Xử lý lại vụ án hình sự theo yêu cầu của tòa nhìn từ một số đại án kinh tế, tham nhũng

Xử lý lại vụ án hình sự thông thường theo một số thủ tục tố tụng hình sự như: điều tra lại, điều tra bổ sung hoặc xét xử lại và chỉ được thực hiện khi có một trong các quyết định: trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại hoặc hủy án để xét xử lại. Gần đây, cơ quan tố tụng đã phải áp dụng các thủ tục trên đối với một số đại án kinh tế, tham nhũng đáng chú ý.

Vụ Huỳnh Thị Huyền Như tại Vietinbank: từ hủy một phần bản án để điều tra lại cho đến trả hồ sơ điều tra bổ sung

Vào tháng 1/2014, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ xảy ra tại Vietinbank đã được đưa ra xét xử lần đầu. Huỳnh Thị Huyền Như bị TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên án tù chung thân cho tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 6 năm tù cho tội làm giả con dấu của cơ quan tổ chức. Tuy nhiên đến tháng 2/2015, phần bản án liên quan đến 1.085 tỷ đồng của một số khách hàng (Công ty Phương Đông, Công ty Hưng Yên, An Lộc, SBBS, Hoàn Cầu) đã mở tài khoản tại Vietinbank bị Huyền Như chiếm đoạt đã bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên hủy để điều tra lại, do thấy có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản.

Theo quyết định này, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao cho rằng, Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chuyển hơn 1.085 tỷ đồng ra khỏi hệ thống gửi tiền của Vietinbank rồi chiếm đoạt. Hành vi này đã phạm vào tội tham ô tài sản (tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 278 Bộ luật hình sự) chứ không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như Viện KSND tối cao đã truy tố.

 Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 khách hàng đã phải trải qua 1 lần điều tra lại và điều tra bổ sung
Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 khách hàng đã phải trải qua 1 lần điều tra lại và điều tra bổ sung)

Từ đó, Tòa Phúc thẩm TANDTC cũng đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác minh tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với số tiền các đơn vị gửi tại Vietinbank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Trong giai đoạn 2 của vụ án, đối với số tiền 1.085 tỷ, Cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao xác định Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các khách hàng này ngay từ khi họ chưa gửi tiền vào Vietinbank. Bằng cách thỏa thuận cho hưởng lãi suất vượt trần, Huyền Như đã “dụ” được 5 công ty gửi tiền vào ngân hàng này. Sau đó, cô ta lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản và dùng quyền trưởng phòng giao dịch để chuyển tiền sang tài khoản của mình, chiếm đoạt số tiền trên.

Theo đó, VKSND Tối cao đã đưa ra kết luận điều tra lại: Xét cả quá trình từ khi hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như vẫn chỉ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với số tiền trên và không đủ căn cứ truy tố Huyền Như về tội Tham ô tài sản như bản án phúc thẩm đặt ra.

Sau khi có kết luận điều tra lại, ngày 15/5/2017, TAND TP. Hồ Chí Minh thụ lý lại vụ án. Qua nghiên cứu hồ sơ, cơ quan này lại tiếp tục có quyết định tiếp tục trả hồ sơ, đề nghị VKSND Tối cao điều tra bổ sung vì TAND TP.HCM cho rằng hành vi của Huyền Như là tham ô tài sản chứ không phải lừa đảo. Hiện vụ án đang được Viện KSND tối cao điều tra bổ sung theo thẩm quyền

Vụ Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn tại Oceanbank: trả hồ sơ điều tra bổ sung và khởi tố bổ sung vụ án

Tháng 5/2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank) và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) về tội Tham ô tài sản. Đồng thời CQĐT cũng ra các Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can từ tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm và các đồng phạm liên quan.

Trước đó, vào tháng 2/2017, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố về ba tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Một trong những vấn đề tòa yêu cầu điều tra làm rõ là việc Nguyễn Xuân Sơn có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, tổ chức chỉ đạo những hoạt động trái pháp luật để chiếm đoạt số tiền 246 tỉ đồng của Oceanbank. Tuy nhiên Viện KSND tối cao lại truy tố Nguyễn Xuân Sơn về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là chưa chính xác.

Mới đây, trong kết luận điều tra bổ sung vụ án, CQĐT nhận định: Trong việc làm thất thoát hơn 1.500 tỷ đồng của Oceanbank, hai bị can đã có hành vi Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt số tiền 246,6 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn khi đó với chức vụ là TGĐ, ủy viên HĐQT Oceanbank và đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng, đã cùng Hà Văn Thắm bàn bạc và chi lãi suất ngoài hợp đồng. Mặc dù từ tháng 5/2011, Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển về PVN nhưng Sơn vẫn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu (TGĐ mới) tiếp tục chăm sóc một số khách hàng là doanh nghiệp của PVN. Từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2014, bị can Nguyễn Xuân Sơn đã nhận số tiền 246,6 tỷ đồng từ Oceanbank rồi chiếm đoạt số tiền này. Hà Văn Thắm cũng đã thừa nhận có chi 246,6 tỷ đồng do đã có thỏa thuận với Nguyễn Xuân Sơn về việc chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng thuộc nhóm dầu khí. Còn việc Nguyễn Xuân Sơn sử dụng số tiền này như thế nào, Cựu Chủ tịch Oceanbank không hay biết.

Theo CQĐT, trong việc chiếm đoạt 246,6 tỷ đồng, bị can Nguyễn Xuân Sơn đã phạm hai tội Tham ô tài sản hơn 49,3 tỷ đồng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản hơn 197 tỷ đồng. Trong đó, CQĐT xác định Hà Văn Thắm giữ vai trò đồng phạm.

Sau quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đã bị CQĐT khởi tố thêm về tội Tham ô tài sản
Sau quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đã bị CQĐT khởi tố thêm về tội Tham ô tài sản)

Vụ Trần Ứng Thanh tại dự án “giãn dân phố cổ”: hủy án để xét xử lại

Liên quan đến vụ lừa đảo trong dự án giãn dân phố cổ xảy ra tại Công ty cổ phần vật liệu xây dựng & xuất nhập khẩu Hồng Hà, vào tháng 4/2017, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để xét xử lại do nhận thấy bản án sơ thẩm, phúc thẩm tuyên bị cáo Trần Ứng Thanh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa chính xác và theo đó, không bảo đảm đúng quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại.

Trước đó, vào năm 2014 và 2015, bị cáo Trần Ứng Thanh, sinh năm 1947, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hà cùng một số đồng phạm khác bị đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo nội dung vụ án, vào năm 2010 Công ty Hồng Hà được UBND quận Hoàn Kiếm giao thu xếp vốn, chuẩn bị thực hiện dự án “Giãn dân phố cổ Hà Nội”. Tuy nhiên, khi dự án chưa được phê duyệt, Công ty Hồng Hà đã rao bán căn hộ thuộc dự án và ngấm ngầm ký hợp đồng góp vốn với 40 khách hàng, nhận đặt cọc với 104 lượt người với tổng số tiền hơn 169 tỷ đồng. Số tiền trên đã được Trần Ứng Thanh và các đồng phạm sử dụng hết còn dự án thì vẫn không thấy đâu.

Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều tuyên hình phạt tù chung thân đối với Trần Ứng Thanh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu Trần Ứng Thanh cùng các đồng phạm phải trả lại tiền cho các bị hại.
Ngày 10 – 14/4/2017, trong phiên họp tháng 4 để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với 15 vụ án thuộc thẩm quyền trong đó có bản án phúc thẩm số 31/2015 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã xét xử Trần Ứng Thanh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐTP TAND Tối cao nhận định: Đối với các hoạt động của pháp nhân, với tư cách là người đại diện hợp pháp của pháp nhân, nhân danh pháp nhân để thực hiện thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả pháp lý của hành vi của người đại diện pháp nhân đó để thực hiện. Đồng thời, người nhân danh pháp nhân nếu có vi phạm các quy chế của pháp nhân thì phải bồi thường thiệt hại cho pháp nhân.

Tuệ Lâm Vụ án Trần Ứng Thanh tại dự án “giãn dân phố cổ” đã bị TAND Tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để xét xử lại
Vụ án Trần Ứng Thanh tại dự án “giãn dân phố cổ” đã bị TAND Tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để xét xử lại)

Những người dân ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc, mua bán căn hộ với Công ty Hồng Hà là hợp pháp, họ ký với những người có trách nhiệm trong công ty, có hóa đơn, chứng từ, có đóng dấu của công ty. Bị cáo Trần Ứng Thanh trong vụ án này đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt số tiền mà công ty Hồng Hà có được từ hợp đồng góp vốn của các cá nhân. Vì vậy, HĐTP TAND Tối cao đã hủy các bản án phúc thẩm, sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại.

Như vậy, các vụ án kinh tế, tham nhũng nói trên đều bị Tòa yêu cầu xử lý lại theo một số thủ tục tố tụng hình sự: trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại hoặc hủy án để xét xử lại. Đồng thời lý do mà Tòa án đưa ra cho các quyết định xử lý lại vụ án cũng có điểm tương đồng: xác định tội danh chưa chính xác. Trong bài kế tiếp, Pháp lý sẽ đi sâu tìm hiểu và làm rõ hơn những vấn đề pháp lý như: khi nào thì vụ án phải áp dụng các thủ tục hủy án để điều tra lại, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay hủy án để xét xử lại? Nguyên nhân sâu xa dẫn đến quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng về vấn đề tội danh trong các đại án kinh tế, tham nhũng là gì và giải pháp nào giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, hiệu quả, tránh phải xử lý lại nhiều lần mà vẫn đúng luật, đúng sự thật, không oan sai, không bỏ sót tội phạm?

Tuệ Lâm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin