Từng bị kết án tử hình 2 lần vì tội gián điệp nhưng may mắn không phải chết, cựu điệp viên Triều Tiên Seo Ok Ryol phải trải qua 30 năm trong các nhà tù ở Hàn Quốc và phần lớn là bị biệt giam.
Năm nay đã 90 tuổi, cựu điệp viên Seo vẫn đau đáu tâm nguyện duy nhất là được trở về nhà ở Triều Tiên, nơi vợ và 2 người con của ông đang sinh sống trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Ông Seo vốn sinh ra ở Hàn Quốc và cha mẹ, anh chị em, họ hàng của cựu điệp viên Triều Tiên đều ở đây.
Tuy nhiên, riêng ông Seo đứng về phía Bình Nhưỡng từ khi là sinh viên và đã gia nhập quân đội Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên.
"Tôi không làm gì sai. Tôi yêu quê hương mình" - ông Seo chia sẻ về việc làm gián điệp và nhấn mạnh rằng, đối với ông cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều là quê hương.
Thuốc độc
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, cựu điệp viên Triều Tiên dù đã tuổi cao sức yếu nhưng đầu óc vẫn rất minh mẫn cho biết, khi cuộc chiến tranh tạm chấm dứt, ông theo chân quân đội về Bình Nhưỡng. Ông được kết nạp vào đảng Lao động cầm quyền của Triều Tiên và được phân công làm giáo viên trước khi được cử đi học trường gián điệp năm 1961.
"Tôi đã phải rời đi mà không được nói lời tạm biết với vợ mình", ông Seo kể.
Sau quá trình học tập, ông Seo được phái tới Hàn Quốc để chiêu mộ một quan chức chính phủ cấp cao ở Seoul có anh trai đang làm việc cho chính quyền Bình Nhưỡng.
Để vào Hàn Quốc, ông Seo đã vượt biên bằng cách bơi qua sông Yeomhwa. Tới Hàn Quốc, ông đoàn tụ với bố mẹ và các anh chị em mình đồng thời chuyển lá thư từ Bình Nhưỡng tới viên quan chức Seoul.
"Tôi đã báo cáo với các nhà chức trách rằng anh ấy đã chết trong cuộc chiến tranh", viên quan chức Hàn Quốc nói với Seo và từ chối hợp tác.
Tuy nhiên, viên quan chức này không tố cáo Seo với chính quyền Seoul. Việc công dân Hàn Quốc tiếp xúc trái phép với Triều Tiên theo luật có thể bị trừng phạt nặng. Như vậy là nhiệm vụ của Seo đã thất bại. Ông ở Hàn Quốc thêm 1 tháng chờ được đón về Triều Tiên.
Tuy nhiên, do ông đến điểm đón muộn nên bị kẹt lại. Ông Seo quyết định bơi qua sông để về Triều Tiên nhưng không đủ sức nên bị sóng đánh trôi vào bờ và bị lính thủy đánh bộ Hàn Quốc bắt giữ.
"Là một gián điệp, bạn được huấn luyện để tự sát bằng vũ khí hoặc nuốt thuốc độc. Nhưng tôi đã không có đủ thời gian để tự sát", ông Seo nói.
Bản án tử hình
Seo cho biết, sau khi bị bắt, ông bị thẩm vấn nhiều tháng trời, bị đánh đập, tra tấn và không được ăn ngủ. Sau đó, một tòa án quân sự kết án ông tử hình vì tội gián điệp.
Seo bị biệt giam, ăn uống kham khổ với chỉ một bát cơm nhỏ và củ cải mặn. Ông đã chứng kiến nhiều điệp viên Triều Tiên khác bị treo cổ.
Năm 1963, Seo may mắn được giảm án vì ông đã không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, năm 1973, ông lại bị tuyên án tử hình 1 lần nữa vì cố gắng chiêu mộ một tù nhân khác trung thành với Triều Tiên.
Gia đình của Seo đã phải bán nhà để trang trải các chi phí pháp lý để cứu con. Tuy nhiên, chính quyền Seoul chỉ chấp nhận giảm án cho Seo nếu ông chấp nhận từ bỏ Triều Tiên. Seo không đồng ý, lập trường của ông vẫn vững vàng ngay cả khi mắt trái của ông bị mù.
"Họ thuyết phục tôi đổi đảng, hứa hẹn rằng, họ sẽ cho phép tôi đi chữa mắt, nhưng tôi từ chối. Kể cả khi mất đi đôi mắt, tôi vẫn trung thành với niềm tin của mình. Lập trường chính trị còn quý hơn cuộc sống của tôi", ông Seo.
Thỏa hiệp
Sau 30 năm ở tù, ông Seo chấp nhận thỏa hiệp năm 1991 và hứa sẽ tuân thủ luật pháp Hàn Quốc. Sau đó ông được trả tự do và chuyển đến thành phố Gwangju, gần nơi anh chị em, họ hàng sinh sống.
Ông vẫn trung thành với Triều Tiên, ca ngợi đó là một xã hội bình đẳng. Ông bác bỏ các cáo buộc của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên nhấn mạnh rằng, Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình tên lửa hạt nhân là nhằm để bảo vệ chính mình khỏi Mỹ.
Vài năm sau khi Seo được thả, một phụ nữ Hàn Quốc sống tại Đức đã tới thăm ông và tiết lộ rằng, vợ và các con trai ông ở Triều Tiên vẫn còn sống. Tuy nhiên, người này khuyên ông không nên liên lạc với vợ con vì sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của các con trai ông.
Cựu điệp viên Triều Tiên đã không tái hôn mà dành hết công sức để tìm cách trở về Triều Tiên. Hiện 25 nhóm hoạt động đang cố gắng kiến nghị để giới chức trách Hàn Quốc cho phép ông Seo được trở về Triều Tiên.
Khi được hỏi, ông sẽ nói gì với vợ nếu đoàn tụ, cựu điệp viên Triều Tiên chia sẻ: "Tôi muốn nói - cảm ơn bà vì vẫn còn sống. Tôi lúc nào cũng nhớ bà. Tôi chưa từng mong muốn chúng ta bị chia cách quá lâu như thế này".
Theo Danviet