Dự án bệnh viện 800 tỷ bỏ hoang: Quá đau xót...

Bệnh viện đầu tư hơn 800 tỷ đồng bị bỏ hoang, hàng loạt thiết bị y tế tiền tỷ đắp chiếu, trong khi bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh.

Tồn tại nhóm lợi ích?

Dự án Bệnh viện 700 giường ở Nam Định được đầu tư 850 tỷ đồng, nhưng thi công 10 năm nay vẫn chưa hoàn thiện, đang bỏ hoang do không có vốn đầu tư tiếp. Trước đó, Kiểm toán nhà nước đưa ra kết luận thanh tra hàng loạt các bệnh viện, các trung tâm y tế địa phương có thiết bị hàng tỷ đồng như đắp chiếu không sử dụng.

Hàng loạt các sự việc liên quan đến sự lãng phí trong ngành y tế làm cho GS.TS Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam đau lòng.

Chia sẻ với Đất Việt, ngày 16/8, ông Khải cho biết: "Dự án bệnh viện 700 giường của Nam Định chắc chắn là bệnh viện của các nhóm lợi ích. Họ đầu tư nhằm tìm kiếm lợi ích từ dự án này, không phải vì mục đích phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của dân.

Nam Định không phải tỉnh thành quá đông dân, hiện đã có bệnh viện đa khoa tỉnh, có các bệnh viện tuyến huyện, địa phương, giờ có thêm Bệnh viện Bạch Mai 2, Việt Đức 2 cũng đáp ứng được nhu cầu.

[caption id="attachment_181903" align="aligncenter" width="521"] Bệnh viện 700 giường để hoang sau 10 năm vẫn chưa hoàn thiện thi công
Bệnh viện 700 giường để hoang sau 10 năm vẫn chưa hoàn thiện thi công[/caption]

Cho nên, ban đầu xin được đất nhưng không thể triển khai được, mà tôi biết không riêng gì Nam Định mà còn nhiều nơi cũng đầu tư xây bệnh viện nhưng thất bại, vô cùng lãng phí.

Như Bệnh viện Đông Đô (Hà Nội) cũng được xây dựng lên cách đây nhiều năm, nhưng bệnh nhân không có, không thu hồi vốn được.

Hay như trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cũng có đất, dự định xây dựng trường Y nhưng cuối cùng không làm được. Thậm chí có những người đầu tư tiền không thu hồi được mà cũng không nói ra được".

Bên cạnh đó, theo ông Khải, riêng về thiết bị y tế tiền tỷ đắp chiếu, là câu chuyện nói mãi mà không thể thay đổi.

Riêng đối với máy móc khám chữa bệnh chỉ cần 2 năm không sử dụng thì lạc hậu và hỏng vứt đi. Ví dụ, bệnh viện 108, bản thân ông Khải làm ở đây nhiều, máy móc thì hoàn toàn do bác sĩ chuyên khoa làm, còn các bác sỹ lâm sàng không làm, nên lâm sàng một nơi, xét nghiệm một nơi, không thống nhất.

Từ đó dẫn đến việc máy móc không sử dụng hết công suất, nghĩa là bác sĩ nào làm cái gì họ chỉ làm cái đó, bác sĩ lâm sàng chỉ lâm sàng, xét nghiệm chỉ xét nghiệm, không học hỏi sử dụng máy, nên thành ra để không lãng phí.

"Tất cả là do quản lý của chúng ta không thống nhất một khâu, không vì dân mà vì lợi nhuận. Có nhiều nơi họ còn nhận viện trợ nhưng chia ra rải rác, theo hình thức đối kháng, cách đây mấy năm tôi có cử người lên Tuyên Quang, Giám đốc Sở Y tế xuất thân từ quân đội, tập trung tất cả những người ở các huyện về tỉnh học dùng máy móc, giải thích cách làm.

Như khi chúng tôi về huyện Sơn Dương, máy móc dự án cung cấp cho hoàn toàn để đắp chiếu, không ai dùng, nhưng nếu lên tiếng phản ánh thì lại đụng chạm, va chạm quyền lợi từng nơi một, nên rất khó.

Nghĩa là trang bị không theo nhu cầu của bệnh nhân, chưa kể BHYT vừa trả lương cho cán bộ nhân viên y tế, vừa cho bệnh nhân, vậy thì nhà nước chịu trách nhiệm ở đâu, bệnh nhân phải lo hết sao?", ông Khải cho hay.

Thậm chí, theo vị chuyên gia trên, nhiều bác sĩ còn không biết cách sử dụng máy móc, nên càng hiện đại, càng đắt tiền thì càng đắp chiếu.

Phải thay đổi tư duy...

Chỉ ra một nghịch lý đang tồn tại, ông Khải cho hay: "Các bệnh nhân nghèo hiện nay không có tiền thì không dám chữa bệnh tiếp, người nghèo có quyền chết, còn người nào có tiền bằng mọi giá đưa ra nước ngoài.

Trong khi đó, thì các nhóm lợi ích vẫn cứ tồn tại, liên kết với nhau, ăn chia các dự án từ mua thiết bị y tế, gây lãng phí tiền của dân. Dân bỏ tiền ra để hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế trong nước, không đáp ứng được, lại mất thêm ngoại tệ ra nước ngoài.

Cách đây 10 năm tôi có đi phiên dịch cho ông Nguyễn Khắc Việt bác sĩ trong TPHCM, khi trả lời phỏng vấn một đoàn phóng viên của kênh truyền hình Thụy Điển, ông nhờ tôi dịch sang Tiếng Anh.

Ông Việt có nói một câu làm tôi ấn tượng mãi: "Chúng tôi rất vui mừng các bạn đã đổi mới, nhưng lại lo ngại có sự bắt tay giữa nhóm lợi ích ngoài nhà nước và trong nhà nước, lời nói của ông đến bây giờ đều đúng, nhóm lợi ích giờ ngày càng mạnh.

Cứ ngẫm thử xem, các cuộc phỏng vấn đều có công ty này công ty khác giúp đỡ, ngay các biểu ngữ, các biển hiệu đeo vào các cuộc họp đều ghi bằng chữ Trung Quốc, cái quan trọng là nhóm lợi ích, cứ thế mà đi vào tất cả mọi nơi.

[caption id="attachment_181904" align="aligncenter" width="580"] Hàng loạt thiết bị tiền tỷ đắp chiếu
Hàng loạt thiết bị tiền tỷ đắp chiếu[/caption]

Cho nên, cần có cuộc cách mạng, đòi hỏi một số người mất quyền lợi, thời tôi còn trẻ thấy hay hơn, tất cả vì bệnh nhân, vì đam mêm nghề nghiệp, còn hiện nay thì khác".

Để xử lý nghịch lý trên, ông Khải cho rằng phải thay đổi từ trên cao xuống dưới.

Nhìn sang nước ngoài

Là người đã từng đi sang nước ngoài nhiều, ông Khải cho hay: "Bệnh viện ở nước ngoài cũng có lãng phí nhưng ít hơn chúng ta nhiều, bởi vì họ có tính phản biện xã hội cao, yêu cầu giải quyết tận nơi, tận gốc rễ.

Ở nước khác, họ chuyển BHYT rất dễ, kể cả bệnh viện công sang bệnh viện tư, chúng ta thì không cho đi, ít khi cho đi, ví dụ một người ở Ninh Bình muốn xin lên Hà Nội rất khó, mặc dù không chữa được.

Hơn nữa, ở nước ngoài, bệnh viện tư nhiều hơn công, nhưng bệnh viện lớn toàn bệnh viện công, trách nhiệm công vẫn lớn hơn, chúng ta nghèo nhưng tiêu xài hoang phí không có kế hoạch.

Bệnh viện tư họ lựa chọn máy móc mua phù hợp với điều kiện, mức sống của người dân, chứ không đầu tư tràn lan, chứ không như bệnh viện công của chúng ta, cho máy móc thì nhận, không dùng cũng không ảnh hưởng đến túi tiền của họ, vì đó là tiền chùa.

Ở bên Pháp có người đi ra nước ngoài, tặng cho bệnh viện cũ một chiếc máy CT bằng vi tính, thì bệnh viện không nhận vì nếu dùng máy đó thì người dân khu vực Paris bị mất quá nhiều tiền.

Nghĩa là đầu tư nhưng phải tính toán, có cố vấn đầu tư thiết bị, còn ở Việt Nam, giám đốc bệnh viện quyết định hết, không có đội ngũ chuyên gia giỏi về kỹ thuật. Ở nước ngoài họ lấy mức tiêu dùng của người dân làm tiêu chuẩn, nên mua thiết bị cũng phụ thuộc vào đời sống của dân.

Có một đồng nghiệp nước ngoài bảo tôi: bên chúng tôi có tất cả những thứ như bên đất nước anh có, nhưng đất nước tôi to nên loãng ra, còn đất nước anh bé nên nó tập trung lại, nhưng đủ hết, chứ không phải thiên đường, nhưng có phản biện xã hội, khác với các anh".

Theo Bao Datviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin