Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung: Chỉ đọ sức, không dựa vào pháp lý

23/05/2019 06:38

(Pháp lý) - Những tín hiệu cứng rắn của cả Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất 2 thập kỷ đầu thế kỷ XXI đang khiến thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung chao đảo trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia kinh tế, bản chất của cuộc chiến này không dựa vào bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào, mà chỉ đơn thuần là sự "bất mãn lẫn nhau đơn thuần về kinh tế giữa 2 cường quốc".

 Ông Trump chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Ông Trump chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc)

Cơn giận dữ của ông Trump chiếm thế thượng phong

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/5 cho biết, đã bắt đầu các thủ tục cho việc áp thêm thuế quan lên 325 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra ngay trước khi các nhà đàm phán thương mại hai nước bắt đầu nỗ lực cuối cùng, để ngăn một đợt leo thang mới của cuộc chiến tranh thương mại gây nhiều hao tổn đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trong tuần này, hai bên không còn nhiều thời gian để đạt một thỏa thuận thương mại, trước khi một đợt áp thuế mới của Mỹ lên hàng Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Không để lãnh đạo Nhà Trắng đợi lâu sau tuyên bố, cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) ngay lập tức loan báo sẽ bắt đầu thu thuế 25% trên 200 tỷ đô la trị giá hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, bắt đầu từ 12 giờ 01 phút rạng sáng ngày 10/5/2019, thêm một bước kích hoạt kế hoạch tăng thuế do Tổng thống Trump đề nghị.

Trong thông báo hướng dẫn phát hành trên website của CBP, cơ quan này cho biết sẽ áp dụng thuế 25% lên trên 5700 hạng mục hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn trước đây bị đánh thuế 10%. Trừ khi bị thay đổi bởi chính quyền Trump, thông báo này là bước cuối cùng cần thiết để Mỹ bắt đầu thu mức thuế cao hơn lên hàng Trung Quốc.

Lời cảnh báo áp thêm thuế lên tới 325 tỷ USD hàng hóa nữa mà ông Trump đưa ra, đồng nghĩa với việc toàn bộ hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thuế. Nguyên nhân khiến ông Trump "nổi đóa", theo những gì ông nói trước đó, là Trung Quốc "phá thỏa thuận" trong quá trình đàm phán.

Trung Quốc cũng thể hiện một thái độ cứng rắn, tuyên bố sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ áp thêm thuế. Một động thái như vậy sẽ dẫn tới việc toàn bộ hàng hóa giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị tăng thuế, trong đó những mặt hàng tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính, quần áo, đồ chơi… được cho là sẽ bị đánh thuế nhiều nhất.

"Chúng tôi đã tiến rất gần đến một thỏa thuận thương mại, nhưng rồi họ bắt đầu tìm cách đàm phán lại. Chúng ta không thể chấp nhận điều đó", ông Trump nói ngay tại Nhà Trắng. Trước khi hai bên gặp nhau, ông Trump cáo buộc các lãnh đạo Trung Quốc đã vi phạm nội dung mà Mỹ đang đàm phán trong vấn đề thương mại. "Họ đã vi phạm thỏa thuận... Họ không thể làm vậy. Cho nên họ sẽ phải trả giá," ông Trump nói với các ủng hộ viên tại cuộc tập hợp ở Forida.

Như vậy, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ chỉ có khoảng 7 giờ đồng hồ để ngăn chặn điều đó xảy ra trong cuộc đàm phán. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, cho dù kết quả đàm phán như thế nào thì Mỹ cũng đang chiếm thế thượng phong trước Trung Quốc.

Chỉ là cuộc chơi của các cường quốc, không dựa vào pháp lý

Đã hơn một năm cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra nhưng các cuộc đàm phán hai bên đều chưa có được một kết quả hòa bình, mà càng leo thang. Theo GS Kinh tế Ethenweed tại Đại học Quốc tế Thụy Sỹ, bản chất của cuộc chiến này không dựa vào bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào, mà chỉ đơn thuần là sự "bất mãn lẫn nhau đơn thuần về kinh tế giữa 2 cường quốc".

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Dự báo, đến năm 2030, GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Song, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP của Trung Quốc hiện nay đã vượt Mỹ. Mỹ và Trung Quốc cũng là 2 cường quốc thương mại: Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu thứ nhì thế giới; Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu thứ nhì thế giới.

 Mỹ- Trung chỉ đọ sức, chứ không dựa vào pháp lý trong cuộc chiến tranh thương mại
Mỹ- Trung chỉ đọ sức, chứ không dựa vào pháp lý trong cuộc chiến tranh thương mại)

Những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa 2 siêu cường càng trở nên gay gắt trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ có dấu hiệu suy giảm, trong khi Trung Quốc đang bộc lộ tham vọng thay thế Mỹ ở vị trí thống lĩnh bàn cờ địa chính trị thế giới.

Các vấn đề sau đây được xem là những nguyên nhân cụ thể gây ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt từ sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, dẫn đến chiến tranh thương mại hiện nay. Thứ nhất, chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Trump.

Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch với mục tiêu “nước Mỹ trên hết” và “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Chính sách bảo hộ mậu dịch này không chỉ dẫn đến chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà còn dẫn đến xung đột thương mại với những nước được xem là đồng minh của Mỹ (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc) hay láng giềng gần của Mỹ (như Canada, Mexico). Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã rút khỏi hoặc yêu cầu đàm phán lại một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Mỹ đã ký kết hoặc đang thực thi.

Mặt khác, thâm hụt thương mại của Mỹ được xem là nguyên nhân trực tiếp gây căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Năm 2017, Mỹ nhập khẩu 506 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi chỉ xuất khẩu 131 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc. Như vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên đến 375 tỷ USD.

Đáng lưu ý là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc liên tục tăng từ khi Trung Quốc gia nhập WTO (từ 100 tỷ USD năm 2001 lên 375 tỷ USD năm 2017). Chính quyền Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Trung Quốc đáp trả rằng, để giảm thâm hụt thương mại, chính Mỹ cần tăng cường hoạt động xuất khẩu của mình.

Nhưng còn một nguyên nhân khác là tham vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới. Mặc dù thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc được xem là nguyên nhân bên ngoài của cuộc chiến tranh thương mại, song vấn đề cốt lõi của căng thẳng giữa hai nước, chính là Mỹ lo ngại về tham vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới.

Với mục tiêu trở thành nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, không phụ thuộc vào nhập khẩu các công nghệ then chốt từ các đối thủ cạnh tranh chính, Trung Quốc hiện đang đổ hàng tỷ USD vào chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025)" để tạo động lực phát triển các ngành công nghệ trọng yếu, trong đó có người máy, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, ô tô chạy điện, công nghệ Internet 5G.

"Với quan điểm hiện tại của chính quyền Tổng thống Trump, chỉ khi nào tất cả những vấn đề trên được giải quyết thì mới có thể chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, rất khó để có được một thỏa thuận cuối cùng làm vừa lòng cả hai" - GS Kinh tế Ethenweed nhấn mạnh.

Thực tế, trước cuộc đàm phán ngày 10/5 diễn ra, Bắc Kinh đã đáp ứng bằng việc mua các sản phẩm nông nghiệp lớn của Mỹ và cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu xe hơi do Mỹ sản xuất. Họ cũng đặt ra các luật và quy định mới trong nước để giải quyết vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường. "Nhưng nó vẫn diễn ra theo chiều hướng mà chúng ta đã thấy mấy hôm nay" - GS Ethenweed nói.

Đàm phán thất bại, Mỹ tăng thuế, Trung Quốc dọa trả đũa

Mỹ công bố danh sách 300 tỷ USD hàng Trung Quốc có thể bị áp thuế nhập khẩu 25%, có khả năng áp dụng từ ngày 24/6. Đây là động thái mạnh mẽ nhất từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, nó phát đi thông điệp rõ ràng về việc không nhượng bộ. Động thái từ phía Mỹ sẽ làm sâu sắc hơn mối xung đột Mỹ – Trung Quốc đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và khiến cho người ta lo lắng thêm về kinh tế toàn cầu. Trong tuyên bố mới nhất, Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố Trung Quốc bị buộc phải trả đũa tuy nhiên không nói cụ thể sẽ làm thế nào. Các diễn biến trên đã xảy ra sau khi các cuộc đối thoại giữa quan chức thương mại hàng đầu Trung Quốc và những người đồng cấp tại Washington không mang lại kết quả đột phá nào.

Nguyễn Hòa

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung: Chỉ đọ sức, không dựa vào pháp lý" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin