Góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Cần làm rõ nội hàm và hoàn thiện một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả các biện pháp xử lý chuyển hướng

(Pháp lý) – Xử lý chuyển hướng (XLCH) là một trong những nội dung quan trọng chiếm dung lượng lớn trong dự Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Việc ưu tiên nội dung này trong dự Luật là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 28/12/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”. Vì vậy để dự Luật hoàn thiện trước khi đi vào cuộc sống , việc góp ý chuyên sâu vào các điều luật điều chỉnh về các biện pháp XLCH là rất cần thiết.
1-1718182188.jpg

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp NCTN

Nội hàm các biện pháp XLCH còn chung chung

Điều 27 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) đề xuất 11 biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH), gồm: a) Khiển trách; b) Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; c) Xin lỗi người bị hại; d) Bồi thường thiệt hại; e) Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; g) Tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; h) Lao động công ích; i) Cấm tiếp xúc; k) Cấm đến một địa điểm nhất định; l) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; n) Giáo dục tại trường giáo dưỡng. Trong đó có 5 biện pháp XLCH đã được BLHS năm 2015 quy định (như: Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Giáo dục tại trường giáo dưỡng).

Đối tượng áp dụng biện pháp XLCH (Điều 28 dự thảo) là người chưa thành niên,  không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của BLHS; (ii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp phạm tội gây hậu quả chết người quy định tại Điều 123 của BLHS; (iii) Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Như vậy, chính sách xử lý NCTN phạm tội trong dự thảo Luật Tư pháp NCTN đã có thay đổi theo hướng nhân văn hơn, tạo cơ hội cho NCTN có cơ hội sửa chữa sai lầm, các biện pháp mang tính giáo dục là chính.

Để sự thay đổi nhân văn trên trở thành hiện thực khi đi vào cuộc sống, theo quan điểm của chúng tôi cần phải làm rõ nội hàm của 11 biện pháp XLCH. Vì mỗi NCTN có hoàn cảnh gia đình, nhân thân, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội khác nhau. Việc làm rõ nội hàm các biện pháp XLCH như dự thảo Luật nhằm phòng ngừa sự vận dùng tùy nghi và còn tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng NCTN đúng người, đúng với hành vi và hậu quả gây ra. Ví dụ: Đối với biện pháp Khiển trách, đây là hình thức kỷ luật nhẹ nhất được quy định trong Bộ luật lao động, nội quy lao động của doanh nghiệp để xử lý người lao động vi phạm kỷ luật lao động. Đối tượng để áp dụng là công chức, viên chức, cán bộ nhà nước và các lao động hợp đồng. Nghĩa là pháp luật chỉ điều chỉnh đối với đối tượng thành niên và đang hoạt động trong một tổ chức. Còn đối với NCTN thất học (đối tượng vi phạm chiếm số đông), không bị ràng buộc bởi một tổ chức nào thì biện pháp Khiển trách không có ý nghĩa gì đối với các em, nếu như không có giải thích rõ.

Ngoài ra, các biện pháp XLCH như Bồi thường thiệt hại (quy định tại điểm d) và Tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc (điểm g) rất dễ ngộ nhận là nghĩa vụ mà NCTN phải thực hiện chứ không phải là biện pháp XLCH. Đáng chú ý là biện pháp XLCH Bồi thường thiệt hại, dự Luật chưa có quy định chủ thể thực hiện nghĩa vụ là NCTN hay là trường học, hoặc cha mẹ của NCTN…

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) vừa được Ủy ban Tư pháp Quốc hội  cho ý kiến. Theo đó Ủy ban Tư pháp đánh giá dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

Khó khả thi các biện pháp XLCH khi có hiệu lực

Về quy định thời gian thực hiện nghĩa vụ của NCTN trong các biện pháp XLCH rất khó khả thi khi đi vào cuộc sống. Ví dụ: Đối với biện pháp Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại, dự thảo Luật quy định: “Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án ấn định khung giờ và thời gian hạn chế sinh hoạt, đi lại đối với người chưa thành niên. Thời gian áp dụng biện pháp này từ 3-6 tháng. Hay đối với biện pháp Giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thời gian thực hiện nghĩa vụ từ 1 năm đến 2 năm… Điều 61 và 62 dự Luật quy định, sau khi nhận được quyết định của Tòa án, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định danh sách người trực tiếp giám sát việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp XLCH gồm từ 03 đến 05 người (được lựa chọn trong số cán bộ, chiến sĩ công an, công an viên, công chức VH-XH, công chức TP-HT, người làm công tác bảo vệ trẻ em, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, đại diện hội đoàn thể hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư… ) và dự toán kinh phí thực hiện.

Như vậy chỉ riêng công đoạn giám sát thi hành quyết định áp dụng một trong các biện pháp XLCH đối với một NCTN, Nhà nước phải cần từ 3 - 5 nhân sự để làm nhiệm vụ trong khoảng thời gian ít nhất là 3 tháng, nhiều nhất là 2 năm. Không những tốn kém về kinh phí, nhân lực mà hiệu quả mang lại rất khó khả thi. Mặc dù dự Luật quy định nhà trường, gia đình và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ thực hiện việc thi hành áp dụng biện pháp XLCH. Thế nhưng (ngoại trừ gia đình có thể), các chủ thể nói trên không thể túc trực giám sát 24/24 đối với hành vi diễn ra của NCTN (nhất là đối với biện pháp Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm đến một địa điểm nhất định; Cấm tiếp xúc đến gần người bị hại…).

Tại Hội thảo lấy ý kiến đối với dự Luật Tư pháp NCTN do TAND Tối cao tổ chức mới đây, bà Shelley Casey - chuyên gia độc lập của UNICEF cho rằng một số biện pháp chuyển hướng áp dụng đang cao hơn so với khuyến nghị của quốc tế. Cụ thể: (i) Đối với biện pháp Khiển trách, dự thảo Luật quy định Tòa án ấn định thời gian NCTN thực hiện các nghĩa vụ quy định từ 03 tháng đến 01 năm (trong khi quốc tế thời gian thực hiện chỉ diễn ra trong vòng 30 phút). Đặc biệt đối với biện pháp Giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thời gian tối đa đến 2 năm, bà Shelley Casey cho rằng là quá nặng so với quốc tế.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XV cơ bản tán thành các biện pháp xử lý chuyển hướng và việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp như dự thảo Luật Tư pháp NCTN, tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên, bởi vì mỗi người chưa thành niên có hoàn cảnh gia đình, nhân thân, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội khác nhau. Việc phân biệt rõ (các biện pháp được áp dụng độc lập) và (các biện pháp chỉ được áp dụng đồng thời với các biện pháp khác) là phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ biện pháp (Bồi thường thiệt hại; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý) là biện pháp xử lý chuyển hướng hay là nghĩa vụ mà người chưa thành niên phải thực hiện.

 Một số đề xuất kiến nghị

Từ các bất cập như đã phân tích ở trên, bên cạnh sự cần thiết phải làm rõ nội hàm các biện pháp XLCH, chúng tôi xin kiến nghị đến cơ quan dự thảo Luật Tư pháp NCTN cần bổ sung và sửa đổi một số vấn đề nhằm góp phần hoàn thiện các biện pháp XLCH, như sau:

+ Cần phân biệt rõ biện pháp XLCH độc lập và kết hợp

Việc làm rõ nội hàm các biện pháp XLCH được quy định tại Điều 27 dự Luật cần gắn với phân biệt rõ các biện pháp được áp dụng độc lập và các biện pháp chỉ được áp dụng đồng thời với các biện pháp khác. Chẳng hạn: Biện pháp XLCH quy định tại điểm (c) và (d) nên áp dụng đồng thời với nhau. Bởi nếu kết hợp đồng thời thì NCTN sẽ nhận thức được hành vi của mình gây ra khiến cho gia đình phải trả giá về vật chất. Ngược lại nếu vận dụng độc lập ở biện pháp (c), thì rất dễ xảy ra tình trạng xin lỗi cho có lệ, không thành khẩn; hoặc nếu chỉ vận dụng độc lập đối với biện pháp (d), thì càng khó làm cho NCTN nhận thức được lỗi lầm, thậm chí lợi bất cập hại, nhất là đối với gia đình có điều kiện…

+ Quy định rõ chủ thể bồi thường thiệt hại

Điều 34 dự thảo Luật Tư pháp NCTN quy định về Bồi thường thiệt hại nhưng không có quy định cụ thể về chủ thể bồi thường thiệt hại. Trong khi đó Điều 586, 599 Bộ luật Dân sự quy định người chưa thành niên gây thiệt hại sẽ xảy ra 3 trường hợp bồi thường như sau: (1) Người chưa thành niên là người chưa đủ 15 tuổi có cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường. Tuy nhiên nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà người chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (Trường hợp chưa đủ 15 tuổi mà gây thiệt hại trong giờ đi học thì nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường. Nhà trường chỉ không phải bồi thường nếu chứng minh không có lỗi trong quản lý).

2-1718182195.png

Số vụ thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng

(ii) Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình; (iii) Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại thì người giám hộ sẽ bồi thường bằng tài sản của người được giám hộ; Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình.

Như vậy để tương thích với quy định của Bộ luật Dân sự thì tại Điều 34 của dự Luật Tư pháp NCTN cần bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với NCTN được áp dụng theo quy định của pháp luật liên quan. Ngoài ra đối với các em vi phạm là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, cần quy định bổ sung trách nhiệm cho Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại.

+ Giảm bớt thời gian thực hiện nghĩa vụ đối với một số biện pháp XLCH

Từ ý kiến của bà Shelley Casey - chuyên gia độc lập của UNICEF như đã đề cập ở trên, để tương thích với thế giới và phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 28/12/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, nhằm hạn chế sự tiếp xúc của NCTN đối với các cơ quan tố tụng; thiết nghĩ một số biện pháp XLCH cần điều chỉnh theo hướng giảm bớt thời gian thực hiện các nghĩa vụ: Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; và trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Cụ thể đối với biện pháp Khiển trách có thời gian thực hiện từ 1 tháng – 3 tháng (thay vì 3 tháng đến 1 năm); đối với biện pháp Giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 6 tháng đến 1 năm (thay vì từ 1 năm đến 2 năm); Xin lỗi người bị hại từ 1 tháng – 3 tháng (thay vì từ 3 tháng đến 1 năm)...

+ Trách nhiệm phối hợp của gia đình phải gắn với chế tài

Như đã phân tích ở trên, việc quản lý, giám sát và giáo dục NCTN khi bị áp dụng biện pháp XLCH là câu chuyện không hề dễ, tốn kém về nhân lực và vật lực. Cùng quan điểm, tại Hội thảo lấy ý kiến đối với dự Luật Tư pháp NCTN do TAND Tối cao tổ chức mới đây, bà Shelley Casey - chuyên gia độc lập của UNICEF cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi về một số biện pháp XLCH khi đi vào cuộc sống. Theo bà, làm thế nào để kiểm soát được vấn đề các em chỉ được ra ngoài khi cơ quan có thẩm quyền cho phép là rất khó. Vì vậy để thực hiện có hiệu quả các biện pháp XLCH, bên cạnh việc giảm bớt thời gian thực hiện biện pháp XLCH, dự Luật cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã trong việc cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất về việc chấp hành biện pháp XLCN của NCTN. Trách nhiệm thôi chưa đủ mà phải gắn với chế tài hành chính (ngoài còn bồi thường mọi thiệt hại nếu có), trong trường hợp không cung cấp thông tin kịp thời dẫn tới làm phát sinh hành vi vi phạm mới của NCTN.

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin