“Đế chế” Thomas Cook sụp đổ: Nguyên nhân và bài học kinh doanh

12/10/2019 08:12

(Pháp lý) - Thomas Cook, tập đoàn du lịch lữ hành lâu đời nhất thế giới từng một thời được coi là một “đế chế” bất khả chiến bại, đã phá sản ngày 23/9 vừa qua và ngừng tất cả các giao dịch ngay lập tức.

Giới kinh doanh không chỉ trong lĩnh vực du lịch trên toàn thế giới đang cố tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra, nguyên nhân và ai chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của “đế chế” này ?

Thomas Cook, tập đoàn du lịch lữ hành lâu đời nhất thế giới từng một thời được coi là một “đế chế” bất khả chiến bại, đã phá sản ngày 23/9/2019
Thomas Cook, tập đoàn du lịch lữ hành lâu đời nhất thế giới từng một thời được coi là một “đế chế” bất khả chiến bại, đã phá sản ngày 23/9/2019)

Không thể cứu vãn

Tối ngày 23/9, một tuyên bố ngắn trên hãng tin Reuters làm nhiều người bàng hoàng: "Tôi muốn xin lỗi hàng triệu khách hàng, hàng ngàn nhân viên, nhà cung cấp và đối tác đã ủng hộ chúng tôi trong nhiều năm qua. Đây là một sự việc vô cùng đáng tiếc đối với tôi và toàn thể các thành viên còn lại trong hội đồng quản trị" - giám đốc điều hành Thomas Cook, ông Peter Fankhauser cho biết.

Sau tuyên bố của ông Peter Fankhauser, cơ quan Hàng không dân dụng Anh (CAA) thông báo Thomas Cook hiện đã ngừng giao dịch nên không thể tránh khỏi một số gián đoạn."Thomas Cook đã ngừng giao dịch nên tất cả các chuyến bay của Thomas Cook đều bị hủy" - CAA cho biết.

Trong khi tuyên bố 600.000 khách hàng sử dụng các tour của Thomas Cook ở nước ngoài, buộc chính phủ và các công ty bảo hiểm phải điều phối một hoạt động giải cứu khổng lồ. CAA và chính phủ Anh sẽ hợp tác để đưa hơn 150.000 khách hàng Anh về nhà trong hai tuần.

Sự sụp đổ của doanh nghiệp này có thể châm ngòi cho những hỗn loạn trên khắp thế giới khi khách du lịch mắc kẹt trong các khách sạn chưa được trả tiền ở những điểm du lịch xa xôi như Goa, Gambia và Hi Lạp.

Không chỉ khách hàng, 22.000 lao động của tập đoàn trên toàn cầu vào vòng nguy hiểm, bao gồm 9.000 việc làm ở Anh.

Được đặt theo tên của nhà sáng lập, Thomas Cook còn là người có những sáng kiến làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người đi du lịch.Vào năm 1841, Thomas Cook đã tổ chức chuyến đi cho 570 người tới dự một hội nghị của những người phản đối uống rượu với một đoàn tàu được thuê hành trình từ Leicester đến Longborough.
Đây được cho là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành du lịch trọn gói toàn cầu. Sau đó, năm 1872, Thomas Cook cũng là công ty du lịch đầu tiên trên thế giới tổ chức chuyến đi vòng quanh thế giới trong 200 ngày.

Nhờ sự tiên phong của Thomas Cook, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, lãnh thổ. Những sáng kiến của ông như giá vé đoàn, tour du lịch trọn gói... vẫn đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp lữ hành thế giới.

Doanh thu hằng năm của Thomas Cook vào khoảng 9 tỷ bảng Anh và tập đoàn phục vụ 19 triệu lượt khách hàng tại 16 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà điều hành du lịch lớn thế giới này gặp rất nhiều khó khăn.

Trong nửa đầu năm nay, Thomas Cook đã tuyên bố thua lỗ 1,5 tỉ bảng Anh bắt nguồn từ vụ sáp nhập năm 2007 với MyTravel. Thomas Cook đã đánh giá sai về thỏa thuận này và khiến tập đoàn phải gánh một khoản nợ lớn. Tính đến thời điểm tuyên bố phá sản, tổng nợ của Thomas Cook đã lên tới 1,7 tỷ bảng Anh.

Tháng 8/2019, Fosun cùng công ty khác đề xuất bơm 1,1 tỷ USD vào Thomas Cook, để đổi lấy cổ phần kiểm soát mảng du lịch, và cổ phần thiểu số trong mảng hàng không. Nhưng thỏa thuận này bất thành sau khi phát hiện Thomas Cook cần thêm khoảng 250 triệu USD.

Không bên nào - Fosun, các ngân hàng, các bên nắm trái phiếu, các quỹ đầu tư - sẵn sàng bỏ ra số tiền đó. Nỗ lực cuối cùng xin chính phủ cứu trợ cũng bất thành.Trong nỗ lực cuối cùng để cứu công ty, Thomas Cook đã tổ chức một cuộc họp rất quan trọng để đàm phán và tái cấu trúc. Tuy nhiên, điều này đã thất bại. Thomas Cook cứ thế sụp đổ, không thể cứu vãn.

Nguyên nhân và bài học kinh doanh

Thomas Cook đắt khách nhất vào những năm 1990, bán các tour du lịch trọn gói bao gồm cả chuyến bay, chỗ ở và nhà hàng. Kể từ đó, mô hình kinh doanh của hãng có nhiều dấu hiệu đi xuống, trong đó những khó khăn tài chính của Thomas Cook cũng góp phần nào.

Hãng hàng không Monarch Airlines chuyên phục vụ các tour du lịch trọn gói phá sản hai năm trước. Các website đặt vé như Expedia và Skyscanner cho phép khách chọn chuyến bay và khách sạn theo ý mình. Các hãng hàng không giá rẻ, vốn không muốn bán vé qua đại lý, cũng lấy mất khách của Thomas Cook.

Ngoài ra, sự bất trắc của Brexit là nguyên nhân được Thomas Cook nhắc đến. Đồng bảng Anh rớt giá cũng là bất lợi.

Tuy vậy, Economist bình luận, sự suy tàn của Thomas Cook không thể hiện sự lụi bại của ngành du lịch trọn gói. Một nửa số chuyến du lịch của người Anh ra nước ngoài vẫn thuộc loại trọn gói, theo Hiệp hội Các công ty Lữ hành Anh.

Số người Anh đi du lịch theo kiểu trọn gói đã tăng từ 14,3 triệu năm 2010 lên 18,2 triệu năm 2018. Mua gói du lịch gia đình vẫn rẻ hơn so với đặt chỗ theo cá nhân. Theo giới phân tích, Thomas Cook có thể dùng quy mô của mình để thương lượng giá vé máy bay và phòng ở rẻ hơn. Đầu những năm 2000, Công ty dần thâu tóm bay Condor (Đức) và tự mở hãng Thomas Cook Airlines vào năm 2003.

Theo Giám đốc điều hành Hiệp hội Tư vấn Du lịch Mỹ (ASTA) Zane Kerby, "vận hành một công ty du lịch đã khó, vận hành một hãng hàng không còn khó hơn". Ông Kerby cho biết đây là 2 ngành hoàn toàn độc lập, mỗi ngày có sự phức tạp riêng. Chi phí vận hành lớn thường đẩy các hãng hàng không vào thế hiểm khi nhu cầu sụt giảm.

Trong trường hợp của Thomas Cook, giới chuyên gia cho rằng hãng không có đủ linh hoạt cần thiết như những hãng bay khác. Nguyên nhân là các tour du lịch thường bán chạy vào mùa hè, sụt giảm vào mùa đông.

Tuy nhiên, một nguyên nhân khác là chính các quyết sách kinh doanh tồi tệ đã khiến Thomas Cook gục ngã. Hãng này thừa kế một núi nợ khi sáp nhập với đối thủ cạnh tranh MyTravel Group năm 2007, và một loạt thương vụ mua lại sau đó càng chồng chất thêm nợ. Thomas Cook sau này vẫn không trả hết nợ nần, lên tới 2,4 tỷ USD vào tháng 3 vừa qua. Các chi nhánh trên những con phố chính ở Anh cũng trở thành gánh nặng chi phí đắt đỏ.

Các hãng lữ hành mới và thuần túy online như “On the Beach” và “We Love Holidays”, giờ đã trở thành hãng du lịch trọn gói lớn thứ tư và thứ năm ở Anh, dễ dàng đánh bại Thomas Cook về giá.

Các vấn đề của Thomas Cook cần được xem xét lại từ năm 2007 khi tập đoàn này dưới sự dẫn dắt của thương nhân người Tây Ban Nha gốc Anh Fontenla-Novoa, đã sáp nhập hãng với công ty chuyên tổ chức các kỳ nghỉ là MyTravel của Anh. Các hoạt động kinh doanh được hình thành thông qua sáp nhập đã đưa Thomas Cook trở thành nhà điều hành du lịch lữ hành và dịch vụ hàng không.

Trước đây, Thomas Cook chỉ vận hành bán lẻ các gói kỳ nghỉ du lịch đã có sẵn từ các nhà cung cấp khác và không phải chịu rủi ro nào. Việc sáp nhập với MyTravel đã trở thành gánh nặng trong bảng cân đối kế toán.

Theo một cựu điều hành doanh nghiệp này, sai lầm thứ hai của ông Fontenla - Novoa đó là sáp nhập với Co-operative Travel năm 2010. Việc này đã gắn kinh doanh của Thomas Cook với một doanh nghiệp lữ hành và bán lẻ với 1400 cửa hàng trên các phố lớn diễn vào thời điểm mà khách hàng bắt đầu hướng tới đặt các chuyến du lịch qua mạng.

Người kế nhiệm ông Fontela-Novoa, bà Harriet Green đã phải cắt giảm chi phí sau khi Thomas Cook suýt phá sản vào năm 2011, bà đã mô tả khoản nợ của tập đoàn này là "căn bệnh ung thư". Hồi tháng 5/2019, tập đoàn này đã báo lỗ 1,5 tỷ bảng, trong đó hơn 1 tỷ bảng đến từ vụ sáp nhập năm 2007 với MyTravel.

Thỏa thuận đó từng được kỳ vọng là sẽ tạo ra một "người khổng lồ" ngành lữ hành ở châu Âu, hứa hẹn giúp Thomas Cook tiết kiệm chi phí 75 triệu bảng mỗi năm và là "bàn đạp" để họ đối phó với những đối thủ mới trong thời đại Internet.

Tuy nhiên, thực tế là Thomas Cook đã đánh giá sai và thỏa thuận này đã khiến tập đoàn phải gánh một khoản nợ lớn. Khoảng 1/3 doanh số bán hàng của Thomas Cook đã bị dùng để phục vụ cho khoản nợ của mình. Tính đến thời điểm tuyên bố phá sản, tổng nợ của Thomas Cook đã lên tới 1,7 tỷ bảng.

“Món nợ khổng lồ, chính sách sai lầm, sự thay đổi thói quen của khách hàng… là những nguyên nhân chủ yếu khiến đế chế này sụp đổ...” - Zane Kerby bình luận.

Hải Dương

Bạn đang đọc bài viết "“Đế chế” Thomas Cook sụp đổ: Nguyên nhân và bài học kinh doanh" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin