(Pháp lý) - Như Pháp lý kỳ phát hành cuối tháng 4/2016 đã thông tin, vụ 2 chủ thể tranh chấp quyền góp vốn kinh doanh vận tải ở TP. Qui Nhơn- Bình Định cho thấy có dấu hiệu nguyên đơn lừa dối bị đơn để trốn tránh nghĩa vụ góp vốn. Sau nhiều lần hòa giải bất thành, mới đây Tòa án TP. Quy Nhơn chính thức đưa vụ án ra xét xử , nhưng Bản án vừa tuyên đã bị kháng cáo…
Dấu hiệu khuất tất của “Giấy nhận nợ góp vốn” ?
Trước tòa và trong Đơn khởi kiện, ông Đồng Văn Thân đều cho rằng việc ông cho ông Hồ Phú Quốc mượn số tiền 670 triệu đồng là có thật. Tuy nhiên ngoài bằng chứng duy nhất là Giấy nhận nợ góp vốn xe được xác lập vào ngày 25/12/2014 do ông Thân soạn sẵn và ông Quốc đặt bút ký, ông Thân không cung cấp được một chứng từ nào khác để chứng minh ông Quốc đã nhận tiền của mình. Giải thích về lý do cho ông Quốc mượn số tiền hơn nửa tỷ đồng, ông Thân cho biết “vì lý do ông Quốc không có tiền nên ông đã cho ông Quốc mượn số tiền 670 triệu đồng để thực hiện phần vốn góp của mình đúng theo thỏa thuận của hai bên” ?.
Giải thích trên của ông Thân theo ông Quốc là không thuyết phục. Bởi tại thời điểm xác lập Giấy nhận nợ góp vốn, ông Thân chưa nộp được một đồng nào, trong khi ông Quôc đã trả cho Cty TNHH Sang Trang (DN bán xe) số tiền được 540 triệu đồng. Mặt khác, nộp tiền góp vốn đó là nghĩa vụ phải thực hiện theo thỏa thuận của hai bên, thế nhưng trong lúc ông Thân chưa góp được một đồng nào mà lại “rộng rãi” cho ông Quốc mượn số tiền 670 triệu đồng để thực hiện phần vốn góp của mình là điều bất thường.
“Lúc đó trước đề nghị đột ngột của ông Thân tôi đã do dự không ký, nhưng ông Thân cố nài nỉ và thuyết phục, rằng sau khi ngân hàng giải ngân đủ thì tôi sẽ được Cty Sang Trang làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản cho tôi, khi đó nếu tôi có trở mặt thì ông Thân sẽ không đòi lại được số tiền đã góp” – ông Quốc giải thích về lý do ký vào Giấy nhận nợ góp vốn.
Như vậy có căn cứ để xác định ý chí của ông Quốc ký vào Giấy nhận nợ chỉ mới là xác nhận ông Thân đồng ý góp vốn mua xe với số tiền 670 triệu đồng.
Tuy nhiên theo Tòa sơ thẩm có đủ căn cứ để công nhận đó là một hợp đồng vay tài sản, theo đó buộc ông Quốc phải có nghĩa vụ trả nợ vay cho ông Thân theo quy định tại Điều 471 và Điều 474 Bộ luật Dân sự.
Trao đổi với PV, Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong trường hợp này, lẽ ra Tòa tuyên bố Giấy nhận nợ góp vốn bị vô hiệu do bị lừa dối theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự mới phù hợp.
Có dấu hiệu “hợp lý hóa” chứng từ thu ?
Ngoài khoản tiền 400 triệu đồng đã thực nộp vào tài khoản Cty Sang Trang (theo ủy nhiệm chi lập ngày 05/01/2015 chuyển từ Agribank Chi nhánh TP. Quy Nhơn), ông Thân còn cho biết đã nộp trực tiếp tại Công ty này số tiền mặt 140,8 triệu đồng (gồm 02 Phiếu thu không số lập ngày 16/01/2015 có số tiền 30 triệu và lập ngày 26/01/2015 có số tiền 110.800.000 đồng).
Cũng như Giấy nhận nợ góp vốn, ngoài 2 Phiếu thu, cơ sở để công nhận lời khai trên của ông Thân là có căn cứ, Tòa chỉ viện dẫn được mỗi chứng cứ là bà Lê Thị Mỹ Dung – Giám đốc Công ty TNHH Sang Trang đã xác nhận ông Thân có nộp tiền. Trong khi đó, hàng loạt các mâu thuẫn khác mà lẽ ra cần phải khai thác làm rõ nhưng không được HĐXX xem xét. Cụ thể là:
Tại Đơn khởi kiện ngày 19/5/2015, ông Thân cho biết vốn góp đối ứng mỗi bên đã hình thành là 580 triệu đồng tiền mặt. Tuy nhiên nếu cộng dồn 3 chứng từ mà ông Thân đã cung cấp cho Tòa tại thời điểm khởi kiện có số tiền chỉ có 540,8 triệu đồng. Cùng với 1,1 tỷ đồng đã góp tiền mặt của ông Quốc thì số tiền cộng lại của 2 bên góp được sẽ “đội” lên 1.640,8 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền mặt phải nộp theo thỏa thuận tại 2 Hợp đồng mua bán xe ô tô được xác lập là 1,5 tỷ đồng, tăng hơn 140,8 triệu đồng là bất thường.
Nguyên tắc kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2003 các khoản phát sinh thu chi của doanh nghiệp phải được thu thập, phản ánh đầy đủ và đúng kỳ kế toán trong sổ kế toán và phải được ghi nhận liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ. Do đó sẽ là thuyết phục nếu như Tòa sơ thẩm không bỏ qua mà làm rõ các khoản thu phát sinh trong 2 ngày 16/01/2015 và 26/01/2015 của Công ty Sang Trang đã được ghi nhận trong sổ kế toán của Công ty Sang Trang.
Cũng theo Luật Kế toán 2003 (Điều 17 và 20), quy định về chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ khi đáp ứng đủ các nội dung: “Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký... Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký”. Thế nhưng tại 2 Phiếu thu nói trên của Công ty Sang Trang lập gần như bỏ trống toàn bộ các thông tin bắt buộc, đặc biệt các vị trí thủ quỹ, kế toán trưởng và giám đốc không hề có chữ ký và họ tên của các chức danh này và cũng không có con dấu pháp nhân của doanh nghiệp.... Mặt khác, ông Quốc là người đứng tên giao dịch trong các hợp đồng mua bán ô tô với Công ty Sang Trang, như vậy việc ông Thân nộp tiền trực tiếp cho Công ty chỉ có giá trị và phù hợp với thực tế khi được ông Quốc ủy quyền.
Việc đánh giá chứng cứ có phần phiến diện chưa khách quan của Tòa sơ thẩm càng tăng thêm hoài nghi có sự thông đồng giữa Công ty Sang Trang với ông Thân nhằm để giúp ông Thân hợp thức hóa hành vi trốn tránh nghĩa vụ góp vốn, với số tiền 140,8 triệu đồng.
Cần xem xét lại tính khách quan của bản án
Như vậy việc góp vốn của ông Thân có dấu hiệu không trung thực nhằm để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, nếu các chứng cứ trên được làm rõ và có căn cứ thì hai Văn bản thỏa thuận tài sản chung được Phòng Công chứng A&B xác lập (vào ngày 27/12/2014 và ngày 24/02/2015) đương nhiên sẽ bị vô hiệu vì đã vi phạm Điều 4 của chính Văn bản này và Điều 410 Bộ luật Dân sự.
Mặt khác, tại Điều 2 của các Văn bản thỏa thuận chung còn ghi rõ: “Hai bên có nghĩa vụ thực hiện đăng ký quyền sở hữu chung đối với tài sản nêu trên tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (khi có điều kiện)”. Điều đó được hiểu là quyền sở hữu chung của ông Thân và ông Quốc tính đến thời điểm phát sinh tranh chấp vẫn chưa được pháp luật công nhận theo quy định tại Điều 215 Bộ luật Dân sự. Theo luật sư Bùi Phú Tuyên, “việc Tòa sơ thẩm vận dụng Điều 224 Bộ luật Dân sự để thực hiện việc chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung, buộc ông Quốc phải có nghĩa vụ trả lại cho ông Thân số tiền 400 triệu đồng khi quyền sở hữu chung chưa được công nhận là thiếu căn cứ”.
Điều 424, 425, 426 Bộ luật Dân sự quy định: “Hợp đồng dân sự chấm dứt khi đã được hoàn thành; theo thỏa thuận của các bên; hoặc bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện… nhưng bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại”. Đối chiếu với quy định của pháp luật và quá trình góp vốn cho thấy ông Thân là người có lỗi. Trong khi đó theo ông Quốc, kể từ khi đưa các phương tiện vào khai thác, do bị ảnh hưởng kiện tụng, thị trường vận tải cạnh tranh gay gắt… nên việc kinh doanh gặp khó khăn, dẫn tới thua lỗ nặng nề nhưng ông Thân đã bỏ mặc, không chia sẻ rủi ro.
Từ những căn cứ trên, theo luật sư Tuyên, việc Tòa sơ thẩm buộc ông Quốc phải trả lại tiền cho ông Thân, chấp nhận để ông Thân giữa đường được rút lại để lại một mình ông Quốc phải gánh lấy hậu quả là trái với quy định của pháp luật về dân sự. Do đó Bản án sơ thẩm cần được cấp tòa phúc thẩm xem xét lại một cách khách quan, công tâm./.
Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về đánh giá chứng cứ: “Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định giá trị pháp lý của từng chứng cứ”
NHÓM PV MT&TN