(Pháp lý) – Tiếp công dân là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Luật Tiếp công dân quy định, mỗi tháng người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh phải tiếp dân định kỳ một lần. Tuy nhiên thời gian qua, quy định của pháp luật đã bị chính một số người đứng đầu cơ quan hành pháp vi phạm, làm phát sinh hệ lụy…
5 Chủ tịch tiếp dân 1 ngày và 4 Chủ tịch không tiếp dân ngày nào
Tại Hội nghị “Góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021” vừa diễn ra cách đây mấy ngày do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức, Phó trưởng Ban Dân chủ - pháp luật Phan Văn Vượng cho biết, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định, hầu hết không bảo đảm theo quy định của Luật Tiếp công dân. Trong kỳ giám sát suốt 18 tháng, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày, thậm chí có công bộc không tiếp dân ngày nào…
Câu chuyện người đứng đầu chính quyền thực hiện không đầy đủ lịch tiếp dân theo quy định là không mới. Cách đây 7 năm (tháng 9/2014), tại Hội nghị toàn quốc về triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC cũng đã được Phó Thủ tướng Chính phủ khi đó là đ/c Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến. Đến tháng 10/2016, tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, vấn đề trách nhiệm người đứng đầu lại được Thủ tướng Chính phủ khi đó là đ/c Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một lần nữa, khi mà tình hình khiếu nại của công dân trong phạm vi cả nước vẫn diễn biến phức tạp, tính chất manh động gia tăng…
Phó trưởng Ban Dân chủ - pháp luật đã nêu số liệu rất cụ thể: Suốt 18 tháng giám sát, số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trên địa bàn toàn quốc là 471 ngày, trung bình là 8 ngày, đạt 42% yêu cầu theo quy định. Trong đó có 13 Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt một nửa số ngày quy định, 45 Chủ tịch tỉnh đạt dưới 50% quy định. Đáng chú ý, có 5 Chủ tịch chỉ tiếp dân 01 ngày và 04 Chủ tịch (các tỉnh Bình Dương, Đắk Nông, Thừa Thiên Huế và TPHCM) không tiếp dân ngày nào. Thay vì trực tiếp tiếp dân, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh viện lý do bận trăm công nghìn việc đã linh động ủy quyền lại cho Phó Chủ tịch tiếp dân thay 272 ngày (chiếm 23%) hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tiếp dân thay 208 ngày (chiếm 18%). Có rất ít địa phương có Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, tiếp đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương…
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Tiếp công dân 2013, “Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này (khi có vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội)”. Tương tự như vậy, Luật cũng quy định thời gian tiếp dân đối với Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã, chỉ khác là số ngày được quy định nhiều hơn.
Hệ lụy từ việc lười tiếp dân của người đứng đầu chính quyền các cấp đặc biệt là cấp tỉnh, theo Ủy ban Trung ương MTTQVN cho biết: Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính các cấp trên một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai còn hạn chế, nhất là trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính; thông tin, giải thích, trả lời các nội dung đề nghị của công dân chưa tốt, gây bức xúc cho các hộ dân, làm phát sinh đơn khiếu nại đông người lên Trung ương. Báo cáo cũng cho biết, trong kỳ giám sát có tới 513 đoàn khiếu nại đông người, phức tạp…
Lười tiếp dân… vì không có chế tài bắt buộc ?
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Bởi quan tâm và làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, ổn định tình hình an ninh trật tự, qua đó góp phần tạo lập môi trường ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như mỗi địa phương.
Cùng với sự ra đời của Luật Tiếp Công dân và Nghị định 64/CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… ngày 26/5/2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC. Để chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, tại Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 18/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân theo quy định, dành thời gian thích đáng trực tiếp gặp và đối thoại với dân, lắng nghe dân, thực sự “gần dân, hiểu dân”, kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân…” Gần đây nhất là Quy định số 11- QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân…
Tuy nhiên xem ra những quy định nói trên dường như “không đủ lực” để người đứng đầu chính quyền một số địa phương (đặc biệt là cấp tỉnh) tự giác hoàn thành trách nhiệm theo như mong đợi. Vậy đâu là nguyên nhân ? Ngoài việc quy định về trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng (khoản 5 Điều 12), Luật Tiếp công dân và kể cả Nghị định 64 hướng dẫn thực hiện không có một điều khoản nào quy định, nếu không tiếp công dân thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu hình thức chế tài gì. Có nghĩa, người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh sắp xếp được thời gian thì đến Trụ sở tiếp công dân để tiếp dân hoàn thành trách nhiệm và ngược lại. Chưa kể, do Luật cũng không có quy định về quy trình tiếp dân dẫn đến có tình trạng người đứng đầu chính quyền tiếp dân theo kiểu hình thức, qua loa, không quan tâm đến nguyện vọng, bức xúc thực sự của người dân khi tiếp dân…
Luật quy định theo kiểu một chiều, chung chung, các chuyên gia luật cho rằng rất khó để đảm bảo được sự hiện diện đầy đủ của người đứng đầu chính quyền các cấp tại Trụ sở tiếp công dân. Cho dù chỉ có 1 ngày/tháng đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh và chỉ 2 ngày/tháng đối với Chủ tịch UBND cấp huyện , nhưng nếu là người không thật sự tâm huyết vì dân vì nước, thì với vai trò là Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện, họ có vô vàn lý do về công cán để né tránh trách nhiệm.
Trong khi đó, Quy định số 11- QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân – được ví như “vòng kim cô” có thể điều chỉnh được hành vi của người đứng đầu thì rất khó để vận dụng. Theo đó, tại khoản 1 Điều 8 quy định: “Người đứng đầu cấp ủy bị xem xét xử lý trách nhiệm trong các trường hợp sau: Thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”.
Rất khó để xác định hành vi “thiếu trách nhiệm”, hay “vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân”… chỉ vì lý do người đứng đầu bỏ lỡ việc tiếp dân do bận họp hay đi công cán đột xuất. Thậm chí cho dù là thiếu trách nhiệm thật sự thì ai là người có đủ “dũng cảm” để ghi sổ và kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu , nhất là quan chức đầu tỉnh. Nể nang và quyền lực, đó chính là 2 yếu tố bất thành văn dẫn đến khó mà xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp dân.
Trước việc bị bêu tên địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong bốn địa phương chủ động phản hồi thông tin. Theo đó tại văn bản ngày 12/10, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết thông tin “Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế “18 tháng không tiếp công dân” là không chính xác. Thực tế là Chủ tịch UBND tỉnh này (lúc đó là ông Phạn Ngọc Thọ - PV) đích thân tiếp công dân 10 ngày. Còn lại do bận cộng việc đột xuất nên ủy quyền cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp.
Ông Thọ có bị “oan” hay không còn phải chờ xác nhận của Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN. Tuy nhiên còn một số địa phương khác bị bêu tên thì giữ thái độ im lặng…?
Để chủ tịch Tỉnh không còn lười tiếp công dân….
Cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Làm tốt công tác này là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước. Điều đó cũng có nghĩa làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC là giảm thiểu được khiếu nại đông người, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Theo đó, người đứng đầu Chính quyền cấp tỉnh hoặc tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương là người lãnh đạo, quản lý, chịu trách nhiệm cao nhất của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương đó. Thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu gắn liền với nhau. Không thể có quyền mà không chịu trách nhiệm, cũng không thể đòi hỏi trách nhiệm mà không giao quyền tương ứng…
Từ thực tế thời gian qua vẫn còn những quan đứng đầu tỉnh lười tiếp dân, do đó kiến nghị Luật Tiếp công dân cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng mở rộng chủ thể “người đứng đầu” trong tiếp dân, bao gồm các Phó Chủ tịch UBND. Vấn đề là phải có cơ chế để khi tiếp dân, các Phó Chủ tịch UBND cũng được quyền quyết định như Chủ tịch UBND để hạn chế báo cáo lại và xin ý kiến. Bởi, tâm lý người dân khi đến Trụ sở tiếp dân là mong mỏi được gặp trực tiếp Chủ tịch UBND các cấp, để vấn đề bức xúc của họ được giải quyết kịp thời, không phải chờ đợi. Và cần kiên quyết nói không với ủy quyền tiếp dân với Thanh tra và các cơ quan chuyên môn…
Qua giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQVN cần kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo thường trực các tỉnh, thành ủy thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Quy định số 11 – QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Đồng thời không chỉ bằng nhắc nhở phê bình, kêu gọi lãnh đạo tiếp dân mà còn phải cưỡng chế, răn đe bằng pháp luật và kỷ luật của Đảng, quy định của tổ chức một cách nghiêm khắc.
Tại sao không, nếu ngay tại Trụ sở tiếp công dân các cấp đặt sẵn thùng thư góp ý của người dân và thùng thư đó chỉ có Ủy ban MTTQVN cấp tương đương mới được quyền quản lý và công bố kết quả giám sát tại các kỳ họp HĐND cùng cấp. Tại sao không, nếu gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh (?)
Tôi tin nếu làm mạnh các chế tài nêu trên, thì chắc chủ tịch tỉnh sẽ không còn ngại tiếp công dân…..
VŨ LÊ MINH