Vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em: Xử treo là quá nhẹ

Nhiều cơ quan đã lên tiếng đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm…

Xung quanh vụ TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc thẩm giảm án, cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy hưởng án treo về tội dâm ô đối với trẻ em, ngày 14-5, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Hiến cho biết có theo dõi thông tin bình luận trái chiều về phiên xử trên báo đài và mạng xã hội.
VKS tỉnh: Chờ bản án để đề nghị cấp trên kháng nghị

Theo ông Hiến, HĐXX tại phiên tòa phúc thẩm là độc lập, căn cứ theo chứng cứ và kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa để đưa ra phán quyết. Hiện TAND tỉnh đang hoàn tất bản án và sẽ có báo cáo về vụ việc gửi TAND Tối cao.

Còn theo thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm), ông cùng các thành viên trong HĐXX đã báo cáo về vụ án với lãnh đạo tòa. “Tôi xin không bình luận về vụ án để tránh dư luận suy diễn thêm” - ông Thiện nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Long (Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: Quan điểm của VKSND tỉnh tại phiên xử phúc thẩm là đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan và y án ba năm tù đối với bị cáo Thủy. Sau phiên xử phúc thẩm, VKSND tỉnh đã có báo cáo gửi viện trưởng VKSND Tối cao về kết quả xét xử phúc thẩm bởi đây là một vụ án dư luận đặc biệt quan tâm, VKS đề nghị vậy nhưng HĐXX tuyên khác.

Về việc đề nghị giám đốc thẩm, ông Long cho biết VKSND tỉnh phải chờ TAND tỉnh có bản án chính thức mới có căn cứ làm báo cáo gửi VKSND Cấp cao tại TP.HCM để đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án.

Ông Nguyễn Đình Trung (Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM) cũng cho biết đã yêu cầu VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lên để VKSND Cấp cao tại TP.HCM nghiên cứu.

“Mấu chốt vấn đề là TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng bị cáo Thủy chỉ có hành vi dâm ô đối với một bé gái, còn bé gái thứ hai không có chứng cứ buộc tội. Tuy nhiên, vụ án không chỉ có lời khai duy nhất của cháu bé mà còn có lời khai của nhân chứng. Do đó chúng tôi đang yêu cầu VKS tỉnh này báo cáo và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lên VKSND Cấp cao. Lúc đó chúng tôi mới có cơ sở để xem xét có ban hành kháng nghị hay không” - ông Trung nói.

 Bị cáo Thủy tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: KL
Bị cáo Thủy tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: KL)

Ủy ban Tư pháp đề nghị kiểm tra

Cũng trong ngày hôm qua, nhiều cơ quan đã lên tiếng về vụ án gây bức xúc dư luận này.

Tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Trước việc TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giảm án và cho bị cáo Thủy hưởng án treo, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có văn bản đề nghị xem xét lại bản án vì trong bối cảnh hiện nay, việc xâm hại trẻ em gái diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Theo phản ánh của cử tri, ông Thủy phạm tội nhiều lần với nhiều người và trước phiên tòa thì thái độ có vấn đề nhưng bản án phúc thẩm chưa thuyết phục khiến dư luận dậy sóng.

“Chúng tôi đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao có ý kiến theo thẩm quyền. Dư luận đặt vấn đề trong trường hợp áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như là cán bộ ngân hàng, là đảng viên, tuổi cao thì mức án cũng không thể giảm từ ba năm tù xuống thành 18 tháng tù cho hưởng án treo được. Theo tôi, việc giảm án vậy là không đúng. Nếu lớn tuổi, từng là đảng viên thì phải gương mẫu” - bà Nga nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Hải (Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội) cũng cho rằng vụ xét xử này đang trong quá trình tố tụng nên đại biểu tôn trọng cơ quan tư pháp. “Nhưng chúng tôi muốn gửi gắm cơ quan tư pháp xử lý đúng với bản chất, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Hiện nay cử tri thắc mắc và gọi điện nhiều cho tôi” - bà Hải nói.

Chiều 14-5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đã chủ trì cuộc họp cùng đại diện lãnh đạo đơn vị Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Cục Bảo vệ trẻ em liên quan đến việc kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ án gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tại cuộc họp, bà Hà cho hay đối với các hành vi xâm hại trẻ em, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm. Ngay trong vụ án này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em, đã có ý kiến với lãnh đạo Bộ về việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ trẻ em.

Ngay sau khi nhận thông tin về kết quả phiên xử phúc thẩm, ngày 11-5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trao đổi và kiến nghị với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về kết quả xét xử vụ xâm hại trẻ em rất nghiêm trọng này. Bộ trưởng đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao chỉ đạo xem xét đảm bảo việc xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là bảo vệ các quyền của trẻ em.

Đảng viên không phải là tình tiết giảm nhẹ

HĐXX phúc thẩm cho rằng bị cáo Thủy là người già phạm tội, là đảng viên và có nhiều cống hiến cho ngành ngân hàng nên cần áp dụng các tình tiết để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Về tình tiết “là đảng viên” mà HĐXX nêu, cả BLHS cũ lẫn BLHS hiện hành đều không quy định đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Các văn bản hướng dẫn dưới luật cũng không hề hướng dẫn đây là tình tiết giảm nhẹ. Cạnh đó, trong thực tiễn xét xử, các tòa cũng không áp dụng tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ. Do đó, việc HĐXX áp dụng tình tiết này là không phù hợp bởi trước pháp luật mọi người đều bình đẳng.

Luật sư NGUYỄN NAM HOÀNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cho hưởng án treo là không đúng

Việc HĐXX phúc thẩm cho ông Thủy hưởng án treo là trái với hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo đó, khi xem xét, quyết định cho người bị án phạt tù được hưởng án treo cần lưu ý không áp dụng án treo cho tội phạm bị dư luận xã hội lên án để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung.

Trong khi đó, đây là vụ án mà dư luận đặc biệt quan tâm. Tội phạm dâm ô trẻ em hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận nên việc áp dụng án treo vừa không đúng hướng dẫn vừa không nghiêm minh.

Luật sư HOÀNG VĂN LÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

TAND Tối cao rút hồ sơ xem xét

Ngày 14-5, TAND Tối cao đã yêu cầu phòng nghiệp vụ rút hồ sơ vụ bị cáo Thủy dâm ô đối với trẻ em mà TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa xử phúc thẩm để xem xét.

Theo đại diện TAND Tối cao, sau khi báo chí đăng thông tin về bản án phúc thẩm tuyên giảm án cho bị cáo Thủy từ ba năm tù giam xuống còn 18 tháng tù treo thì tòa yêu cầu rút hồ sơ lên để xem xét và đánh giá toàn diện vụ án. Việc giảm án của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khiến dư luận đặt câu hỏi về căn cứ giảm án với bị cáo. Nếu có đủ căn cứ rằng bản án phúc thẩm có sai sót thì TAND Tối cao sẽ kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật.

Theo PLO

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin