“Pháp luật có đầy đủ, khách quan, chặt chẽ thì mới tạo ra được môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, an toàn…”

16/08/2021 13:01

(Pháp lý) - Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XV - TS. Trần Công Phàn với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý trước thềm khai mạc phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV vào ngày 20/07/2021. Kỳ vọng với sự chung sức của tập thể các ĐBQH, trong đó có ĐBQH Trần Công Phàn và nhiều ĐBQH trong giới Luật gia VN sẽ nỗ lực hết sức nhằm góp phần cùng Quốc hội khóa XV tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ, khách quan, chặt chẽ.

21-1626681534.jpg
 

Để thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội…

Phóng viên: Đầu tiên, xin được chúc mừng Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn vừa trúng cử ĐBQH khoá XV. Trước phiên họp đầu tiên của QH khóa XV, xin ông chia sẻ cảm xúc của mình?

Đ/c Trần Công Phàn: Cảm xúc của tôi lúc này là rất vui vì được hội Luật gia Việt Nam giới thiệu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chấp nhận, cử tri đã tin tưởng bầu tôi làm ĐBQH khoá XV. Đây là vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng sẽ là trách nhiệm rất nặng nề đối với cá nhân tôi. Đặc biệt, tôi luôn trăn trở phải làm sao để thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội; đưa được những vấn đề quan trọng, ý chí, nguyện vọng của cử tri, của giới luật gia đến với nghị trường, với Quốc hội;  tham gia đóng góp với Quốc hội những ý kiến sát, đúng, phản ánh đầy đủ, khách quan, thực tế cuộc sống.

Phóng viên: Được biết, trước khi trúng cử là ĐBQH khoá XV và trước khi chuyển về công tác tại HLGVN giữ trọng trách Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký,  ông đã từng có nhiều năm công tác trong ngành tư pháp. Điều này tạo thuận lợi gì trong việc thực hiện chương trình hành động mà ông đã đặt ra với vai trò là ĐBQH?

Đ/c Trần Công Phàn: Từ khi được Đảng đoàn hội Luật gia Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu và quá trình tiếp xúc với cử tri tại đơn vị bầu cử (TP.Thủ Dầu Một và Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), tôi đã xây dựng và báo cáo với cử tri về chương trình hành động gồm 5 điểm:

Thứ nhất: Cố gắng tìm hiểu thực tiễn, nghiên cứu và đóng góp ý kiến nhỏ bé của mình với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương trong việc tổ chức các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, với định hướng tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp, khu đô thị; xây dựng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung,… ; xây dựng TP.Thủ Dầu Một - thủ phủ của Bình Dương, thành đô thị văn minh, hiện đại và giàu đẹp.

Thứ hai, chủ động, tích cực tham gia các hội thảo, tọa đàm, các cuộc họp đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật theo chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Đặc biệt, tôi quan tâm những nội dung liên quan đến pháp luật về đất đai.

Thứ ba, Bình Dương là nơi có nhiều khu công nghiệp lớn, có đông công nhân và người lao động. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cả về vật chất lẫn tinh thần, tôi sẽ chủ động lắng nghe những ý kiến của cử tri, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách pháp luật có liên quan chặt chẽ đến vấn đề bảo vệ người lao động, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Thứ tư, với tư cách là lãnh đạo hội Luật gia Việt Nam, tôi sẽ quan tâm việc tập hợp các luật gia để tập trung làm tốt công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người dưới 18 tuổi, người già, người tàn tật, người nghèo,… để mọi người có cơ hội tiếp cận, nâng cao hiểu biết pháp luật, thực thi pháp luật tốt hơn, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.

Thứ năm, tôi sẽ đề nghị Quốc hội tập trung giám sát có hiệu quả những vấn đề mà nhân dân quan tâm, mong chờ như: Vấn đề chủ quyền quốc gia; vấn đề tham nhũng; việc phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19; vấn đề việc làm; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; vấn đề môi trường và phát triển kinh tế đi đôi với việc giữ gìn bản sắc dân tộc,… để đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh, các chủ trương, chính sách hợp lòng dân được đi vào cuộc sống.

Đồng thời, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã và đang được thực hiện trên địa bàn. Từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định cho phù hợp với những thay đổi của đất nước nói chung và đặc thù của tỉnh Bình Dương nói riêng.

Đối với các vấn đề mới nổi lên của địa phương, tôi sẽ tích cực lắng nghe ý kiến của nhân dân và đề nghị các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

image002-1626681573.jpg
Đ/c Trần Công Phàn Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương: Quyết tâm xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh.

Với gần 40 năm kinh nghiệm công tác, chủ yếu trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, có hơn 10 năm là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hơn 2 năm là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và hiện nay được phân công là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam… sẽ giúp tôi phát huy được vai trò và thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình đó là đại diện cho tiếng nói của hơn 64.000 hội viên hội Luật gia trên cả nước, cũng như đại diện cho tiếng nói của cử tri, người lao động trong các vấn đề, nhất là có liên quan đến luật pháp. Tôi hứa sẽ hoàn thành tốt chương trình hành động mà tôi đã đặt ra.

Mong muốn Quốc hội khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai

Phóng viên: Chương trình hành động mà ông nêu ra, có rất nhiều nội dung quan trọng gắn chặt với những vấn đề thời sự rất nóng hiện nay của đất nước và hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN. Để hiện thực hóa chương trình hành động này, ngay trong các kì họp QH năm 2021 và 2022, ông sẽ chuẩn bị tham gia ý kiến kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản chính sách pháp luật quan trọng nào ? Vì sao?

Đ/c Trần Công Phàn: Qua thực tiễn công tác, tôi nhận thấy nhiều vấn đề phức tạp, nhiều vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế… mà nguyên nhân chính là liên quan đến vấn đề đất đai, các vụ án này xảy ra ngày càng nhiều. Có thể thấy, các qui định pháp luật, cơ chế chính sách về đấu giá, bồi thường, giá đất, thu hồi, tịch thu, thay đổi công năng sử dụng của đất… đang còn nhiều vướng mắc. Đây là vấn đề nóng mà cử tri cả nước cũng như cử tri Bình Dương rất quan tâm. Vì thế, tôi mong muốn chương trình xây dựng luật của Quốc hội sẽ bàn và sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, có thể ngay trong các kì họp QH đầu nhiệm kỳ vào các năm 2021 và 2022. Với nhiệm vụ được giao, tôi sẽ chủ động nghiên cứu các báo cáo tổng kết thực tế bất cập diễn ra hiện nay để đóng góp đề xuất các ý kiến sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan phù hợp.

Hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn các đại án

Phóng viên: Pháp luật về Đầu tư kinh doanh ( Đầu tư công, Đấu giá, Đấu thầu) và pháp luật về Đất đai còn nhiều bật cập và lỗ hổng khi thực thi trong cuộc sống. Nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ra các đại án tham nhũng ở một số tỉnh thành gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua. Là người giữ trọng trách cấp cao trong Ban Lãnh đạo của HLGVN, đồng thời là Đại biểu QH, ông sẽ có những hiến kế giải pháp gì về mặt chính sách PL, góp phần ngăn ngừa các đại án kinh tế tham nhũng ?

Đ/c Trần Công Phàn: Đúng vậy, theo dõi hàng loạt các vụ án tham nhũng gần đây như: các vụ án sai phạm đất đai tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà…; các vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp: Công ty gang thép Thái Nguyên; Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn… đặc biệt, là các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, đấu gia như vụ cao tốc Đà Nẵng  - Quảng Ngãi, vụ Cao tốc Trung Lương… tôi nhận thấy bên cạnh những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính những cán bộ, lãnh đạo có sai phạm, còn có một phần nguyên nhân từ các quy định của luật và việc thực thi pháp luật, ví dụ như những quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể; thiếu quy định giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định, định giá đất… là kẽ hở cho tiêu cực, tạo ra cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng. 

Hay pháp luật về đấu thầu hiện nay cũng đang thiếu những quy định để giám sát cơ quan quản lý đấu thầu; giám sát nhà thầu... dễ dẫn tới sai phạm trong chỉ định thầu, chia nhỏ gói thầu, chuyển nhượng bán thầu thu phí trái quy định… 

image003-1626681624.jpg

 Đ/c Trần Công Phàn Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, đang nghiên cứu tài liệu chuẩn bị phiên họp đầu tiên của QH khóa XV

Cùng với đó là những giải pháp trong việc tổ chức thi hành, làm sao để luật được áp dụng vào thực tiễn một cách rộng rãi nhất, dễ hiểu nhất, hiệu quả nhất, góp phần ngăn ngừa các đại án kinh tế tham nhũng.

Các kỳ họp Quốc hội khóa XV sắp tới đây, với tư cách là ĐBQH tôi sẽ tập hợp, lắng nghe nghiên cứu các ý kiến của cử tri, các luật gia, chuyên gia… Trong đó, có những bài viết phân tích bình luận chuyên sâu được đăng trên Tạp chí Pháp lý về các vấn đề xung quanh những đại án kinh tế, tham nhũng… để từ đó tham gia góp ý kiến nghị tới QH sửa đổi bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật , sửa đổi các luật còn có các quy định bất cập, không đầy đủ, không chặt chẽ… 

Để có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn…, khâu thực thi pháp luật rất quan trọng.

Phóng viên: Nhiều năm là Phó Viện trưởng VKSNDTC, theo ông các cơ quan tư pháp có vai trò quan trọng thế nào trong đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn?

Đ/c Trần Công Phàn: Vai trò của các cơ quan tư pháp nói chung, nhất là các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án ở nước ta là vô cùng quan trọng để đảm bảo môi trường kinh doanh đầu tư vừa an toàn, vừa công bằng, minh bạch.

Vì hệ thống các cơ quan tư pháp sẽ là chủ thể tham gia quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp kinh doanh – thương mại, dân sự và cả các vụ án hình sự có liên quan đến các nhà đầu tư, doanh nhân, doanh nghiệp. Nếu các cơ quan này  mà không công minh, thiếu công bằng thì sẽ gây hậu họa rất lớn. Đặc biệt, đối với môi trường đầu tư kinh doanh, nếu thiếu sự công bằng trong giải quyết các vụ việc phát sinh, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn.

Chỉ khi ngành tư pháp thực sự công minh,  liêm chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tin tưởng, thì kinh tế mới có thể phát triển trong điều kiện tốt nhất. Để ủng hộ cho việc năng động trong phát triển kinh tế, chúng ta cần tôn trọng nguyên tắc: “Được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”,  nhưng đương nhiên không được ảnh hưởng, xâm phạm đến lợi ích của người thứ ba, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải ủng hộ các doanh nghiệp, doanh nhân… tuyệt đối không được hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. 

Để có thể thực sự tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn” tại Việt Nam, đòi hỏi không chỉ ở môi trường chính sách pháp luật rõ ràng minh bạch, mà còn từ khâu áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật của mỗi cá nhân hoạt động trong ngành tư pháp. 

Phóng viên: Là ĐBQH của tỉnh Bình Dương – một trong những tỉnh có cộng đồng DN nhiều nhất cả nước, theo ông để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, phát triển bền vững cho cộng đồng DN nói chung, cần phải có những giải pháp quan trọng nào trong thời gian sắp tới?

Đ/c Trần Công Phàn: Như tôi đã nói ở trên, để có thể thực sự tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi không chỉ ở môi trường chính sách pháp luật rõ ràng minh bạch, mà còn từ khâu áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật. 

Do đó, theo tôi, Pháp luật phải được xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn của xã hội, đây là điều quan trọng. Vì Pháp luật có phản ánh sát với thực tế thì pháp luật mới quay trở lại phục vụ cuộc sống một cách tốt nhất. 

Pháp luật có đầy đủ, khách quan, chặt chẽ thì mới tạo ra được một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, an toàn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư, từ đó tạo tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội. Nếu Pháp luật còn nhiều bật cập, lỗ hổng sẽ tạo cơ hội cho tiêu cực, tham nhũng, trục lợi…

Cùng với đó phải có những giải pháp hữu hiệu trong việc tổ chức triển khai, thi hành pháp luật để pháp luật phải thực sự đi vào cuộc sống,  được áp dụng vào thực tiễn một cách rộng rãi nhất, dễ hiểu nhất và hiệu quả nhất.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đinh Chiến (ghi)
 

Bạn đang đọc bài viết "“Pháp luật có đầy đủ, khách quan, chặt chẽ thì mới tạo ra được môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, an toàn…”" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin