát hiện, bị xử lý mới thấy hoảng sợ và lúc đó mới thấy rõ tiền nhiều cũng chẳng để làm gì. Cách tốt nhất phải ăn năn, hối cải, hợp tác, tích cực nộp lại tiền tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt trái phép", ông Đạt nói.
"Sự nghiêm minh của pháp luật thể hiện ở chỗ mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị phát hiện, xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, chứ không phải tử hình hoặc bỏ tù cho thật nhiều. Dù bỏ hình phạt tử hình nhưng người phạm các tội danh trên vẫn phải đối mặt với hình phạt chung thân không xét giảm án.
Ông Đạt cũng đề xuất các cơ quan chức năng nên bỏ quy định về việc nộp lại 3/4 tài sản, thay vào đó yêu cầu người phạm tội tham nhũng phải nộp lại tối đa hoặc 100% tài sản. "Đã là tiền tham ô, tham nhũng, bất chính thì người phạm tội phải nộp 100%, còn nếu nói 3/4 thì số tiền bất chính 1/4 còn lại đi đâu", ông Đạt đề nghị.
Cần nghiên cứu, cân nhắc kĩ lưỡng khi bỏ án tử hình tội một số tội
Mới đây, khi chủ trì buổi họp Hội đồng thẩm định Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất bỏ hình phạt tử hình với tội 'Tham ô tài sản và Nhận hối lộ', bởi hai tội danh này có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng, Nhà nước. Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đồng tình với quan điểm này.
Cho ý kiến tại cuộc họp, ông Dương Minh Nghĩa (đại diện Văn phòng Chủ tịch nước) đồng tình với chủ trương loại bỏ hình phạt tử hình, thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án đối với một số tội danh được nêu trong dự thảo. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng cần có sự cân nhắc toàn diện hơn, dựa trên cả lý luận và thực tiễn đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng nếu chúng ta quyết định bỏ hình phạt tử hình.
Theo ông Nghĩa, đối với tội 'Vận chuyển trái phép chất ma túy' trong bối cảnh hiện nay việc loại bỏ hình phạt tử hình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nếu bỏ tử hình cần xem xét liệu hình phạt thay thế có đủ sức răn đe, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay không.
Với tội 'Tham ô tài sản và Nhận hối lộ', hiện đang trong giai đoạn quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Nghĩa cũng đề nghị phải xem xét kỹ lưỡng việc bỏ tử hình. Thực tiễn cho thấy, các trường hợp bị xử tử hình vì tội tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn và ở độ tuổi nhất định. Nếu thay thế bằng tù chung thân không xét giảm, về lâu dài sẽ khó đạt được mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng, vì hình phạt không đủ áp lực buộc người phạm tội hợp tác.

Bà Trương Mỹ Lan đã bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình về tội tham ô tài sản trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1)
Bên cạnh đó, ông Nghĩa đề cập thêm việc xem xét ân giảm hiện nay thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, trong khi dự thảo Bộ luật đang đề xuất mở rộng phạm vi xem xét ân giảm đối với hình phạt tù chung thân không xét giảm án, thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật qua nhiều thời kỳ.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng, Viện KSND Tối cao cho biết, Viện đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội 'Vận chuyển trái phép chất ma tuý'. Bởi thực tế hiện nay, còn nhiều vụ án vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Còn đối với các tội 'Tham ô tài sản và Nhận hối lộ', đại diện Viện KSND Tối cao cũng đề nghị tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ hình phạt tử hình.
Theo ông Nam, hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng bộ máy trong sạch, thu hút đầu tư và tạo lập môi trường phát triển bền vững. Dù tư tưởng nhân văn, khoan hồng trong chính sách hình sự là xu hướng đáng khuyến khích nhưng không vì thế mà lơi lỏng nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nếu loại bỏ hình phạt tử hình với các tội danh này vào thời điểm hiện nay e rằng sẽ khiến xã hội hiểu lầm công cuộc chống tham nhũng đang "giảm nhiệt" hoặc dừng lại.
Cho ý kiến tại buổi họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng với các tội danh mà Bộ Công an đề xuất bổ sung vào danh sách bỏ hình phạt tử hình. Đặc biệt là hai tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, vì hai tội danh này liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng, Nhà nước hiện nay. Thực tế cho thấy, những quy định nghiêm khắc trong đó có hình phạt tử hình, đã góp phần tạo ra hiệu quả rõ rệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Về hình phạt tù chung thân không xét giảm án, Thứ trưởng Oanh lưu ý dù gọi là "không xét giảm án", nhưng pháp luật vẫn có quy định về ân giảm và việc này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, chủ yếu áp dụng với các trường hợp đặc xá, đại xá. Việc đưa thêm hình phạt là tù chung thân không xét giảm án có thể dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Thế giới áp dụng án tù không giảm án thế nào
Hiện có 65 quốc gia đang áp dụng án tù chung thân không ân xá là hình phạt cao nhất. Các tội danh áp dụng phần lớn đều liên quan giết người, tội phạm tình dục, khủng bố, tra tấn tàn ác, ma túy, phản quốc.
Tại Mỹ và phần lớn nước châu Âu, án chung thân được chia 2 loại. Chung thân không xác định là án tù chung thân buộc người phạm tội phải chấp hành án tù ít nhất một thời gian (15, 20 hoặc 25 năm), sau đó mới có quyền làm đơn xin ân xá. Loại còn lại là án chung thân xác định - cách gọi khác của hình phạt chung thân không ân xá.
Ở Pháp, tù chung thân là hình phạt cao nhất chỉ áp dụng với tội giết người nghiêm trọng, phản quốc, khủng bố, trùm ma túy và các trọng tội khác dẫn đến tử vong hoặc liên quan đến tra tấn.
Tại Singapore, án tử hình đang được áp dụng cho hơn 40 tội danh, liền kề là án tù chung thân. Theo Điều 54 Bộ luật Hình sự nước này, tù chung thân "có nghĩa là tù trong suốt cuộc đời tự nhiên của một người". Sau khi phạm nhân thụ án chung thân 20 năm, Bộ trưởng Nội vụ phải xem xét lại vụ án để đưa ra quyết định miễn giảm. Nếu phạm nhân không đủ điều kiện, định kỳ hai năm một lần, Bộ trưởng vẫn phải xem xét việc ân xá.
Đề xuất bổ sung thêm 27 tội bị xử lý hình sự dù chuẩn bị phạm tội
Cũng tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất bổ sung thêm 27 tội phải chịu trách nhiệm hình sự dù mới chuẩn bị phạm tội.
Cụ thể điều 14 dự thảo bộ luật nêu rõ chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.
Các tội danh được đề xuất bổ sung còn có điều 141 (hiếp dâm), điều 142 (hiếp dâm người dưới 16 tuổi), điều 143 (cưỡng dâm), điều 144 (cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi). Điều 145 (giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), điều 146 (dâm ô đối với người dưới 16 tuổi), điều 147 (sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm), điều 150 (mua bán người). Điều 151 (mua bán người dưới 16 tuổi), điều 157 (bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật), điều 170 (cưỡng đoạt tài sản), điều 171 (cướp giật tài sản), điều 193 (sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm).
Điều 194 (sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh), điều 208 (làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác), điều 248 (sản xuất trái phép chất ma túy), điều 251 (mua bán trái phép chất ma túy).
Điều 304 (chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự), điều 305 (chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ).
Điều 306 (chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ). Điều 309 (sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân), điều 311 (sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc).
Điều 341 (làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức), điều 348 (tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép). Điều 349 (tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép), điều 359 (giả mạo trong công tác), điều 361 (cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác).
Đề xuất bỏ cơ quan điều tra Viện KSND tối cao
Đáng chú ý, tại dự thảo luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bỏ quy định về cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao. Theo đó, hệ thống cơ quan điều tra sẽ chỉ còn CQĐT của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Trong đó, cơ quan điều tra của CAND sẽ rút gọn từ 3 cấp như quy định hiện hành (gồm Bộ Công an, cấp tỉnh và cấp huyện) xuống còn 2 cấp là Bộ Công an và cấp tỉnh.
Trong đó, nhiệm vụ tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (thuộc thẩm quyền xét xử của TAND) sẽ được chuyển giao từ CQĐT Viện KSND tối cao sang cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Nhiệm vụ tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự) sẽ được chuyển giao từ CQĐT Viện kiểm sát quân sự T.Ư sang cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng.

Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND tối cao khám xét phòng làm việc của 1 bị can (nguồn ảnh: Báo Bảo vệ pháp luật)
Theo đó, dự thảo luật bổ sung thẩm quyền điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an. Cụ thể, đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân (sau khi bỏ cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Dự thảo bổ sung thẩm quyền điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Quốc phòng đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự.
Dự thảo cũng bãi bỏ các điều khoản quy định cụ thể về tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra CAND, giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định căn cứ vào cơ cấu tổ chức của bộ này.
Đối với cơ quan điều tra trong QĐND, dự thảo giữ nguyên như quy định hiện hành, trong đó cơ quan điều tra hình sự gồm 3 cấp: Bộ Quốc phòng, cấp quân khu và cấp khu vực.
Cơ quan An điều tra Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự), thay cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự T.Ư như hiện nay. Đồng thời, tổ chức bộ máy các cơ quan điều tra trong QĐND sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 Luật năm 2015 theo hướng không quy định Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hệ thống Cơ quan điều tra vì Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát lại vừa thực hiện thẩm quyền điều tra sẽ không đảm bảo được tính khách quan trong quá trình tố tụng hình sự. Đồng thời, bảo đảm mối quan hệ chế ước, kiểm soát lẫn nhau gữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 5, Điều 6 Luật năm 2015 về tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra của CAND, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân theo hướng: Bỏ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện; giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan điều tra của CAND; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân để đảm bảo sự linh hoạt trong sắp xếp tổ chức bộ máy.
Dự thảo Luật cũng đã bỏ Điều 7 Luật năm 2015 do không quy định Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hệ thống Cơ quan điều tra.
Bộ Công an cho hay, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an đã có sự thay đổi, trong đó không tổ chức công an cấp huyện. Chính phủ cũng ban hành các nghị định quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vì vậy tên gọi của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư) có sự thay đổi.
Chưa kể, thực tế thi hành các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của luật hiện hành đang bộc lộ những khó khăn nhất định.
Một số thẩm quyền trong thực hiện các hoạt động tố tụng còn hạn chế và một số quy định còn chưa phù hợp với các quy định của bộ luật Tố tụng hình sự gây ra vướng mắc khi áp dụng trên thực tế.
Với những lý do trên, Bộ Công an khẳng định việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là yêu cầu cấp thiết, khách quan.
Cần thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo
Cuối tháng 3, Viện KSND tối cao có văn bản góp ý về nội dung trên. Cơ quan này đưa ra nhiều căn cứ và đề nghị giữ nguyên quy định về cơ quan điều tra Viện KSND tối cao như hiện hành.
Viện KSND tối cao dẫn Kết luận số 92-KL/TW năm 2014 của Bộ Chính trị nêu: "Giữ nguyên hệ thống tổ chức các cơ quan điều tra chuyên trách tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự T.Ư như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ”. Vẫn theo Viện KSND tối cao, viện kiểm sát là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp.

Một chức năng quan trọng của VKS là kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong ảnh là Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tống đạt các quyết định tố tụng trong vụ án xảy ra ở Cục Thi hành án dân sự TP Đông Hà, Quảng Trị, năm 2023
Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn luật định, Viện kiểm sát tham gia tất cả các hoạt động tố tụng tư pháp hình sự, lĩnh vực tố tụng dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động... Mặt khác, Viện kiểm sát cũng có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại và tố cáo của các cơ quan tư pháp. Do vậy, Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có điều kiện theo sát, nắm chắc các hoạt động giải quyết vụ việc, vụ án của các chủ thể tiến hành tố tụng; có điều kiện để phát hiện xử lý các tội phạm trong lĩnh vực tư pháp hiệu quả hơn các cơ quan khác. Việc giao cho Viện kiểm sát có thẩm quyền điều tra các tội phạm trong lĩnh vực tư pháp như quy định hiện nay là phù hợp.
Viện KSND tối cao cũng cho rằng, Viện kiểm sát có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp nói riêng. Việc cơ quan điều tra Viện KSND tối cao thực hiện nhiệm vụ điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và các tội phạm về tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp nhằm góp phần bảo đảm cho một nền tư pháp trong sạch, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Ngoài ra, Viện KSND tối cao dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...) công tố viên hoặc kiểm sát viên thực hiện hoạt động điều tra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Về bản chất, đây là công tác nối dài của quyền công tố, nhằm mục đích phòng ngừa oan sai, chống vi phạm trong hoạt động tố tụng tư pháp.
Mới đây, chiều ngày 5.4, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp hội đồng thẩm định dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Cuộc họp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến bộ ngành khác cho rằng cần giữ nguyên thẩm quyền điều tra của CQĐT Viện KSND tối cao như hiện hành.
Kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá hầu hết thành viên Hội đồng thẩm định đều đưa ra ý kiến cần giữ nguyên thẩm quyền điều tra của CQĐT Viện KSND tối cao cũng như CQĐT trong quân đội.
Theo bà Oanh, cơ quan soạn thảo chỉ nên tập trung sửa đổi các vấn đề liên quan trực tiếp tới cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, trong đó có việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không còn công an cấp huyện. Còn các nội dung khác cần thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo.
Hồ sơ thẩm định cho thấy, trước khi đề xuất như đã nêu, tại dự thảo trước đó, Bộ Công an từng đưa ra 2 phương án: một là bỏ CQĐT Viện KSND tối cao; hai là giữ quy định về thẩm quyền của CQĐT Viện KSND tối cao như hiện hành, riêng trường hợp xâm phạm hoạt động tư pháp do cán bộ thuộc Viện KSND thì chuyển CQĐT Bộ Công an.