Ảnh minh hoạ
1. Về điều kiện tiếp cận thị trường Việt Nam
Theo quy định tại Mục B.55 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì hoạt động thương mại điện tử thuộc danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài trước tiên cần nắm bắt đầy đủ điều kiện tiếp cận thị trường trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, được quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như pháp luật Việt Nam.
Đối với các điều ước quốc tế: Trong khi WTO không đưa ra cam kết liên quan đến việc tiếp cận thị trường trong lĩnh vực thương mại điện tử, CPTPP lại quy định cụ thể về việc Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào không phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam theo Điều XVI của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ của WTO (GATS)[1]. Theo đó, có thể hiểu rằng trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam có thể quy định các điều kiện tiếp cận thị trường và nhà đầu tư nước ngoài buộc phải tuân thủ.
Đối với các quy định của pháp luật Việt Nam: Căn cứ Điều 67c Nghị định 52/2013/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam phải đáp ứng hai điều kiện về (i) Hình thức đầu tư và (ii) Có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chi phối ít nhất một doanh nghiệp thuộc nhóm năm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam về dịch vụ thương mại điện tử. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về hình thức đầu tư: Mặc dù hoạt động thương mại điện tử có thể tiến hành qua “phương tiện điện tử có kết nối mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”[2], nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn phải thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, hoặc thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp[3]. Như vậy, về cơ bản, việc đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam phải thông qua một doanh nghiệp (có thể là doanh nghiệp được nhà đầu tư thành lập hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp), đồng thời, việc đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh là chưa được cho phép.
Thứ hai, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ một doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm năm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo danh sách do Bộ Công Thương công bố, nhà đầu tư nước ngoài phải có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an. Đối với trường hợp này, nhà đầu tư cần lưu ý hai vấn đề là (i) Thế nào là “chi phối”, và (ii) Doanh nghiệp nào thuộc nhóm năm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đối với vấn đề thứ nhất, theo quy định tại Khoản 3 Điều 67c Nghị định 52/2013/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài chi phối doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi thuộc một trong các trường hợp sau:
“a) Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp;
b) Nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp;
c) Nhà đầu tư có quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm việc lựa chọn nền tảng công nghệ, hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.”
Đối với vấn đề thứ hai, theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư 01/2022/TT-BCT, Bộ Công thương định kỳ hằng năm sẽ công bố danh sách các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử trước ngày 15/3. Hiện tại, quy định này chưa nêu cụ thể kênh hoặc phương tiện mà Bộ Công Thương sẽ công bố thông tin của các doanh nghiệp dẫn đầu. Mặc dù vậy, đối với thông tin này, nhà đầu tư có thể tham khảo các báo cáo thương mại điện tử hoặc sách trắng thương mại điện tử các năm do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương thực hiện[4]. Trong năm 2023, “Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2023” ghi nhận nhóm 05 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực thương mại điện tử bao gồm: Baemin, Be, Gojek, Grab và Lazada[5].
Một vấn đề khác mà nhà đầu tư cần lưu ý, đến từ quy định tại Khoản 2 Điều 67a Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Cụ thể, quy định này yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, quy định này áp dụng đối với các thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam (hay nói cách khác là hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới) mà không phát sinh hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trường hợp đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài buộc phải thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam, như đã đề cập ở trên.
Ảnh minh hoạ
2. Về giấy phép con, thủ tục luật định đối với mỗi loại hình thương mại điện tử
Ngoài việc là ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện, theo quy định tại Mục 59 Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020, hoạt động thương mại điện tử còn là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Cụ thể, sau khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh để được hoạt động theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Đây là “tấm vé thông hành” đầu tiên để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Một điểm đặc thù của lĩnh vực thương mại điện tử chính là sự đa dạng các loại hình hoạt động. Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP, hoạt động thương mại điện tử có thể được chia thành năm loại hình, bao gồm: website thương mại điện tử bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, khuyến mại trực tuyến, đấu giá trực tuyến và hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử. Theo đó, tùy thuộc vào loại hình thương mại điện tử mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, giấy phép con, thủ tục cần thực hiện sẽ có sự khác biệt.
Theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam thông qua website bán hàng, thủ tục cần thực hiện là thông báo website thương mại điện tử bán hàng nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến[6]. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử thì cần thực hiện hai thủ tục bao gồm: (i) Cấp Giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa[7] và (ii) Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử[8]. Điều này được hiểu tương tự đối với các loại hình thương mại điện tử còn lại, theo đó thủ tục cụ thể đối với hoạt động khuyến mại trực tuyến, đấu giá trực tuyến hay chứng thực hợp đồng điện tử cũng được quy định cụ thể trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Trên đây là một số lưu ý quan trọng dành cho nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, liên quan đến điều kiện tiếp cận thị trường và các thủ tục, giấy phép cần thực hiện/đạt được khi hoạt động tại Việt Nam để nhà đầu tư cân nhắc và lưu ý khi tiến hành hoạt động đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
[1] Phụ lục II-VN-36 CPTPP.
[2] Khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
[3] Điểm a khoản 2 Điều 67c Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
[4] https://idea.gov.vn/?page=document, truy cập ngày 01/02/2024.
[5] Tham khảo trang 101 của “Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2023”.
[6] Khoản 1 Điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
[7] Điểm a khoản 3 Điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
[8] Khoản 1 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.