Công tác kiểm soát quyền lực, hoàn thiện chính sách pháp luật, thu hồi tài sản tham nhũng nhìn từ vụ Cty AIC.

(Pháp lý) – Nghiên cứu vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan, cho chúng ta thấy rõ những thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi của các bị can trong hoạt động đấu thầu, móc ngoặc công – tư, đưa nhận hối lộ… Vụ án để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm về công tác kiểm soát quyền lực quan chức, hoàn thiện chính sách pháp luật... Đặc biệt những kinh nghiệm trong điều tra chứng minh tội phạm tham nhũng, chức vụ, thu hồi tài sản tham nhũng….
anh-1-1668502408.png

Cơ quan cảnh sát điều tra ( C03) Bộ Công an đã có nhiều kiến nghị quan trọng từ vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC 

Nhận diện những thủ đoạn phạm tội tinh vi.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 36 bị can có liên quan.

Theo kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND tối cao truy tố 36 bị can về 5 nhóm tội danh: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố về 2 tội danh: Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.  Bị can Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ"…

Nghiên cứu vụ án này cho thấy các đối tượng đã sử dụng đủ mọi chiêu thức, thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội:

1. Thông đồng, móc ngoặc công tư nhằm thao túng trong đấu thầu, nâng khống giá gói thầu: Đây là những thủ đoạn thường thấy trong các vụ án về đấu thầu. Theo đó, để dễ dàng trúng thầu các đối tượng thường móc nối các cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư và nhiều doanh nghiệp khác nhau, cài cắm các điều khoản có lợi cho doanh nghiệp hoặc để giá các gói thầu cao hơn giá trị thực tế vốn có của nó và từ đó trục lợi từ ngân sách sau đó chia chác nhau, trong đó đặc biệt là các đơn vị thẩm định giá đã câu kết, thông đồng với nhau “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực, bằng các chứng thư thẩm định.

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập Công ty AIC và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Công ty này chuyên kinh doanh trang thiết bị y tế, là doanh nghiệp được cổ phần hoá từ một trung tâm xuất khẩu lao động trực thuộc công ty của Bộ GTVT.

Để được tham gia, trúng thầu các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, từ năm 2003, bà Nhàn đã tiếp cận và đặt mối quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành khi ông đang là phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Từ đây, bà Nhàn tiếp tục mở rộng quan hệ với lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở thông qua sự giới thiệu về Công ty AIC của ông Thành và nhờ lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện tham gia các dự án tại tỉnh. Sau đó bà Nhàn và cấp dưới đã nhiều lần gặp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để nhờ vả, tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng thầu các gói mua sắm thiết bị trong dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

anh-2-1668502439.jpg

Từ trái qua, từ trên xuống lần lượt là cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, cựu bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành, nguyên giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ và cựu giám đốc Sở KH&ĐT Bồ Ngọc Thu

Ngoài ra, để có thể thao túng các gói thầu, bà Nhàn còn móc nối để ông Vũ đã chỉ định Công ty Mediconsult do Nguyễn Thị Dung làm tổng giám đốc ký hợp đồng thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.

Sau đó, bà Nga chỉ đạo nhân viên Công ty AIC phối hợp với lãnh đạo, nhân viên Công ty Mediconsult làm việc với các phòng, ban của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để từ đó đề xuất các cấp phê duyệt điều chỉnh dự án. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, bà Nhàn, bà Nga chỉ đạo nhân viên liên hệ các hãng, các đơn vị cung cấp để thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến, làm cơ sở phê duyệt giá đầu ra, bán vào bệnh viện.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn đề nghị ông Vũ giới thiệu nhân viên móc nối với ông Nguyễn Công Tiến (Công ty thẩm định giá Thế Hệ Mới) để cung cấp các báo giá để thẩm định theo giá định hướng của Công ty AIC. Theo chỉ đạo của bà Nhàn, bà Nga, toàn bộ các báo giá làm căn cứ thẩm định giá đều nâng khống lên từ 1,3 - 2 lần so với giá đầu vào.

2. Giả mạo hoặc sai lệch hồ sơ dự thầu; thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, quây thầu: Trong quá trình tham gia đấu thầu, bản thân Nguyễn Thị Thanh Nhàn biết rõ việc Công ty AIC không đủ năng lực tài chính để tham dự thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu. Bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế đã nộp tại Cục Thuế Hà Nội để bà Nhàn ký, đưa vào HSDT, đảm bảo Công ty AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định của HSMT.

Đồng thời, chỉ đạo cấp dưới mua HSMT, lập HSDT cho cả công ty "quân chính" và công ty "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp HSDT cho đủ số lượng theo quy định.

Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng toàn bộ 16 gói. Trong đó Công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói thầu với tổng trị giá 477 tỉ đồng. Công ty Thành An Hà Nội trúng 2 gói thầu với tổng giá trị theo hợp đồng hơn 96 tỷ đồng; Công ty BMS trúng gói thầu có giá trị theo hợp đồng 49,33 tỷ đồng; Công ty TNT trúng gói thầu trị giá theo hợp đồng hơn 42 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu được chủ đầu tư thanh toán, các công ty trên chuyển lại tiền cho Công ty AIC, toàn bộ hoạt động giao hàng, quản lý Dự án đều do nhân viên của Công ty AIC thực hiện.

3. Thành lập bộ phận chuyên trách để hối lộ quan chức: Để chi tiền đối ngoại bôi trơn dự án, bị can Nhàn lập Ban Thư ký tài chính và trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động. Mọi thu chi của ban không hạch toán vào phần mềm kế toán của AIC. Nguồn tiền ban có được do công ty sân sau chuyển về sau khi nâng khống giá trị các hợp đồng mua hàng.

Theo kết luận điều tra, ban Thư ký tài chính là điểm xuất phát của dòng tiền mà lãnh đạo AIC mang đi hối lộ quan chức. Từ năm 2011 - 2020, một số nhân viên của AIC đã nhận tiền từ quỹ của ban và chuyển đến tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh - nhân viên của một công ty khác do bà Nhàn lập ra và điều hành. Mỗi lần nhận được chỉ đạo, Phương Anh rút tiền mặt để giao cho bà Nhàn và thuộc cấp mang đi "bôi trơn", chi "ngoại giao" cho các cá nhân là lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư.

Với các cách thức trên, tại Đồng Nai, bà Nhàn đã hối lộ hơn 43 tỉ đồng cho các cựu quan chức Đồng Nai. Cụ thể, bà Nhàn đã trực tiếp đưa tiền và chỉ đạo ông Trần Mạnh Hà đưa ông Trần Đình Thành 6 lần với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng; đưa ông Đinh Quốc Thái 14 lần với tổng số 14,5 tỷ đồng; đưa ông Phan Huy Anh Vũ 6 lần với tổng số tiền 14,8 tỷ đồng vì đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh quyết toán tại các gói thầu...

Lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực và lỗ hổng chính sách

Nhìn lại toàn bộ diễn biến của vụ án, để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực cán bộ, công tác hoàn thiện chính sách pháp luật.

1. Về kiểm soát quyền lực, ngăn chặn cấu kết công - tư bắt tay trục lợi: Trước tiên phải khẳng định đây không phải là một vấn đề mới, bởi trong rất nhiều bài viết phân tích về các vụ án tham nhũng, tiêu cực mà Tạp chí Pháp lý đã đăng tải trước đây, chúng tôi cũng đã chỉ ra tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các cán bộ, công chức với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư nhằm trục lợi với các hình thức “bảo kê”, “sân sau”…

Thực tế này đã phản ánh thực trạng quản lý cán bộ, công chức thời gian qua còn lỏng lẻo, cơ chế kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát quyền lực “ mềm “ đang còn nhiều bất cập và là lỗ hổng lớn để các công chức thoái hóa biến chất có không gian vi phạm pháp luật. Đây là một bài học kinh nghiệm sâu sắc trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như công tác quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát quyền lực “mềm” hiện nay.

Nhìn vào vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai chúng ta lại càng thấy rõ hơn điều này. Bởi, chính từ sự ưu ái, tạo điều kiện của hàng loạt cán bộ, quan chức từ lãnh đạo chóp bu, bí thư, chủ tịch tỉnh cho đến lãnh đạo các sở ngành của Đồng Nai đã giúp cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn dễ dàng thao túng các gói thầu, giúp công ty của bà Nhàn dù không đủ năng lực, gian lận hồ sơ vẫn dễ dàng trúng đến 16 gói thầu.

Và để có được sự ưu ái đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bôi trơn bằng những khoản tiền hối lộ hàng chục tỉ đồng để tác động vào quyền lực từ lãnh đạo chóp bu, bí thư, chủ tịch tỉnh cho đến các sở ngành.

Thậm chí còn bằng cả những thủ đoạn vận động, can thiệp vào nguồn phân bổ ngân sách từ trung ương – một dạng biểu hiện của quyền lực “mềm”. Dưới tác động của nó (quyền lực “mền”) có thể làm thay đổi những quyết định đúng pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn (người được trao quyền lực “cứng”). Điều này, thể hiện qua lời khai của các bị can, như lời khai của bị can Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khai, đã ký các quyết định có lợi cho AIC không chỉ từ mối quan hệ của Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Bí thư tỉnh Đồng Nai mà còn mục đích để Nhàn hỗ trợ tỉnh Đồng Nai xin vốn từ Ngân sách Trung ương.

Đặc biệt, cơ quan điều tra đã nhận thấy điều này và đưa ra kiến nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các địa phương tại các dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt đối với nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch. Có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái quy định.

anh-3-1668502439.jpg

Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị can khác trong  vụ án đang bỏ trốn

2. Lỗ hổng chính sách pháp luật: Nghiên cứu nhiều vụ án liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu thầu trước đây, chúng tôi nhận thấy nhiều lỗ hổng lớn trong trong các quy định pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, qua những nghiên cứu đó, chúng tôi đã đưa ra những kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật, bịt kín những kẽ hở pháp luật.

Qua vụ án này, lại càng thấy rõ việc hoàn thiện chính sách pháp luật có vai trò quan trọng thế nào trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, đặc biệt là chống tham nhũng, tiêu cực trọng hoạt động đấu thầu.

Nếu như không có những lỗ hổng trong các quy định trong Luật đấu thầu; lỗ hổng trong các quy định về thẩm định giá trong Luật giá. Cả những những bất cập, hạn chế trong các quy định về cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu; lỗ hổng cơ chế kiểm soát quyền lực của các bộ, đặc biệt kiểm soát quyền lực của những quan chức có quyền quyết định đấu thầu, hạn chế sự lạm quyền của cán bộ, quan chức bảo kê doanh nghiệp thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, quây thầu… thì có lẽ sẽ không có đất để cho các đối tượng “làm xiếc” với những gói thầu như vậy.

 Đây cũng là những vấn đề lớn mà Cơ quan điều tra Bộ công an rút ra từ quá trình điều tra vụ án này. Từ đó, Bộ công an kiến nghị kiến nghị, cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai giá thiết bị, hàng hóa trên thị trường để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện việc nâng giá bất hợp lý. Yêu cầu các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc doanh nghiệp nâng giá thông qua việc mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng. Sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính như sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan thuế, năng lực kinh nghiệm để đảm bảo các đơn vị dự thầu có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt “quân xanh”.

Kinh nghiệm trong chứng minh tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Lâu nay việc chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ rất khó khăn. Bởi, việc tìm ra những bằng chứng, chứng cứ để chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm này thực sự không dễ dàng, trong vụ án này cũng vậy.

Để có cơ sở chứng minh được hành vi đưa nhận hối lộ, bên cạnh lời khai của các bị can, cơ quan điều tra cũng đã vẫn đụng vận dụng một cách linh hoạt những biện pháp, cách thức thu thập triệt để những thông tin, tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án để củng cố tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.

Theo kết luận điều tra, bị can Thành khai 6 lần nhận tổng cộng 14,5 tỉ đồng từ Nhàn; bị can Thái khai trong 14 lần nhận tiền thì 10 lần do Nhàn đưa; Vũ 6 lần nhận tiền từ cấp dưới của bà Nhàn.

Cũng theo cơ quan điều tra, số tiền nhận hối lộ, bị can Thành khai đưa phần lớn tiền cho vợ để gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản. Cơ quan công an đã lấy lời khai của vợ ông Thành, cùng sao kê tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán bà này thực hiện từ năm 2009 đến 2020 và xác định phù hợp với lời khai của bị can.

Trong khi đó, bị can Thái khai, số tiền 14,5 tỉ đồng nhận hối lộ một phần để đưa cho vợ đóng học phí cho 2 con du học bên Mỹ. Vợ ông Thái cũng trình tài liệu liên quan đến tiền đóng học phí cho hai con. Theo đó, cơ quan điều tra thấy vợ chồng ông Thái khai phù hợp với nhau.

Mặt khác cơ quan điều tra cũng đã cho các bị can thực nghiệm địa điểm nhận, cất tiền và các túi đựng tiền. Ngoài ra, cơ quan điều tra đã thu thập toàn bộ sao kê tài khoản ngân hàng của thủ quỹ, nhân viên Ban thư ký Tài chính để xác định số tiền nhóm nhân viên này đã nhận và sử dụng. Cơ quan điều tra cũng trích xuất một số dữ liệu lưu lại tại USB thể hiện số tiền bị can Nhàn và cấp dưới đã đưa hối lộ cho Thành, Thái, Vũ. Từ đó, cơ quan điều tra đủ cơ sở để cáo buộc 3 bị can trên có hành vi nhận hối lộ.

Qua đó cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là cơ quan điều tra rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để vận dụng trong điều tra, xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng, đặc biệt những vụ án có dấu hiệu của tội phạm “đưa – nhận” hối lộ tới đây.

Kinh nghiệm thu hồi tài sản tham nhũng.

Những năm qua, bên cạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực thì công tác thu hồi tài sản luôn là một vấn đề khó khăn đối với cơ quan chức năng, bởi, với tội phạm kinh tế, tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có chức vụ, quyền lực chính trị… sẽ tìm mọi cách “tẩu tán” ngay từ khi có được tài sản phi pháp.

Vụ án còn cho chúng ta bài học kinh nghiệm trong công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Theo đó, để công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đạt hiệu quả tốt nhất, trước tiên cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Trong đó vai trò lớn nhất là cơ quan điều tra trong quá trình điều tra phải kịp thời truy vết, phong toả, kê biên thu hồi tài sản có được do các đối tượng phạm tội mà có.

Cụ thể, ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, đề ra các biện pháp hữu hiệu để thu hồi triệt để tài sản bị thiệt hại. Vụ án chỉ ra rằng, mặc dù, Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn trước khi bị khởi tố, tuy nhiên cơ quan điều tra đã kịp thời phong tỏa hơn 100 tỉ đồng trong tài khoản của AIC và kê biên nhiều biệt thự, nhà đất để đảm bảo thi hành án.

Đồng thời, ngoài việc áp dụng đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự kịp thời khám xét, thu giữ, tạm giữ và kê biên tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nên các đối tượng phạm tội đã tự nguyện nộp tài sản.

Trong vụ án này cho thấy, gia đình cựu bí thư Trần Đình Thành và gia đình cựu chủ tịch Đinh Quốc Thái nộp 29 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của C03 để khắc phục hậu quả. Gia đình bị can Phan Huy Anh Vũ - cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - đã nộp 10 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Gia đình bị can Bồ Ngọc Thu - cựu giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư - cũng nộp 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.  Đây là số tiền các bị can đã nhận hối lộ từ bà Nhàn.

Bên cạnh đó, một số công ty liên quan trong vụ án cũng nộp lại số tiền lớn để khắc phục hậu quả: Công ty TNT đã nộp lại hơn 3,5 tỉ; Công ty Tạ Thiên Ân đã nộp lại số tiền hơn 643 triệu; Công ty Tâm Hợp nộp lại 500 triệu và Công ty Việt Tiên đã nộp lại hơn 120 triệu đồng.

Kết mở

Nhìn lại toàn bộ vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan đến thời điểm này, cho chúng ta thấy rõ những thủ đoạn phạm tội của các bị can từ thông đồng móc ngoặc giữa các cán bộ, công chức với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư nhằm thao túng, nâng khống giá trong đấu thầu; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ dự thầu; thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, quây thầu; đưa nhận hối lộ… Từ đó rút ra nhiều bài học về hoàn thiện chính sách pháp luật, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn cấu kết công tư trục lợi. Đặc biệt những bài học kinh nghiệm về điều tra chứng minh tội phạm, về thu hồi tài sản tham nhũng…

Qua đây, có thể thấy rõ những nỗ lực không nhỏ của cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan điều tra C03 Bộ Công an trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù xảy ra trong bất kể thời gian nào, đã tham nhũng thì phải bị xử lý. Bởi dù hành vi sai phạm của các bị can gây ra cách đây nhiều năm và dù có được che chắn dưới vỏ bọc dày đến cỡ nào đi chăng nữa vẫn bị phát hiện, phanh phui và xử lý.

Tuy nhiên, dù dành lời khen cho các cơ quan chức năng trong vụ án này, nhưng với việc Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị can khác đóng vai trò quan trọng trong vụ án bỏ trốn khi bị khởi tố cho thấy vẫn còn lỗ hổng trong các biện pháp ngăn chặn, đặc biệt các quy định về việc giám sát đối với các đối tượng có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng.

Bởi thực tế, đây không phải là lần đầu mà đã có nhiều đối tượng phạm tội tham nhũng, kinh tế bỏ trốn trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án nên việc chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên là thực hiện theo quy định của pháp luật, như Bùi Quang Huy - Giám đốc Nhật Cường Mobile; Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương; Vũ Đình Duy - nguyên Tổng giám đốc PVTex, trước đó là Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy...

Ngoài ra, lâu nay công tác phòng, chống đấu tranh tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng chủ yếu tập trung cho tội phạm chính như tham ô, nhận hối lộ,... mà chưa tập trung xem xét đến hành vi tội phạm phái sinh - tội phạm rửa tiền, và trong vụ án này cũng vậy.

Quá trình điều tra chứng minh tội phạm cho thấy số tiền, tài sản thu được từ các hoạt động tội phạm được các đối tượng chủ yếu sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân mua sắm nhiều bất động sản, tài trợ cho con đi du học nước ngoài... Tuy nhiên, vấn đề có hay không hành vi rửa tiền chưa được cơ quan tố tụng xem xét. Theo chúng tôi, cần xem xét thêm hành vi này để xử lý triệt để vụ án.

Luật Phòng, chống rửa tiền 2013, Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Rửa tiền” cũng như các quy định về thuế, kiểm soát tài sản phục vụ công tác phòng chống rửa tiền đã có. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Chúng tôi cho rằng, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm, đặc biệt là các tội phạm tham nhũng, các cơ quan tố tụng cần phải chú trọng mở rộng điều tra. Nếu phát hiện có các hành vi nhằm hợp pháp hóa những tài sản có được do phạm tội thì cần phải điều tra, truy tố về tội rửa tiền để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Văn Chiến – Bùi Lộc - Thái Dương

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin