Đại dịch Covid – 19: Các nước áp dụng những chính sách pháp luật đặc biệt nào để “cứu” kinh tế ?

03/06/2020 13:25

(Pháp lý) – Ngoài những thiệt hại nghiêm trọng về con người, đại dịch Covid-19 đã gây tổn thất rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào nguy cơ sẽ phải đối mặt với một thời kỳ “đại suy thoái” như đã từng xảy ra cách đây 11 năm do khủng hoảng tài chính. Trong bối cảnh đó, nhằm hạn chế tác động của Covid-19, cứu cánh cho nền kinh tế, nhiều nước trên thế giới tích cực đưa ra những chính sách pháp luật kinh tế quan trọng mà Việt Nam có thể cân nhắc tham khảo.

Covid-19 có thể làm nền kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD và khả năng gây ra cuộc “đại suy thoái”.

Đức: Chính phủ sẵn sàng mua cổ phần của các công ty chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

Chính phủ Đức dự đoán đại dịch lần này sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tuyên bố Chính phủ nước này sẽ quay trở lại chính sách "thắt lưng buộc bụng" sau khi cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 qua đi. Theo ông Altamaier, nước Đức đang sử dụng tiền dựa trên những điều kiện thị trường vốn thuận lợi, khi người dân tin tưởng vào Chính phủ.

Trước đó , Đức đã thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (812,25 tỷ USD) nhằm giảm thiểu các tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế. Chính phủ Đức đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ các công ty trong khủng hoảng và Bộ trưởng Almaier cũng tái khẳng định Chính phủ sẵn sàng mua cổ phần của các công ty chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

Mỹ: kích hoạt 2 đạo Luật đặc biệt

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ kích hoạt Luật sản xuất quốc phòng, cho phép Chính phủ Mỹ đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, máy hô hấp nhân tạo và các thiết bị y tế cần thiết khác để hỗ trợ cuộc chiến ứng phó dịch Covid-19.

Luật sản xuất quốc phòng của Mỹ có từ thời chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, cho phép tổng thống có thẩm quyền yêu cầu các doanh nghiệp, kể cả tư nhân, tăng tốc, mở rộng cung ứng các nguồn lực từ ngành công nghiệp của Mỹ để hỗ trợ quân đội, năng lượng, không gian, và các chương trình an ninh nội địa.

-Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ kích hoạt “đạo luật thời chiến” nhằm đối phó với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tích cực khác nhằm giúp người dân và doanh nghiệp . Việc hoãn nộp thuế sẽ được áp dụng cho những cá nhân nợ từ 1 triệu USD trở xuống và với các công ty nợ từ 10 triệu USD trở xuống. Hay hoãn các khoản thanh toán nợ.

Tính tới hiện tại, Chính phủ Mỹ đã đưa ra hai dự luật nhằm đối phó với dịch COVID-19

Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.

Anh: sẽ trả 80% lương cho tất cả những người lao động buộc phải nghỉ làm do đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh nhiều chủ cửa hàng bán lẻ và khách sạn… tại Anh lo ngại về nguy cơ phá sản, khiến hàng nghìn người lao động có thể mất việc làm. Ngày 20/3, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết, Chính phủ Anh sẽ trả 80% lương cho tất cả những người lao động buộc phải nghỉ làm do đại dịch COVID-19, bất kể trong lĩnh vực nhà nước hay tư nhân.

Theo Bộ trưởng Sunak, chế độ này sẽ áp dụng từ 1/3 và kéo dài trong 3 tháng với mức trần 2.500 bảng Anh/người/tháng (khoảng 2.900 USD). Biện pháp hỗ trợ lương của chính phủ sẽ áp dụng cho các công ty đã sa thải nhân viên vì COVID-19, yêu cầu các ông chủ phải tuyển những người này trở lại và chuyển họ sang chế độ nghỉ phép nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động kể cả khi chủ của họ không đủ khả năng để trả lương.

Ngoài ra, chính phủ Anh cũng có các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như: hoãn các khoản thanh toán thuế giá trị gia tăng của các công ty đến cuối tháng 6, hỗ trợ vay tiền mặt miễn lãi cho doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ gần 1 tỉ bảng cho những người đang gặp rắc rối trong việc trả tiền thuê nhà…

Pháp: sẵn sàng quốc hữu hóa các công ty lớn nhằm bảo vệ những công ty này khỏi bị phá sản.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông sẵn sàng quốc hữu hóa các công ty lớn nhằm bảo vệ những công ty này khỏi bị phá sản.

Theo ông Bruno Le Maire cho biết sẽ không chần chừ trong việc triển khai mọi biện pháp để bảo vệ các công ty lớn của Pháp. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc bơm vốn hoặc mua cổ phần, thậm chí quốc hữu hóa công ty trong trường hợp cần thiết.

Nhiều nước mạnh tay cắt giảm thuế và tung các gói hỗ trợ tỷ USD

Để cứu cánh cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhiều nước như Singapo, Hồng Kông, Trung Quốc… đã mạnh tay cắt giảm nhiều sắc thuế.

Bên cạnh những chính sách pháp luật kinh tế nhằm hỗ trợ, cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế trước nguy cơ cuộc suy thoái toàn cầu, nhiều nước còn liên tục tung ra các gói hỗ trợ hàng tỷ USD.

Điển hình như tại Australia, Quốc hội đã thông qua gói biện pháp kích thích kinh tế trị giá 84 tỷ AUD (49 tỷ USD) nhằm đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, tại phiên họp vào ngày 23/3, đảng Lao động đối lập đã cùng với liên minh cầm quyền bỏ phiếu thông qua hai gói hỗ trợ, gồm một gói trị giá 17,6 tỷ AUD và một gói trị giá 66 tỷ AUD. Ngoài ra, khoản dự phòng 40 tỷ AUD cũng đã được nhất trí để chi trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh.

Ở Hàn quốc, trong phiên họp thứ hai của Hội đồng kinh tế khẩn cấp Hàn Quốc hôm 23/3 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp lên 100.000 tỷ won (80 tỷ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo đó, chính phủ quyết định tăng nguồn quỹ đối phó với tình trạng khẩn cấp lên 100.000 tỷ won từ mức 50.000 tỷ won đã nhất trí trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng kinh tế khẩn cấp tuần trước. Kế hoạch 50.000 tỷ won nhất trí tuần trước nhằm hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, các cửa hàng kinh doanh nhỏ thông qua các khoản vay. Kế hoạch 100.000 tỷ won sẽ hỗ trợ cả các tập đoàn và công ty lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ kích hoạt lại quỹ bình ổn thị trường trái phiếu trị giá 20.000 tỷ won, tăng gấp đôi so với trị giá vào thời điểm quỹ được lập để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một quỹ bình ổn thị trường chứng khoán sẽ được lập có trị giá 10.700 tỷ won, cao hơn nhiều so với quỹ 500 tỷ won năm 2008.

Còn tại Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết sẽ tung gói kích thích kinh tế khổng lồ giá trị ít nhất 137 tỷ USD ứng phó tác động từ dịch COVID-19.
Phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản ngày 23/3, Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ chính phủ cần đưa ra các biện pháp kinh tế và tài chính lớn, có ảnh hưởng mạnh nhằm ứng phó với "đòn giáng" từ sự bùng phát của dịch COVID-19. Theo ông Shinzo Abe, tùy thuộc vào tình hình, Chính phủ Nhật Bản có thể đưa ra những gói cứu trợ có quy mô vượt quá những gói cứu trợ từng được đưa ra sau cuộc khủng hoảng Lehman Brothers.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng cho biết sẵn sàng tăng gói kích thích kinh tế vào tháng 4/2020, tháng thứ hai liên tiếp, nếu đại dịch COVID-19 dẫn tới sự cắt giảm việc làm và chi phí về tài sản cố định lớn, đe dọa tới viễn cảnh hồi phục kinh tế nước này.

Động thái này được xem là chung tay với những nỗ lực nhằm giảm bớt tác động đối với kinh tế Nhật Bản do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Liên minh Châu Âu đưa ra một loạt biện pháp

Điển hình ngày 21/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã phê chuẩn một đề xuất của Pháp để bảo đảm khoản viện trợ quốc gia lên tới 300 tỷ euro (323 tỷ USD) để giảm bớt những thiệt hại do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Theo bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách cạnh tranh của EC, Ủy ban này đã phê chuẩn 3 biện pháp mà Pháp đưa ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong nước ứng phó những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Bà Margrethe Vestager cho hay dự kiến sẽ có 300 tỷ euro hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, một tình huống chưa từng có từ trước đến nay.

Về phần Pháp, Bộ trưởng Tài chính Le Maire cảnh báo Pháp có khả năng đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm nay, và công bố gói hỗ trợ 45 tỷ euro (khoảng 50,22 tỷ USD) cho các doanh nghiệp và người lao động chịu tác động của dịch COVID-19.

Chủ tịch EC Bà Ursula Von der Leyen thông báo đình chỉ Hiệp ước Ổn định để kiểm soát tốt hơn tình trạng khẩn cấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó Italy có thể bơm thêm tiền vào nền kinh tế khi cần. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử EC kích hoạt đình chỉ Hiệp ước Ổn định.

Theo nhà lãnh đạo EC cho rằng dịch bệnh không có biên giới và các nước thành viên phải cùng nhau đối mặt với mối đe dọa này và EU sẽ mạnh hơn khi đoàn kết. EC sẽ áp dụng linh hoạt tối đa trong hỗ trợ các quốc gia và với việc tạm ngừng Hiệp ước Bình ổn, Chính phủ Italy có thể hỗ trợ các doanh nghiệp, thị trường lao động và đầu tư hơn nữa vào hệ thống y tế.

Khi một số quốc gia thành viên đã đóng cửa biên giới nội bộ, EU ngay lập tức thảo luận về các hành lang dành riêng cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết và thiết bị y tế trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19.

Văn Chiến (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Đại dịch Covid – 19: Các nước áp dụng những chính sách pháp luật đặc biệt nào để “cứu” kinh tế ?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin