Thẩm phán phải viết án tốt để tạo nguồn phát triển án lệ

19/08/2021 09:58

Theo TAND Tối cao, nhiều thẩm phán chưa nâng cao chất lượng viết án nên một số bản án, quyết định được ban hành chưa bảo đảm tính chuẩn mực, không thể làm nguồn án lệ.

Mới đây, TAND Tối cao ban hành Văn bản 136 về việc tăng cường hơn nữa công tác phát triển, áp dụng án lệ trong TAND.

Án lệ công bố chưa đáp ứng yêu cầu

Theo Văn bản 136, kết quả tổng kết năm năm phát triển án lệ cho thấy dù chánh án TAND Tối cao đã ban hành Chỉ thị 04/2016 về việc tăng cường phát triển và công bố, áp dụng án lệ trong xét xử nhưng thực tế chỉ số ít có đóng góp trong việc rà soát, nghiên cứu, đề xuất nguồn để phát triển thành án lệ. Còn lại đa số tòa án, đơn vị, cá nhân chưa tham gia vào việc phát triển án lệ.

121-1629341767.jpeg
TAND Tối cao yêu cầu thẩm phán nâng cao kỹ năng viết án để đáp ứng yêu cầu làm nguồn án lệ. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Nhiều thẩm phán chưa nâng cao chất lượng viết án dẫn đến một số bản án, quyết định được ban hành chưa bảo đảm tính chuẩn mực, không đáp ứng được yêu cầu làm nguồn án lệ. Số lượng bản án, quyết định được đề xuất là nguồn án lệ còn hạn chế... dẫn đến lượng án lệ được công bố chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trước tình hình này, chánh án TAND Tối cao yêu cầu chánh án TAND và tòa án quân sự các cấp, vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I, II, III TAND Tối cao nghiêm túc tổ chức thực hiện các quy định tại Điều 3 và Điều 8 Nghị quyết 04/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc đề xuất các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ và áp dụng án lệ. Lãnh đạo các tòa án quán triệt cho thẩm phán, hội thẩm và các chức danh tư pháp khác nghiên cứu nội dung của các án lệ đã được chánh án TAND Tối cao công bố để xem xét áp dụng vào thực tiễn công tác. Lãnh đạo các tòa án tăng cường tập huấn kỹ năng viết án cho các thẩm phán.

Đối với các vụ án có định hướng đề xuất phát triển thành án lệ, các thẩm phán cần “xây dựng án lệ” từ khi viết bản án, quyết định có chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn án lệ nhằm nâng cao chất lượng nguồn án lệ. Lãnh đạo các tòa án cần hướng dẫn thẩm phán cách viện dẫn án lệ.

Một năm đề xuất ít nhất 2-5 bản án, quyết định

Theo lãnh đạo TAND Tối cao, các đơn vị thuộc TAND Tối cao tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Mục 3 đến Mục 9 Phần I Chỉ thị 04/2016 về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử.

TAND Tối cao cũng đưa ra chỉ tiêu đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ cho các tòa. Cụ thể, các TAND Cấp cao, TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương mỗi đơn vị phải đề xuất ít nhất năm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ/năm.

Các vụ Giám đốc kiểm tra I, II, III mỗi đơn vị phải đề xuất ít nhất ba bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ/năm.

Các tòa án quân sự quân khu và tương đương mỗi đơn vị phải đề xuất ít nhất hai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ/năm (tòa quân sự trung ương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ này của các tòa quân sự quân khu và tương đương).

Tiêu chí lựa chọn án lệ

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí, hướng dẫn sau cho TAND Tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ:

1. Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.

2. Có tính chuẩn mực.

3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Các tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí trên và gửi cho TAND Tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.

Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định.

(Theo Nghị quyết 04/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) 

Theo plo.vn

Nguồn bài viết: https://plo.vn/phap-luat/tham-phan-phai-viet-an-tot-de-tao-nguon-phat-trien-an-le-1008843.html

Bạn đang đọc bài viết "Thẩm phán phải viết án tốt để tạo nguồn phát triển án lệ" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin